Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:49

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:49

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 07:51 ngày 12/09/2018

Từ thành tựu lịch sử 73 năm xây dựng nền giáo dục dân chủ, vững bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam trong thời hội nhập


Sáng 5/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ Khai giảng năm học mới 2018-2019 với thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: TTXVN)

1. Triết lý giáo dục dân chủ, nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là bó đuốc soi đường cho quốc dân đồng bào đi theo cách mạng

Theo Lênin, những người mù chữ là những người đứng bên ngoài lề chính trị, bởi họ không được tiếp cận những tri thức mới của nhân loại, trong đó những tri thức về quyền con người là vốn quý báu nhất, có thể làm điểm tựa cho con người tự giải phóng và xây cuộc đời mới tốt đẹp hơn.

Trong cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác ngu dân của thực dân Pháp ở việc xây nhà tù, mở nhà máy sản xuất và cửa hàng bán rượu nhiều hơn trường học và bệnh viện ở xứ An Nam. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Véc xay, trong đó Người đòi thực hiện quyền dân chủ giáo dục cho người An Nam, điều này được nêu tại điểm thứ 6: “Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”.

Chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhóm nhiệm vụ cấp bách của đất nước, trong đó Người chỉ rõ: “Thứ hai, giải quyết nạn dốt, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, cần đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.

Tháng 9/1945, trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nền dân chủ mới, Hồ Chí Minh đã viết những câu tâm tình, nhưng giàu triết lý giáo dục nhân văn, hiện đại: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Trước lúc đi xa vào cõi vình hằng, Người đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh trải dài trong suốt hơn 60 năm, vượt qua muôn nẻo đường đời ở năm châu, bốn bể; có lúc ẩn mình trong vai phu bếp trên tàu buôn của Pháp, có lúc ngụy trang là một thương gia, có khi gần gũi với những trẻ em trong xóm thợ nghèo nơi đất khách quê người, có lúc ân cần chia kẹo cho trẻ thơ, được trẻ thơ ngắm vuốt chòm râu bạc, cho đến khi ngủ giấc ngàn thu bên quảng trường mà Người đọc Tuyên ngôn độc lập, được triệu triệu trẻ thơ và người dân nước Việt trở với Bác kính yêu, thầm ghi lòng tạc dạ và hứa với Bác sẽ cố gắng góp sức xây dựng Tổ quốc ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Trường học lớn nhất mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mở ra cho những người yêu nước Việt Nam học trước hết là phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu học lớn lao nhất chính là thay đổi vận mệnh dân tộc và số phận con người. Sách giáo khoa kinh điển nhất trong trường học cộng sản chính là chủ nghĩa Mác-Lênin, phương pháp giáo dục hữu hiệu nhất chính là dấn thân vào phong trào cách mạng. Động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc sự học chính là lòng yêu nước, thương nòi, cảm nhận được nỗi đau “nước mất, nhà tan”.

Chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người Thầy vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.

Hồ Chí Minh từng thổ lộ “Tôi hiến đời tôi cho dân tộc tôi”, “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước nhà độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là triết lý sống và nhãn quan chính trị sâu sắc của Hồ Chí Minh. Từ điều chân phác ấy, ta nhớ lại ý của Các Mác khi cho rằng, tiền đề sống và cải tạo thế giới của con người được bắt nguồn từ sự đáp ứng những nhu cầu cơ bản (ăn, ở, đi lại, học hành…) rồi mới nói tới làm chính trị.

Đối chiếu giữa Các Mác với Hồ Chí Minh, chúng ta thấy có sự tương đồng thế giới quan, đó là những quan điểm chính trị có chiều sâu của tính nhân văn, nhân bản, hướng đến một trong những quyền cơ bản nhất của con người, đó chính là quyền được tự do học hành, tự do làm giàu sự hiểu biết thế giới khách quan để nâng cao khả năng tự giải phóng cá nhân, mang lại tự do cho mỗi người, tạo tiền đề để đạt được tự do cho xã hội.

