Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 02/05/2024 | 06:52

Thứ năm, 02/05/2024 | 06:52

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 09:34 ngày 12/03/2013

Công nhân mỏ và giấc mơ “những căn nhà hạnh phúc”

Mỗi khu mỏ nhà máy có từ 5 - 10 nghìn công nhân, số lượng công nhân mỏ trên địa bàn Quảng Ninh lên đến 113 nghìn người. Dù cố gắng cải thiện song ngành than mới chỉ giải quyết chỗ ở cho khoảng 10% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở. Việc giải quyết về nhà ở chính là động lực để công nhân lao động gắn bó, yên tâm với nghề, nhưng khó khăn nhất hiện nay là ngành Than không có vốn để đầu tư phát triển nhà ở. Rất cần một cơ chế đặc thù để giải quyết nhà ở cho CN ngành Than.

dc0493c38_trang7.jpg

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn
Than khoáng sản Việt Nam về chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân mỏ.

Xây nhà để giữ chân thợ mỏ

22 tuổi, Nguyễn Ngọc Lam đã có gần 3 năm làm công nhân tại Cty than Quang Hanh, Quảng Ninh. Nhìn Lam có dáng dấp thư sinh hơn là một công nhân mỏ, nhất là lúc Lam cùng các đồng nghiệp ngồi đọc sách trong phòng thư viện. Mà thư viện trong khu nhà ở của công nhân Quanh Hanh cũng chẳng khác gì thư viện của một trường đại học nào đó, những cuốn sách trí tuệ, pho tiểu thuyết cổ điển cùng với trang bị máy móc hiện đại như vi tính, internet… Lam nhỏ nhẹ: Ở đây vậy thôi chứ những lúc chúng em vừa ở hầm lò ra thì đen thủi đen thui, các chị chỉ có thể nhìn thấy 2 con mắt.

Cạnh Lam là Trần Quang Trung, quê Hải Dương, cũng là công nhân mỏ Quang Hanh gần 5 năm. Trung đã có vợ con ở quê. Tất cả đều thư thái, khác với hình dung của chúng tôi về những công nhân làm cái nghề nguy hiểm và nặng nhọc: Thợ mỏ ngành Than.

Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, Trung cho biết: cuộc sống của anh em hầm lò Quang Hanh đã thay đổi từ khi có khu nhà ở do Cty đầu tư xây dựng, giải quyết chỗ ở cho công nhân độc thân. “Trước đây công nhân mỏ ở những khu lán trại ngay cạnh hầm lò, thu nhập thì cũng tạm ổn nhưng cuộc sống tạm bợ, nơi ăn chốn ở không ổn định, anh em chán nản, nhiều công nhân dăm ba bữa là bỏ về quê do không chịu được sự thiếu thốn, buồn tủi. Nhưng từ khi được Cty bố trí vào tập thể, chưa có công nhân nào bỏ nghề. Lương tháng của em được 10 triệu đồng, mỗi tháng chỉ hết 150 nghìn tiền phòng, ăn bếp ăn Cty. Sáng lên xe Cty vào mỏ, chiều lên xe về nhà, thích thì lên thư viện đọc sách hoặc tham gia bóng bàn, cầu lông, khác gì công nhân khu công nghiệp trên Hà Nội đâu…”, Trung chia sẻ.

0b7c48d45_anh1.jpg

Thư viện trong khu nhà ở công ty than Quang Hanh

Khi tìm hiểu khu nhà ở công nhân mỏ Quang Hanh, chúng tôi rất thú vị về “mô hình căn phòng hạnh phúc” mà Cty đã làm cho công nhân tại đây: Ngoài 300 căn hộ, bố trí 4 ông nhân/phòng sinh hoạt hàng ngày, Cty còn bố trí 8 căn nhà hạnh phúc, đây là những căn hộ khép kín, rất rộng rãi với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho cả gia đình vợ chồng con cái. “Mỗi khi những công nhân có vợ con lên đây thì đăng ký và được ra phòng đó ở. Vợ chồng con cái được xum vầy như trong nhà của mình. Thế nên chúng em gọi đây là căn nhà hạnh phúc. Ai cũng yên tâm, gắn bó với nghề mà mình đã trọn”, nhiều công nhân có gia đình như Trung tâm sự.

Qua trao đổi với ông Bùi Công Luận, đại diện lãnh đạo Cty than Quang Hanh, chúng tôi được biết, để làm được những khu nhà ở khang trang cho công nhân như thế này, từ 2 năm trước, Cty đã dành nguồn vốn trên 130 tỷ đồng, quyết tâm lo chỗ ở ổn định cho 1.300 công nhân. Ông Luận cho biết, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Ban lãnh đạo Cty coi đây là nhiệm vụ quan trọng, phải đưa lên hàng đầu giải quyết để nâng cao đời sống cho người lao động, bởi đây chính là cách để “giữ chân” thợ mỏ.

