Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:01

Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:01

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 01:00 ngày 12/12/2012

Bông hồng vàng trên đất xứ Thanh

Nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống được ví như nghề làm dâu trăm họ. Làm tròn chức phận con dâu một họ đã là khó rồi, nhưng làm dâu cho cả trăm họ lại càng khó hơn. Ví von như vậy mới thấy hết những vất vả, nhọc nhằn của cái nghề đặc biệt này!

ca31a4065_bong_hong_vang_1_126112012071704_vinasme_info.jpg

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trịnh Thị Phương Loan vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2011

Trịnh Thị Phương Loan sinh ra trong một gia đình lao động ở thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa), bố là cầu thủ bóng đá có tên tuổi thời bấy giờ. Ông là người rất yêu lao động, rất chăm chỉ làm lụng và có nhiều sáng tạo. Kế thừa truyền thống yêu lao động từ bé của người bố, chị luôn thể hiện sự chăm chỉ, cần mẫn trong công việc, đã làm việc gì là làm đến nơi đến chốn, quyết không bỏ dở cho dù có phải gặp trở ngại. 

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành “Ăn uống công cộng”, với tấm bằng loại khá, chị đã từ chối lời mời ở lại làm giảng viên của nhà trường. Chị muốn được trở về nơi quê hương mà mình đã sinh ra và lớn lên, để làm một điều gì đó cho quê hương. Nhận công tác tại Công ty ăn uống thuộc Sở Thương mại Thanh Hóa, chị được giao rất nhiều việc: từ viết báo cáo, đến tổng hợp tình hình kinh doanh, thậm chí làm giáo viên đào tạo nghiệp vụ cho các đối tượng mới vào nhận việc. Đem hết nhiệt huyết và lòng say mê công việc, kết hợp với những kiến thức được học trong trường, vận dụng sáng tạo và thông minh, chị đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện và ngày càng có uy tín trong Công ty. 

Năm 1987, thời kỳ hoàng kim của các công ty thương nghiệp chấm hết, nhất là lĩnh vực dịch vụ ăn uống bắt đầu gặp khó khăn. Giữa lúc này chị được điều xuống làm Cửa hàng phó Nhà hàng Lê Lợi. Tại đây, chị phải đối mặt với những khó khăn và những tháng ngày xoay sở vượt qua thách thức. Lớp cán bộ cũ không nhiệt tình ủng hộ đổi mới, dè dặt xem xét xen lẫn hoài nghi. Chị được giao phụ trách ở quầy hàng Trần Phú với một hiện trạng rất tồi tệ: đã nhiều tháng không có lương, công nợ đầm đìa, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ thứ. Không nản lòng, chị đã từng bước củng cố lại tổ chức, khai thác các mối quan hệ của mình, đi đến từng cơ quan vận động tiếp thị các đối tác đến với quầy hàng, mạnh dạn đổi mới phương thức kinh doanh… Sự nỗ lực của chị đã không uổng phí. Sau 3 tháng, số lượng khách đến với quầy hàng ngày càng đông, chị đã vực dậy tình hình tài chính, trả hết nợ nần, người lao động có việc làm và có lương. 

Đến năm 1992, thị trường dịch vụ ăn uống lại phải đối mặt với nhiều thực trạng khó khăn mới. Hàng loạt các quán xá, nhà hàng bia cỏ, bia “ôm” mọc lên như nấm sau mưa. Dư luận xã hội đã có nhiều định kiến lệch lạc khi quan niệm rằng, cứ đi nhà hàng là thiếu lành mạnh. Tại thời điểm đó, Trịnh Thị Phương Loan được bổ nhiệm làm Cửa hàng trưởng Cửa hàng ăn uống Dạ Lan, một cửa hàng đang đứng bên bờ vực thẳm của phá sản, tài sản duy nhất là 2 dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp, xập xệ. Tư tưởng người lao động chán nản, tay nghề ngày càng kém, cơ chế xóa bỏ bao cấp đã tác động mạnh đến Công ty, đã có những phương án hoặc là cho thuê nhà hàng Dạ Lan, hoặc là bán khoán… Gia đình chị cũng có nhiều ý kiến không ủng hộ chị kinh doanh dịch vụ nhà hàng. Ngay cả chồng của chị cũng vậy. Nhiều lúc chị cũng thấy nản…, nhưng lòng tự trọng, niềm đam mê công việc đã xui khiến chị quyết tâm vượt lên, xóa bỏ những mặc cảm méo mó của xã hội, khẳng định vai trò, vị trí của ngành dịch vụ ăn uống có tầm rất quan trọng và thiết thực trong cuộc sống của thời mở cửa. 

Với quyết tâm đó, chị đã tìm được đầu bếp giỏi, có kinh nghiệm trong lĩnh vực phục vụ nhà hàng. Bằng những biện pháp cụ thể và hữu hiệu như: cải cách lề lối, tác phong phục vụ, đặt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm lên đầu, năng động khai thác, nắm bắt thị trường, tìm hiểu những tinh hoa, đặc sản ở các vùng miền, cửa hàng của chị đã từng bước chinh phục khách hàng. Lượng khách đến với cửa hàng ngày càng đông. 

