Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:58

Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:58

Tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS

Cập nhật lúc 02:23 ngày 03/08/2016

Đấu tranh chống tội phạm mua bán người còn nhiều gian nan

Chưa bao giờ, nạn mua bán người lại nhức nhối như hiện nay. Kinh tế mở cửa, hội nhập sâu rộng, mặt trái của cơ chế thị trường là điều kiện thuận lợi phát sinh tội phạm, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình an ninh trật tự, đe dọa tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người dân, trong đó hơn một nửa là phụ nữ, trẻ em gái.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Chị Nguyễn Thị T ở Phú Thọ không bao giờ nghĩ rằng, mình lại trở thành “món hàng” để kẻ xấu kiếm lời. Làm mẹ đơn thân nuôi hai con thơ dại, lại thường xuyên ốm đau, nên cảnh nhà vốn nghèo túng càng khó khăn hơn. Khi gặp người đàn ông tên Hùng, với những lời đường mật, quan tâm, chia sẻ và rủ chị đi Bắc Giang khám bệnh, chị T đã rất cảm động. Nhưng chị đâu ngờ, bị đưa lên Lạng Sơn, bán qua biên giới với giá 15 triệu đồng. Chị T phải làm vợ một người đàn ông thiểu năng trí tuệ. May mắn, chị đã tìm được đường đến Công an tỉnh Phú Thọ trình báo.

Xâu chuỗi các manh mối, trinh sát tìm ra thủ phạm là Nguyễn Ngọc Cửu. Cũng chiêu dùng tên giả, địa chỉ giả, lừa yêu trên mạng xã hội, đường dây buôn người do Giàng Củi Măng, Giàng Seo Giàng ở Bắc Hà (Lào Cai) cầm đầu đã thực hiện trót lọt 7 vụ, đưa 9 cô gái (trong đó có một sinh viên, hai học sinh) sang Trung Quốc bán, thu lời gần 400 triệu đồng.

Đại tá Lương Cao Huỳnh, Trưởng phòng PC45 Công an Lào Cai cho biết, các nạn nhân bị bán, ép làm vợ ở xứ người, chỉ số ít trốn thoát về nước nên việc xác định tên, tuổi chính xác của các đối tượng vô cùng khó khăn. Đáng báo động, 6 tháng đầu năm nay, số học sinh, sinh viên cả nước bị lừa bán tăng mạnh, chứng tỏ không chỉ những cô gái vùng sâu, vùng xa kém hiểu biết, thất nghiệp, hoàn cảnh éo le, nghèo túng bị dụ dỗ, mà ngay cả những thiếu nữ có học, hiểu biết vẫn “sập bẫy”.

Bọn tôi phạm buôn người lóa mắt vì những lợi nhuận bất chính nên không từ bất kỳ thủ đoạn nào, rắp tâm khống chế, bắt cóc phụ nữ, trẻ em bán qua biên giới. Chưa kể, xuất hiện tình trạng mua bán đàn ông, trẻ sơ sinh, bào thai; đẻ thuê, xuất cảnh chui lao động thời vụ... Các nạn nhân thường bị bán sang Trung Quốc (chiếm 70%), Campuchia (khoảng 10%), còn lại là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nga và một số nước Đông Âu..., bị đẩy vào các ổ mại dâm, đường dây du lịch tình dục, bóc lột tình dục và sức lao động. Các đường dây mua bán người hoạt động khép kín, có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong nước với người nước ngoài.

Cần phối hợp đẩy mạnh phòng ngừa

Nhằm chủ động đấu tranh chống tội phạm mua bán người, lực lượng công an và biên phòng đã tích cực điều tra, nắm tình hình, xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đặc biệt, chú trọng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, đường mòn, đường tiểu ngạch, rà soát lên danh sách các đối tượng nghi vấn, thiết lập đường dây nóng, tổ chức giao ban với các nước để trao đổi thông tin, phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân; lập chuyên án đấu tranh triệt để, xét xử nghiêm minh nên kiềm chế hiệu quả tội phạm mua bán người… 5 năm qua, công an, biên phòng cả nước điều tra, khám phá 1.947 vụ mua bán người, bắt 3.055 đối tượng, đồng thời tuyên truyền cho hàng trăm nghìn lượt người, qua đó quần chúng cung cấp hàng nghìn tin tố giác giá trị.

Tuy nhiên, hiệu quả đấu tranh còn hạn chế. Khởi tố điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm ẩn này gặp nhiều vướng mắc, khi nạn nhân chưa được giải cứu, thủ phạm ở nước ngoài; tội phạm mua bán người gây án ở khu vực hẻo lánh nên khó phát hiện, tin tố giác muộn... Thêm nữa, do lực lượng trực tiếp đấu tranh mỏng, nên kết quả vẫn chưa cao, nhiều hành vi có dấu hiệu mua bán người được đề cập trong Bộ luật hình sự nhưng chậm có văn bản hướng dẫn, nên xử lý khó khăn; hợp tác quốc tế vẫn còn bị cản trở bởi các rào cản về thủ tục tư pháp…

Thời gian tới, tội phạm mua bán người còn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về quy mô hoạt động và mức độ nguy hiểm. Theo Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát, cần tập trung lực lượng điều tra, khám phá bóc gỡ các đường dây mua bán người hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; lựa chọn các vụ án điểm để xét xử lưu động, nhằm nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm…

Thực tế cho thấy, việc đặt các hộp thư tố giác tội phạm để thu thập tin báo; trấn áp mạnh tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, chú trọng tuần tra kiểm soát bí mật kết hợp công khai tại khu vực biên giới, cửa khẩu nội địa, các lối mòn; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về mua bán người… là những giải pháp thiết thực, nâng cao hiệu quả đấu tranh.

Bên cạnh đó, cần phải phối hợp đẩy mạnh phòng ngừa bằng cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng để mọi người nắm rõ phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người; tạo điều kiện để nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng, tăng cường quản lý chặt chẽ hộ khẩu, xuất nhập cảnh, hoạt động dịch vụ nhà hàng, khách sạn, môi giới hôn nhân, các cơ sở sản xuất nghi vấn sử dụng lao động trẻ em…

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, gần 90% số vụ mua bán người ở nước ta ra nước ngoài, không thể thiếu hoạt động tương trợ tư pháp hình sự với các nước trong đấu tranh, phòng chống, kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ và xử lý tội phạm.

Thúy Vân

Theo Nhân Dân

 

 

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 4
  • 2
  • 1
  • 4
lên đầu trang