2. Hơn 7 thập kỷ dựng xây nền giáo dục dân chủ “hoàn toàn Việt Nam”, từng bước đổi thay vận mệnh và khẳng định vị thế Việt Nam với “các cường quốc năm châu”

Sau khi nền độc lập dân tộc bị mất, giáo dục Việt Nam rơi vào bi kịch Nho học bất phùng thời, Tây học lên ngôi, tạo ra một sự biến đổi bất đắc dĩ, giáo dục do kẻ áp bức thống trị áp đặt từ mục tiêu, mô hình đến nội dung, phương pháp. Ngay bản thân Nguyễn Tất Thành cũng từng là nạn nhân của nền giáo dục Pháp thuộc, bị chính quyền thực dân can thiệp đuổi ra khỏi Trường Quốc học Huế, buộc Người phải tự học trên đường đời, trong tham gia phong trào cách mạng quốc tế. Những thế hệ Nho học cựu trào như ông ngoại của Tất Thành hay mãn trào giao thời như người cha đẻ Nguyễn Sinh Sắc dù có là Phó bảng thì cũng buộc phải lênh đênh cuộc đời bể dâu, ngậm ngùi nếm trải cảnh “nước mất nhà tan”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thay đổi vận mệnh cho dân tộc Việt Nam, thay đổi thân phận cho người Việt Nam, theo đó, dân tộc Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập; chiếc lồng vô hình giam cầm dân tộc Việt Nam bị phá tan, mở ra cơ hội chiếu sáng cho giai cấp công - nông và các tầng lớp khác, trước hết là những người bị chế độ thực dân coi là đáy cùng xã hội.

Sau ngày Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã xác định nạn mù chữ là một thứ giặc nội xâm, có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ mới, Người đã ký sắc lệnh Bình dân học vụ để đưa 95% dân số là nạn nhân của chính sách “khai hóa văn minh” tiếp cận được ánh sáng của giáo dục; theo tinh thần đó, trường học đơn sơ được xây mới, khắp thôn cùng xóm vắng tỏ ánh đèn dầu sau cuối ngày tăng gia sản xuất, người dạy dù chưa qua trường lớp sư phạm và không lương, không phụ cấp nhưng cũng đủ nhiệt tình, hòn than, nền đất, thân cây cũng là học liệu bổ ích.

Từ bấy đến nay, Việt Nam đã kiên định dựng xây một nền giáo dục “của dân, do dân và vì dân”. Đi khắp nước Việt Nam, từ miền biển, qua đồng bằng, lên vùng núi cao, ở đâu cũng thấy trường học ngày một khang trang, ríu rít tiếng cười, i a tiếng trẻ thơ đánh vần con chữ, nhộn nhịp cảnh nô đùa, vai mang khăn quàng đỏ nghiêm trang chào lá quốc kỳ, vọng hát lời tiến quân ca, lòng bay bổng ước mơ chinh phục những đỉnh cao xanh trong. Thầy, cô người Việt, chương trình và sách giáo khoa do người Việt soạn thảo. Cho dù kinh tế đất nước còn nghèo khó, song Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Việt Nam đã có được hệ thống giáo dục theo mô hình giáo dục mở, đủ năng lực giáo dục, đào tạo từ bậc học mầm non đến bậc Tiến sĩ; có những ngôi trường đủ sức hội nhập với giáo dục quốc tế (như Trường Bưởi - Chu Văn An, Amxtecđam); có mối quan hệ với cả trăm quốc gia và cơ sở giáo dục đẳng cấp quốc tế. Thành tích đua tài của học sinh phổ thông Việt Nam ở các kỳ thi ôlimpic quốc tế, thi tay nghề của các thợ trong khu vực, mức độ phấn đấu của những sinh viên du học thường vươn lên tốp cao, cống hiến của các nhà khoa học Việt kiều nơi đất khách thường rất đáng nể trọng. Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều nhà khoa học đạt giải Nô ben với những diễn đàn khoa học mang tầm thời đại. Mới đây Ngân hàng thế giới xếp Việt Nam và Trung Quốc thuộc 2 nền giáo dục có tính đổi mới năng động nhất khu vực châu Á - Thái bình dương. Đó quả thực là một kỳ tích của 73 năm phát triển nền giáo dục Việt Nam, là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục được đặt trên bệ phóng từ tư tưởng đúng của Hồ Chí Minh, từ quan điểm nhất quán của Đảng ta - coi giáo dục là đại kế trăm năm.

