Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ ba, 19/03/2024 | 10:18

Thứ ba, 19/03/2024 | 10:18

Lịch sử truyền thống

Những dấu ấn trên chặng đường phát triển

Sự ra đời của Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam (tiền thân của Công đoàn Xây dựng Việt Nam ngày nay)

Từ ngày 12/3/1957 đến ngày 16/3/1957, tại Câu lạc bộ Đoàn Kết nay là số nhà 63 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Cán bộ các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc. Dự họp có 68 đại biểu của 26 cơ sở, trong đó có 16 chiến sỹ thi đua và đại diện Liên hiệp Công đoàn các tỉnh Thanh Hoá, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai,…
Câu lạc bộ Đoàn Kết nay là số nhà 63 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Cán bộ các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc.

Các đồng chí Hà Văn Tính - Uỷ viên thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trần Đăng Khoa – Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc và một số cán bộ các ban của Tổng Liên đoàn, các vụ của Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc dự hội nghị.

Hội nghị đã kiểm điểm công tác công đoàn trong năm 1956 và đề ra những nhiệm vụ công tác năm 1957; đồng thời bàn việc thành lập Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam. Tại hội nghị, đồng chí Hà Văn Tính, thay mặt Tổng Liên đoàn, phát biểu nêu rõ sự cần thiết của việc thành lập các công đoàn ngành nghề, trong đó có Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam, nhằm tập hợp lực lượng, động viên, tổ chức các phong trào thi đua, chăm lo lợi ích của người lao động theo ngành nghề.

Đồng chí Trương Hoà (cán bộ công đoàn được Tổng Liên đoàn cử làm Trưởng Ban trù bị thành lập Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam) đọc báo cáo về tình hình hoạt động của các công đoàn cơ sở trong ngành thời gian qua, đề ra những nhiệm vụ của công tác công đoàn trong thời gian tới và danh sách 05 đồng chí được Thường vụ Tổng Liên đoàn giới thiệu với lãnh đạo Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc đề cử vào Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của ngành:

1. Đồng chí Trịnh Tam Tỉnh, Uỷ viên Đảng tổ, Cục phó Xây dựng,

2. Đồng chí Võ Văn Bản, Trưởng ban chỉ huy công trường xây dựng nhà máy điện Vinh,

3. Đồng chí Trần Ý, Trưởng ban chỉ huy công trường Đài phát thanh Mễ Trì.

4. Đồng chí Trương Hoà, Trưởng Ban trù bị thành lập Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam, cán bộ công đoàn chuyên trách,

5. Đồng chí Nguyễn Văn Dung, Uỷ viên Đảng tổ, Cục trưởng Cục Cơ khí điện nước.


Sau 4 ngày thảo luận, sáng ngày 16 tháng 3 năm 1957, Hội nghị đã nhất trí thành lập Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam (tiền thân của Công đoàn Xây dựng Việt Nam ngày nay) với Ban Chấp hành lâm thời gồm 5 đồng chí theo giới thiệu của Tổng Liên đoàn và lãnh đạo Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc. Hội nghị bế mạc lúc 10 giờ sáng ngày 16 tháng 3 năm 1957.

14 giờ cùng ngày (16/3/1957), Ban Chấp hành lâm thời đã họp phiên đầu tiên để kiện toàn tổ chức và phân công nhiệm vụ của các uỷ viên như sau:

1. Đồng chí Trương Hoà: Thư ký, phụ trách chung (thường trực cơ quan).

2. Đồng chí Trịnh Tam Tỉnh: Uỷ viên, phụ trách công đoàn cơ sở.

3. Đồng chí Nguyễn Văn Dung: Uỷ viên, phụ trách công đoàn ngành lắp máy, điện nước.

4. Đồng chí Võ Văn Bản: Uỷ viên, phụ trách các công đoàn cơ sở của ngành tại Nghệ An, Thanh Hoá.

5. Đồng chí Trần Ý: Uỷ viên, phụ trách các công đoàn cơ sở của ngành trong phạm vi tỉnh Hà Đông.


Trụ sở ban đầu của Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam đặt tại số 1, phố Hàng Vôi, Hà Nội.

Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam đổi tên thành Công đoàn Kiến trúc Việt Nam (1958)

Để ngành Kiến trúc hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng ngày càng nặng nề của Nhà nước giao, ngày 29/4/1958, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã quyết định tách Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc ra làm hai bộ: Bộ Thuỷ lợi và Bộ Kiến trúc.

