Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 17/05/2024 | 11:32

Thứ sáu, 17/05/2024 | 11:32

Điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Xây dựng

Cập nhật lúc 04:12 ngày 30/03/2012

“Công đoàn đã rèn cho tôi sự điềm tĩnh”

Kể từ tháng 5/2009, khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư, Xây lắp và VLXD Đông Anh (viết tắt là DOMATCO, thuộc TCty LICOGI), anh Vũ Hữu Tuynh mới “chia tay” trọng trách Chủ tịch Công đoàn Cty. Nhưng trước đó, anh có khoảng… 20 năm nắm vai trò Thủ lĩnh Công đoàn DOMATCO và nếu tính cả thời gian làm cán bộ Công đoàn bộ phận, “tuổi Công đoàn” của anh cũng lên đến con số 30.

110b59188_a2.jpgTrong quãng thời gian hoạt động Công đoàn, anh Tuynh có vô vàn những kỷ niệm đáng nhớ. Một kỷ niệm để đời là hồi Cty – trong top những đơn vị đầu tiên của Ngành Xây dựng - tiến hành CPH (năm 1999). Ngày ấy, đến cán bộ cũng không hình dung được đầy đủ thế nào là CPH chứ nói gì đến NLĐ. Mọi người hoang mang: Đơn vị đang làm ăn tốt, tập thể đoàn kết, tại sao lại CPH? NLĐ đang là người của nhà nước, sau CPH bỗng dưng giống như ở đơn vị tư nhân, trở thành người làm công ăn lương?

Trong bối cảnh như vậy, Bộ Xây dựng, TCty LICOGI tức tốc cử các đoàn công tác về đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn. Đồng thời, Bộ cũng tổ chức gấp một số lớp học tập về CPH cho cán bộ chủ chốt của đơn vị, trong đó có Chủ tịch Công đoàn. Khi cán bộ “vỡ” ra vấn đề thì cũng là lúc Chủ tịch Công đoàn phải đối diện với suýt soát 300 NLĐ đang lo lắng. Phần lớn trong số họ thẳng thừng phản đối CPH bằng cách… không mua cổ phiếu. Phân tích, vận động trái chiều quan điểm số đông NLĐ thực sự là một nhiệm vụ quá khó. Sau nhiều trăn trở, anh Tuynh đã chọn cách thuyết phục dễ hiểu nhất…

Anh Tuynh nhớ lại: Vào thời điểm đó, toàn bộ tài sản của DN được định giá chỉ có 9,388 tỷ. Trong đó có thiết bị giá thị trường vào khoảng 200 triệu nhưng được định giá thấp hơn nhiều. Tôi vận động mọi người mạnh dạn mua cổ phiếu. Bởi như vậy là họ được mua tài sản đơn vị với giá rẻ, mua là lãi. Hơn thế, tùy theo thâm niên công tác, NLĐ còn đuợc mua cổ phiếu ưu đãi. Sau CPH, NLĐ vẫn vừa là NLĐ của đơn vị, vừa là cổ đông. Hàng năm cổ đông được hưởng cổ tức và có quyền quyết định lựa chọn bộ máy quản trị DN, giúp đảm trách việc sinh lời đồng vốn… Lợi đơn, lợi khép như thế ai không có tiền thì cứ… bán xe máy đi, gom tiền mua cổ phiếu…Được đả thông tư tưởng, 90% NLĐ đã mua cổ phiếu. Cty CPH thành công. Vận hành theo mô hình mới, không còn chuyện “rong công chấm điểm”, thay vào đó là hình thức khoán sản phẩm. Anh Tuynh thuyết phục NLĐ: “Giống như khoán 10 trong sản xuất nông nghiệp, khoán sản phẩm ở đơn vị tăng trách nhiệm của NLĐ, làm đến đâu, hưởng đến đó, không cào bằng tiền lương”. Hiệu suất SXKD tăng, HĐQT quản trị tốt, ngay năm đầu tiên Cty đã trả cổ tức 17%. Trong các năm tiếp theo, Cty không ngừng tăng trưởng: Giá trị sản lượng từ khoảng 80 tỷ đồng (năm CPH) tăng lên hơn 650 tỷ đồng, số lượng NLĐ cũng tăng lên trên 800 người, thu nhập bình quân đạt 5,7 triệu đồng/người/tháng… Năm 2010, Cty tăng vốn điều lệ, phát hành thêm cổ phiếu. Chẳng còn dấu vết của thủa chật vật thuyết phục NLĐ mua cổ phiếu, chỉ thấy trên sàn OTC, cổ phiếu của Cty được giao dịch ở mức gấp 3 lần mệnh giá.

