Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ hai, 06/05/2024 | 03:07

Thứ hai, 06/05/2024 | 03:07

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 05:05 ngày 03/09/2013

Thủy điện Lai Châu những ngày tháng 8

Mấy tháng vừa qua, thời tiết ở khu vực Mường Tè (Lai Châu) mưa, bão thất thường đã gây không ít khó khăn cho tiến độ thi công công trường xây dựng Thủy điện Lai Châu. Tuy nhiên trên công trường vẫn luôn có hàng nghìn cán bộ, công nhân các lực lượng xây dựng thường xuyên có mặt lao động đảm bảo tiến độ Đập dâng.

Thủy điện Lai Châu được xây dựng áp dụng theo phương pháp bê tông đầm lăn với khối lượng trên 2 triệu m3  bê tông. Thi công một khối lượng tương đối lớn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn so với những công trình khác, trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Đại - Giám đốc Công ty Sông Đà 9.08 cho biết: Với gần 600 cán bộ quản lý, kỹ sư kỹ thuật và công nhân lành nghề được chia làm 3 ca, trong đó chỉ có hơn 100 lao động thủ công làm nhiệm vụ cắt tạo khe, xúc dọn các phần bê tông rời rạc, rơi vãi. Phần còn lại Công ty đã điều động toàn bộ lực lượng thiết bị xe - máy, xe cơ giới để thi công. Cũng theo GĐ Đinh Văn Đại, trên mặt đập luôn luôn có 4 chiếc xe tải trọng 40 tấn thường trực vận chuyển bê tông RCC từ hệ thống băng tải chuyển ra từ Nhà máy rồi rót đổ xuống mặt đập theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật, theo đó sẽ có 3 máy ủi D5 (có gắn thiết bị định vị lazer) san gạt ra thành một lớp đảm bảo độ dày 35cm để cho 5 máy đầm hiệu Dinapak loại 18 tấn đầm nén vào lớp bê tông mới được rải đều sao cho đạt được độ dung trọng đúng với thiết kế quy định. Cứ liên tục như vậy, các phương tiện xe máy và người lao động làm suốt 3 ca 24/24h trong ngày bảo đảm hoàn thành 2 lớp đổ mỗi lớp 2.900m3 để đoàn kiểm tra gồm tư vấn giám sát nước ngoài, Ban điều hành và đơn vị thi công giám định nghiệm thu xong mới tiếp tục đợt khác. Tính đến thời điểm hết tháng 8, Công ty 9.08 đã hoàn thành các khối đổ từ C1 (từ nền móng), khối C1A và khối C2 với khoảng trên 500.000m3 bê tông RCC tại Đập dâng.


Để phục vụ kịp thời cho việc sản xuất bê tông đầm lăn cùng nhiều hạng mục khác tại công trình Thủy điện Lai Châu, cần thiết phải có một khối lượng đến hàng chục triệu m3 đá các loại để nghiền sàng thành những vật liệu thành phẩm theo thiết kế. Công ty CP Sông Đà 7 là đơn vị chủ lực trong việc cung cấp nguyên liệu kể trên. Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc đơn vị 7.04 cho biết: Công ty hiện có 4 trạm nghiền có công suất từ 350.000 đến 650.000m3 đã được lắp đặt phù hợp với địa dư, vị trí thuận tiện để cung cấp cho các hạng mục tiêu thụ, đặc biệt là trạm nghiền công suất lớn 650.000m3 chuyên sản xuất các loại đá đặc chủng cung ứng cho nhà máy sản xuất bê tông đầm lăn. Các đơn vị 7.05, 7.07 thuộc Công ty CP Sông Đà 7 có nhiệm vụ sản xuất và cung cấp đầy đủ theo yêu cầu thiết kế cho toàn công trình, đặc biệt tại các hạng mục trọng yếu như hố móng, cửa nhận nước và khu vực giếng thang v.v…

