Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Chủ nhật, 19/05/2024 | 03:51

Chủ nhật, 19/05/2024 | 03:51

Tin CĐXDVN

Cập nhật lúc 01:33 ngày 13/03/2023

Đại hội Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ V

Đại hội CĐXDVN lần thứ V được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 28/4/1979 tại Hà Nội. Đây là Đại hội đầu tiên của tổ chức Công đoàn thống nhất ngành Xây dựng trên phạm vi cả nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành Công đoàn Ngành gồm 27 ủy viên. Đồng chí Phạm Tình, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam được bầu làm Thư ký. Các đồng chí Vũ Tất Ban, Hoàng Năng Đắc được bầu làm Phó Thư ký.
Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá sự phát triển của phong trào CNVC và hoạt động của CĐXDVN trong 4 năm (1975- 1979).
Trong thời gian giữa hai kỳ Đại hội, phong trào CNVC và hoạt động công đoàn đã có những chuyển biến quan trọng, có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển của ngành Xây dựng và đất nước.
Báo cáo của Ban Chấp hành CĐXDVN tại Đại hội nêu rõ: “Với tinh thần cách mạng tiến công, phát huy tinh thần và năng lực làm chủ tập thể, bằng hành động dám nghĩ dám làm, sáng tạo trong lao động sản xuất, cán bộ, CNVC trong mọi lĩnh vực thiết kế, thi công xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, nghiên cứu khoa học... tại nơi trực tiếp sản xuất cũng như cơ quan quản lý, khoa học kỹ thuật, từ người CNLĐ đến các cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý... tuyệt đại đa số đã làm việc với tinh thần trách nhiệm, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, hăng hái tham gia phong trào thi đua “năng suất cao” của Ngành. Trong những năm qua, ngành Xây dựng đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, hoàn thành kế hoạch hàng năm với tốc độ ngày càng phát triển”.
Lực lượng lao động đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năm 1975, tổng số cán bộ, CNVC là 170.000 người, trong đó cán bộ có trình độ trên đại học là 43 người, cán bộ có trình độ đại học là 4.173 người, cán bộ có trình độ trung học là 7.884 người, công nhân kỹ thuật là 54.000 người. Đến năm 1979, tổng số cán bộ, CNVC đã lên tới 300.000 người, trong đó cán bộ có trình độ trên đại học là 62 người; cán bộ có trình độ đại học là 6.956 người; cán bộ có trình độ trung học là 12.681 người; công nhân kỹ thuật là 77.850 người.
 
Cùng với sự phát triển của đội ngũ CNVC, số lượng đoàn viên công đoàn cũng ngày một thêm đông đảo. Năm 1975, toàn Ngành có 119.900 đoàn viên, năm 1979 đã có trên 230.000 đoàn viên, chiếm tỷ lệ trên 77% tổng số CNVC. Năm 1975, toàn Ngành có 19 công đoàn công ty xây lắp Trung ương, 28 Công đoàn ngành Xây dựng địa phương. Năm 1979, có 26 công đoàn công ty xây lắp, 3 công đoàn Liên hiệp xí nghiệp, 43 công đoàn xí nghiệp Trung ương và 38 Công đoàn ngành Xây dựng địa phương.
Đội ngũ cán bộ CĐCS từng bước được nâng cao và cơ cấu hợp lý. Năm 1978 cán bộ tham gia Ban Chấp hành CĐCS là cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý chiếm 37,5%, năm 1979 lên tới 41,2%; công nhân trực tiếp sản xuất năm 1978 là 19,1%, năm 1979 là 34,3%; cán bộ nữ năm 1978 là 16,0%, năm 1979 là 18,3%.
Trong quá trình củng cố và kiện toàn tổ chức, CĐXDVN đặc biệt chú ý đến việc xây dựng CĐCS, công đoàn bộ phận phù hợp với tổ chức sản xuất. Nhiều đơn vị đã chú ý củng cố tổ công đoàn, bố trí cán bộ theo dõi phụ trách từng tuyến khu vực để duy trì sinh hoạt thường kỳ của tổ công đoàn.