Do tách làm hai bộ, các công đoàn cơ sở thuộc Bộ Thuỷ lợi được bàn giao sang ngành Thủy lợi. Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam đổi tên thành Công đoàn Kiến trúc Việt Nam. Trụ sở cơ quan từ số 1, phố Hàng Vôi chuyển về số 5 phố Đường Thành, sau đó về 68 phố Trần Quốc Toản, rồi về số 12, phố Cửa Đông, Hà Nội cho đến nay.

Đại hội đại biểu Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ nhất (1961)

Công đoàn Kiến trúc Việt Nam sau hơn ba năm hoạt động đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn ngành lần thứ nhất (18-21/4/1961) tại Hà Nội. Đại hội đã tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động công đoàn trong thời kỳ thực hiện kế hoạch ba năm khôi phục và phát triển kinh tế và văn hoá (1958-1960) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 27 ủy viên chính thức, 5 ủy viên  dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Lưu, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn được Ban Chấp hành bầu làm Thư ký, đồng chí Vũ Ngọc Quỳnh được bầu làm Phó Thư ký.

Đại hội đại biểu Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ II (1964)

Đại hội đại biểu Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ II tổ chức từ ngày 12/3/1964 đến 14/3/1964 tại Hà Nội. Đại hội đã thảo luận báo cáo của Ban Chấp hành về tình hình và nhiệm vụ phong trào CNVC Công đoàn Kiến trúc Việt Nam và bầu Ban Chấp hành khoá II gồm 15 ủy viên. Đồng chí Vũ Ngọc Quỳnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam được Ban Chấp hành bầu làm Thư ký, đồng chí Nguyễn Khắc Nhị được bầu làm Phó Thư ký.

Đại hội đại biểu Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ III (1971)

Đại hội đại biểu Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ III tổ chức tháng 12/19671 tại Hà Nội, là Đại hội tổ chức vào thời chiến. Đại hội quán triệt Nghị quyết 167/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác vận động công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khoá III gồm 21 ủy viên. Đồng chí Vũ Ngọc Quỳnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam được Ban Chấp hành bầu lại làm Thư ký, đồng chí Trần Hải được bầu làm Phó Thư ký.

Công đoàn Kiến trúc Việt Nam đổi tên thành Công đoàn Xây dựng  Việt Nam (1973)

Năm 1973, năm hoà bình đầu tiên trở lại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là năm mà ngành Xây dựng Việt Nam có những thay đổi quan trọng nhằm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Nhà nước  đã quyết định sát nhập Uỷ ban Kiến thiết cơ bản nhà nước với Bộ Kiến trúc và đổi tên Bộ Kiến trúc thành Bộ Xây dựng. Ngày 12-11-1973, Công đoàn Kiến trúc Việt Nam được Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam ra quyết định đổi tên thành Công đoàn Xây dựng Việt Nam.

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ IV (1975)

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ IV tổ chức từ ngày 28/4/1975 đến 30/4/1975 tại Hải Dương. Đại hội đã kiểm điểm ưu khuyết điểm của phong trào CNVC, hoạt động Công đoàn ngành trong những năm chống Mỹ cứu nước nhiệm kỳ III; phát động phong trào CNVC và đổi mới hoạt động công đoàn trong thời kỳ mới, thời kỳ cả nước thống nhất, hoà bình và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày bế mạc đại hội 30/4/1975 vào đúng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 21 ủy viên. Đồng chí Vũ Ngọc Quỳnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam được Ban Chấp hành bầu lại làm Thư ký, đồng chí Trần Hải và Nguyễn Vạn được bầu làm Phó Thư ký.

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ V (1979)

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ V tổ chức tháng 4/1979 tại Hà Nội. Đây là Đại hội đầu tiên của tổ chức công đoàn thống nhất ngành Xây dựng trên phạm vi cả nước.

 Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá sự phát triển của phong trào CNVC và hoạt động của Công đoàn Xây dựng Việt Nam trong 4 năm (1975-1979). Trong 4 năm đó, phong trào CNVC và hoạt động công đoàn đã có những chuyển biến quan trọng, có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển của đất nước. Ngành Xây dựng đã vươn lên quản lý sự nghiệp xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng trên phạm vi cả nước.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 27 ủy viên. Đồng chí Phạm Tình, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam được Ban Chấp hành bầu làm Thư ký, đồng chí Vũ Tất Ban và Hoàng Năng Đắc được bầu làm Phó Thư ký.

