Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ hai, 29/04/2024 | 15:04

Thứ hai, 29/04/2024 | 15:04

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 09:12 ngày 20/02/2019

Phạm Ngọc Thuận, “hạt giống” của phong trào Lao động giỏi, lao động sáng tạo

Công ty CP xi măng Bỉm Sơn, tiền thân là Công ty Xi măng Bỉm Sơn – doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam, được thành lập năm 1993 trên cơ sở hợp nhất Công ty kinh doanh vật tư số 4 và Nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Đến năm 2006, công ty chính thức cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn. Trải qua hơn 26 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn đã sản xuất và tiêu thụ hơn 27 triệu tấn sản phẩm và Xi măng Bỉm Sơn - nhãn hiệu Con Voi đã trở thành niềm tin của người sử dụng - sự bền vững của những công trình. Công ty đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Ba.
Là “thành viên” của Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam – nơi có phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật rất phát triển, Xi măng Bỉm Sơn cũng có rất nhiều tên tuổi được “xếp hạng” trong danh mục những người lao động giỏi thuộc Tổng Công ty. Phạm Ngọc Thuận cũng là một cái tên được nhiều người nhắc tới với bảng thành tích khá ấn tượng: 5 năm (2012-2016) có tới 9 sáng kiến được công nhận và được CĐXDVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2017.
Sinh năm 1977, Phạm Ngọc Thuận trông rất chững chạc, chín chắn “tứ thập nhi bất hoặc”. Là Phó quản đốc xưởng Bột liệu, Ngọc Thuận luôn trăn trở làm sao để dây chuyền sản xuất được vận hành liên tục, giảm sự cố, tăng độ bền của máy cũng như tăng năng suất lao động tạo điều kiện để các thành viên trong tổ tăng thu nhập. Lãnh đạo Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn xác định, trong bối cảnh sản xuất gặp nhiều khó khăn do cung vượt quá cầu, việc hạ giá thành sản phẩm là rất cần thiết để nhằm tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Là một thành viên của Xi măng Bỉm Sơn, Thuận đã cố gắng, nỗ lực hết mình lao động và sáng tạo, góp phần thực hiện chủ trương chung của lãnh đạo Công ty. Với những sáng kiến của mình, Thuận đã góp phần làm lợi cho công ty nhiều tỷ đồng. Cụ thể, sáng kiến “Sàn chắn liệu cửa đổ từ cào đá 22-11 xuống băng tải 22-12”, năm 2012. Sáng kiến này được ra đời trong bối cảnh điểm rót liệu từ máy cào rút đá vôi 22-11 xuống băng 22-12 bị lệch, thường xuyên gây lỗi lệch băng, băng tải dừng sự cố nhiều lần, sản xuất gián đoạn, tuổi thọ của băng thấp, để khắc phục, Thuận cho lắp thêm lưới sàng thép phân phối giàn đều nguyên liệu và sàng loại vật liệu lạ xuống băng tải 22-12. Nhờ sáng kiến này, dây chuyền sản xuất vận hành ổn định, liên tục, giảm sự cố rách, đứt băng, tăng tuổi thọ băng tải 22-11. Sáng kiến thứ 2, “Cải tiến mác thép và cơ tính quả búa - Máy đập sét 21.1-03”, năm 2013. Trước khi có sáng kiến này, tuổi thọ búa đập sét thấp, 1 bộ búa sản xuất được khoảng 4,5 tháng, thiêu thụ điện năng cao, thời gian dừng sửa chữa nhiều, chi phí sửa chữa cao. Sau khi nghiên cứu, Thuận đã chế tạo thay đổi mác thép từ CSNG W S4 (DIN) đạt độ cứng 34÷44HRc sang mác thép hợp kim Crome Niken có độ cứng, khả năng chịu mài mòn cao hơn, đạt 48÷50HRc. Việc thay thế này giúp tuổi thọ của búa đập mới đạt 20 tháng sản xuất, bằng 4,5 tuổi thọ búa cũ, giảm tiêu hao điện năng cho đập sét, giảm chi phí do phải thay và đảo búa đập, giúp làm lợi cho công ty 893 triệu đồng. Sáng kiến thứ 3 “Lắp đặt băng tiếp liệu tấm rút clinker đáy si lô số 8 thay cho băng tải cao su hiện có”, năm 2014. Sáng kiến này được ra đời khi nhiệt độ clinker của dây chuyền lò nung số 2 thường xuyên quá nóng, trên 200◦C và chưa thể khắc phục được trong ngắn hạn. Đây là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ băng tải cao su do quá nhiệt, băng tải phải thay thế nhiều lần trong năm. Tận dụng vật tư, thiết bị dư thừa Dự án Cảng Lén, Thuận thiết kế cải tạo băng tiếp liệu tấm tháo rút clinker đáy si lô số 8, lắp đặt thay thế cho băng tải cao su cũ. Nhờ đó đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất liên tục, không phải dừng để sửa chữa thay thế băng tải cao su, giảm chi phí sửa chữa thường xuyên và giảm thời gian sửa chữa, giúp công ty làm lợi 102 triệu đồng. Không chỉ có vậy, tính đến hết năm 2016, Thuận có thêm 6 sáng kiến nữa, đó là: “Thay đổi chiều dày gờ bàn nghiền liệu LM56.4”, năm 2014; “Cải tiến gối đỡ dưới trục rô to phân ly máy nghiền liệu LM56.4”, năm 2014; “Giảm động năng của dòng liệu từ băng tải 22-09 xuống máy rải đá vôi 22-10”, năm 2015; “Băng tải vận chuyển đá vôi từ băng tải 22-07 tới công trình 715-15”, năm 2015; “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo trong nước và lắp đặt rô to quạt lọc bụi tĩnh điện 37.1-07”, năm 2015; “Chế tạo, lắp đặt dao gạt liệu máy cào đá 22-11”, năm 2016… Giá trị làm lợi của các sáng kiến này lên tới con số mấy tỷ đồng. Với những thành tích đạt được Phạm Ngọc Thuận đã trở thành “hạt giống” trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn./.
PV
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 4
  • 5
  • 9
  • 6
  • 8
lên đầu trang