Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 17/05/2024 | 10:50

Thứ sáu, 17/05/2024 | 10:50

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 11:30 ngày 25/04/2012

Phó Chủ tịch Đặng Hữu Hoàn - như pho từ điển sống

Là phóng viên viết mảng công đoàn, mỗi khi lên trụ sở CĐXDVN ở phố Cửa Đông, thành thói quen, tôi thích ghé qua phòng Phó Chủ tịch CĐ Đặng Hữu Hoàn . Hình ảnh quen thuộc hay gặp là dáng người nhỏ, hao gầy ngồi lút sau chiếc bàn làm việc có cái máy vi tính lúc nào cũng sáng đèn. Phải thừa nhận, cánh phóng viên viết đề tài công đoàn, chính sách người lao động gặp anh Hoàn là rất khoái vì kiểu gì cũng tìm được, vớ được đề tài hay cho bài viết. Tất nhiên là nên chuẩn bị trước nội dung cần hỏi kẻo nếu không dễ bị chính anh hút vào những đề tài dài bất tận, ghi tốc ký không kịp. Cái cách nói say sưa như móc từ trong gan ruột ra để trao đổi, nói đến đâu dẫn chứng đến đấy…khiến người nghe nhiều phen bối rối chỉ lo mình không đủ trình để thấu tỏ cho hết vấn đề.

Lần này gặp, khi nghe đề xuất muốn tìm hiểu để viết về anh, người cán bộ công đoàn mẫu mực, nhiệt huyết với sự nghiệp, anh khựng lại trong giây lát rồi thủng thẳng: “Tớ sắp nghỉ hưu rồi, viết làm gì? Tìm anh nào còn trẻ, còn nhiều thời gian cống hiến cho sự nghiệp, được tập thể tôn vinh mà viết”. Tôi trình bày: “Em trưng cầu ý kiến nhiều cán bộ công đoàn trong ngành đều đồng tình giới thiệu anh là cán bộ tiêu biểu mà!”. Anh bộc bạch: “Tớ như người quản gia thôi, thành tích là của tập thể chứ việc của tớ không đầu không cuối, có gì mà tiêu biểu?

Tôi mở đầu bằng một câu hỏi” vỡ lòng” của nghề báo: “anh bén duyên công đoàn như thế nào ạ?”. Anh tủm tỉm cười: “Điều này anh không nói!”.

Mạnh dạn trao đổi cùng anh về những tố chất của một người làm công đoàn, phải chăng có những trường hợp vì không làm được chuyên môn nên đành bố trí sang làm công đoàn? Anh thẳng thắn chia sẻ: Thực tế, không phải không có những trường hợp như vậy. Nhưng tổ chức công đoàn không cần những người như vậy. Tổ chức công đoàn cần những người trước hết có kiến thức về tổ chức công đoàn và hoạt động công đoàn, có kiến thức về pháp luật để bảo vệ được những quyền lợi chính đáng của người lao động, có năng lực để tổ chức các hoạt động phong trào, và cần những người có tâm huyết, có bản lĩnh khi cần dám đấu tranh bảo vệ người lao động. Khi hội đủ những yếu tố trên, ta sẽ được tập thể ủng hộ, nghĩa là ta đã tạo được uy tín với các đoàn viên để họ tin tưởng bình bầu ta vào tổ chức đại diện cho quyền lợi của họ. Để có và giữ được uy tín đó không dễ dàng. Người làm công đoàn nhiều khi phải thẳng thắn , dám đấu tranh, phải biết hy sinh quyền lợi của mình.

Thấu hiểu là như vậy, hèn gì anh em cán bộ công đoàn cấp dưới luôn trân trọng, ghi nhớ về anh, với những ký ức khó phai. Một cựu cán bộ CĐ TCty kể về ấn tượng của mình với Phó chủ tịch Hoàn: Năm 2007, CĐ TCty Viglacera tổ chức lớp “Bồi dưỡng lý luận nghiệp vụ CĐ chương trình Đại học phần” trong thời gian 60 ngày. Hôm bế giảng lớp Bồi dưỡng, anh Hoàn đại diện CĐXDVN đến dự và phát biểu. Cán bộ CĐ Viglacera hôm ấy rất vui, tự hào vì là đơn vị đầu tiên trong toàn ngành tổ chức được một hoạt động quy mô, ý nghĩa như thế, nghĩ chả có lý do gì để cấp trên không biểu dương, khen ngợi. Nhưng thật bất ngờ, Phó chủ tịch Hoàn lên phát biểu, sau những lời động viên, ghi nhận, Phó chủ tịch nêu một vấn đề mà cả Hội trường ngồi im phăng phắc: “Các đồng chí bối dưỡng thì tốt rồi nhưng giờ làm thế nào để tổ chức CĐ giữ được những cán bộ CĐ này đóng góp lâu hơn cái tư duy nhiệm kỳ, nếu không thì việc hôm nay của chúng ta hóa chẳng phải là lãng phí hay sao?”