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ VI (1982)

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ VI tổ chức tháng 6/1982 tại Cửa Lò, Nghệ Tĩnh. Đại hội đã khẳng định những thành tựu to lớn, những bước tiến quan trọng của phong trào CNVC và tổ chức công đoàn; khẳng định sự trưởng thành của tổ chức công đoàn theo yêu cầu tổ chức lại sản xuất của Ngành. Tổ chức và hoạt động của công đoàn ngày càng đi sâu vào kinh tế, kỹ thuật và đặc điểm ngành nghề.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 43 ủy viên. Đồng chí Phạm Tình, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam được Ban Chấp hành bầu lại làm Thư ký, đồng chí Vũ Tất Ban và Hoàng Năng Đắc được bầu lại làm Phó Thư ký.

Công đoàn Xây dựng Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (1983)

Ngày 30 tháng 8 năm 1983, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng Công đoàn Xây dựng Việt Nam Huân chương Lao động hạng Nhì do đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động tổ chức phong trào công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, thực hiện tốt các chính sách, chế độ về đời sống của công nhân, viên chức, góp phần hoàn thành kế hoạch năm.

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ VII (1988)

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ VII tổ chức tháng 8/1988 tại Hà Nội. Đại hội VII là Đại hội đổi mới nhận thức, đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp hoạt động của cả hệ thống Công đoàn ngành, để vận động cán bộ, công nhân viên phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế – xã hội của Nhà nước giao cho Ngành, thực hiện chủ trương, chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 41 ủy viên. Anh hùng Lao động Vũ Tất Ban, Uỷ viên Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Ban Chấp hành bầu lại làm Chủ tịch. Các đồng chí Hoàng Năng Đắc và Nguyễn Duy Lan được bầu lại làm Phó Chủ tịch.

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ VIII (1993)

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ VIII tổ chức tháng 5/1993 tại Hà Nội. Đại hội  VIII là Đại hội tập hợp trí tuệ của đông đảo đoàn viên, là Đại hội đoàn kết các lực lượng CNVCLĐ xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý đô thị, nhà đất, các thành phần kinh tế trong ngành Xây dựng. Là Đại hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, kiện toàn và phát triển tổ chức Công đoàn ở các thành phần kinh tế, khai thác mọi tiềm năng, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của Ngành.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 37 ủy viên. Đồng chí Vũ Tất Ban, Anh hùng Lao động, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Ban Chấp hành bầu lại làm Chủ tịch. Các đồng chí Nguyễn Đỗ Chinh và Nguyễn Thị Vinh được bầu làm Phó Chủ tịch.

Công đoàn Xây dựng Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Đôc lập hạng Ba (1997)

Ngày 06 tháng 6 năm 1997, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng Công đoàn Xây dựng Việt Nam Huân chương Độc lập hạng Ba do đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 1986 đến năm 1996, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ IX (1998)

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ IX tổ chức từ ngày 22/7/1998 đến ngày 24/7/1998 tại Hà Nội. Đại hội đã tổng kết, đánh giá những kết quả của phong trào CNVC và hoạt động của hệ thống công đoàn trong Ngành, nhiệm kỳ VIII, với đặc điểm nổi bật là Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã quản lý toàn diện hầu hết các công đoàn tổng công ty, công đoàn cơ sở đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 39 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Việt Hải, được Ban Chấp hành bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí Nguyễn Đỗ Chinh và Đặng Hữu Hoàn được bầu làm Phó Chủ tịch.

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ X (2003)

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ X tổ chức từ ngày 23/6/2003 đến ngày 25/6/2003 tại Hà Nội. Đại hội đã tổng kết, đánh giá những kết quả của phong trào CNVC và hoạt động công đoàn trong Ngành, đặc biệt là vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia sắp xếp, đổi mới và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 39 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Việt Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Ban Chấp hành bầu lại làm Chủ tịch. Các đồng chí Nguyễn Đỗ Chinh, Đặng Hữu Hoàn và Nguyễn Thị Yên được bầu làm Phó Chủ tịch.