Cũng từ hồi CPH, NLĐ – cổ đông tin Công đoàn lắm, trong các đại hội cổ đông, nhất nhất bầu Chủ tịch Công đoàn làm thành viên HĐQT Cty để đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình.

Đúng vào thời điểm tấm lợp fibrô xi măng (AC) - sản phẩm chủ chốt của DOMATCO - được công nhận là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nhiều năm liền và gần như thống lĩnh toàn thị trường miền Bắc thì vào năm 2002, trong dư luận xã hội ồn ào thông tin amiăng - một loại sợi khoáng silicate, được sử dụng trong sản xuất tấm lợp AC - có nguy cơ gây ung thư cho người sản xuất cũng như người sử dụng. Cty đứng trước vô vàn khó khăn. Các đoàn kiểm tra, thanh tra của các bộ, ngành chức năng như Bộ Y tế, LĐ&TBXD, Bộ Xây dựng, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Xây dựng Việt Nam… tìm về Cty tìm hiểu, phân tích. Giới báo chí ráo riết điều tra. Sản phẩm tiêu thụ chậm. Hoạt động SXKD ở Cty rơi vào tình trạng đình trệ trong thời gian khá dài…

Thay vì lo lắng trước nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (bệnh bụi phổi amiăng) thì ngược lại, NLĐ gửi lên Công đoàn Cty cả tập đơn (đến bây giờ anh Tuynh vẫn còn lưu giữ) kêu cứu, đề nghị được bảo vệ trước nguy cơ mất công ăn việc làm nếu đơn vị ngừng sản xuất. Cái lý của NLĐ là họ đã trực tiếp sản xuất tấm lợp AC cả chục năm mà sức khỏe bản thân và con cái đều bình thường, ổn định. Hàng năm, Công đoàn tổ chức khám bệnh định kỳ cho CBCNV cũng không phát hiện trường hợp mắc bệnh. Viện Y học Lao động và Bệnh viện Xây dựng vào cuộc, tiến hành khám bệnh nghề nghiệp, chụp XQ phổi hàng trăm công nhân làm việc trực tiếp. Hội đồng hội chẩn bệnh nghề nghiệp quốc gia với các chuyên gia đầu ngành trực tiếp đọc phim XQ. Tất cả đều đi tới kết luận: Không phát hiện trường hợp nào mắc bệnh bụi phổi amiăng. Ấy là chưa nói tới nghịch lý, trong khi môi trường sản xuất tấm lợp AC bị xếp vào loại độc hại nhưng NLĐ của Cty lại không được xếp bảng lương và hưởng chế độ dành cho lao động độc hại.

Bệnh thì chưa thấy, nhưng thực trạng NLĐ thiếu việc làm, gia đình họ thiếu ăn thì sờ sờ trước mắt. Anh Tuynh đã tập hợp kiến nghị và nguyện vọng của NLĐ cùng những căn cứ khoa học, y học thành những hồ sơ, văn bản gửi đến các Bộ, ngành chức năng yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho NLĐ. Thời gian sau đó, amiăng trắng sử dụng trong sản xuất tấm lợp AC được các nhà khoa học, các cơ quan chức năng “minh oan” là không độc hại như amiăng xanh, nâu (đã hoàn toàn cấm nhập khẩu vào Việt Nam). Từ đó, SXKD của Cty dần khôi phục.

