Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:37

Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:37

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 01:35 ngày 11/07/2018

"Thổi phồng" để bóp méo, xuyên tạc



Theo Từ điển Tiếng Việt, thổi phồng được giải nghĩa là “thêm thắt, nói quá sự thật”. Còn bóp méo là “nói, phản ánh sai sự thật, do dụng ý xấu (bóp méo, bôi đen sự thật)”.
Có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng theo quan niệm có tính phổ biến thì thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sự thật thuộc phạm trù đạo đức ứng dụng mà cụ thể ở đây là đạo đức truyền thông (thông tin nặc danh, thổi phồng sự kiện, dấu nhẹm thông tin, khiêu khích sân hận).
Không phải đến bây giờ mà ngay từ khi xã hội có phân chia giai cấp, trên mọi lĩnh vực của đời sống đã xuất hiện những người, có khi là nhóm người vì động cơ, mục đích, dụng ý không trong sáng mà dùng những hình thức này, hình thức khác để thổi phồng, phản ánh sai sự việc, bóp méo sự kiện, xuyên tạc, bôi đen sự thật. Việc làm của họ nhằm hai mục đích chính: Một là gây thanh thế, đánh bóng tên tuổi bản thân, tâng bốc người này, tập thể này, lăng xê người kia, đề cao tập thể kia; Hai là thổi phồng lỗi lầm, khuyết điểm, sai phạm làm phức tạp hóa các sự việc, sự kiện, vấn đề có liên quan đến những tập thể, cá nhân không cùng phe cánh, để “dìm hàng” người này, hạ bệ người khác. Trong cơ chế thị trường, những biểu hiện của chiêu trò “thổi phồng, bóp méo” càng bộc lộ rõ nét. Đặc biệt, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tình trạng thổi phồng, bóp méo sự thực về chất lượng hàng hóa, tác dụng của sản phẩm diễn ra khá phổ biến. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng về tiền bạc mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì lợi nhuận, vì đồng tiền không ít cá nhân lợi dụng những kẽ hở của thế giới ảo, sự lan truyền nhanh chóng của thông tin trên không gian mạng để thổi phòng, bóp méo sự việc, xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu, hạ thấp uy tín của doanh nghiệp này, chủ doanh nghiệp kia hòng trục lợi.
Nhìn rộng ra trong cuộc đấu tranh giai cấp, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng chính trị chúng ta dễ dàng nhận thấy, nhằm triển khai chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá các nước không cùng quỹ đạo, thổi phồng để bóp méo, xuyên tạc, làm sai lệch bản chất sự việc, vấn đề là một trong những thủ đoạn được các thế lực thù địch,phản động thường xuyên áp dụng. Đặc biệt trong điều kiện hội nhập quốc tế trở thành một xu thế lớn, tất yếu của thế giới, các thế lực thù địch, phản động coi đó là thủ đoạn hữu hiệu nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, gây rối an ninh chính trị và sự ổn định tại các quốc gia. Toan tính của họ khi sử dụng chiêu thức này là thêm thắt, nói quá về những sự việc, sự kiện xảy ra trong xã hội để thổi phồng cho nó lớn hơn so với thực tế, từ đó bóp méo, xuyên tạc, bôi đen sự thật, làm cho các vấn đề, các vụ việc thêm phức tạp để kích động, chống phá, lung lạc lòng tin của nhân dân, gây chia rẽ trong nội bộ của các quốc gia. Họ triệt để khai thác và sử dụng những lợi thế của internet làm phương tiện thực hiện các thủ đoạn thổi phồng để bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt, tung tin thất thiệt nhằm làm ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ và cá nhân lãnh đạo ở các quốc gia; gây nhiễu thông tin, làm suy giảm lòng tin từ đó đẩy tới rối loạn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thông tin trên internet hiện nay khá nhiễu loạn, có thông tin đúng, có giá trị, nhưng cũng có không ít những thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc... Vấn đề là ở chỗ chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng, trang bị cho người dân có kiến thức, kỹ năng, có hiểu biết về pháp luật và đạo đức truyền thông khi tham gia vào mạng xã hội. Mặt khác cần hỗ trợ, giúp đỡ để người dân khi tham gia vào mạng xã hội, tiếp cận thông tin từ các trang mạng có một “màng lọc” chuẩn, tỉnh táo để lựa chọn thông tin đúng, loại bỏ những thông tin đã bị thổi phồng, bóp méo sai lệch, thông tin độc hại.

Nhìn lại vụ án gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, thông qua mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức thổi phồng làm tăng tính nghiêm trọng, phức tạp của vụ việc theo kiểu “có ít xít ra nhiều”, “bé xé ra to” để rồi bóp méo, xuyên tạc “chính trị hóa” một vụ án hình sự đơn thuần thành vụ án chính trị như cách nói của họ. Hay trong vụ án Lê Duy Phong, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị Công an Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái khởi tố, bắt tạm giam để điều tra và truy tố về tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 280, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009... Thế nhưng trên một vài trang mạng, một số phần tử phản động, có tư tưởng thù địch đã thổi phồng, bóp méo, suy diễn, xuyên tạc về vụ việc theo kiểu lấy cái cụ thể để đánh giá, kết luận về cái tổng thể và cho rằng chính quyền Việt Nam “gài bẫy” để đưa các nhà báo chống tham nhũng vào vòng lao lý; Việt Nam “vi phạm tự do báo chí”... Hơn thế, từ sự việc này họ còn suy diễn, xuyên tạc, bóp méo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xuyên tạc thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Không chỉ vậy, họ còn cho rằng: “Cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cánh”, “tăng cường phòng, chống tham nhũng chỉ là chiêu trò mị dân”; có sự “bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng” của cấp ủy, chính quyền các cấp... Nguy hiểm hơn, họ còn chụp mũ cho rằng tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là hệ quả của cơ chế lãnh đạo độc tôn... Không chỉ thổi phồng, bóp méo các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, các thế lực thù địch, phản động còn triệt để sử dụng chiêu trò này trước các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước. Chẳng hạn trước thời điểm diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, trên mạng xã hội, các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phá hoại đại hội Đảng các cấp và công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc. Chúng ra sức thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt về những hạn chế, yếu kém của Đảng và Nhà nước ta nhằm phủ nhận sạch trơn những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới; thổi phồng, xuyên tạc, bịa đặt đời tư nhằm bôi nhọ thanh danh, uy tín của cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây ra sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ XHCN...

Chỉ cần điểm qua một số nét như vậy đã đủ thấy “thổi phồng để bóp méo”, xuyên tạc sự thật là chiêu trò không có gì mới nhưng vẫn hết sức nguy hiểm mà các thế lực thù địch, phản động, những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị đã và đang triệt để khai thác sử dụng hòng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trước sự tác động đa chiều của thông tin hiện nay, vấn đề đặt ra là phải nâng cao khả năng “miễn dịch” cho nhân dân trước các chiêu trò thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn. Cùng với đó chúng ta cần kịp thời đấu tranh kiên quyết, phê phán, phản bác mạnh mẽ với những bài viết có nội dung thông tin thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sự thật, nhất là trên không gian mạng. Đối với những phần tử cơ hội, bất mãn trong nước, tùy từng trường hợp, các cơ quan chức năng cần có biện pháp trừng trị thích đáng, nghiêm minh... Đó là những việc làm cơ bản, cấp thiết để xây dựng một trật tự xã hội ổn định, một môi trường thông tin an toàn, lành mạnh.

Phùng Kim Lân

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 6/2018

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 3
  • 0
  • 7
  • 6
lên đầu trang