Công đoàn Xây dựng Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Đôc lập hạng Nhì (2008)

Ngày 18 tháng 01 năm 2008, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng Công đoàn Xây dựng Việt Nam Huân chương Độc lập hạng Nhì do đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ XI (2008)

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ XI tổ chức từ ngày 18/6/2008 đến 20/6/2008 tại Hà Nội. Đại hội đã tổng kết, đánh giá những kết quả của phong trào CNVC và hoạt động công đoàn trong Ngành, đặc biệt là đánh giá đúng những thành tích và hạn chế trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp cổ phần hoá.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 41 ủy viên. Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Ban Chấp hành bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí Đặng Hữu Hoàn, Phạm Quang Thịnh và Nguyễn Thị Yên được bầu làm Phó Chủ tịch.
Công đoàn Xây dựng Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Đôc lập hạng Nhất (2013)

Ngày 23/01/2013, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng Công đoàn Xây dựng Việt Nam Huân chương Độc lập hạng Nhất do đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ XII (2013)

Đại hội đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ XII tổ chức từ ngày 12/3/2013 đến 14/3/2013 tại Hà Nội. Đại hội đã tổng kết, đánh giá những kết quả của phong trào CNVC và hoạt động công đoàn trong Ngành, đặc biệt là đánh giá đúng những thành tích và hạn chế trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp công đoàn.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 45 ủy viên. Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Ban Chấp hành bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ Lệ, Đỗ Văn Quảng được bầu làm Phó Chủ tịch.
Ngày 26/5/2016, Hội nghị bất thường Ban Chấp hành đã bầu đồng chí Nguyễn Thị Thủy Lệ - Phó Chủ tịch Thường trực giữ chức Chủ tịch CĐXDVN khóa XII nhiệm kỳ 2013-2018 (thay đ/c Nguyễn Văn Bình, Nguyên Chủ tịch CĐXDVN nghỉ chế độ).
Công đoàn Xây dựng Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (2017)

Ngày 13 tháng 3 năm 2017, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng Công đoàn Xây dựng Việt Nam Huân chương Lao động hạng Nhì do đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu từ năm 2012 đến năm 2016 góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đại hội Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ XIII (2018)
Đại hội Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra trong 02 ngày, khai mạc ngày 15/6/2018, bế mạc ngày 16/6/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. 
Đại hội đã bầu được BCH CĐXDVN khoá XIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 là 39 ủy viên.
Tại kỳ họp thứ nhất BCH CĐXDVN khoá XIII, Hội nghị đã bầu Ban Thường vụ khóa XIII là 13 đồng chí, UBKT là 09 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ Lệ được tín nhiệm tái cử Chủ tịch CĐXDVN; đồng chí Đỗ Văn Quảng, đồng chí Phạm Xuân Hải, đồng chí Vũ Ngọc Chính tái cử Phó Chủ tịch CĐXDVN. Đồng chí Vũ Ngọc Chính được bầu là Chủ nhiệm UBKT CĐXDVN khoá XIII.
Đại hội đã bầu được 08 đại biểu chính thức và 01 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Đại hội Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Đại hội Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2023-2028 với phương châm: “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, phát triển" diễn ra trong 02 ngày, khai mạc ngày 12/10/2023, bế mạc ngày 13/10/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Ba Đình, Hà Nội, là sự kiện chính trị quan trọng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ ngành Xây dựng, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển và những đóng góp không nhỏ của đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức công đoàn ngành Xây dựng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.
- Đại hội đã bầu 32 đồng chí vào Ban Chấp hành khóa XIV, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ Nhất khoá XIV đã bầu Ban Thường vụ gồm 10 đồng chí, bầu UBKT gồm 08 đồng chí.
- Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành TLĐLĐVN, Phó Chủ nhiệm UBKT TLĐLĐVN được Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức danh Chủ tịch CĐXDVN khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
- Các đồng chí: Đỗ Văn Quảng, Đặng Ngọc Điệp, Nguyễn Ngọc Huyền được bầu làm Phó Chủ tịch CĐXDVN khóa XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
- Đồng chí Đào Thị Hồng Thúy được bầu làm Chủ nhiệm UBKT CĐXDVN khoá XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
- Đại hội đã bầu 08 đại biểu chính thức, 01 đại biểu dự khuyết dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 2
  • 9
  • 0
  • 1
  • 4
  • 2
lên đầu trang