Những năm tháng sau này, với vai trò Thủ lĩnh Công đoàn, anh Tuynh không ngừng vận động NLĐ có các sáng kiến tải tiến kỹ thuật vừa để góp phần nâng cao năng suất, vừa cải thiện môi trường làm việc. Nhiều sáng kiến đã được áp dụng, đem lại hiệu quả cao như sáng kiến xử lý bụi, tái sử dụng nước thải, chất thải rắn trong sản xuất tấm lợp AC. Bên cạnh đó, tại các diễn đàn quốc gia, quốc tế, anh Tuynh, rồi vị Chủ tịch Công đoàn kế nhiệm cùng các lãnh đạo khác của DOMATCO vẫn tiếp tục lên tiếng về việc sử dụng amiăng trắng an toàn và có kiểm soát cũng như đấu tranh cho NLĐ được hưởng chế độ lao động độc hại như một số lĩnh vực sản xuất VLXD khác.

Năm 2010, ở vị trí Tổng giám đốc DOMATCO, anh Tuynh đã quyết định nâng cấp 2 dây chuyền sản xuất tấm lợp AC. Môi trường lao động tiếp tục được cải thiện, năng suất tăng 1,4 lần nhưng Cty lại đứng trước một tình thế phức tạp khác là dôi dư lao động. Cùng với tổ chức Công đoàn, chính quyền đứng ra vận động những NLĐ phổ thông, NLĐ nhiều tuổi, không bắt kịp được với dây chuyền sản xuất hiện đại xin nghỉ sớm trước thời hạn, nhường cơ hội làm việc cho những người ở lại, trong đó có nhiều người là con cháu của chính họ. Một mặt, Cty bảo đảm mọi chế độ nghỉ việc theo đúng theo luật, mặt khác Cty có thêm các mức hỗ trợ bằng tiền cho các trường hợp nghỉ việc tùy theo năm công tác. Được phân tích điều hơn – thiệt, trong hai năm 2010 – 2011, gần 100 NLĐ tự nguyện xin nghỉ việc. Không trường hợp nào sau này có đơn thư kiếu nại, tố cáo. Vậy là một lần nữa, DOMATCO thành công trong “cuộc cách mạng về con người”.

Anh Tuynh chia sẻ: Làm công tác Công đoàn yêu việc, nhiệt tình, tâm huyết thôi chưa đủ mà phải có kỹ năng. Quan trọng nhất là Công đoàn phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng. Khi NLĐ tin tưởng thì mọi quyết sách, đường hướng phát triển của đơn vị sẽ được ủng hộ. Công đoàn được việc nhưng cũng phải được lòng người. Nói như vậy không có nghĩa là phải nịnh, bảo vệ NLĐ bất kể đúng sai mà người cán bộ Công đoàn phải phân tích cho NLĐ nhận thức đúng, đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm hợp pháp của họ, chỉ khi đó trong các vấn đề nảy sinh, Công đoàn mới có thể bảo vệ được họ.

Với kinh nghiệm “30 năm tuổi Công đoàn” anh Vũ Hữu Tuynh quá hiểu vai trò của Công đoàn đối với NLĐ cũng như đối với chính quyền. Vì vậy, ở cương vị lãnh đạo cao nhất của bộ máy điều hành SXKD, anh Tuynh cam kết tiếp tục ủng hộ để tổ chức Công đoàn phát huy được hiệu quả trong bối cảnh DOMATCO ngày càng phát triển theo quy mô Cty mẹ - Cty con, với số lượng đơn vị con, cơ sở sản xuất và NLĐ đều tăng. Anh Tuynh tâm sự chân thành: Công đoàn đã rèn cho tôi sự điềm tĩnh. Công tác điều hành đơn vị khó và nhiều áp lực, đơn cử như áp lực tạo công ăn việc làm cho NLĐ, SXKD hiệu quả, bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ, trả cổ tức cho cổ đông…, đôi khi tôi nóng nảy. Những lúc như thế, tôi cố gắng nhớ lại những ngày mình làm Công đoàn để lấy lại sự điềm tĩnh. Chất Công đoàn nhắc tôi rằng: Mềm mỏng vẫn luôn được việc…

Phạm Vũ
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 8
  • 1
  • 4
  • 8
  • 2
  • 7
lên đầu trang