Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:06

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:06

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 03:29 ngày 07/05/2020

(CĐXD Hà Nội) Cây chổi vàng Nguyễn Thị Thanh Hiếu

Khi thành phố đã lên đèn, khi những con phố ở Thủ đô sôi động vào buổi tối hay tĩnh mịch vào đêm, những cây chổi của người công nhân vệ sinh môi trường lại lặng thầm làm sạch những con đường, ngõ hẻm. Có người phụ nữ 29 năm qua đã luôn tận tâm giữ sạch phố phường Hà Nội – chị là Nguyễn Thị Thanh Hiếu – Tổ trưởng sản xuất Tổ môi trường số 1, Chi nhánh Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu vệ sinh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm
Hành trình làm sạch rác đêm
Hơn 5h chiều, trong căn nhà được bố mẹ để tại nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở Phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu chuẩn bị bữa cơm tối đạm bạc trước giờ đi làm. Chồng chị đã mất cách đây một năm vì bệnh ung thư, con gái lớn đã đi lấy chồng, con gái nhỏ còn chưa đi học về nên bữa cơm chỉ có một mình chị.
Chị Hiếu chuẩn bị bữa cơm chiều tối
Gần 6h, khi nhà nhà bắt đầu sum họp, quây quần, chị lại chuẩn bị đi làm công việc hàng ngày, đó là quản lý thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; duy trì vệ sinh môi trường tại các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm và phường Hàng Bạc.
“Địa bàn của Tổ tôi rất đặc thù, vốn là trung tâm của Thủ đô nên chúng tôi thường phải duy trì 24/24h, liên tục trong ngày và lúc nào cũng phải sạch tinh. Khu vực bờ hồ là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện, đặc biệt ở tuyến bố đi bộ vào 3 ngày cuối tuần; còn ở phường Hàng Bạc có rất nhiều nhà hàng, khách sạn nên lượng rác xả ra tương đối nhiều. Vì vậy, chúng tôi quan triệt và động viên chị em công nhân lúc nào cũng phải sát sao với công việc, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ thu rác sạch hết địa bàn, đảm bảo chất lượng”, chị Hiếu tâm sự.
Ca làm của chị Hiếu thường bắt đầu từ khoảng 5h30-6h chiều. Chị cùng các thành viên trong tổ có mặt đúng giờ trên địa bàn và phân chia đoạn đường. Mỗi người phải chịu trách nhiệm một đoạn đường, bao gồm đi gõ rác nhà, vơ rác nhà dân, lấy rác ở các cơ quan hợp đồng, đưa đến điểm cẩu, hỗ trợ xe cẩu đến đưa rác đi. Chuyến xe đầu lúc 7h tối; đến 8h tối, chị em lại tiếp tục công việc đi duy trì, như đi vơ rác, quét tinh, quét lá, còn những cơ quan hợp đồng mình chưa kịp lấy thì mình lại lấy tiếp,…đến giờ xe cẩu tiếp theo vào khoảng 11-12h đêm. Cẩu xong, chị em lại đi vơ rác lại lần nữa. Ngày bình thường, ca làm việc kết thúc vào khoảng 1h sáng hôm sau, còn những ngày có lễ hội, mở tuyến phố đi bộ thì chị em làm việc đến 3-4h sáng, có khi 5h sáng.
Chị Hiếu cùng  người cháu trong gia đình làm ca tối
29 năm gắn bó với nghề
Chia sẻ về những nỗi nhọc nhằn của nghề, chị Hiếu cho biết:  “Nghề vệ sinh môi trường rất vất vả, khắc nghiệt kể cả về thời tiết, về công việc và nhiều người vẫn chưa tôn trọng nghề môi trường của chị em, nên nhiều lúc, chị em rất tủi thân. Ý thức của một số người dân vẫn chưa được nâng cao, họ vất rác bừa bãi, không đúng giờ, không đúng nơi quy định nên chị em rất vất vả, làm đằng trước, bà con lại vứt đằng sau nên chị em lại phải đi khắc phục lại”.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn nhất của mình, chị Hiếu xúc động khi trở về những tháng ngày còn nuôi con nhỏ. Ngày ấy, để có thời gian trông con ban đêm, chị xin làm ngày. Ban ngày mùa hè nắng nóng, đi ngoài đường bị hoa mắt chóng mặt, chị được bà con giúp đỡ, mời uống nước, nghỉ ngơi một lát rồi lại tiếp tục công việc. “Mình làm lâu năm nên được bà con quý mến, nghỉ đẻ xong đi làm, còn được một số bà gửi cho quà. Được các bà quý, cũng cảm thấy rất phấn khởi”, chị Hiếu bộc bạch.
Chị Hiếu chia sẻ cùng phóng viên Báo TN&MT
Nghề công nhân vệ sinh môi trường nhiều nỗi gian truân là vậy, thế nhưng người phụ nữ này đã có 29 năm gắn bó với nghề. Cơ duyên đến với nghề, chị Hiếu nói: “Tôi sinh ra trong gia đình đông con (9 anh chị em). Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học hết lớp 9, tôi nghỉ học, bươn chải kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tôi đã thử làm nhiều việc, như đi chợ, làm may, nhưng thu nhập bấp bênh, nên năm 23 tuổi (năm 1991), theo giới thiệu của cô ruột đang làm công nhân vệ sinh môi trường, tôi nộp hồ sơ xin vào làm tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco). Gia đình tôi có 5 chị em gái và đến bây giờ thêm 3 đứa cháu nữa đều làm nghề này”, chị Hiếu cười.
Nhờ sự tận tâm, nỗ lực của mình mà hơn chục năm qua, chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu được giao đảm nhiệm vai trò là Tổ trưởng sản xuất Tổ môi trường Chi nhánh Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Với nhiều năm kinh nghiệm, chị sắp đặt, chia ca, chia nhóm gắn trách nhiệm của các nhóm với từng địa bàn. Bên cạnh đó, chị còn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong địa bàn phường được giao quản lý, tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng. Tổ của chị cũng là một trong những tổ đi đầu khi áp dụng cơ giới hóa sản xuất, thử nghiệm các thiết bị mới nhằm tăng năng suất lao động. Nhờ đó, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn mà chị phụ trách luôn bảo đảm.
Với trách nhiệm, với hiệu quả thấy rõ khi vào sáng hôm sau, những con phố của quận Hoàn Kiếm đều sạch đẹp, tập thể Tổ môi trường số 1 nơi chị Hiếu phụ trách luôn được UBND quận Hoàn Kiếm, Urenco tặng Giấy khen. Bản thân bà Hiếu cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội ghi nhận, tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công việc. Năm 2019, chị vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt - việc tốt”; trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2019), chị là là một trong 10 công dân được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”; chị cũng nhận được danh hiệu “Cây chổi vàng” – một giải thưởng tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường toàn quốc.
Chia sẻ về những phần thưởng này, chị Hiếu bày tỏ, đó là niềm hạnh phúc, vinh dự lớn lao không chỉ của riêng cá nhân chị mà là sự ghi nhận, quan tâm của Nhà nước, nhân dân đối với tất cả cán bộ công nhân môi trường. Với chị, những đêm góp sức làm sạch đường phố Thủ đô là những ngày bình dị mà ý nghĩa, và vẫn còn đó niềm mong mỏi: "Ngày mai, bà con đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định để chị em đỡ vất vả hơn!"
Theo: baotainguyenmoitruong.vn
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 1
  • 2
  • 0
  • 5
lên đầu trang