Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ hai, 06/05/2024 | 19:34

Thứ hai, 06/05/2024 | 19:34

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 03:21 ngày 23/10/2012

Vượt lên số phận

Sinh ra vốn bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng số phận không may mắn sau khi trãi qua trận sốt lúc 2 tuổi đôi chân anh Diệu bị teo lại không thể đi lại được. Trò chuyện và nhìn ánh mắt anh chúng tôi hiểu dẫu chịu nhiều thiệt thòi nhưng trong anh vẫn sáng lên niềm lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Điều đó đã phần nào đánh tan thắc mắc trong suy nghĩ của chúng tôi dù tay trắng nhưng anh đã xây dựng lên cơ ngơi như ngày hôm nay. Là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất vật liệu gỗ xây dựng và đồ mỹ nghệ; quản lý gần 20 thợ bốc, đóng, xẻ gỗ; 10 thợ khuyết tật có tay nghề chạm khắc trên gỗ; nuôi dạy miễn phí 7 em khuyết tật tại cơ sở của mình.

a1c018dc8_1.jpg

Anh Trần Xuân Diệu sinh năm 1979 ở vùng quê nghèo huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị trong gia đình đông anh em với 5 người con, bản thân mang tật nguyền hiểu nỗi khó khăn và cơ cực của gia đình nên suy nghĩ của anh già trước tuổi. Từ nhỏ mọi nếp sinh hoạt đều nhờ cả vào người thân, cứ nghĩ cuộc sống vô vọng trôi qua nhưng điều may mắn đã đến với anh thắp nên niềm hy vọng mới. Năm 14 tuổi anh bắt đầu đi lựng chựng bước tập tễnh những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Vốn nhà nghèo cha mẹ và các anh chị đều làm ruộng cảnh nhà chật vật thường trực đè nặng lên cuộc sống gia đình. Sau khi tốt nghiệp bậc trung học cơ sở anh quyết định xin ba mẹ theo học nghề mộc. Vốn bản tính thích học hỏi ham hiểu biết anh nhanh chóng biết nghề và mày mò tìm hiểu thêm về cách thức tiện gỗ mỹ nghệ. Nhờ chăm chỉ siêng năng nên chỉ sau hai năm anh ra nghề.

Những thử thách bắt đầu đến với chàng thanh niên khuyết tật 18 tuổi ra nghề với hai bàn tay trắng. Khi đó anh mạnh dạn thuê một lô đất cạnh quốc lộ 1A thuộc thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị dựng tạm một cái lán nhỏ mở cơ sở sản xuất đồ gỗ. Vì không có tiền vốn mua nguyên liệu anh chạy vạy khắp nơi tìm các mối gỗ hỏi mua nợ.

Nhiều bữa trở trời đôi chân lại hành hạ đau nhức không thể đứng vững nhấc nỗi tấm gỗ mỏng, nên có lúc trong đầu thoáng qua suy nghĩ buông xuôi mọi chuyện nhưng trước những cố gắng từ bấy lâu không cho phép anh làm vậy.

“Thời gian đầu cũng lao lung khó khăn lắm vì người ta nghĩ mình tật nguyền nên cũng hoài nghi liệu có làm được không? Những khi ấy mình cảm thấy rất tủi thân nhưng sinh ra vốn vậy thì biết làm sao lòng dặn mình và tự an ủi hãy cố gắng nếu mình buông bỏ cho cuộc đời ra sao thì ra lúc ấy người khổ nhất là mình rồi ba mẹ nữa. Mình sinh ra không được may mắn nên cứ mong trời sẽ chẳng phụ lòng người”, đôi mắt rơm rớm nước anh tâm sự.

Thấy anh vất vả lại mới ra nghề bản thân mang tật nguyền các chủ gỗ không tin tưởng bán chịu cho anh để mở rộng cơ sở làm ăn. Vốn không cam chịu số phận anh tự học tìm hiểu thêm kỹ thuật, sáng tạo nhiều mẫu vẽ mới với năng khiếu bẩm sinh cùng thái độ nghiêm túc lao động anh miệt mài đẽo chạm các bức hoành phi, tượng gỗ, bình hoa.. tinh sảo làm hài lòng khách hàng. Lúc đầu anh xác định làm đồ mỹ nghệ đòi hỏi phải cẩn thận, kỹ lưỡng, thẩm mỹ, tốn nhiều công sức và thời gian thì mới tạo ra sản phẩm đẹp ưng ý, hiện mình chưa có vốn nên cứ cần mẫn làm việc lấy công làm lãi, anh tâm sự.

