Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 09:24

Thứ sáu, 29/03/2024 | 09:24

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 02:22 ngày 26/11/2015

Người mang đến cho LILAMA nghề đóng tàu

Giữa bạt ngàn sắt thép và thiết bị cơ khí, là chúng tôi với nồng nàn hương hoa sữa, bầu trời vàng rực của hoàng hôn buông sớm một chiều đầu đông Đất Cảng. Vị Chủ tịch của Hải Phòng năm xưa như muốn thốt lên: “Cơ khí 2 - 9 đây ư, Đóng tàu Hải Phòng đây ư, đứa con nuôi mãi không lớn, dạy mãi chưa khôn nay vươn vai đứng dậy để có một Lisemco cường tráng, sức dài vai rộng”.

Lâu lắm rồi chúng tôi lại được cùng ông, vị Chủ tịch Thành phố Cảng năm nào về thăm lại một vùng kỷ niệm. “Nhân sinh thất thập” rồi mà thấy ông không khác xưa là mấy. Kỹ sư Trần Việt Khánh, Tổng giám đốc Lisemco đưa chúng tôi thăm bãi chế tạo thiết bị khi người công nhân cuối cùng đã rời công việc. Có lẽ anh muốn dành cho chúng tôi một khoảng lặng để không còn bị phân tâm bởi tiếng va đập của kim loại, mùi khen khét từ khói hàn hay vị tanh tanh của sắt thép để cảm nhận và suy ngẫm. Giữa bạt ngàn sắt thép và thiết bị cơ khí, là chúng tôi với nồng nàn hương hoa sữa, bầu trời vàng rực của hoàng hôn buông sớm một chiều đầu đông Đất Cảng.

 

      Nguyên Chủ tịch Thành phố Hải Phòng - Tiến sĩ Trần Huy Năng và Kỹ sư Trần Việt Khánh - Tổng Giám đốc Lisemco.

Nhìn bãi thiết bị cái thì đã sơn phủ sắp bàn giao, cái đang chế tạo và cái thì vừa mới bắt đầu, công việc ở đây cứ nối nhau sinh sôi như vậy. Ông Năng lặng người không nói, nhưng tôi hiểu trong thẳm sâu lòng mình ông như muốn thốt lên: Cơ khí 2 - 9 đây ư, Đóng tàu Hải Phòng đây ư, đứa con nuôi mãi không lớn, dạy mãi chưa khôn nay vươn vai đứng dậy để có một Lisemco cường tráng, sức dài vai rộng. Kỷ niệm bỗng ùa về, Ông kể:

- Nhớ cái hồi Lilama đi tìm địa điểm để xây dựng  một nhà máy chế tạo thiết bị cơ khí đủ lớn, trước mắt đẩy mạnh công tác này, sau đó đầu tư và phát triển nó bởi đã đến lúc thuỷ chung với nghề lắp máy truyền thống là không đủ. Sắp đến lúc nản lòng thì các anh ấy gặp tôi. Khi biết các anh chỉ mong có được 5 ha để xây dựng nhà máy mà đến đâu cũng thủ tục nọ kia mãi không xong, vỗ tay cái đét tôi bảo: Ôi giời ơi, thế thì hay quá, tuyệt vời quá rồi, ông mà lên tôi thì 5 ha chứ 500 ha cũng có. Các anh ấy chỉ còn biết vui mừng đến ngỡ ngàng vì không còn biết làm gì hơn”.

Vẫn giọng nói chắc nịch, quả quyết của vị Chủ tịch Thành phố năm nào, Ông tâm sự:

 Nguyên Chủ tịch Thành phố Hải Phòng - Tiến sĩ Trần Huy Năng

- Xuất thân từ dân cơ khí nên khi gặp được một doanh nghiệp Nhà nước muốn tìm chỗ đầu tư, lại là đầu tư cho cơ khí, tôi như mở cờ trong bụng, lại đúng lúc Thành phố đang có chủ trương thu hút các nhà đầu tư để phát triển công nghiệp. Thế là tôi giao ngay cho phó Chủ tịch, lúc đó là đ/c Thuận đưa các anh Lilama đi thăm một số địa điểm thành phố đang có chủ trương đầu tư và còn dặn thêm, các anh ấy chọn điểm nào mình cho điểm đó.

Tính ông Năng là thế, làm gì cũng quyết liệt, thấy đúng, thấy có lợi cho dân, cho Thành phố là ông lao vào làm, không ai cản được. Giao cho cấp phó thế thôi nhưng trong đầu ông đã nghĩ đến “cái thằng Cơ khí 2 - 9 rồi”.

