Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ ba, 07/05/2024 | 23:08

Thứ ba, 07/05/2024 | 23:08

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 08:11 ngày 23/09/2014

Nguyễn Văn Năm, chuyện đời – chuyện nghề

 
Năm sinh ra trong một gia đình đông con tại một làng nghề làm chiếu lâu đời ở đất Nga Sơn - Thanh Hóa. Lúc còn ở lứa tuổi vị thành niên, Năm đã sớm xác định cho mình hướng đi của cuộc đời. Học xong phổ thông trung học, Năm nộp đơn xin đi học trường nghề xây dựng. Chàng thanh niên vạm vỡ, tuấn tú Làng chiếu xứ Thanh quyết định gửi đời mình vào nghiệp xây dựng các công trình thủy điện. Nơi đầu đời của Năm là công trường TNCSHCM trên Sông Đà, Hòa Bình - Nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Ngày ấy đất nước còn nghèo, chưa xóa bỏ bao cấp. Tuy cuộc sống ở công trường vất vả, kham khổ, nhưng được hòa nhập vào gia đình những người thợ trên một đại công trường như vậy, Năm cảm nhận được sự sống ở đây thật ý nghĩa và hữu ích. Anh chẳng nề hà bất kỳ công việc gì từ vác đá, đào đất, vét lòng sông, làm kỹ thuật… Năm chợt nhận thấy bản thân còn thiếu khá nhiều kiến thức. Anh âm thầm mày mò, học hỏi từ những chuyên gia và kỹ sư quanh mình. Và rồi tấm bằng Kỹ sư Xây dựng đã đậu trong ngực áo của chàng trai trẻ đầy nghị lực với khát khao vươn lên sau 4 năm rèn giũa trong Trường ĐH Xây dựng. Thập niên 90, Kỹ sư Nguyễn Văn Năm được cấp trên bổ nhiệm vào Ban lãnh đạo tập hợp đội ngũ thợ có tay nghề cao sang nước bạn Campuchia để tham gia xây dựng 1 quần thể Viện Xã hội học trong đó có trường Đảng cao cấp. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng về phương diện kỹ - mỹ thuật mang đặc trưng nền kiến trúc tiêu biểu đất Chùa Tháp đồng thời biểu thị ý nghĩa chính trị cho tình hữu nghị 2 nước Việt Nam - Campuchia. Công trình này cũng là nơi khai sinh ra Công ty Sông Đà 3 theo quyết định của Bộ Xây Dựng. Trải qua hơn 3 năm cùng đội quân xây dựng Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt ở nước bạn, Nguyễn Văn Năm trở lại Tây Nguyên tham gia công tác kỹ thuật và điều hành thi công trên các công trình thủy điện Yaly, Sê San, Plei K’rông…

Đó là những mẩu chuyện của đồng đội kể về Ông. Còn tôi, người viết bài này được biết đến Nguyễn Văn Năm từ năm 2008 khi Ông làm Giám đốc BQL dự án bất động sản ở Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do Công ty CP Sông Đà - Nha Trang làm Chủ đầu tư đồng thời kiêm luôn đơn vị thi công xây dựng khu chung cư cao tầng với thiết kế hài hòa, tiện ích và hiện đại, tọa lạc ngay bên bờ biển bốn mùa gió lộng. Công trình này được xem là hình mẫu nhà tiêu chuẩn, lý tưởng được đông đảo các tầng lớp cán bộ, nhân dân đăng ký đầu tư ngay sau ngày khởi công xây dựng. Bằng những kinh nghiệm vốn có của một kỹ sư xây dựng đã từng thi công nhiều dự án, Nguyễn Văn Năm đã tổ chức điều hành thành công từ khâu thiết kế bản vẽ, thi công xây lắp đến việc thu xếp nguồn vốn cho công trình. Khi kế hoạch đầu tư vào các dự án tiếp theo có dấu hiệu tích cực thì Nguyễn Văn Năm lại bước sang một ngã rẽ mới. Năm 2010, ông trở ra Hà Nội để chỉ huy đội quân của Công ty CP Sông Đà 6 để thi công Tòa nhà Quốc Hội - Ba Đình.