3. Dựa trên tiền đề của 73 năm qua, cần điềm tĩnh, vững tin thúc đẩy sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam

Giáo dục Việt Nam đã có truyền thống hàng ngàn năm, luôn là một phần hữu cơ trong những thành tố có tính quyết định đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Kể từ ngày có Đảng và Bác Hồ soi đường chỉ lối, giáo dục Việt Nam có những đột phá mang tính thời đại, tuy chưa thể sánh được với những nền giáo dục hàng đầu châu lục và thế giới (nước Mỹ từng có nền giáo dục mà Lênin cũng phải ước mong học tập; nước Nhật có được một nền giáo dục đủ sức đưa họ bước vào kỷ nguyên hiện đại hóa và hồi sinh sau đại chiến thế giới thứ hai), nhưng Việt Nam đã và đang chứng tỏ nghị lực và sự sáng tạo để làm cho giáo dục trở thành sức mạnh nội sinh, đủ sức cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc đổi mới, phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế thành công.

Chặng đường hơn 73 năm qua là khoảng thời gian chưa nhiều, song cũng đủ minh chứng cho tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh, được Đảng và Nhà nước vận dụng sáng tạo vào hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách ưu tiên cho giáo dục phát triển; nhờ vậy đã xây dựng thành công một nền giáo dục thực sự dân chủ, vì quyền và lợi ích của mỗi người dân và cho mục tiêu tự lực, tự cường dân tộc.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đặc biệt là với 3 năm học gần đây dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, giáo dục nước nhà đang bước những bước đi cẩn trọng, vững vàng, tìm tòi, sáng tạo, kiên định, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự cầu thị, lắng nghe sự góp ý, phản biện xã hội để hoàn thiện cho mỗi chương trình, kế hoạch mang tầm chiến lược quốc gia.

Với 9 nhóm nhiệm vụ lớn và 5 nhóm giải pháp có tính căn cơ, ngành Giáo dục đã từng bước tạo ra sự đổi mới bài bản. Trước hết là đổi mới nhận thức và hành động từ đội ngũ cán bộ quản lý ở cấp Bộ đến cấp cơ sở, từ đội ngũ nhà giáo ở bậc học mầm non đến bậc đại học. Tinh thần chung của sự đổi mới là không thể quản lý theo kiểu hành chính, không thể dạy học theo lối áp đặt, cần phải tăng cường sự khuyến khích tính tự giác, sáng tạo, phát triển năng lực người học, cần giảm tải áp lực của thi cử đối với phụ huynh, học sinh, sinh viên; đánh giá mang tính toàn diện, thường xuyên, kết hợp cả đánh giá trong và đánh giá ngoài; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để bảo đảm tính thực chất, công bằng, khách quan trong hoạt động giáo dục; xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu theo hướng phát triển năng lực người học; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội với những chế định nghiêm ngặt, không buông lỏng quản lý nhà nước và sự giám sát xã hội; mở rộng hợp tác quốc tế song phương với các nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới.

Tất nhiên, trong quá trình hướng tới những định hướng xuyên suốt như vậy là điều không thể “sốt ruột”, nóng vội, duy ý chí; lại càng không thể thiếu điềm tĩnh mà lúng túng chạy theo vụ việc. Sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thực sự là một cuộc cải cách ở tầm cao mới, đó là một sự đoạn tuyệt với lề lối cũ, gieo mầm cho tính sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0; bên cạnh những thuận lợi là cơ bản thì cũng luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách; trong đó có một thách thức khôn lường là âm mưu “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực giáo dục.

Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và niềm tin tưởng, sự kỳ vọng của nhân dân chính là hai yếu tố làm điểm tựa chính trị và nền tảng xã hội cho thành công đổi mới giáo dục. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có sự thay đổi nhận thức và tinh thần hành động quyết liệt, tận tâm vì sự nghiệp chăm lo, giáo dục của đất nước chính là đột phá khẩu cho thành công đổi mới lần này.

