Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:23

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:23

Tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS

Cập nhật lúc 09:51 ngày 20/06/2016

Những vấn đề đặt ra trong việc: xóa bỏ, thay thế cây có chứa chất ma túy

Theo Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy có 03 loại cây có chứa chất ma tuý bị cấm trồng gồm: Cây thuốc phiện, cây cần sa và cây cô ca. Mặc dù cây cô ca du nhập vào Việt Nam đã trên 50 năm, được trồng làm cây cảnh vì có lá và hoa đẹp, nhưng chưa phát hiện việc trồng cô ca cho mục đích chiết xuất chất ma tuý. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay việc kiểm soát cây có chứa chất ma túy ở Việt Nam chỉ tập trung vào hai loại cây, đó là thuốc phiện và cần sa. Cây thuốc phiện được trồng và sử dụng chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc; cây cần sa mới xuất hiện trong thời gian gần đây, địa bàn chủ yếu ở các địa phương phía Nam. 

Cây thuốc phiện được trồng và sử dụng rất lâu đời ở khu vực miền núi nước ta. Theo số liệu thống kê ghi lại, niên vụ thuốc phiện năm 1985 -1986 có diện tích trồng cây thuốc phiện lớn nhất lên tới 19.050 ha. Từ năm 1993, khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 06/CP của Chính phủ về xoá bỏ trồng cây thuốc phiện, diện tích trồng giảm nhưng vẫn còn khá lớn với 12.790 ha phân bố trên địa bàn 12 tỉnh miền núi phía Bắc. Những năm sau đó diện tích trồng cây thuốc phiện đã được kiểm soát tốt, liên tục giảm mạnh qua các năm, niên vụ 1995 - 1996 còn 2.885 ha, niên vụ 2000 - 2001 còn 320 ha và đến nay tại niên vụ 2014 - 2015 chỉ còn 14,9 ha ở các diện tích nhỏ lẻ, phân tán.

Cây cần sa mặc dù mới xuất hiện trong những năm gần đây, song do đặc tính sinh trưởng dễ thích nghi với nhiều vùng sinh thái và có thể trồng theo phương pháp thủy canh nên việc kiểm soát trồng và tái trồng rất khó khăn. Diện tích cây cần sa được phát hiện và xóa bỏ được trong vài năm gần đây cao nhất chỉ ở mức vài ha. Năm phát hiện và xóa bỏ cao nhất với cây cần sa là năm 2012 với 5,8 ha và đến năm 2015 này chỉ còn 0,2 ha.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thảo tuyên truyền pháp luật về xóa bỏ và thay thế cây có chất ma túy 

 

Nhận thức rõ ma tuý là hiểm họa của cả dân tộc, Ðảng và Nhà nước đã có chủ trương rất sớm để kiểm soát tình hình: Ngày 30/8/1987, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã ra Chỉ thị số 13-CT/TW yêu cầu tổ chức vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện, không chích hút và ngăn chặn việc mua bán sản phẩm cây thuốc phiện. Năm 1989, Quốc hội đã bổ sung sửa đổi Bộ luật Hình sự, quy định rõ về tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, với quy định "Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây có chứa chất ma tuý, bị xử phạt hành chính, phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Ngày 29/01/1993, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 06/CP về tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma tuý. Ðể cụ thể hoá các hoạt động của Chương trình Quốc gia 06/CP, ngày 14/11/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 743/TTg về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Ngày 30/11/1996, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý, yêu cầu "Các cấp uỷ Ðảng phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý, phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên nhằm từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sử dụng ma tuý trong nhân dân”. Chính phủ đã chỉ đạo kiện toàn về tổ chức phòng chống ma tuý toàn quốc, thành lập Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm (UBQG). Năm 1999, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi dành Chương 18 quy định các tội về ma tuý. Năm 2000, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma tuý, tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý cho công tác này. Ngày 31/8/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015 tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ được giao “Cơ bản không để tái trồng cây thuốc phiện và cây cần sa; phát hiện, triệt phá 100% diện tích cây thuốc phiện và cây cần sa trồng trái phép”. Qua 04 năm triển khai thực hiện đã cơ bản thực hiện được mục tiêu của chương trình đề ra, diễn biến tình hình tái trồng cây có chất ma túy (cây thuốc phiện và cây cần sa) từ năm 2012 trở lại đây cho thấy chúng ta đã khống chế khá tốt hiện tượng tái trồng ở các địa bàn trọng điểm. Diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy được kiểm soát ở mức thấp, giảm so với các năm trước và có xu hướng giảm dần từ 40,3 ha (năm 2012), xuống còn 18,9 ha (năm 2013); 19,8 ha (năm 2014); 14,9 ha (năm 2015). Các địa phương đã phát hiện 763 vụ vi phạm liên quan đến trồng cây có chứa chất ma túy, với tổng số diện tích 93,9 ha đã bị phá bỏ, tiêu hủy theo quy định; tiến hành xử lý hình sự, khởi tố 20 vụ; xử lý hành chính 476 vụ với số tiền phạt khoảng 447 triệu đồng; các vụ còn lại xử lý theo hình thức cảnh cáo, răn đe, yêu cầu cam kết không trồng, tái trồng. Để có được kết quả này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đồng bộ các giải pháp như:

