Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ hai, 06/05/2024 | 23:34

Thứ hai, 06/05/2024 | 23:34

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 08:41 ngày 06/06/2022

Từ chiếc áo ấm đến ước mơ trở thành cô giáo

Tốt nghiệp ra trường, cô giáo Nguyễn Thị Dịu tham gia dạy học tại một trường tư thục có tiếng của TP Hà Nội. Năm 2014, nhận thấy trường Tiểu học Lý Thái Tổ là một môi trường giáo dục thân thiện, hiện đại và giàu lòng nhân ái, cô Dịu đã chuyển đến và cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi thực hiện được ước mơ ngày nào.
Là một người khá nhút nhát, cô bé Nguyễn Thị Dịu ngày ấy đã từng nghĩ: Thầy cô giáo với học trò luôn có một khoảng cách và không dễ gì để các con dám mở lời cũng như mở lòng mình chia sẻ, tâm sự. Cho đến một ngày, cô học trò đi học mà quên mang áo ấm, trời lại bất chợt đổ mưa lạnh. Đang co ro trước cửa lớp học, Dịu bất ngờ khi được cô giáo chủ nhiệm cởi chiếc áo ấm và nhẹ nhàng khoác lên người em cùng lời dặn dò ân cần phải giữ gìn sức khỏe. Ánh mắt yêu thương, lo lắng của cô giáo khiến Dịu có cảm giác thật gần gũi, thân thương như người mẹ của mình. Từ giây phút ấy, cô bé thầm mong muốn mình cũng sẽ trở thành cô giáo, cũng yêu thương và coi những học trò như những đứa con bé nhỏ. Và cô chọn ngành Giáo dục Tiểu học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội để nuôi dưỡng và chắp cánh ước mơ của mình.
Ước mơ trở thành cô giáo ngày nào của cô bé Nguyễn Thị Dịu đã trở thành sự thật
Trong mắt học trò, cô Dịu rất dịu dàng nhưng cũng rất nghiêm khắc. Khi tôi đem câu hỏi băn khoăn rằng: “Em làm thế nào để vừa dịu dàng lại vẫn giữ được sự nghiêm khắc với cả đàn con hơn 30 đứa trẻ?” cô Dịu kể với tôi rằng:
“Chị biết đấy, ở nhà mỗi bà mẹ chỉ có 1-2 đứa con mà nhiều khi còn strees trong khi các cô giáo tiểu học ngày nào cũng có đến 30-40 đứa trẻ với bao hoạt động từ ăn mặc đến học hành, rèn luyện… Có những khi, học sinh của mình là những đứa trẻ cá tính, nhận thức chậm, thậm chí khá “đặc biệt” khiến cho cô không tránh khỏi cảm giác buồn bực, chán nản. Những lúc đó, trong em lại thôi thúc một ý nghĩ: Giả sử mình là mẹ của bạn học sinh đó thì mình sẽ mong muốn gì ở cô giáo nhỉ? Chắc chắn là mẹ sẽ hy vọng con có một cô giáo hiểu con, bao dung, kiên trì và yêu thương con thật nhiều. Điều đó dường như khiến em thêm động lực và niềm tin để tiếp tục dạy dỗ và rèn giũa các con nên người. Và chỉ cần đủ kiên trì, chắc chắn cô giáo sẽ tìm ra một điểm nổi bật nào đó ở con, từ đó khích lệ con tự tin hơn vào bản thân mình. Cô từng nói:  Hạnh phúc nhất của người giáo viên, là nhận được tình cảm của học sinh mà mình dạy. Đôi khi là một bức tranh, bên trên là dòng chữ chưa được tròn trịa của cậu học trò còn đang có vấn đề về đọc viết: Cô Dịu ơi, con yêu cô lắm! Hay nhiều khi là một cái ôm thật chặt với gương mặt hớn hở khi cô trở lại lớp sau những ngày bị ốm, là sự lo lắng dặn các bạn đừng nói chuyện nữa không cô mệt, là bờ vai rung lên, bàn tay nhỏ bé ôm cô khi cô vỗ về nghe con tâm sự chuyện ba mẹ con không còn ở cùng nhau nữa, những giây phút đó, cô thương và yêu các con nhiều thật nhiều …Tất cả đều là những hành động rất nhỏ thôi, nhưng mỗi lần nhìn sự hồn nhiên và tình cảm của các con, em lại càng thấy lựa chọn nghề giáo là một quyết định đúng đắn.
Cô luôn chăm sóc các con học sinh bằng tình yêu thương của người mẹ
Với tôn chỉ khi dạy học: Trước khi dạy các con những kiến thức nâng cao, những bài toán khó, hãy dạy các con biết cách cư xử đúng mực, biết sống yêu thương và bắt đầu biết ý thức về trách nhiệm của bản thân với gia đình và cộng đồng. Bắt đầu từ những điều vô cùng giản dị như: Biết thưa gửi, biết xin lỗi, cảm ơn; biết quan tâm và thể hiện tình cảm với ông bà, cha mẹ; biết tự giác học hành… đến niềm vui khi làm việc tốt. Học sinh của cô Dịu, ngoài việc học tốt, các con còn như một gia đình lớn, biết quan tâm đến nhau và chia sẻ với mọi người.
Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, khi các con học sinh phải ở nhà, học trực tuyến, cô Dịu đã tự tay làm những gói kẹo nhỏ, viết những lời yêu thươngvà gửi đến từng học trò yêu quý của mình
 Ở những năm học trước, cứ mỗi tuần, các con lại cùng nhau dành thời gian để tự làm giá đỗ, thu hoạch và chuyển đến các cô bác phụ huynh trong lớp mua ủng hộ. Số tiền thu được, các con sẽ gửi tặng Quỹ Nuôi Em. Từ đó, các em bé nghèo, sống ở vùng sâu xa, vùng cao đi học nhưng không thuộc diện được nhà nước nuôi cơm trưa sẽ có những bữa cơm đủ chất. Thời gian qua, với nhiều hoạt động thiết thực gây quỹ, các bạn học sinh lớp cô Dịu đã thực hiện nuôi được 4 em/năm học.

