Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 18/05/2024 | 21:59

Thứ bảy, 18/05/2024 | 21:59

Tin CĐXDVN

Cập nhật lúc 01:01 ngày 30/08/2013

Công đoàn Xây dựng Việt Nam: Phát động thi đua trên các công trình trọng điểm


Với đặc thù hoạt động trên các lĩnh vực đòi hỏi tiến độ, chất lượng. Công đoàn Xây dựng Việt Nam thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Đây đã trở thành truyền thống quý báu, là nét đẹp của ngành Xây dựng.

Bằng những việc làm thiết thực, sáng tạo, Công đoàn Xây dựng Việt Nam và các cấp công đoàn trong Ngành đã khẳng định vai trò nòng cốt trong việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua, đặc biệt là các phong trào thi đua trên công trình trọng điểm quốc gia.

Tiêu biểu trong giai đoạn đầu xây dựng đất nước là phong trào “Tứ bảo” (Bảo đảm năng suất, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tiến độ và bảo đảm tiết kiệm, an toàn), thu hút gần 5 vạn đoàn viên, CNVC-LĐ tham gia; từ đó đã khơi dậy nhiều phong trào như: Hợp lý hóa sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến công cụ... Dưới hình thức thi đua liên kết giữa các đơn vị cùng tham gia xây dựng một công trình trọng điểm, nên phát huy kết quả rất tốt.

Thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng lãnh đạo, Bộ Xây dựng và Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã phát động ba cuộc vận động lớn, làm nòng cốt cho phong trào thi đua trong toàn Ngành. Đó là, cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng”, “Tổ chức tốt điều kiện sống và làm việc của công nhân, viên chức ngành Xây dựng” và “Xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Phát động và tổ chức các phong trào thi đua trên công trình trọng điểm quốc gia là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Điểm chung của các công trình trọng điểm là yêu cầu về chất lượng, tiến độ, an toàn luôn ở mức rất cao; số lượng các đơn vị và lực lượng thi công đông đảo với nhiều máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại. Để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao, Công đoàn cần phải tổ chức bộ máy làm công tác thi đua tại hiện trường phù hợp để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng các công trình, vận động người lao động tích cực lao động sản xuất, phát huy tính chủ động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành từng hạng mục công trình, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, giải quyết các vấn đề về việc làm, thu nhập, đời sống người lao động, đồng thời đào tạo, xây dựng đội ngũ công nhân, lao động trưởng thành cả về chính trị, tay nghề, ý chí, nghị lực vươn lên.

Công đoàn Xây dựng Việt Nam thường xuyên chỉ đạo công đoàn các đơn vị trong Ngành tổ chức có hiệu quả 3 cuộc vận động lớn của Ngành và các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, Phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, phong trào kèm cặp và nâng cao tay nghề… Các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã phát huy hiệu quả cao trong nhiều năm và ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút được nhiều đơn vị trong và ngoài Ngành tham gia.

Qua các phong trào thi đua, CNVC-LĐ ngành Xây dựng đã khẳng định bản lĩnh vững vàng, tài trí sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến; hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Bàn tay tài hoa và trí thông minh của cán bộ, công nhân Xây dựng Việt Nam đã tạo nên những công trình có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội sâu sắc. Các công trình tiêu biểu như : Thủy điện Thác Bà, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, thủy điện Bản Chát, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình cầu Thủ Thiêm, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà quốc hội và Hội trường Ba Đình mới, nhiệt điện Vũng Áng… Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã phối hợp với Bộ Xây dựng thường xuyên tuyên truyền, vận động CNVC-LĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua, đổi mới nội dung và biện pháp tổ chức phong trào thi đua. Phong trào thi đua đã thực sự đi vào cuộc sống của người lao động, đã có tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị và toàn Ngành.

Công trình xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La

Đây là công trình có quy mô lớn, tham gia xây dựng nhà máy là 10 đơn vị thuộc các TCty mạnh trong cả nước. Lực lượng lao động trên công trình thời điểm tập trung cao nhất gần 11.000 người. Thời gian thi công 3 ca, 4 kíp liên tục. Ngành Xây dựng có 9 đơn vị thuộc các TCty Sông Đà, TCty Licogi, TCty Lắp máy Việt Nam tham gia xây dựng công trình. Ngay từ khi công trình được khởi công, Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn TCty Sông Đà thành lập Ban Công đoàn công trình thủy điện Sơn La để làm đầu mối, phối hợp với các Công đoàn bạn tổ chức phong trào thi đua liên kết tại công trình. Công đoàn Xây dựng Việt Nam thường xuyên chỉ đạo Ban Công đoàn công trình và công đoàn các đơn vị phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức phong trào thi đua, chăm lo đời sống CNVC-LĐ trên công trình. Tuyên truyền mục tiêu, tiến độ thi công, tầm quan trọng và quy mô nhà máy tới toàn thể CNVC-LĐ tham gia xây dựng nhà máy. Phối hợp với lãnh đạo các đơn vị, Ban quản lý nhà máy thường xuyên quan tâm nơi ăn, nghỉ, điều kiện làm việc của Cán bộ CNVC-LĐ.