Từ năm 1977, CĐXDVN đã nghiên cứu, đề xuất với Tổng Công đoàn Việt Nam về việc thành lập công đoàn tổng công ty, liên hiệp các xí nghiệp phù hợp với mô hình tổ chức quản lý kinh tế. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của công đoàn ngành trong việc chỉ đạo các CĐCS đóng trên địa bàn các địa phương.
Ở các tỉnh phía Nam, điều kiện hoạt động có nhiều khó khăn, nhưng các CĐCS mới thành lập đã đề cao tinh thần chủ động, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, phối hợp với cơ quan quản lý cùng cấp tổ chức tuyên truyền, giáo dục CNVC, từng bước phát triển đoàn viên, củng cố tổ chức công đoàn. Tại các công ty công tư hợp doanh xây lắp, tổ chức công đoàn cũng đã được thành lập và nhanh chóng phát huy vai trò của mình.
Trên cơ sở khẳng định những kết quả đạt được và bước phát triển mới của tổ chức công đoàn, Đại hội CĐXDVN lần thứ V đã chỉ rõ những thiếu sót, nhược điểm của phong trào công nhân và tổ chức công đoàn, đặc biệt là: “Đội ngũ cán bộ công đoàn ngày càng đông nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và sự phát triển của ngành, chưa xây dựng được quy hoạch cán bộ một cách toàn diện. Công đoàn phải tham gia quản lý nhiều mặt nhưng trình độ hiểu biết về quản lý, kỹ thuật còn thấp, phương pháp hoạt động của công đoàn chưa được cải tiến cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới”.
Đại hội V CĐXDVN đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ mới là “Phát huy quyền làm chủ tập thể XHCN, thi đua lao động sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt, triệt để tiết kiệm, trước mắt thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ có yêu cầu cấp bách phục vụ sản xuất, đời sống và chiến đấu, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1979-1980”. 
Trong tình hình mới, cả nước vừa có hoà bình vừa có chiến tranh. Một số công trình xây dựng phải ngừng thi công. Trong khi một số công trình trọng điểm, công trình quốc phòng đòi hỏi phải tập trung khẩn trương thi công. Công đoàn Ngành đã hướng dẫn các CĐCS đi sâu để nắm bắt tình hình lực lượng lao động, cân đối với kế hoạch sản xuất, phối hợp với lãnh đạo các đơn vị, tổ chức, sắp xếp lại lực lượng lao động trên phạm vi toàn Ngành. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho CNVC hiểu rõ nguyên nhân khó khăn của đất nước, động viên CNVC “sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì để sản xuất ra của cải phục vụ Tổ quốc”. Năm 1979, trên 5.000 CNVC của các đơn vị: Công ty Xây dựng số 4, số 10, Hải Phòng, Công ty Xây dựng Việt Trì, Uông Bí đã lên đường vào Nam Bộ và Tây Nguyên xây dựng các công trình trọng điểm Nhà nước. Trên một vạn CNVC của 5 đơn vị trực thuộc Bộ từ Lạng Sơn, Hà Bắc, Việt Trì, Phú Thọ đến với các công trường xây dựng xi măng Bỉm Sơn và sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), công nhân các đơn vị từ Cẩm Phả, Hải Phòng đến công trường xây dựng Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch (Hải Hưng)... để góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công. Sở Xây dựng Hà Nội đã huy động hàng vạn công nhân tham gia đào đất cải tạo sông Tô Lịch... Một số CNVC do điều kiện sức khoẻ không tham gia xây lắp, công đoàn đã động viên anh chị em tham gia làm nghề phụ để đảm bảo đời sống... 
Những việc làm đó của công đoàn đã góp phần quan trọng cùng với lãnh đạo ngành giải quyết sự mất cân đối về kế hoạch lao động với kế hoạch sản xuất, thi công xây lắp.