Xây dựng và triển khai Kế hoạch 05 năm 2011 - 2015 và Kế hoạch hàng năm về thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy. Phối hợp với các cơ quan liên quan cấp Trung ương và địa phương tuyên truyền, phổ biến luật và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về xoá bỏ, thay thế cây có chất ma tuý thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt phương pháp tuyên truyền đơn giản, dễ hiểu tới các già làng, trưởng bản, người dân địa phương. In ấn và phát hành tờ rơi, tờ gấp giúp cho cán bộ một số tỉnh, huyện và nhân dân địa phương vùng trọng điểm nhận biết phân biệt được cây thuốc phiện, cây cần sa và cây cô ca là những cây có chứa chất ma tuý hiện nay cấm không được trồng; thống nhất với cơ quan truyền thông đại chúng của Trung ương và một số tỉnh trọng điểm tăng thời lượng phát sóng thông qua Đài Phát thanh Truyền hình của tỉnh, tuyên truyền Luật Phòng, chống ma tuý, nhằm giúp cho đồng bào các dân tộc hiểu về tác hại của ma tuý đối với cộng đồng. Tổ chức các cuộc hội thảo tại các địa phương trọng điểm (Lai Châu, Điện Biên, Hoà Bình, Lào Cai, Hà Giang, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Đồng Nai), kết hợp công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và tạo điều kiện cho đại biểu các địa phương, nhất là cấp cơ sở như già làng, trưởng bản trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ xoá bỏ, thay thế cây có chứa chất ma tuý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm trực thuộc tập trung nguồn lực từ các chương trình, dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý để hỗ trợ các địa phương vùng khó khăn, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, ngành nghề phù hợp với điều kiện đặc thù từng địa phương nhằm nhân rộng mô hình có hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Tăng cường chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh thuộc địa bàn trọng điểm về trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy, thực hiện các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích.

Phối hợp với UBND các tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình dự án như các chương trình 135, 134, 30a, giảm nghèo bền vững… nhằm đầu tư cho đồng bào vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc. Các nguồn vốn lồng ghép hỗ trợ đầu tư đã tạo nguồn lực lớn cho phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn trọng điểm tái trồng cây chứa chất ma tuý.

Phối hợp với Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma tuý, Bộ Công an tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm đang tiềm ẩn tái trồng cây có chứa chất ma túy. Trong những năm qua, Bộ đã tổ chức được 20 đợt kiểm tra tại các tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Ðiện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang…

Việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu của Chương trình đã có những đóng góp nhất định đối với phát triển kinh tế - chính trị - xã hội tại địa phương. Từng bước thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân về pháp luật, hạn chế và xóa bỏ dần việc trồng cây có chứa chất ma túy.

Tuy kết quả xóa bỏ cây có chứa chất ma túy đã đạt được kết quả khả quan nhưng trước thực trạng tình hình ma tuý trong nước cũng như khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, hiện tượng trồng cây thuốc phiện còn tiềm ẩn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới với các nước; cây cần sa đã phát hiện trên phạm vi khá rộng thuộc 20 tỉnh, từ thành thị đến nông thôn. Do vậy, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ cho phép xây dựng và thực hiện Đề án “Xóa bỏ, thay thế cây có chứa chất ma túy giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó bao gồm các giải pháp về: Tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma tuý; kiểm tra, giám sát, triệt phá diện tích tái trồng; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm ổn định đời sống cho đồng bào; lồng ghép các chương trình, dự án, tập trung vốn đầu tư tại các xã vùng trọng điểm tái trồng, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn người dân ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu hiệu quả về cây trồng, vật nuôi để nhân rộng nhằm tạo thu nhập thay thế cây có chứa chất ma túy trong dài hạn và đảm bảo tính bền vững của công tác xóa bỏ cây có chứa chất ma túy.

​Lê Quốc Doanh

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo: phongchongmatuy.com.vn

 

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 3
  • 9
  • 2
  • 8
  • 5
lên đầu trang