Công đoàn đã chủ động phối hợp với Ban quản lý dự án, các nhà thầu liên tục phát động các chiến dịch thi đua, như: “Chiến dịch thi đua 250 ngày đêm” vì mục tiêu hoàn thành đào hố móng, thực hiện ngăn sông đợt 2 thắng lợi; tiếp đến là “Chiến dịch 135 ngày đêm” hoàn thành tiến độ đổ bê tông đầm lăn RCC; “Chiến dịch 335 ngày đêm” hoàn thành các hạng mục chính năm 2008, “Chiến dịch thi đua 125 ngày đêm phát điện tổ máy số 1” vv…

Thông qua phong trào thi đua, đã cổ vũ, động viên tất cả lực lượng công nhân, lao động trên công trường, với nỗ lực rất cao làm việc 3 ca, liên tục 7 năm ròng, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng Tây Bắc, công trình đã về đích trước 3 năm so với kế hoạch, làm lợi cho Nhà nước khoảng 1,5 tỷ USD. Đã góp phần quyết định làm nên “kỳ tích Sơn La” được Chính phủ ghi nhận.

Công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia

Một công trình có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Công trình có quy mô lớn yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật nghiêm ngặt.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công trình, ngay từ khi khởi công, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã chủ động với lãnh đạo Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng thi đua, Ban chỉ đạo thi đua liên ngành và phát động thi đua trên toàn công trình với chiến dịch thi đua 200 ngày đêm, chia làm 3 đợt, tổng kết vào cuối năm 2005. Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã thành lập Văn phòng thường trực thi đua tại công trình, huy động công đoàn các đơn vị xây dựng công trình tham gia thường trực 24/24h. Hàng ngày tham dự giao ban với chuyên môn và tổ chức giao ban Văn phòng thường trực 2 lần/ngày. Cán bộ công đoàn tham gia thường trực trên công trình luôn đóng vai trò xung kích trong chiến dịch thi đua, trực tiếp và phối, kiểm tra các hạng mục công trình thi công, kiểm tra công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, kiểm tra công tác chăm lo đời sống cho CNVC-LĐ tham gia xây dựng công trình. Đề xuất với hội đồng thi đua khen thưởng đột xuất, hàng tháng cho các tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của hơn 40 tập thể và gần 5.000 CNVC-LĐ công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia đã hoàn thành và đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn. Công trình vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị APEC lần đầu tiên tại Việt Nam. Đã có 227 lượt tập thể, 812 lượt cá nhân được các cấp khen thưởng.

Công trình xây dựng Nhà Quốc hội

Là điểm nhấn quan trọng thuộc quần thể văn hóa khu Ba Đình lịch sử. Nhà Quốc hội là công trình tiêu biểu của đất nước. Công trình được xây dựng với yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng, an toàn với công năng sử dụng và trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho các hoạt động của Quốc hội và các sự kiện quan trọng của đất nước. Để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đề xuất với Bộ Xây dựng phát động “Chiến dịch thi đua 330 ngày đêm hoàn thành các mục tiêu tiến độ năm 2012” bảo đảm chất lượng, hiệu quả và an toàn lao động. Phối hợp với Bộ Xây dựng thành lập Ban chỉ đạo thi đua do đồng chí Bộ trưởng trực tiếp làm trưởng ban, đồng chí Thứ trưởng thường trực, đồng chí Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam làm phó ban. Tổ chức ký kết thi đua giữa các đơn vị tham gia xây dựng công trình. Hàng tuần Công đoàn Xây dựng Việt Nam tham gia giao ban tại công trình, hàng tháng phối hợp tổ chức xét duyệt và khen thưởng tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc mục tiêu, tiến độ đã đăng ký thi đua.

Công trình thủy điện Lai Châu

Phong trào thi đua được TLĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Xây dựng Việt Nam phát động vào đúng ngày thành lập Đảng 3/2 năm 2012 đã đạt được 2 đỉnh cao: ngăn sông Đà đợt I (phát động chỉ ngăn sông khối lượng tối thiểu, nhưng chúng ta đã hoàn thành khối lượng vượt mức tối đa). Việc ngăn sông, thi công cống dẫn dòng thực hiện tốt, công trình đạt tiến độ. Đỉnh cao thứ hai là đẩy mạnh thi đua hoàn thành hố móng để đổ bê tông đầm lăn sớm, từ đó tạo điều kiện thực hiện tốt các việc khác”.

Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã kêu gọi cán bộ, CNVC-LĐ thi công trên công trình phát huy tinh thần thi đua yêu nước, năng động, sáng tạo, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quyết tâm “Xây dựng nhà máy đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối, tiết kiệm và vượt tiến độ”; chọn năm 2013 là năm tiến độ, chất lượng và an toàn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã ký kết giao ước thi đua. Đảm bảo tích nước để năm 2015 chạy máy; phấn đấu cao độ để làm tiền đề cho việc thực hiện nhiệm vụ những năm tiếp theo.

Mới đây trên công trường đã hưởng ứng phong trào thi đua “4 nhất” bao gồm: “Sáng tạo nhất”, “Chất lượng cao nhất”, “Tiến độ nhanh nhất”, “An toàn nhất”, nhằm tạo môi trường, điều kiện cho những cán bộ, đoàn viên thanh niên, người thợ trẻ lao động trên công trình đã phát huy năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm thi công an toàn, chất lượng, tiến độ công trình. Đồng thời thông qua phong trào sẽ giúp CBCNV đưa ra những đề xuất ý tưởng sáng tạo, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh công nghiệp, làm tốt công tác bảo hộ lao động và không để xảy ra tai nạn lao động…

55 năm xây dựng và phát triển, ở mỗi giai đoạn, ngành Xây dựng đều vinh dự được Nhà nước giao nhiệm vụ thi công những công trình có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia. Với tinh thần lao động cần cù, chủ động, sáng tạo, CNVC-LĐ ngành Xây dựng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Theo Báo Xây dựng

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 8
  • 2
  • 8
  • 5
  • 5
  • 0
lên đầu trang