Thời kỳ này Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đồng Sỹ Nguyên đã phát động phong trào chỉ đạo tập trung, thi công dứt điểm, đồng bộ các công trình trọng điểm nhằm sớm đưa công trình vào sử dụng, trước hết là những công trình sản phẩm có yêu cầu cấp bách phục vụ sản xuất, chiến đấu. Phong trào này đã được công đoàn các cấp tổ chức thực hiện thành mục tiêu thi đua của CNVC trên từng công đoạn, từng dây chuyền sản xuất, từng hạng mục công trình. Trên các công trường trọng điểm: nhiệt điện Phả Lại, thuỷ điện Hoà Bình, xi măng Bỉm
Sơn, xi măng Hoàng Thạch, xi măng Hà Tiên, sợi Phú Khánh, dệt Thắng Lợi... công đoàn các cấp đã liên tục tổ chức nhiều đợt thi đua ngắn ngày, có mục tiêu, tiến độ và biện pháp thực hiện cụ thể.
Hình thức thi đua hữu nghị giữa cán bộ, công nhân Việt Nam với chuyên gia Liên Xô được khởi đầu từ công trình xây dựng Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn. Công đoàn ngành đã kịp thời tổng kết, phổ biến kinh nghiệm tới các đơn vị có chuyên gia. Nhiều bản giao ước thi đua giữa công nhân Việt Nam với các đoàn chuyên gia Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức, Bungari, Cuba ... đã được ký kết và thực hiện tại các công trình: xi măng Bỉm Sơn, thuỷ điện Sông Đà, nhiệt điện Phả Lại, Apatít Lào Cai, trạm thông tin Hoa Sen, Cung văn hoá hữu nghị Việt- Xô, khu nhà ở thành phố Vinh, nhà trẻ khu phố Hai Bà Trưng, Hà Nội...
Hình thức thi đua này có tác dụng cổ vũ, động viên CNVC và đoàn chuyên gia hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng phấn đấu cho mục tiêu chung, tiến độ chung. Đồng thời mở rộng tình hữu nghị và tình đoàn kết quốc tế thông qua những hành động cụ thể, những tình cảm chân thành.
 Sự phát triển của phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến. Tổ chức công đoàn đã chú trọng xây dựng các điển hình và tổ chức các phong trào thi đua với các đơn vị, cá nhân điển hình. Năm 1979, toàn Ngành có 24/29 đơn vị công đoàn trực thuộc Trung ương và 15/39 công đoàn các Ty, Sở Xây dựng địa phương đã phát động CNVC học tập và thi đua với điển hình tiên tiến.
 Các đơn vị của liên hiệp các xí nghiệp gạch, ngói, sành sứ xây dựng có phong trào thi đua với Xí nghiệp Gạch Thạch Bàn. Các đơn vị của Liên hiệp các xí nghiệp lắp máy có phong trào thi đua với Đội lắp máy 273. Các xí nghiệp của Công ty Xây dựng Hải Phòng có phong trào thi đua với Xí nghiệp cơ giới. Các đơn vị của Ty Xây dựng Nghệ Tĩnh có phong trào thi đua với Công ty Xây lắp I. Cơ quan Bộ Xây dựng có phong trào thi đua với Viện Kỹ thuật vật liệu xây dựng.
 Ngành Xây dựng tự hào về truyền thống có phong trào xây dựng tổ, đội lao động XHCN đầu tiên và có nhiều đơn vị giữ vững là tổ lao động XHCN liên tục nhiều năm.
 Tổ lao động XHCN đã giữ vững vai trò đầu tàu, là nhân tố điển hình trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình, xây dựng người công nhân mới và phát huy tinh thần làm chủ tập thể.
Năm 1979-1980, tình hình sản xuất, thi công của Ngành có nhiều khó khăn, kế hoạch sản xuất và tổ chức lao động có nhiều thay đổi, đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc củng cố, phát triển tổ, đội lao động XHCN. Tuy vậy, phong trào thi đua đăng ký phấn đấu trở thành tổ lao động XHCN vẫn được giữ vững, duy trì ở các đơn vị phía Bắc và một số đơn vị xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Nhà máy Xi măng Hà Tiên.