“Cơ duyên cuộc đời thật lạ!”- Nguyễn Văn Năm nói vậy khi tôi gặp lại ông trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 vào tháng 6 năm 2012. Trò chuyện với Năm bên mái đập hạ lưu Nhà máy sau trận mưa lớn kéo dài khiến cho nhóm thợ thi công bê tông đầm lăn phải tạm ngừng việc. Năm tâm sự: Ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà 3 - đơn vị đã có 26 năm đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên mà chính ông đã có nhiều năm lao động, gắn bó cùng đồng đội. Tuy nhiên, Sông Đà 3 lúc ông trở lại nhậm chức TGĐ đang ở vào giai đoạn giao thời của nền kinh tế suy thoái trầm trọng, hơn nữa nguồn vốn của Công ty lại bị thiếu hụt do đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả. Phải mất gần 1 năm sau, Nguyễn Văn Năm cùng với Ban lãnh đạo Công ty, đặc biệt là Chủ tịch HĐQT lúc này cũng mới được bổ nhiệm từ cấp trên về, cùng là những vị chỉ huy có tầm nhìn sâu rộng, năng động và quyết đoán đã tạo thành lực đẩy mạnh mẽ làm thay đổi cả Thế và Lực của đơn vị. Công tác đầu tiên trong quá trình cải tổ bộ máy tổ chức hoạt động của đơn vị là di chuyển toàn bộ hệ thống các phòng ban chức năng của Công ty đang đóng trụ sở tại trung tâm Thành phố PleiKu tới chân công trường Thủy điện Đồng Nai 5 (khoảng cách chừng 400km) với mục đích tập trung cùng Ban Giám đốc điều hành công việc. Tiếp đó, đơn vị tiến hành tạm giải thể một số chi nhánh và chia tách thành từng Tổng đội chuyên môn trực thuộc Ban Giám đốc để giảm bớt trung gian, tinh giản nhân lực gián tiếp và tiết kiệm chi phí quản lý v.v... Nhưng sự đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn là việc thoái vốn và tích cực thu xếp nhượng bán các dự án đầu tư kém khả thi đã đem lại cho Công ty khí thế mới với những tín hiệu lạc quan sáng sủa. TGĐ Nguyễn Văn Năm cho biết: Hiện tại, chỉ duy nhất Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Đăk Lô trên địa bàn tỉnh Kon Tum là mục tiêu trọng tâm mà Công ty đang dốc sức người, sức của nhằm hoàn thành xây dựng một nhà máy sản xuất ra năng lượng điện do Công ty làm chủ sở hữu - vận hành - kinh doanh. Công trình này là ước nguyện, và cũng là dấu ấn kỷ niệm của tập thể CBCNV toàn Công ty sau 26 năm sống, lao động trên vùng đất Tây Nguyên xa xôi.

Những tháng ngày cuối năm này là thời điểm vô cùng bận rộn, vất vả đối với TGĐ Nguyễn Văn Năm. Vì hiện tại, Công ty CP Sông Đà 3 không chỉ là quân chủ lực tham gia xây dựng công trình Thủy điện Đồng Nai 5 với nhiệm vụ đào đắp 2/3 khối lượng bê tông đầm lăn của Đập dâng nước, mà còn là đơn vị sản xuất vật liệu bê tông CVC phục vụ cho toàn công trường. Bất kể là Chủ nhật hay ngày Lễ, hôm nào cũng vậy, cứ 5h30’sáng là TGĐ Năm lại sỏ ủng ra hiện trường đi một vòng gần 6km để kiểm tra các hạng mục do đơn vị thi công rồi mới quay về văn phòng giao ban. Lịch trình thường kỳ của Năm là: một tuần trực tại Đồng Nai 5, rồi một tuần sau lại rong ruổi hơn 500km đến với Đăk Lô để thu xếp nguồn vốn, mua vật tư, kiểm tra tiến độ thi công nhà máy. Chưa hết, Công ty CP Sông Đà 3 còn 1/3 quân số đang tham gia xây dựng nhiều hạng mục công trình trên nước bạn Lào. Nhắc đến công việc ở đây, Nguyễn Văn Năm tiết lộ rằng đơn vị đã được tỉnh Kon Tum cho thuê dài hạn trên 20ha đất tại cửa khẩu Bờ Y (Ngọc Hồi) với mục đích xây dựng một “Làng công nhân” và chia cho mỗi căn hộ 500m2 để làm nhà ở và sân vườn, diện tích còn lại sẽ xây dựng các công trình công cộng như bệnh xá, trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, sân chơi…nhằm tạo cho CBCNV của đơn vị có điều kiện an cư - lạc nghiệp.

Vâng, tuần nào cũng vậy, tháng nào cũng vậy, Người đứng đầu của Sông Đà 3 luôn rong ruổi hàng nghìn cây số trên hành trình của mình để có mặt ở những điểm nóng giải quyết công việc. Người viết bài này cũng không biết có nên hỏi: Lịch trình bận rộn như vậy, thì Ông ăn lúc nào, ngủ khi nào? Thời gian nào Ông dành cho gia đình, vợ con …? Nguyễn Văn Năm - một người đã có gần 30 năm sống và lao động đều ở những công trường xa xôi từ Bắc chí Nam, gian khổ đã nhiều mà truân chuyên cũng lắm. Nhưng với Năm, Ông đã làm việc và cống hiến hết mình, chẳng bao giờ đòi hỏi hay ganh tỵ, luôn sẵn sàng chịu đựng, vượt qua những thử thách gian nan. Đời là vậy, vì cái “Nghiệp” đã gắn vào thân - cái triết lý đơn giản của Năm là vậy!

Nguyễn Tất Lộc
Theo: songda.vn

 

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 7
  • 3
  • 5
  • 5
  • 9
  • 5
lên đầu trang