Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:13

Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:13

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 10:09 ngày 28/03/2016

Trị thủy Sông Đà - công trình của bàn tay, khối óc người thợ Việt!

Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có tổng chiều dài 980km, trong đó đoạn sông chảy về Việt Nam dài 542 km, đi qua 4 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Sông đã có thể ví như con “sông mẹ” vì tất cả các sông suối khu vực Tây Bắc đều đổ về dòng sông Đà, tạo lưu lượng nước rất lớn, thuận lợi cho việc phát triển nền công nghiệp sạch không khói, đó là sản xuất thủy điện. Vì vậy, sông Đà được coi như “nguồn vàng trắng” của đất nước.
Công trình nối tiếp công trình

Đầu tiên phải kể đến là nhà máy thủy điện Hòa Bình, được khởi công xây dựng ngày 6.11.1979, khánh thành đưa vào sử dụng ngày 20.12.1994. Nhà máy bao gồm 8 tổ máy, với tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, mỗi năm cho sản lượng điện bình quân đạt hơn 8,16 tỉ kWh. Đây là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất nước, là nhạc trưởng của hệ thống lưới điện Việt Nam; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; ổn định hệ thống lưới điện gồm ổn định điện áp, tần số cho hệ thống điện quốc gia.

Ngược dòng sông Đà lên Tây Bắc là nhà máy thủy điện Sơn La, gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 400 MW, tổng công suất 2.400MW, cho sản lượng điện bình quân là 10 tỉ kWh. Nhà máy được khởi công xây dựng ngày 5.12.2005 và khánh thành ngày 23.12.2012. Dấu ấn của thủy điện Sơn La không chỉ ở quy mô nhà máy có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á mà còn là công trình đầu tiên mà tất cả các khâu quan trọng, từ quy hoạch dự án, chủ trì thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, thực hiện xây đập, lắp đặt toàn bộ thiết bị của nhà máy, chế tạo thiết bị thủy công, cẩu trục gian máy, tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị công nghệ, vv... đều được các kỹ sư, công nhân lao động Việt Nam thực hiện, và thực hiện vượt trước 3 năm so với tiến độ mà Quốc hội phê duyệt, nhờ vậy đã đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước mỗi năm phát điện sớm làm lợi hàng chục nghìn tỉ đồng. Đặc biệt vào những năm 2010, 2011 là những năm thiếu nguồn điện trầm trọng; tình trạng cắt điện sa thải phụ tải luân phiên thường xuyên diễn ra trên cả nước.

Đúng vào giai đoạn nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành những phần việc cuối cùng, thì đầu năm 2011, Thủy điện Lai Châu được khởi công xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Nặm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Công trình này được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La. Công trình này có tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính hơn 35.700 tỉ đồng. Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh. Công trình đã phát điện tổ máy số 1 vào ngày 14.12.2015 và dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm nay.

Lợi đơn, lợi kép

Với những công trình thủy điện thế kỷ trên bậc thang dòng chính sông Đà hoàn thành, đã đưa tổng công suất các nhà máy thủy điện trên dòng Sông Đà lên hơn 6.000 MW, cung cấp sản lượng điện năng bình quân hàng năm đạt hơn 25 tỉ kWh/ năm, chiếm hơn 30,1% sản lượng điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là nguồn năng lượng sạch, không khói đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia phục vụ công cuộc CNH-HĐH đất nước; là điều kiện quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào VN; ổn định đời sống nhân dân; đảm bảo an sinh xã hội; giúp cho đất nước tiết kiệm được nguồn tài nguyên hóa thạch như than đá, dầu hỏa, khí đốt… cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vận hành; giảm ô nhiễm môi trường.

Thuỷ điện Hoà Bình mỗi năm cho sản lượng điện trên 8 tỉ kWh.

Bằng chứng rõ nhất là từ khi nhà máy thủy điện Hòa Bình đưa vào vận hành đến hết năm 2015, đã phát lên lưới điện quốc gia đạt hơn 190 tỉ kWh, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước cho 4 tỉnh Tây Bắc là Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu bình quân mỗi năm đạt trên 800 tỉ đồng. Đối với thủy điện Sơn La, tổng sản lượng điện nhà máy phát lên lưới điện quốc gia đạt 40 tỉ kWh. Còn Nhà máy thủy điện Lai Châu sau khi hoàn thành vào cuối năm nay, dự kiến mỗi năm sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh/ năm, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nguồn điện xảy ra.

Ngoài ra các nhà máy thủy điện trên bậc thang Sông Đà đã là những công trình thủy điện thế kỷ góp phần điều tiết, trị thủy hoàn toàn dòng Sông Đà hung dữ; khai thác tối đa lợi ích của nguồn nước ngọt phục vụ cắt lũ mùa mưa, tưới tiêu mùa kiệt, cung cấp nước sạch cho thủ đô Hà Nội. Trong đó  thủy điện Hòa Bình ngoài nhiệm vụ tham gia chống lũ cho Đồng bằng Bắc Bộ với tần suất trung bình mỗi năm từ 5 đến 7 trận lũ có lưu lượng từ 5.000 đến 22.000 m3/s, còn đảm bảo chống hạn cho đồng bằng Bắc Bộ với gần 834.000 ha đất nông nghiệp vụ đông xuân với lưu lượng nước xả từ 2 - 4 tỉ m3 nước. Đặc biệt, nguồn nước từ thủy điện Hòa Bình đã được khai thác để cung cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội… Có thể nói dòng sông Đà trở thảnh “ vàng trắng” của đất nước và làm đổi thay, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực Tây Bắc.

Theo http://laodong.com.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 9
  • 6
  • 4
  • 3
lên đầu trang