Việc được về với Lilama của Cơ khí 2 - 9 cũng còn là cái cơ duyên nữa, ông Năng kể tiếp: Hồi tôi còn là phó Chủ tịch năm 1994, có lần Cơ khí 2 - 9 mời xuống chứng kiến hạ thuỷ một con tàu, nhỏ thôi nhưng cũng là một con tàu bằng sắt bằng thép hẳn hoi. Họ néo con tàu sát sông chờ thuỷ triều lên, lúc đó khoảng 3 giờ sáng gì đó, một tiếng hô “Cắt dây néo”. Con tàu lao ngang xuống sông, do phần đuôi nặng, nó sùng sục hồi lâu rồi cũng nổi lên chếnh choáng. Thế thôi chứ có triền đà gì đâu, mọi người được cơn hú vía.

- Làm thế này không được đâu. Tôi nói với ông Tính, Giám đốc 2 - 9 lúc bấy giờ. Thế này là các ông rảy nó xuống chứ hạ thuỷ với hạ thổ cái gì.

- Cũng biết thế anh ạ, chúng em cũng muốn làm cái triền đà cho ra hồn, khổ nỗi tiền không có, phải làm thế này cho có sản phẩm.

- Thế ông cần bao nhiêu? Tôi nói to lắm vì nghĩ mình sẽ giải quyết được.

- Thôi giờ Sếp cứ cho em 6 tỷ. Ông Tính rụt rè.

6 tỷ, chỉ 6 tỷ thôi mà lúc đó Thành phố cũng không lo được bởi ngân sách hạn hẹp, thu không đủ chi. Đau lắm, thế này thì làm cơ khí cái nỗi gì. Giữa lúc tiến thoái lưỡng nan thì đùng một cái, ông Lilama xuất hiện, tôi nói với ông Phạm Hùng, Tổng giám đốc Lilama lúc bấy, nhà sản xuất thiết bị cơ khí đang đi tìm địa điểm đầu tư:

Một góc nhà máy chế tạo Lisemco.

- Nhưng thằng này nó là đóng tàu.

- Thì tôi cũng sẽ đóng tàu, với vị trí thuận lợi thế này tôi sẽ đầu tư phát triển cả hai lĩnh vực là chế tạo thiết bị cơ khí và đóng tàu, ông Hùng quả quyết.

Ý tưởng này của Lilama đã được hiện thực hoá khi nhiều năm Cơ khí 2 - 9 mang tên “Công ty Chế tạo thiết bị và Đóng tàu Hải Phòng - Lilama” và thế là nghề đóng tàu về với Lilama từ đấy. Còn với vị Chủ tịch Trần Huy Năng thì đã hoàn thành lời hứa trước Cơ khí 2 - 9 với không chỉ 6 tỷ mà hàng ngàn tỷ đồng. Thấy ông vui hơn tôi mới mạnh dạn hỏi:

- Nếu được kể ra đây 3 đóng góp tiêu biểu nhất của ông cho Thành phố Hải Phòng thì đó là gì?

Và bây giờ ông mới bộc bạch:

- 3 đóng góp gọi là lớn của mình trong 2 năm làm phó Chủ tịch, 8 năm làm Chủ tịch Thành phố thì có thể là như thế này: Thứ nhất là xây dựng và phát triển Thành phố về hạ tầng sao cho xứng với một thành phố cảng. Hai là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp như đóng tàu, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng và dịch vụ. Và thứ ba là quan tâm nhiều đến Văn hoá, tín ngưỡng và văn hoá tâm linh của nhân dân qua việc xây dựng nhà cánh diều, các tượng đài Lê Chân, Nguyễn Bỉnh Khiêm …

Qua những câu chuyện ông kể, người viết lại muốn thêm vào cái thứ tư trong những đóng góp tiêu biểu của ông, không chỉ vì sự phát triển Thành phố mà còn góp một phần rất quan trọng cho sự phát triển ngành cơ khí Việt Nam bằng việc đưa Cơ khí 2 - 9 của Hải Phòng về với Lilama để nó phát triển, lớn mạnh thành Lisemco hôm nay. Người được đón Cơ khí 2 - 9 về từ sự tin tưởng của Lãnh đạo Thành phố, từ tấm lòng của người đứng đầu thì đã cố gắng hết sức mình để có một Lisemco - Trung tâm chế tạo thiết bị và đóng tàu vạm vỡ, hiện đại hàng đầu Việt Nam. Từ đây hàng ngàn tấn thiết bị, hàng trăm con tàu lớn nhỏ đã đi đến từng công trình, vượt đại dương đến với nhiều Quốc gia trên thế giới.

Nhìn Lisemco bề thế hôm nay, ông luôn nghĩ đây là kết quả từ một chủ trương đúng đắn của Thành phố, từ tinh thần lao động cần cù sáng tạo của cán bộ công nhân, chứ đóng góp của ông chỉ như hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc mà thôi. Còn tôi thì lại nghĩ rằng, trong cái sa mạc mênh mông ấy có những hạt cát biết phát sáng, và một trong những hạt cát có năng lực phát sáng ấy là Ông - Tiến sĩ Trần Huy Năng. 

Phương Lan (ST)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 6
  • 8
  • 3
  • 3
lên đầu trang