Những bất cập, hạn chế, khuyết điểm dù vô tình hay cố ý đã và còn có thể xảy ra đâu đó là điều khó tránh khỏi, bởi đó là quy luật và là tác nhân buộc chúng ta phải cẩn trọng hơn, quyết liệt hơn, đấu tranh không khoan nhượng với những tổ chức và cá nhân coi thường pháp luật. Chuyện ngày xưa ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, thời phong kiến có nhiều hình thức phạt rất nặng với các sĩ tử, nhưng vẫn luôn phát sinh nhiều chiêu trò gian lận trong thi cử. Chuyện thời nay, trên thế giới, từng có việc cấm học viên đưa bánh mì và suất ăn vào phòng thi, vì trong cặp lồng hoặc bánh mì kẹp thịt có giấu tài liệu; từng có trường hợp bị đánh cắp đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để đưa lên mạng; từng có cảnh trèo tường ném bài tràn làn đến nỗi cảnh sát cũng phải bất lực vì sợ người ném bài ngã gãy chân tay; từng có việc học sinh trung học phổ thông sau khi nhận kết quả tốt nghiệp đã thoát y để ăn mừng tập thể. Những căn bệnh xã hội kiểu như trên vẫn chưa bao giờ bị triệt tiêu, có chăng chỉ giảm thiểu tới mức thấp nhất có thể.

Không nên chỉ vì một số sai sót, khuyết điểm mà quy chụp thành vấn đề chính trị. Phê phán gay gắt đôi khi rất cần thiết, vì đó sẽ là “thuốc đắng dã tật”, nhưng trong sự phê phán rất cần có sự hiến kế khắc phục sai lầm, kiêng kị thái độ phê phán với động cơ chính trị, hòng suy diễn thành “lỗi hệ thống” để bôi nhọ Đảng, Nhà nước, làm tổn hại đến hình ảnh ngành Giáo dục; sự rối ren trong giáo dục sẽ gây tổn thất trước hết cho hàng chục triệu trẻ thơ, học sinh, sinh viên.

Trong đổi mới phải kiên quyết khắc phục cho được sự lo ngại, phản đối của xã hội về sự vô tình biến con em học thành “chuột bạch”, nhưng cũng phải hết sức cảnh giác để không để những kẻ cơ hội chính trị biến ngành Giáo dục thành “chuột bạch” cho ván bài đả phá chế độ.

Dù chương trình, tài liệu giáo dục được chuẩn bị chu toàn đến mấy thì không thể vừa lòng mọi nhà giáo dục cũng như thầy cô giáo, chứ chưa nói đến xã hội. Vì vậy, cần phải dựa vào nguyên tắc lấy sự hài lòng về chất lượng và kết quả giáo dục làm khuôn vàng thước ngọc. Chất lượng và kết quả giáo dục không phải một sớm, một chiều, nhưng có thể quan sát được thông qua lời nói, hành động của từng nhân tố tham gia vào quá trình giáo dục. Trước hết là nhà quản lý dừng chạy theo lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ của cơ sở mình, địa phương mình. Thứ đến là nhà giáo luôn quan tâm, thương yêu, tôn trọng, ân cần chăm chút cho trẻ thơ, tương tác học thuật với học viên. Đặc biệt là trẻ thơ, học sinh có thái độ yêu thích, ham học hỏi; học viên có sự trưởng thành hơn sau từng cấp độ đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó là các bậc phụ huynh cảm nhận được niềm vui sau mỗi ngày đón con em mình trở về nhà, đêm đêm may mắn thấy nụ cười trên môi trẻ thơ, không xót xa khi thấy trẻ thơ giật mình thon thót, co rúm khi phải đến trường.

Nếu cả xã hội chung lòng, góp sức và toàn ngành Giáo dục nỗ lực, kiên định thay đổi tích cực thì chắc chắn xã hội, đất nước sẽ được thụ hưởng giá trị tốt đẹp từ đổi mới trong một thời gian không xa.

Giáo dục là một quá trình tiếp biến các giá trị văn hóa, cần có sự kỳ công và niềm tin cùng thời gian đủ chín cho những mùa vàng trĩu nặng, làm nên tiền đồ tươi sáng của dân tộc Việt Nam./.  

 Mùa khai trường mới, tháng 9/2018

PGS. TS. Trần Viết Lưu
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương

Theo: tuyengiao.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 5
  • 0
  • 2
  • 8
lên đầu trang