Rồi bà con quanh đó đến đóng những vật dụng sinh hoạt trong nhà như chiếc nghế, cái bàn, cái tủ… với sự thật thà, cẩn thận anh nhanh chóng tạo được lòng tin, có uy tín. Dần già tay nghề vững vàng anh nhận thêm các sản phẩm đòi hỏi sự công phu với tinh thần ham học hỏi khát vọng muốn đứng vững và tự lập bằng chính sức mình sản phẩm của anh nhanh chóng được mọi người biết đến và thích. Các đơn đặt hàng cứ tăng dần trong niềm vui khôn tả xen lẫn sự lo lắng vì không có vốn để đầu tư thêm.

“ Cũng may các chủ gỗ thấy mình làm được họ cũng bán chịu, mình đóng hàng giao cho khách chắt chiu trả lại tiền gốc cho chủ gỗ đúng hẹn nên họ cũng an tâm bán gỗ cho mình làm ăn”, anh chia sẻ.

Với đức tính chịu thương chịu khó hai vợ chồng anh Diệu chăm chỉ làm việc mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh. Tích lũy vốn đến năm 2008 anh quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Xuân Diệu.

Hiện tại cơ sở của anh một năm thu lãi hơn 600 triệu đồng. Chuyên sản xuất vật liệu gỗ, nội thất phục vụ xây dựng, tiện đồ mỹ nghệ có uy tín trên địa bàn. Nay anh Diệu đang quản lý 30 lao động chính trong đó 20 thợ mộc chuyên cưa, xẻ bốc gỗ, 10 lao động là các em khuyết tật đến học và được nhận lại làm việc tại xưởng, ngoài ra có 7 em đang theo học nghề (tuổi từ 16 đến 25). Mỗi thợ làm tại xưởng thu nhập ổn định mỗi tháng 4 triệu đồng. Mỗi em sau khi học nghề từ 1 đến 2 năm nếu có nguyện vọng ở lại cơ sở của anh làm việc thu nhập mỗi ngày từ 80 đến 100 nghìn đồng.

Ngoài tạo công việc và thu nhập ổn định cho mình anh luôn ấp ủ ước muốn giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Anh nhiệt tình đến từng gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn có con em khuyết tật lắng nghe động viên đưa các em về nhà nuôi ăn và dạy nghề miễn phí với mong muốn giúp các em không tự ti mặc cảm sau này có nghề nghiệp tự nuôi sống bản thân.

“Anh Diệu như người anh trai luôn giúp đỡ khi chúng em gặp khó khăn. Nhà nghèo được sự giúp đỡ của anh chúng em lên đây học nghề mong sau này có thể tự nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Mỗi dịp tết đến anh Diệu may quần áo, mua kẹo mứt, và gửi tiền cho chúng em về quê ăn tết cùng gia đình. Điều đó đã giúp chúng em không cảm thấy tủi phận và mặc cảm với mọi người xung quanh,” em Trần Quốc Dũng (19 tuổi) quê Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị chia sẻ.

Hiểu được nỗi lòng của chồng cộng đức tính chịu thương chịu khó chị Nguyễn Thị Thông vợ anh luôn cùng chồng tạo điều kiện ăn ở trong nhà và truyền dạy nghề miễn phí cho các em thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Hiện có những em học ở anh ra nghề tiếp tục ở lại cơ sở của anh làm việc với mức thu nhập hàng tháng trên 3 triệu đồng, có người sau khi thành thạo nghề có nguyện vọng vào Nam lập nghiệp được anh tạo điều kiện ủng hộ một phần kinh phí. Đến lúc này nhiều người từng học nghề ở chỗ anh đã tạo dựng gia đình lo được cuộc sống ổn định.