Được Dự án nuôi em thường xuyên gửi hình ảnh, video về các em nhỏ mà mình nhận nuôi dưỡng, được tận mắt thấy những đóng góp của mình thành những suất ăn, những miếng thịt, những bát canh.. cho các em nhỏ vùng cao, các con học sinh rất vui vẻ và cảm động. Và hơn hết, qua những hoạt động đó, các con trách nhiệm hơn, trưởng thành hơn và tình cảm hơn rất nhiều. Biết bao tin nhắn, bao dòng tâm sự, bao lời cảm ơn của phụ huynh gửi đến cô vì những hoạt động nhỏ mà ý nghĩa đó đã giúp học sinh vun đắp rất nhiều về mặt cảm xúc.
Vốn là học sinh chuyên Toán nhưng cô Dịu lại rất thích môn Văn và môn Lịch sử. Để các con hứng thú với các môn học này, cô thường truyền tải những câu chuyện lịch sử bằng cách kể chuyện rất gần gũi với nhiều tư liệu, hình ảnh minh họa sinh động. Cô mong muốn qua những bài học, các con được bồi đắp tâm hồn và thêm yêu mến, tự hào về đất nước, con người Việt Nam qua chiều dài bốn ngàn năm lịch sử.
Cô Dịu thường kể chuyện lịch sử cho các con nghe
 Ngoài việc giảng dạy tại trường, hiện tại cô giáo Nguyễn Thị Dịu còn phối hợp với một nền tảng dạy học trực tuyến để tham gia dạy bộ sách mới “Kết nối” môn Toán lớp 3. Ngoài việc được tiếp cận với bộ sách mới, cô còn trau dồi được thêm nhiều kỹ năng mềm phục vụ cho việc dạy học. Bên cạnh đó, việc dạy học trên nền tảng trực tuyến, cô mong muốn các em học sinh ở vùng xa xôi có thể tiếp cận với phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại.
Với phương pháp dạy học bằng cách “Không xây dựng hình ảnh một cô giáo hoàn hảo trong mắt học trò”, qua những câu chuyện kể, các con thấy cô Dịu ngày xưa cũng chưa chăm học, cũng từng “dễ làm khó bỏ”, cũng từng nhút nhát… cô đã chỉ bảo cho các con cách để khắc phục những “căn bệnh mãn tính” đó. Kết quả, cô đã thành công trong việc dẫn dắt, dạy dỗ, uốn nắn các con học sinh ngày một tiến bộ, ngày một giỏi giang một cách tự nhiên nhất.
Bên cạnh những quả ngọt đã đạt được trong nghề như: Giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua và nhiều danh hiệu khác trong các cuộc thi đua các cấp, cô Dịu còn có một gia đình hạnh phúc với người chồng hết mực yêu thương, trân trọng và hai con một trai một gái vô cùng đáng yêu. Điều khiến cô hạnh phúc là cô con gái lớn năm nay lên lớp 4 đã có lần thổ lộ ước mơ của mình: “lớn lên, con cũng làm cô giáo như mẹ nhé”!... Cô mỉm cười, bởi hơn ai hết, cô hiểu rằng, nghề giáo tuy vất vả, nhưng sẽ nhận được những niềm vui mà không nghề nào có được! 
Theo Trường Tiểu học Lý Thái Tổ 

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 7
  • 2
  • 5
  • 2
  • 7
  • 2
lên đầu trang