Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 04/05/2024 | 16:30

Thứ bảy, 04/05/2024 | 16:30

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 02:20 ngày 29/08/2013

Chuyện học của con em công nhân lao động: Nỗi niềm ai tỏ?

Vào thời điểm này, khi các bậc phụ huynh đang tất bật lo việc học hành cho con cái thì công nhân lao động (CNLĐ) ở các khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN-CX) Hà Nội phải chạy đôn chạy đáo để xin học cho con. Nhưng đáng nói, số CNLĐ xin cho con được vào học các trường công lập tại địa bàn họ làm việc chỉ tính trên đầu ngón tay, hầu hết phải xin học trường tư với học phí gấp nhiều lần...


Đến bao giờ giấc mơ cho con học trường tốt mới trở thành hiện thực? Ảnh minh họa.

Giấc mơ xa vời

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, công nhân KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có con nhỏ, nhà cách nơi làm việc vài chục cây số nên phải mang con theo đến ở trọ gần nơi làm việc. Năm nay, con đến tuổi đi mẫu giáo nên nhiều tháng qua, chị Xuân tất tả đi hỏi rất nhiều nơi, nhờ nhiều người để xin học cho con nhưng không được vì trường quá tải. Được sự giúp đỡ của công đoàn (CĐ), chị tìm được cho con một nhà trẻ tư khá tốt, chủ nhà có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhưng học phí tương đương nửa tháng lương của chị. Chị Nguyễn Thị Mỹ, công nhân Công ty May AMT KCN Quang Minh loay hoay đủ cách vẫn không thể xin cho con vào học ở trường công, chị đành gửi con vào một nhà trẻ tư với mức học phí 1,2 triệu đồng/tháng. Song, điều chị trăn trở nhất là con mới đi học hơn 1 tháng đã sụt 1kg. Tuy xót thương con, nhưng chị Mỹ không có lựa chọn nào khác.

Cùng nỗi niềm như chị Mỹ, anh Lưu Văn Động, quê ở Thanh Hóa, công nhân Công ty Cao su Sao Vàng, thuê trọ tại xã Kim Chung (Đông Anh) thấy việc xin học cho con vào trường công quá khó, gửi nhóm trẻ tư nhân thì học phí quá đắt, trong khi lương của cả vợ chồng đều thấp nên anh đành ở lại KCN làm việc còn chị nghỉ việc đưa con về quê để học. Vẫn biết, chuyện gặp khó khi xin cho con đi học không phải là mới, thậm chí đã trở thành nỗi bức xúc nhiều năm nay, song điều mà CNLĐ luôn tự hỏi: Đến bao giờ giấc mơ cho con học trường tốt, ở gần nơi làm việc của họ mới trở thành hiện thực?

Công đoàn lực bất tòng tâm

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội cho biết, 8 KCN-CX của thành phố hiện vẫn "trắng" trường dành cho con CNLĐ. Ngay cả KCN Bắc Thăng Long, nơi có tới hơn 60 nghìn CNLĐ đang làm việc cũng chưa có một nhà trẻ hay trường học công lập cho con công nhân. Tại xã Kim Chung (Đông Anh), nơi có hơn 1.500 cặp vợ chồng công nhân thuê trọ, mỗi gia đình có 1 hoặc 2 con, cộng vào có khoảng gần 2.000 trẻ, trong đó ít nhất một nửa đến tuổi đi học nhưng hầu hết chỉ học tại nhóm trẻ tư nhân hoặc về quê học trường làng. Ông Ngô Văn Minh, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ thành phố chia sẻ, chức năng nhiệm vụ của CĐ chỉ có thể tham mưu, đề xuất, kiến nghị các cấp, các ngành. Việc các KCN-CX hiện nay vẫn "trắng" trường dành cho con công nhân, CĐ rất trăn trở... nhưng lực bất tòng tâm.

Trên thực tế, với chức năng chăm lo đời sống người lao động, CĐ các KCN-CX, quận, huyện, ngành - nơi có đông CNLĐ thuê trọ đang nỗ lực giúp CNLĐ giải quyết chuyện học hành của con cái họ bằng nhiều cách. Điển hình như tại huyện Quốc Oai, Chủ tịch LĐLĐ huyện Lê Thị Thu Hà, cho biết, CĐ khảo sát nắm số liệu con CNLĐ thuê trọ đến tuổi đi học, rồi đến liên hệ với các trường còn chỉ tiêu để xin học cho các cháu. Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh Nguyễn Mạnh Hà cũng làm theo cách này, song coi đây chỉ là giải pháp tình thế, kết quả phụ thuộc vào may mắn, vì hầu hết các trường trên địa bàn đều quá tải. Ông Hà cho biết thêm, LĐLĐ huyện đã đề nghị chính quyền địa phương dành quỹ đất xây dựng một trường mầm non cho con CNLĐ ở tỉnh xa làm việc trên địa bàn, song dự án vẫn chưa được triển khai vì vướng thủ tục. Tương tự, tại KCN Phú Nghĩa, đất xây trường cho con công nhân đã có song hơn một năm chưa triển khai được. Người có trách nhiệm ở đây không nói rõ nguyên nhân, vướng mắc vì ngại đụng chạm đến người có trách nhiệm, song họ rất mong mỏi dự án sớm được thi công để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của CNLĐ trên địa bàn. Bà Đinh Thanh Hà, Chủ tịch CĐ Công ty Ladoda (huyện Gia Lâm) bày tỏ, tình hình ở công ty bà cũng tương tự như ở KCN Phú Nghĩa…

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao việc xây dựng trường cho con CNLĐ gặp khó, có ý kiến cho rằng, số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn biến động, CNLĐ "nhảy" việc, nên địa phương lo ngại xây trường xong sẽ bị bỏ không. Tuy vậy, nguyên nhân căn bản là do thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với các chủ đầu tư khi xây dựng, thành lập khu sản xuất tập trung chưa tính đến việc này. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần quan tâm, sớm tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho những dự án đang dang dở, về lâu dài cần bố trí quỹ đất xây dựng trường học để chuyện xin học cho con không còn là gánh nặng của CNLĐ.

Theo Hanoimoi
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 9
  • 2
  • 9
  • 3
  • 5
lên đầu trang