“Nhiều lúc thấy các em thành đạt ở bên ngoài hay có một công việc đủ lo cho bản thân mình mừng lắm. Ngày xưa cũng tự mày mò tìm đường làm ăn nên mình rất hiểu những cái khó của những người khuyết tật khi làm kinh tế cùng với đó là sự mặc cảm”, anh chia sẻ.

Dù lợi nhuận dùng để chi phí vào việc học nghề của các em không nhỏ nhưng anh rất vui, xem đây là trách nhiệm nên làm và luôn muốn nhận thêm các em về đào tạo. “Sắp đến mình nhận thêm 4 em câm điếc về nhà nuôi dạy. Người khuyết tật họ rất mặc cảm và luôn thấy tự ti trước mọi người thậm chí chính mình bởi họ bị tư tưởng dựa dẫm không thể tự lập và rất khó có cơ hội tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân. Do vậy khi mình nhận dạy nghề tạo công việc cho các em mình thấy như chính mình cũng đang nhận được niềm vui vậy”, anh chia sẻ.

Câu chuyện giữa chúng tôi và anh ngắt quãng vì khách hàng đến đặt hàng mua sản phẩm của anh. Ngồi nghe anh giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, giao và nhận gỗ, chỉ bày các em đang theo học chạm khắc, hướng dẫn mọi người cưa, xẻ gỗ… với đôi chân co quắp lê từng bước đi nặng nhọc và dường như điều ấy càng thôi thúc anh quyết tâm cống hiến sức mình nhiều hơn nữa.

Nhìn cơ ngơi vợ chồng anh gây dựng chúng tôi càng thêm tin tưởng sự nổ lực hết mình luôn đem lại cho người quả ngọt. Anh Diệu không chỉ tự biết vươn lên nắm lấy hạnh phúc mà còn tạo ra và mang đến hạnh phúc cho người khác niềm tin vào cuộc sống.

Đạt thành tích cao trong hoạt động thể thao


Ngoài làm kinh tế giỏi, hết lòng vì người khuyết tật anh Diệu còn là một vận động viên bơi lội đạt nhiều thành tích xuất sắc ở các giải đấu của địa phương, tỉnh nhà, trong nước và khu vực. Tại kì đại hội Para games Asian 2003 anh vinh dự đạt 3 huy chương gồm 2 giải bạc và 1 giải đồng. Từ đó đến nay anh là thành viên tích cực tham gia các giải đấu ở huyện và tỉnh tổ chức. Hiện số lượng huy chương anh nhận được lên đến con số hàng chục.

Khi nói về những thành tích của mình bên những giấy, bằng khen và huy chương mà anh luôn trận trọng gìn giữ, anh tâm sự, đây là động lực giúp mình sống tốt hơn bởi cái khó nhất của người khuyết tật chính là vượt lên mặc cảm và sức ì của chính bản thân mình.

Đến với thể thao cũng là một cơ duyên trong một dịp tình cờ có cán bộ phòng thể thao và văn hóa huyện Gio Linh đi qua dừng xe lại vào cơ sở của anh nói chuyện và hỏi anh có biết bơi không ? Anh chân chất trả lời, dạ có.

Từ nhỏ sống ở quê thường cùng anh chị và các bạn ra chơi cạnh sông hồ nên anh cũng tập tễnh biết bơi. Anh được nhận về tập luyện cho huyện nhà và được chọn đi thi đấu môn bơi lội giải thể thao dành cho người khuyết tật của huyện Gio Linh. Đạt thành tích cao nên anh Diệu được đưa đi thi đấu ở tỉnh giành được giải giải nhất và vinh dự chọn dự giải Paragames Asian 2003. Từ đó tiếp thêm cho anh niềm đam mê với môn bơi lội giúp anh thường xuyên tập luyện hăng hái tham gia các giải đấu ở tỉnh nhà và trung ương. Anh nhanh chóng đạt nhiều giải thưởng quan trọng được UBND tỉnh Quảng Trị, Sở VHTT&DL Quảng Trị tặng thưởng nhiều giấy, bằng khen cấp tỉnh, Trung ương…

 Theo Baoxaydung
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 7
  • 1
  • 2
  • 1
  • 2
  • 1
lên đầu trang