Trên công trường còn có các lực lượng thi công của các TCT Xây dựng Trường Sơn, LICOGI, LILAMA hiện đang tiến hành thi công các khu vực hố móng, hố néo, làm đường giao thông tỉnh lộ 127, tiến hành gia cố - cắm neo khu vực hố móng, hố néo, đổ bê tông khu vực cửa nhận nước và lắp đặt các khối thiết bị tại cửa nhận nước. Khi tiến hành thi công xây dựng ở bất kỳ một công trình thủy điện nào dù là lớn hay nhỏ cũng đều cần phải có một đơn vị chuyên ngành phục vụ chung về công tác điện, nước. Phụ trách nhiệm vụ này tại công trường Thủy điện Lai Châu là một xí nghiệp lớn trực thuộc Công ty CP Sông Đà 11 (đơn vị Sông Đà 11.1). Đây là đơn vị đã được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng 3 do đạt thành tích xuất sắc khi hoàn thành nhiệm vụ tại công trình Thủy điện Sơn La, góp phần hoàn thành nhà máy trước thời hạn 2 năm. Chúng tôi đã có cuộc gặp và trao đổi với Kỹ sư Nguyễn Minh Cương - Phó Giám đốc XN 11.1 tại Lai Châu, ông cho biết: Công tác thi công tại Lai Châu có phần khó khăn hơn ở TĐ Sơn La vì lý do khi các đơn vị thi công tiến hành đào hố móng nhà máy là thời điểm tích nước để phục vụ cho việc phát điện Nhà máy TĐ Sơn La, do đó mực nước ngoài hồ chứa luôn có độ chênh cao hơn làm cho lượng nước thẩm thấu qua để quây thấm vào nhiều hơn khiến cho đơn vị phải điều động thêm các máy bơm có công suất lớn đến vị trí, bơm hút liên tục trong ngày để phục vụ cho các đơn vị thi công. Bởi vậy, hàng ngày tại hạng mục này luôn có 4 kíp thợ thay nhau túc trực bơm thoát nước 24/24h. Ở TĐ Lai Châu, ngoài việc phải lắp đặt các hệ thống bơm, bể chứa và hàng trăm km đường điện và đường dẫn nước phục vụ cho sinh hoạt của gần 4.000 lao động trên toàn công trường, XN Sông Đà 11.1 còn phải dựng cột làm 20km đường dây 6kV, lắp 15 trạm biến áp từ 400-13.000kVA phục vụ công tác thi công trên công trình. Theo đó, XN còn phải xây dựng thêm trạm phát điện dự phòng công suất 17.500kVA để vận hành thay thế khi có sự cố mạng lưới điện quốc gia - Ông Cường nhấn mạnh.

Nói về thành quả của việc vận hành thành công dây chuyền công nghệ bê tông đầm lăn, ông Đào Đức Hạnh - Giám đốc Ban Điều hành Công ty Sông Đà 5 trao đổi: Toàn bộ thiết bị máy móc cùng với hơn 2km băng tải chuyên dùng (đồng bộ) từ sau khi hoàn thành đập bê tông đầm lăn tại Thủy điện Sơn La đã được đơn vị tháo dỡ, vận chuyển đến công trường TĐ Lai Châu gần như nguyên vẹn, chỉ có một vài thiết bị kết cấu thép bị hư hại, thiếu hụt đã được chính đơn vị tự thay thế, khắc phục. Ngoài ra, có một số phần việc phải thay đổi theo thiết kế quy định khác với TĐ Sơn La như nhiệt độ chất lượng sản phẩm do đặc thù theo công trình, độ dài và địa hình lắp đặt dây chuyền chuyển tải bê tông v.v… đều đã được khắc phục để thi công kịp thời, đảm bảo công suất của Nhà máy cho ra sản phẩm 720m3/h. Ông Vương Thanh Tùng - Giám đốc XN 5.08 (đơn vị chủ lực chuyên sản xuất bê tông đầm lăn) cho biết: Làm công việc ở Sơn La từng công đoạn, thậm chí từng lô sản phẩm đều phải được các chuyên gia giám sát, tư vấn, chuyên gia hướng dẫn kiểm tra tỉ mỉ các chi tiết trước khi xuất xưởng. Còn ở Lai Châu, tất cả mọi khâu đều thuộc sự kiểm soát và vận hành của lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân Công ty CP Sông Đà 5. Tính đến hết tháng 8/2013, Nhà máy đã cho xuất xưởng 500.000m3 bê tông đạt 1/4 tổng số khối lượng đắp đổ trên mặt đập. Được hỏi về tiến độ thi công và những công việc phải tiến hành từ nay đến cuối năm 2013, ông Vũ Hồng Trường - Giám đốc BĐH Tổng thầu cho hay: Trên toàn tuyến thi công của công trình hiện tại còn lại một số việc cấp thiết như công tác thiết kế, dự toán, công tác thiết bị, xây dựng đơn giá. Đến nay, công trường đã hoàn tất những hạng mục thi công trọng yếu đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, như: hoàn chỉnh mặt bằng gian máy, đổ bê tông mặt nền tổ máy số 1 và tổ máy số 3, tiếp tục thi công trên bãi lắp ráp cửa nhận nước, xử lý đê quây hạ lưu, bổ sung hệ thống bơm nước v.v...

Ngày 22 tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã đến thăm công trường TĐ Lai Châu và trực tiếp thị sát kiểm tra từng hạng mục thi công, rà soát tiến độ, chất lượng ở những hạng mục trọng yếu. Tại cuộc giao ban công trường, Phó Thủ tướng nhắc nhở phía Chủ đầu tư, các nhà thầu thi công và các địa phương cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo mốc tiến độ và chất lượng công trình, bảo đảm an ninh trật tự an toàn lao động- vệ sinh môi trường, đặt biệt đối với khu vực Thủy điện Lai Châu khi còn có 800 hộ dân phải di dời và hoàn thành các con đường tránh ngập trong mùa mưa lũ./.

 

 Lê Nguyên Tất 

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 7
  • 0
  • 6
  • 7
  • 4
  • 2
lên đầu trang