Có một thời gian dài, tôi nhiễm quan niệm cán bộ công đoàn là những anh khuấy động phong trào, mạnh về “cờ đèn, kèn trống”, quanh đi quẩn lại với phát động thi đua, tổ chức hội thao hội diễn, phát động phong trào Xanh – sạch – đẹp… Nhưng gặp Đăng Hữu Hoàn, tôi đã có cái nhìn về vai trò của người cán bộ công đoàn ngành ở khía cạnh hoàn toàn khác. Đó là những kế hoạch, chương trình hành động triển khai bài bản, quyết liệt và cả những căng thẳng của sự đấu tranh bền bỉ. Năm 2010, mình được dự cuộc Hội thảo “nóng bỏng” của CĐXDVN về một vấn đề có vẻ khá căng thẳng, trước bối cảnh một số CĐ tập đoàn ngành đề xuất được trực thuộc Tổng LĐLĐVN. Phó Chủ tịch Đặng Hữu Hoàn đã có những luận điểm sắc sảo, khoa học và biện chứng, tập hợp được nhiều tham luận bảo vệ quan điểm chưa thể tách rời tổ chức CĐ các tập đoàn khỏi CĐ ngành. Vấn đề nhạy cảm này vẫn còn đang gây tranh cãi mà mỗi lần gặp, chạm đến nó là mắt anh rực sáng, lại nói say sưa.

Với “mái nhà” CĐXDVN nhiều năm nay, nếu Chủ tịch CĐXD là “nóc nhà” thì Phó Chủ tịch Đặng Hữu Hoàn là trụ cột. Bất cứ công việc gì anh em mọi bộ phận chuyên môn và cả CĐCS đều có thể tìm đến anh xin tư vấn, giải thích hoặc trợ giúp. Anh được ví như cuốn bách khoa toàn thư về công đoàn. Lớp trẻ vẫn nói vui anh là “ trưởng lão cấp tiến” trong khi lớp cán bộ gạo cội nhiều người chật vật “ a bờ cờ”với máy vi tính thì anh có thể xử lý thành thạo trên các thanh công cụ, các phím tắt, phím nhanh thậm chí không cần dùng con chuột. Cán bộ công đoàn các ban có thể dễ dàng tiếp cận lãnh đạo của mình để học hỏi kinh nghiệm khi thì cùng chuyến xe đi công tác, lúc lại ngay trên phần công việc dang dở của mình. Là người phụ trách công tác tổ chức, văn phòng, anh mạnh dạn giao việc cho cấp dưới và luôn có những lời chỉ dạy ân cần, thiết thực. Về kinh nghiệm viết báo cáo, anh chia sẻ: “Hoạt động công đoàn nhìn chung ở đâu chẳng giống nhau nhưng người tổng hợp phải biết chắt lọc, lựa chọn thông tin, cố tìm lấy điểm riêng biệt. Làm sao để cái tên của đơn vị cơ sở được điểm ít nhất 1 – 2 lần trong bản báo cáo. Như vậy vừa mang tính động viên, ghi nhận, biểu dương lại vừa gián tiếp phản hồi cho cơ sở biết chúng ta đã nhận được và đọc kỹ báo cáo của họ.”. Trong đánh giá cơ sở, anh quan niệm: người cán bộ công đoàn cấp trên phải biết linh hoạt trong cách nghĩ, khen chê cho sát đáng. Chẳng hạn như năm 2011 vừa qua, toàn ngành đều phải gồng mình vượt khó, việc đánh giá các chỉ tiêu, kế hoạch, duy trì phong trào của tổ chức công đoàn phải đặt trong bối cảnh chung đó để nhìn nhận sự nỗ lực của phong trào CNVCLĐ chứ không thể cứ áp đặt so sánh chỉ tiêu những năm thuận lợi mà vội kết luận là tụt lùi, giảm sút…

Để giúp cho các cấp công đoàn trong ngành nắm vững một số kiến thức cơ bản liên quan đến nghiệp vụ, anh đã dành thời gian công sức biên soạn nhiều tài liệu thiết thực, trong đó, cuốn sách “Những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và những vấn đề cần lưu ý khi giao kết hợp đồng lao động” không chỉ được các cấp công đoàn sử dụng mà còn được nhiều phòng tổ chức – nhân sự của doanh nghiệp trong ngành hoan nghênh, đề nghị tái bản.

Vậy nhưng, khi được đề nghị viết Báo cáo thành tích đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, anh lại …không biết viết gì! Và anh em đồng nghiệp đã dễ dàng tổng hợp giúp anh bảng thành tích thật dày dặn và thuyết phục; dễ dàng bởi anh thật xứng đáng!

Khi ngồi viết về anh, tôi chợt nhớ tới vẻ luyến tiếc của anh cán bộ ở CĐXDVN khi nhắc đi nhắc lại: “Gần sếp Hoàn chưa được bao lâu thì sếp lại sắp nghỉ rồi! Giá kéo dài một vài năm nữa mình học hỏi thêm được bao điều”. Quả thật, anh đã sắp được nghỉ ngơi, song ngành công đoàn nói chung và tổ chức CĐXDVN thật không dễ để có thể có được một người cán bộ tận tụy, tâm huyết, đam mê và hiểu biết đến thế; bởi một điểm khác biệt: anh là người cán bộ công đoàn mang phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ!

Theo báo Xây dựng
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 8
  • 1
  • 4
  • 5
  • 9
  • 1
lên đầu trang