Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Chủ nhật, 05/05/2024 | 08:29

Chủ nhật, 05/05/2024 | 08:29

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 02:49 ngày 07/01/2013

Bản lĩnh người thợ qua từng công trình

          
Khác với những năm trước, thời điểm này tại thủy điện Sơn La không còn tấp nập với máy móc thiết bị và những người thợ làm việc 3 ca liên tục...Thủy điện về trước kế hoạch 3 năm làm lợi cho đất nước hàng nghìn tỉ đồng, đó là niềm tự hào của những người thợ xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên sau kỳ tích trên, những người thợ công trường lại bộn bề bước vào những công trình mới...

Niềm vui nhân đôi

     Khu nhà tập thể dành cho các hộ gia đình công nhân của Cty Lilama 10 những ngày cuối năm 2012 nhộn nhịp người ra vào. Một số gia đình đang sửa soạn chuyển đến công trường khác khi công việc tại Sơn La đã hoàn thành. Công nhân lắp máy cũng là những người cuối cùng ở lại công trường, hầu hết đơn vị thi công đã rời đi từ trước. Sau 4 năm ăn tết tại công trường thủy điện Sơn La, tết năm nay vợ chồng anh Đoàn Ngọc Tuấn và chị Ngô Thị Hương - làm việc tại Cty CP Lilama 10 - sẽ được về quê ăn tết trong niềm vui trọn vẹn.

28148aeef_ban_linh_1.jpg
Vợ chồng anh Đoàn Ngọc Tuấn dạy con gái học sau giờ làm việc

      Vừa gói ghém, thu dọn những bộ quần áo công nhân đã bạc màu và số đồ dùng cá nhân ít ỏi, chị Hương cho biết chồng chị quê ở Hải Phòng là lính công trường chuyên nghiệp, sau bao năm bôn ba các công trường gặp chị tại Ialy và nên duyên. Từ đó vợ chồng chị bôn ba đi khắp các công trường, rồi gia đình anh chị có mặt tại Sơn La năm 2005 và đã thưởng thức 4 cái tết tại công trường vùng Tây Bắc này.

     Theo chị Hương, việc ăn tết tại công trường là chuyện bình thường của những người thợ, thời điểm 2009-2010, để kịp tiến độ thi công, Lilama có trên 70% số công nhân ở lại công trường ăn tết. Với người thợ quanh năm gắn bó với công trường, việc ở lại công trường ăn tết và làm việc cũng không có gì khác, vì đời sống vật chất của họ được công ty chăm lo chu đáo.

     Phòng kế bên là nhóm công nhân trẻ độc thân đang mở tiệc liên hoan chia tay, anh Tuyến (quê ở Hưng Hà - Thái Bình) cho biết, mấy ngày nay hoà chung không khí mừng thắng lợi của công trường, chúng tôi cũng tổ chức chia tay, vì sau công trình này có lẽ anh em sẽ mỗi người đi một công trường khác, tuỳ theo nhiệm vụ được phân công. Công nhân công trường tuy có thiếu thốn nhưng giờ điều kiện cũng khác trước, nên cũng chỉ thiếu tình cảm gia đình thôi.

     Cùng phòng với Tuyến là Sơn đang thử bộ quần áo còn nguyên nếp, hồ hởi khoe: “Đây là của Cty tặng nhân dịp khánh thành công trình lớn nhất Đông Nam Á này,  mỗi người một bộ veston mặc để dự lễ, vui thì có vui nhưng tôi quen mặc quần áo công nhân rồi nay mặc vào cứ thấy ngường ngượng không quen”. Trong quá trình triển khai xây dựng thuỷ điện Sơn La, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những người công nhân trên công trường, tổng thầu Sông Đà ngoài việc xây dựng nơi làm việc và nhà ở cho họ, còn xây dựng cả nhà trẻ trường học. Do vậy 100% con em công nhân  tại công trường  đều được đến lớp và đi học ổn định. Ngoài ra, công trường cạnh thị trấn Mường La nên sinh hoạt thuận tiện hơn ở những công trường khác.

6114f6546_2_ban_linh.jpg

     Anh Đoàn Ngọc Tuấn cho biết, cuộc sống của người thợ lắp máy luôn gắn với công trường, bản thân tôi bám công trường 28 năm với trên 13 năm ăn tết tại các công trường. Tết 1992-1993 là cái tết đầu tiên của anh tại công trường thủy điện Vĩnh Sơn (Bình Định), cảm giác nhớ nhà khi chuông giao thừa điểm.

“Thời đó khó khăn lắm, công trường cách trung tâm thị trấn huyện trên 40km, 1 tuần mới có 1 chuyến xe đưa thực phẩm vào công trường, lại tách biệt với dân nên rất buồn” - anh Tuấn chia sẻ.