Cần cơ chế đặc thù

Trăn trở với vấn đề nhà ở cho công nhân ngành mình, ông Lê Minh Chuẩn - Tổng giám đốc Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) chia sẻ: những dự án nhà ở cho công nhân như Quang Hanh chưa được là bao, đây được coi là mô hình toàn ngành học tập và nhân rộng. Việc giải quyết về nhà ở chính là động lực để CNLĐ gắn bó, yên tâm với nghề, nhưng khó khăn nhất hiện nay là ngành than không có vốn để đầu tư phát triển nhà ở.

f3bee74c4_anh2.jpg

Dự án nhà ở công nhân của công ty than Quang Hanh

Vinacomin hiện có khoảng 138 nghìn CBCNV, trong đó chủ yếu là công nhân mỏ tại vùng Quảng Ninh với số lượng khoảng 113 nghìn người. Từ những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, nhà ở CBCNV mỏ than Quảng Ninh chủ yếu được xây dựng theo mô hình nhà ở tập thể, hiện nay các khu nhà đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Những năm gần đây Tập đoàn cũng đã quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trong ngành đầu tư xây dựng một số khu nhà ở cho công nhân mỏ bằng nguồn vốn tự có để cải thiện nơi ở cho công nhân, tuy nhiên do có nhiều hạn chế về vốn đầu tư nên số lượng các công trình không đáng là bao, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, tính tổng thể, mới chỉ giải quyết chỗ ở cho khoảng 10% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở. Trong khi đó dự báo nhu cầu lao động của ngành đến 2030 sẽ tăng thêm khoảng 100 nghìn người, trong đó công nhân hầm lò độc thân khoảng 30 nghìn, đối tượng này cần phải giải quyết về chỗ ở, cần một nguồn vốn rất lớn để thực hiện… Ông Chuẩn cho biết Tập đoàn đang cố gắng thu xếp nguồn vốn đầu tư nhà ở cho công nhân. Dự kiến từ nay đến 2015 nếu thực hiện được 31 dự án nhà ở cho công nhân theo kế hoạch để xây dựng khoảng gần 5 nghìn căn hộ giải quyết chỗ ở cho trên 20 nghìn công nhân, trước mắt phải cần vốn đầu tư khoảng 3.406 tỷ đồng… “Đất thì Tập đoàn đang xin chuyển đổi mục đích một số quỹ đất dôi dư thành đất xây dựng nhà ở tập thể, nhưng nguồn vốn thì cần rất lớn và rất khó khăn”, ông Chuẩn trăn trở.

Ông Chuẩn cũng cho rằng, mấu chốt khó khăn của ngành Than là do giá than vẫn chưa được xác định đúng bản chất, sức cạnh tranh kém… Trước mắt để có ngay nguồn vốn triển khai các dự án nhà cho công nhân mỏ, Tập đoàn than kiến nghị các bộ, ngành xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn được trích 1 USD/1 tấn than bổ sung vào Quỹ phát triển nhà ở công nhân ngành than. Trong 3 năm, Tập đoàn sẽ thu được tiền thuê nhà hoàn trả ngân sách…

df02099d2_trang71.jpg

Khu nhà ở xập xệ của công nhân mỏ than Quảng Ninh cần được đầu tư xây dựng lại.

Cùng trăn trở với ngành than về nhà ở cho công nhân, mới đây nhất, tại Dự thảo Nghị định nhà ở xã hội vừa được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng đã đưa vào quy định cho phép các dự án nhà ở cho công nhân lao động thuộc các thành phần kinh tế đều được áp dụng cơ chế chính sách theo QĐ 66, QĐ 67 của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở, tạo động lực để ngành Than chăm lo nhà ở cho công nhân lao động. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ: Nếu được trích 1 USD/tấn than sẽ tạo được dòng tiền ngay, mỗi năm sẽ có khoảng 800 - 900 tỷ để xây dựng nhà ở cho công nhân mỏ. Cần cơ chế đặc thù cho nhà ở công nhân ngành Than, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ, đề xuất cơ chế giải quyết vấn đề này, Quảng Ninh có thể đề xuất ngân sách Trung ương chi cho đầu tư hạ tầng khu nhà ở công nhân lao động ngành Than kèm với vốn đối ứng của địa phương…

Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định sẽ quyết tâm giải quyết vấn đề này. Theo ông Phạm Minh Chính - Bí thư tỉnh ủy, vấn đề cần giải quyết ngay là phải hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở cho công nhân lao động ngành than trên địa bàn, đồng thời xin cơ chế chính sách để thực hiện mục tiêu lâu dài. Cần đa dạng hóa nguồn lực thực hiện các dự án nhà ở: tỉnh cấp đất, miễn tiền thuê đất, các cơ quan ban ngành lo hạ tầng, huy động DN tham gia…

Theo Báo Xây Dựng
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 6
  • 9
  • 1
  • 3
  • 2
lên đầu trang