Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:55

Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:55

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 10:49 ngày 09/02/2017

Những người vặn con ốc cuối cùng của thủy điện Lai Châu

Cuộc đời người thợ, không phải ai cũng có may mắn được gắn tên mình với những công trình thế kỷ của đất nước. Chính vì thế tôi hiểu được niềm vui, niềm hạnh phúc của những người thợ lắp máy Lilama khi họ là những người vặn con ốc cuối cùng, đưa nhà máy Thủy điện Lai Châu vào vận hành.

 Nơi mùa xuân đến sớm

 Đến với thủy điện Lai Châu lần này, lòng tôi hân hoan khó tả. Có lẽ là bởi, niềm hân hoan của những người thợ lắp máy đã lan sang tôi. Niềm vui ánh lên từ đôi mắt, từ gương mặt những người thợ đã miệt mài gắn bó, miệt mài lao động để góp phần đưa công trình về đích trước tiến độ. Hơn thế nữa, họ tự hào bởi mình là những người thợ cuối cùng, làm những công đoạn quan trọng cuối cùng, thậm chí, vặn con ốc cuối cùng để đưa các tổ máy vào vận hành trơn tru và an toàn.

Kỹ sư Nguyễn Đình Tình – Phó Tổng GĐ Cty CP Lilama 10, Phó GĐ Ban điều hành Lilama dự án thủy điện Lai Châu (đơn vị lắp đặt gần như toàn bộ thiết bị cơ khí của nhà máy) không giấu được niềm vui: “Công trình hoàn thành, không thể diễn tả hết niềm vui của các cán bộ, kỹ sư, công nhân Lilama 10 lớn như thế nào? Chúng tôi vui không chỉ bởi công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, mà còn cảm giác tự tin bởi mình đã hoàn toàn làm chủ được những công trình lớn như thế này. Tất các các khâu, từ quy trình vận hành đến chất lượng đều đảm bảo đúng như dự định, không có gì phải lăn tăn nữa. Có thể nói sau thành công của thủy điện Sơn La, rồi đến Lai Châu này, từ nay trở đi, đến bất cứ công trình nào chúng tôi cũng không còn e ngại nữa”.

Với những người thợ lắp máy trên công trình thủy điện Lai Châu, mùa xuân năm nay dường như đến sớm hơn – từ khi nhà máy chính thức khánh thành tháng trước. Khoác trên mình bộ quần áo mang màu xanh lắp máy quen thuộc, anh Hoàng Văn Trác, Đội trưởng đội lắp đặt tua bin Lilama 10 tại thủy điện Lai Châu thong dong tản bộ trên con đường nhựa phẳng lì dẫn vào nhà máy - một sự thư thái hiếm có của những người thợ trên công trình. Anh cười bảo: “Mình đã gắn bó với Lilama 10 hơn 30 năm nay, và đã tham gia khá nhiều thủy điện, trong đó có cả Sơn La và làm trọn vẹn Lai Châu này. Nhà máy được khánh thành như hôm nay, hơn 2.000 ngày qua, hàng nghìn anh em lắp máy đã cùng chung lưng đấu cật, làm việc hết sức, để công trường không ngơi tiếng máy. Sau bao khó khăn vất vả, giờ thì chúng tôi đã có thể tận hưởng niềm vui lớn này rồi”.

Với riêng anh Trác, niềm vui còn được nhân lên khi Tết này anh sẽ được về quê lúa Thái Bình để đoàn tụ với gia đình. 5 năm xây dựng nhà máy, anh đã đón Tết trên công trường ba lần, lần nào cũng bùi ngùi khó tả. “5 năm với bộn bề công việc đã khép lại. Công trình đã khánh thành, chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Trong niềm vui chung ấy, tôi có thêm niềm vui riêng của mình đó là được về đón Tết với gia đình. Nhất định, tôi sẽ mua một cây đào Tây Bắc thật to, thật đẹp về để chơi xuân cùng cả nhà”, anh Trác háo hức chia sẻ.

Khẳng định vị trí số 1 về thủy điện

Trong buổi tiệc nhỏ mừng khánh thành nhà máy, tôi ấn tượng với một kỹ sư vùng quê nhãn Hưng Yên, còn khá trẻ nhưng là Phó GĐ Ban điều hành Lilama dự án thủy điện Lai Châu – Bùi Bình Nhưỡng. Anh tốt nghiệp đại học, “đầu quân” vào ngành lắp máy và gắn bó với Lilama 10 đã 15 năm nay. “Dấn thân” ở nhiều nhà máy nhiệt điện, Lai Châu là thủy điện thứ hai anh tham gia, sau thủy điện đầu tiên là Hủa Na cũng ở tận cùng của tỉnh Nghệ An xa xôi. Tính ra mỗi năm, anh ở nhà với gia đình được độ một tháng. Trong những câu chuyện với Nhưỡng, tôi không hề thấy anh phàn nàn một lời nào về sự vất vả của những năm tháng làm việc tại công trường xa nhà. Lai Châu là tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa, huyện Nậm Nhùn-nơi đặt nhà máy thủy điện lại xa xôi, hiểm trở hơn nữa. Điều kiện sống của anh em trên công trường được chăm lo khá đầy đủ, nhưng đời sống tinh thần thì không thể nói là không khó khăn, nhất là với người trẻ. Nhưỡng kể: “Ngày đầu bước chân đến đây thấy trùng trùng điệp điệp núi rừng, nhìn mãi không thấy bóng người, điện đường đều chưa có, nhưng trong lòng mình đã tự nhủ không được nản. Vừa khắc phục khó khăn ở công trường, lại vừa phải động viên vợ con. Nói thật, mình đi làm xa thế này, nếu không có sự cảm thông, chia sẻ của người vợ thì khó lòng yên tâm làm việc được. Vậy nhưng nhiều lúc gọi điện về nhà, nghe tiếng con nhỏ bi bô cũng ứa nước mắt”.

Tuy nhiên, được lãnh đạo Cty Lilama 10 tạo điều kiện hết sức để làm việ nên anh và đồng nghiệp đã lần lượt vượt các mốc tiến độ đề ra. Đến ngày phát điện thành công tổ máy số 3 thì anh em đã có thể thở phào.

Anh hùng lao động Nguyễn Thế Trinh, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Lilama 10 chỉ huy khu vực Tây Bắc chia sẻ: “Tại Lai Châu, Lilama 10 có rất nhiều người trẻ, và cũng có những người đã cận kề tuổi nghỉ hưu, nhưng cùng giống nhau ở tinh thần xông pha và vươn lên dù trong những điều kiện khó khăn nhất. Thủy điện Lai Châu đã được hoàn thành trên một tinh thần như thế”.

Nhà máy thủy điện Lai Châu lắp đặt 37 nghìn tấn thiết bị, trong đó, riêng LILAMA 10 đã lắp 35 nghìn tấn. Lúc cao điểm, có khoảng 1.200 lao động, trong đó hơn 100 cán bộ, kỹ sư LILAMA 10 có mặt trên công trường. Mặt bằng thi công chật hẹp, địa hình núi cao hiểm trở, có lúc thiết kế chậm, nhưng do tổ chức thi công tốt, LILAMA 10 vẫn đảm bảo và vượt tiến độ đề ra.Việc công trình hoàn thành sớm 1 năm sẽ giúp cung cấp thêm khoảng 4,7 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia, làm lợi cho đất nước khoảng 7.000 tỷ đồng. 

Theo http://www.lilama.com.vn/

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 3
  • 0
  • 0
  • 3
  • 9
lên đầu trang