     Theo anh Tuấn thì năm nay sẽ là cái tết vui nhất và to nhất của vợ chồng anh kể từ ngày cưới. Vì đây là năm đầu tiên họ được nghỉ tết, lại nghỉ dài ngày, tiền thưởng cũng nhiều hơn... .

Nhiều khó khăn phía trước

     Thực tế của người thợ xây dựng là họ chỉ vui và hào hứng khi đến còn khi các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, đem lại lợi ích cho xã hội thì người công nhân lại đến những công trình mới với những khó khăn mới. Về thành phố là không thể vì nhà cửa không có, đời sống sinh hoạt đắt đỏ, do vậy bám công trường vẫn là phương án tối ưu. Nhưng cần phải có chế độ hợp lý để đảm bảo đời sống NLĐ.

     Theo ông Lê Văn Tuấn – TGĐ Lilama - đây là vấn đề khó khăn nhất của chúng tôi, sau Sơn La nếu công nhân muốn nghỉ chế độ một lần Cty sẽ giải quyết ngay, còn những người muốn tiếp tục làm việc tại công trường Cty cũng sẽ bố trí công việc tốt nhất. Để đảm bảo việc làm và đời sống ổn định cho NLĐ, hiện Cty cũng đang bố trí nữ LĐ làm công việc thu dọn công trường. Vấn đề nhà ở cho NLĐ là rất khó khăn vì NLĐ cả đời bám công trường không thể về thành phố được vì nhà ở và giá cả đắt đỏ và cũng rất khó xoay xở để ổn định cuộc sống.

     Để Sơn La về đích trước kế hoạch có sự đóng góp to lớn của  lực lượng CNLĐ. Nếu nói Cty mạnh phải nhìn thấy lực lượng lao động hùng mạnh và họ phải được làm việc trong môi trường và điều kiện tốt nhất có thể. Do vậy, chia sẻ những khó khăn của NLĐ, ông Tuấn cho rằng cần phải có tính toán dài hơi vì không phải chỉ riêng Sơn La mà còn Lai Châu, Huội Quảng, Nậm Chiến...

      Tất nhiên, sau Lai Châu thì gần như kết thúc việc lắp máy thủy điện, nhưng vấn đề tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn công nhân và gia đình họ là một vấn đề cực kỳ lớn. Theo ông Tuấn, hiện nay ở Trị An, Sông Đà vẫn còn tồn tại những xóm công nhân rất vất vả, nhiều người phải đi chăn bò và làm nhiều nghề khác kiếm sống. Trước mắt, về công ăn việc làm NLĐ không lo vì còn Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Mông Dương... “2013 rất khó khăn vẫn phải nằm hầm trú ẩn ăn lương khô. Nhưng Cty vẫn phải duy trì lực lượng lao động, từ năm 2014 trở đi làm thuỷ điện sẽ ít, lắp máy cũng đang tính toán phương án xây dựng nhà máy để SXKD và tạo việc làm ổn định cho NLĐ" - ông Tuấn chia sẻ.

Đánh dấu sự trưởng thành của người thợ

     Chia tay chúng tôi, Nguyễn Đình Tình – chi nhánh Lilama 10 Sơn La - cho biết, công trình thủy điện Sơn La với những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” mang đậm dấu ấn của bàn tay, khối óc người Việt. Đây là dự án người Việt Nam đã có thể làm chủ từ khâu chỉ đạo, thiết kế, thi công đến quản lý, vận hành. Nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được áp dụng thành công tại công trường.

     Có thể kể đến như công nghệ bêtông đầm lăn với dây chuyền sản xuất công suất lớn, thi công liên tục trong gần 30 tháng đã góp phần rút ngắn tiến độ. Hệ thống cầu trục với sức nâng 1.200 tấn để lắp đặt các thiết bị siêu trường, siêu trọng của nhà máy đạt tỉ lệ nội địa hóa lên đến 90%. Cùng với đó, các tổ máy của thủy điện Sơn La với công suất, kích thước, khối lượng lớn nhất trong các nhà máy thủy điện trên cả nước đã được lắp đặt thành công, đều đặn 4 tháng xong 1 tổ máy.

     Với bộ máy và guồng quay này chúng tôi lại tiếp bước lên Lai Châu, với quyết tâm sẽ đưa Lai Châu về trước tiến độ như Sơn La. Vì đã có những kinh nghiệm, bài học thực tế từ Sơn La. Kỹ sư Trần Văn Cường cho biết thêm: Với những người thợ được phục vụ thi công thủy điện Sơn La là một vinh dự lớn. Công trường đã rèn luyện thêm tay nghề cho họ. “Nhìn công trình về đích, chứng kiến lễ khánh thành, những người thợ mẫn cán đã làm nên kỳ tích không khỏi bâng khuâng, hụt hẫng vì ngày mai họ phải chia tay Sơn La, tiếp tục lên đường tới các công trình mới” - kỹ sư Cường tâm tư.

Đặng tiến - BLĐ
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 7
  • 0
  • 0
  • 5
  • 8
  • 3
lên đầu trang