Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 25/04/2024 | 00:12

Thứ năm, 25/04/2024 | 00:12

Tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS

Cập nhật lúc 01:51 ngày 06/12/2021

Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030

Ngày 6/8, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 20-HD/BTGTW về thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 6/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

Ban Biên tập Website CĐXDVN trân trọng giới thiệu nội dung trọng tâm của Hướng dẫn

1. Tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các kết quả quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua và những khó khăn, thách thức của công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian tới, đặc biệt là tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, làm việc; hiểu rõ mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 là “Khi số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% trước năm 2030”.

2. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, nhất là người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS, tập trung rà soát, bổ sung quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất với chương trình phòng chống ma túy và phòng, chống mại dâm.

3. Đối với công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, về phòng, chống HIV/AIDS, cần kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS với thông tin kiến thức về HIV/AIDS và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, các biện pháp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Phát huy hiệu quả của truyền thông đại chúng; truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số, các mạng xã hội như Facebook, Youtube, zalo, viber, lotus; tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh - truyền hình ở cơ sở; lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa cơ sở….

Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống thông tin cơ sở, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người nổi tiếng, người đứng đầu các cộng đồng dân cư, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, người nhiễm HIV, người thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao tham gia vào công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.

4. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS; sớm ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS và các chính sách, thể chế, thiết chế, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội trong tình hình mới.

Nhà nước tiếp tục nâng mức đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tập trung cho các hoạt động can thiệp truyền thông, giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, giám sát dịch, xét nghiệm điều trị HIV, can thiệp cho nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sử dụng BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS; các tỉnh, thành phố đảm bảo kinh phí mua thuốc Methadone; ưu tiên đầu tư kinh phí và nhân lực cho các khu vực, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ trong nước và quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia đóng góp của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân vào việc đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia bền vững của các tổ chức xã hội trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

5. Triển khai rộng rãi, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS.

Tập trung triển khai các giải pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao; thí điểm và mở rộng triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV phù hợp trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Mở rộng các mô hình điều trị, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở. Thí điểm và nhân rộng cấp phát thuốc điều trị mang về nhà. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các nhóm nguy cơ cao. Triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị nhiễm HIV toàn diện, liên tục, kết nối với các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác phù hợp cho từng đối tượng đặc thù và điều kiện của địa phương. 

Đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV. Triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV phù hợp với từng nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao; mở rộng triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.

Mở rộng điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, tổ chức xã hội và các tổ chức khác. Lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân, đa dạng mô hình cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS toàn diện, liên tục. Nghiên cứu ứng dụng các mô hình, giải pháp, kỹ thuật mới tiên tiến phù hợp với thực tiễn để đẩy nhanh, mạnh và hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.

6. Kiện toàn Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Ban chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại các địa phương; sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động phù hợp với nhiệm vụ của các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Tiếp tục kiện toàn và củng cố tổ chức, đảm bảo đủ nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tăng cường năng lực và huy động y tế tư nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng, mạng lưới người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo: tuyengiao.vn
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 0
  • 7
  • 8
  • 9
  • 9
lên đầu trang