Tháng 6/2000, thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp, Cửa hàng ăn uống Dạ Lan được chỉ định tách ra làm đơn vị cổ phần hóa đầu tiên của tỉnh, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và cơ chế quản lý mới. Được sự động viên của các cấp, Công ty Dạ Lan ra đời. Với niềm tin tưởng tuyệt đối của anh chị em trong cơ quan, chị được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Trước thực tế CBCNV không đủ tiền mua cổ phiếu, chị chịu trách nhiệm bảo lãnh ngân hàng, cho những người cộng sự với mình vay tiền, mua thêm cổ phiếu mệnh giá cao để họ tham gia vào các vị trí chủ chốt. Khi cổ phần hóa, chị xác định rõ là phải để người lao động được hưởng những giá trị đích thực mà mình đang có, không bán cổ phiếu ra ngoài để hưởng lợi trước mắt, không thôn tính các cổ phiếu, tạo điều kiện tối đa cho các cộng sự cùng với mình giữ vững chủ quyền thương hiệu của Công ty. 

Điều quan trọng nhất là chị đã phân phối các lợi ích một cách hài hòa, phù hợp, không để người lao động bị thiệt thòi, một đồng chi ra đều được tính toán cụ thể, mọi khoản chi đều phải vì mục đích phục vụ cho Công ty. Có được đội ngũ công nhân lành nghề, yêu công việc, cần mẫn, siêng năng, không quản vất vả và một “minh chủ” tâm sáng, lòng trong, hết mình cho đơn vị, những điều đó đã tạo ra động lực thúc đẩy Công ty của chị vươn lên không ngừng. Từ một cửa hàng làm ăn thua lỗ, Công ty Dạ Lan đã trở thành một doanh nghiệp cổ phần lớn của tỉnh, có uy tín cao đối với khách hàng trong cả nước, Công ty đã phát triển thêm nhiều cơ sở kinh doanh: Dạ Lan Center, Dạ Lan Star, Dạ Lan Event, Dạ Lan Sea, Dạ Lan Factory, với đội ngũ lao động trên 400 người, cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 49%, lao động có tay nghề kỹ thuật cao chiếm 55%, chỉ tiêu tăng trưởng 20-30%/năm, nộp ngân sách mỗi năm 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động từ 5,5 – 6 triệu đồng/tháng. 

Không chỉ là một người lãnh đạo giỏi quản lý, chị còn có một đời sống nội tâm rất tình cảm. Chị luôn động viên mọi người, sắp xếp thời gian hợp lý, làm tốt chức năng người vợ trong gia đình. Chị thường xuyên tự tay nấu cho chồng những món ăn mà anh ưa thích, từ đó, anh đã hiểu rõ về công việc của chị và thực sự chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Gia đình của chị đã trở thành mái ấm của tình thương yêu và ngập tràn hạnh phúc. 

Để có một Dạ Lan bề thế, vững chắc như ngày hôm nay, phải khẳng định công lao lớn của Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trịnh Thị Phương Loan, người đã từng phải vất vả, lao tâm khổ từ từ những ngày đầu sơ khai còn nhiều thiếu thốn. Chị đã làm nên một thương hiệu Dạ Lan bay cao, bay xa đến khắp mọi miền trong nước và quốc tế. Trong quá trình công tác của mình, có rất nhiều cơ hội để chị chuyển đổi công tác, làm một công việc gì đỡ vất vả, bận bịu hơn, nhưng chị không nỡ và không đành lòng. Tri thức với thực tiễn, niềm tin và tự trọng, can đảm và ý chí cùng một tâm hồn chứa đựng đầy tính thiện, luôn lấy tình yêu thương làm gốc trong đối nhân xử thế, đó là những gì người ta thấy ở người phụ nữ xứ Thanh - Trịnh Thị Phương Loan. Năm 2005, Hiệp hội Nữ doanh nhân Thanh Hóa được ra đời. Với uy tín của mình, chị đã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân tỉnh Thanh Hóa. Dạ Lan đã thỏa mãn được nhu cầu văn hóa ẩm thực của khách hàng, có nhiều dịch vụ cho mọi tầng lớp, từ những món ăn bình thường nhất, đến những món cao cấp như: súp yến, súp sụn vi cá mập, súp tôm, cua… đều được đáp ứng đầy đủ. Dạ Lan đã tạo được một không gian văn hóa ẩm thực, để thực khách khắp nơi được gặp nhau, giao lưu và hưởng thụ, thưởng thức những thi vị ngọt ngào, mới lạ trong cuộc sống, đánh thức được giá trị to lớn và những tinh hoa trong văn hóa ẩm thực trên vùng đất địa linh nhân kiệt, làm rạng rỡ cho quê hương xứ Thanh anh hùng ngày càng tỏa sáng. 

Với những thành quả đóng góp đáng trân trọng đó, Công ty Dạ Lan đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (2011), Huân chương Lao động hạng Ba (2007), bằng khen Thủ tướng Chính phủ (2004) và rất nhiều bằng khen của các ban, ngành, UBND tỉnh Thanh Hóa. Riêng Giám đốc Trịnh Thị Phương Loan được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (2011), Huân chương Lao động hạng Ba (2004), Chiến sĩ thi đua toàn quốc 2006, đặc biệt là 2 lần đoạt giải “Bông hồng Vàng” (2005, 2009), nhiều năm đạt danh hiệu “Nữ doanh nhân tiêu biểu toàn quốc”, Huy chương Vàng danh hiệu “Đầu bếp tài hoa” (2004). Năm 2011, chị là một trong 7 phụ nữ trong cả nước nhận giải “Phụ nữ Việt Nam”. Năm 2007, một vinh dự lớn đến với chị là tại Đại hội phụ nữ toàn quốc, chị đã được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa X. Nhân hậu, bản lĩnh, trí tuệ và đam mê trong công việc, chị mãi mãi là “Bông hồng Vàng” tỏa hương thơm ngát trên vùng đất xứ Thanh.


Theo TCCN
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 7
  • 0
  • 1
  • 6
  • 6
  • 5
lên đầu trang