Nhiều tổ lao động XHCN của ngành Xây dựng đã trở thành điển hình trong phong trào thi đua của CNVC cả nước như: Tổ đá nhỏ Ca A (nhà máy xi măng Hải Phòng), Đội cẩu chuyển Nguyễn Huyền Chiệc (Xí nghiệp lắp máy số 1), Xí nghiệp ngói Đống Năm (Ty Xây dựng Thái Bình).
 Trên mọi lĩnh vực hoạt động của Ngành, lực lượng nữ CNVC chiếm trên 30% ở các công trường xây dựng, trên 32% các xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, từ 80 đến 100% các mặt hoạt động về y tế, nhà ăn tập thể, nhà trẻ... đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của Ngành. Đội ngũ lao động nữ đã khắc phục nhiều khó khăn trong tổ chức gia đình, nuôi dạy con cái để gánh vác công việc của công trường, xí nghiệp, cơ quan, thực hiện phong trào “Sản xuất tốt, chăm lo đời sống giỏi, xây dựng gia đình hoà thuận, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”. Trên 40% nữ CNVC đã được tặng danh hiệu Lao động tiên tiến. Nhiều nữ CNVC giữ vững danh hiệu thi đua liên tục 5 năm liền. Một số tổ sản xuất 100% là nữ hoặc 2/3 là nữ đã được tặng danh hiệu tổ lao động XHCN từ 5 đến 15 năm liên tục như Tổ 20 - 10 (Công ty Xây dựng số 4), Tổ bê tông Nguyễn Thị Chung (Công ty xây dựng Uông Bí), Tổ bê tông 8/3 (Công ty xây dựng Hải Phòng)...
Phong trào thi đua năng suất cao đã trở thành truyền thống hàng năm của Ngành. Các cấp công đoàn đã tích cực cùng với chuyên môn tổ chức nhiều đợt thao diễn kỹ thuật, khảo sát thực tế, thi tay nghề, chọn thợ giỏi, thu hút hàng vạn CNVC tham gia.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, các CĐCS trong ngành kết hợp chặt chẽ với thủ trưởng đơn vị và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp tích cực tham gia quản lý công trường, xí nghiệp, đã tập hợp ý kiến của cán bộ, CNVC phê bình, góp ý về sự chỉ đạo quản lý sản xuất kinh doanh của giám đốc và các phòng ban. Trên cơ sở đó, công đoàn cùng với giám đốc họp liên tịch để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của CNVC, kịp thời bổ sung, điều chỉnh một số nội dung về kỹ thuật lao động, về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong điều kiện cụ thể của công trường, xí nghiệp.
 Thực hiện Nghị định 182/CP của Chính phủ, công đoàn các cấp đã vận động CNVC phấn đấu lao động đạt và vượt định mức. Hình thức khoán gọn khối lượng công trình đã được giám đốc cùng công đoàn một số đơn vị xây lắp của Trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo. Bộ Xây dựng và CĐXDVN tổ chức chỉ đạo điểm tại Công trình xây dựng khu Ngoại giao đoàn, Công trình xây dựng Khoa Pháp văn, Đại học Sư phạm (Công ty Xây dựng số 3) và Viện Đông y (Công ty Xây dựng số 1).
Từ thực tế chỉ đạo điểm và kinh nghiệm của các đơn vị, Bộ Xây dựng và CĐXDVN đã khẳng định, trong điều kiện cụ thể của Ngành, có thể áp dụng rộng rãi hình thức khoán gọn khối lượng công trình trong các đơn vị xây lắp, nhất là các công trình dân dụng. Khoán gọn khối lượng công trình là một hình thức quản lý tốt ở tổ đội sản xuất, là cơ sở, điều kiện để thực hành chế độ hạch toán kinh tế xây lắp với chất lượng cao. Khoán gọn khối lượng công trình, xây dựng những định mức lao động phù hợp có tác dụng động viên, khuyến khích cán bộ, CNVC phát huy tinh thần làm chủ tập thể XHCN, thực hiện tốt nghĩa vụ lao động, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thu nhập của người lao động cũng được nâng cao từ các nguồn tăng năng suất lao động, tiền thưởng từ quỹ lương, thưởng tiết kiệm vật tư, thưởng sáng kiến, thưởng vượt tiến độ.
 Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong sản xuất, phân phối lưu thông, Bộ Xây dựng và CĐXDVN thành lập Ban 79 để chỉ đạo. Cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực diễn ra rất phức tạp. Công đoàn các cấp đã vận động CNVC phát hiện những vụ việc có biểu hiện tham ô, móc ngoặc, hối lộ, tiến hành phân loại, rồi chuyển sang Ban 79 để thẩm tra, xác minh, xử lý.
 6 tháng đầu năm 1980, CNVC các đơn vị trực thuộc Bộ đã phát hiện được 896 vụ việc, trong đó 603 vụ việc đã tiến hành xử lý. Công đoàn ngành Xây dựng Thanh Hoá, công đoàn các đơn vị xây lắp, thi công cơ giới tại công trình Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Công đoàn Công ty Xây dựng Uông Bí, Xuân Hoà, Công ty Xây dựng số 1... đã thông qua việc vận động CNVC tăng cường kỷ luật lao động để hướng dẫn CNVC đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực...
Cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong ngành Xây dựng đã thu được những kết quả ban đầu và để lại nhiều kinh nghiệm quý. Kết quả đó đã góp phần nâng cao phẩm chất cách mạng và bản lĩnh của đội ngũ CNVC ngành xây dựng Việt Nam quyết tâm vượt qua khó khăn, thiếu thốn, xây dựng nên những công trình to đẹp đàng hoàng cho đất nước.
Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) được thực hiện trong điều kiện đất nước và nhân dân ta đang đứng trước nhiều khó khăn, phức tạp. Đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt và kéo dài, lại phải đương đầu với các cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đất nước thống nhất, nhưng cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội của hai miền còn nhiều chỗ chưa đồng nhất. Đặc điểm địa lý, dân cư của các vùng còn nhiều chênh lệch và cách biệt. Những sai lầm và thiếu sót trong quản lý cũng gây thêm những hậu quả không nhỏ.
Trong bối cảnh đó, ngành Xây dựng đã có nhiều cố gắng hoàn thành những mục tiêu cơ bản được Đảng và Nhà nước giao. Nhiều công trình trọng điểm đã được thi công dứt điểm đồng bộ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đội ngũ CNVC ngành Xây dựng tăng nhanh về số lượng, từng bước trưởng thành, lớn mạnh trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sản xuất vật liệu xây dựng và nghiên cứu khoa học.
Kết quả của phong trào CNVC và hoạt động của CĐXDVN đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (1976-1980) của ngành Xây dựng với giá trị xây lắp 5.385 triệu đồng; sản xuất được 3.735.600 tấn xi măng, 12.338.100 m2 tấm lợp amiăng, 12.570.400.000 viên gạch, 4.009.400.000 viên ngói, 61.700 tấn gạch chịu lửa, 24 triệu viên gạch men sứ, 94.700 chiếc sứ vệ sinh, 36.582.000 m3 đá các loại, 6.261.900 tấn vôi; tăng thêm nguồn điện năng cho đất nước 116.300.000 kWh; xây dựng được 2.384.000 m2 nhà ở...
 
Thành tích bước đầu trong thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) là những bài học thiết thực và cũng đặt ra nhiều vấn đề cụ thể đối với phong trào công nhân và tổ chức công đoàn ngành Xây dựng trước khi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985) với những nhiệm vụ và yêu cầu mới.
CĐXDVN


Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 8
  • 2
  • 9
  • 7
  • 3
  • 1
lên đầu trang