Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Chủ nhật, 13/10/2024 | 13:41

Chủ nhật, 13/10/2024 | 13:41

Đoàn viên Công đoàn

Cập nhật lúc 09:47 ngày 08/06/2023

Trường Đại học Phenikaa: Nhà khoa học Việt nhận giải thưởng của Vua Thái Lan

TS Ngô Thị Thúy Hường cùng cộng sự tại trường Đại học Phenikaa được trao giải King of Thailand Awards cho công trình công nghệ xử lý thực vật bằng cỏ vetiver để giảm thiểu dioxin trong đất bị ô nhiễm.
TS Ngô Thị Thúy Hường, nhận giải thưởng tại Thái Lan

TS Ngô Thị Thúy Hường, nhận giải thưởng tại Thái Lan

Giải thưởng King of Thailand Vetiver 2023 (giải thưởng Đức Vua Thái Lan) vinh danh 6 công trình nghiên cứu xuất sắc về cỏ vetiver, diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan, hôm 29/5.
TS Ngô Thị Thúy Hường cùng các cộng sự gồm Nguyễn Quốc Định, Nguyễn Thị Thanh Thảo và Vũ Thị Lan Anh, đoạt giải Nghiên cứu xuất sắc ở hạng mục ứng dụng phi nông nghiệp, với công trình "Sử dụng công nghệ xử lý thực vật bằng cỏ vetiver để giảm thiểu dioxin trong đất bị ô nhiễm tại Sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam".
Nghiên cứu đánh giá khả năng xử lý ô nhiễm và ổn định thực vật cho đất bị nhiễm dioxin của cỏ vetiver trên quy mô cánh đồng tại sân bay Biên Hòa, một trong những khu vực bị ô nhiễm dioxin nặng nhất ở Việt Nam.
Cỏ vetiver vốn được biết có chức năng chống xói mòn, bảo tồn nguồn đất và nước, giảm thiểu ô nhiễm. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu chỉ ra loại cỏ vetiver được sử dụng để xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng thực vật, qua đó mở ra cơ hội ứng dụng làm sạch các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (chất POP) trong đất và nước.
Theo thông tin từ Mạng lưới cỏ vetiver, mỗi công trình chiến thắng sẽ nhận 2.500 USD cùng giấy chứng nhận, được công chúa Maha Chakri Sirindhorn, nhà bảo trợ của Mạng lưới cỏ Vetiver (TVNI), thay mặt Nhà vua trao tặng. Các tác giả nhận thưởng cũng trình bày và chia sẻ nghiên cứu của mình tại Hội nghị quốc tế về cỏ vetiver.
TS Ngô Thị Thúy Hường hiện là giảng viên, trưởng nhóm nghiên cứu Hóa môi trường và Độc học sinh thái tại trường Đại học Phenikaa. Là chuyên gia về độc học sinh thái và sức khỏe môi trường, cô chủ trì nhiều dự án trong nước và quốc tế về môi trường nước, độc học sinh thái, quản lý môi trường, tài nguyên thiên nhiên, xử lý ô nhiễm bằng thực vật và ô nhiễm vi nhựa. Các nghiên cứu của TS Hường gần đây mở rộng sang lĩnh vực về sự biệt hóa và sinh khả dụng của kim loại trong môi trường nước, cũng như ô nhiễm vi nhựa và ảnh hưởng của chúng đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Giải thưởng King of Thailand Vetiver 2023, nằm trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về cỏ vetiver lần thứ 7, diễn ra từ 29/5 đến 1/6. Đây là lần thứ 3 Thái Lan đăng cai tổ chức, với chủ đề "Cỏ vetiver trong bảo tồn đất và nước", thu hút tham dự của các nhà khoa học, nghiên cứu từ hơn 18 quốc gia.
Hội nghị quốc tế về cỏ vetiver là sự kiện khoa học tập trung vào các ứng dụng khác nhau của hệ thống cỏ vetiver, tổ chức 4 năm (hoặc 5 năm) một lần. Sự kiện được tổ chức đầu tiên vào năm 1996 ở Thái Lan và mở rộng sang các nước khác dưới sự kiểm soát của Mạng lưới cỏ vetiver quốc tế và Quỹ Chaipattana.
Hội nghị quốc tế về cỏ vetiver đã trải qua 6 lần tổ chức, tại Chiang Rai - Thái Lan (1996), Petchaburi - Thái Lan (2000), Quảng Châu - Trung Quốc (2003), Caracas - Venezuela (2006), Lucknow - Ấn Độ (2011), và Đà Nẵng - Việt Nam (2015). Hội nghị là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học tổng kết hiệu quả ứng dụng, tính năng ưu việt của cỏ vetiver, sớm nhân rộng những ứng dụng công nghệ cỏ vetiver vào công tác chống xói mòn sạt lở, hạn chế ô nhiễm môi trường đồng thời phát huy hiệu quả kinh tế của loại cỏ này.
Theo Trường Đại học Phenikaa
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 9
  • 4
  • 1
  • 2
  • 1
  • 7
  • 0
lên đầu trang