Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Chủ nhật, 19/05/2024 | 07:29

Chủ nhật, 19/05/2024 | 07:29

Tin CĐXDVN

Cập nhật lúc 01:34 ngày 13/03/2023

Đại hội Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ III

Đại hội Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ III
Trong những năm chiến tranh phá hoại ác liệt, cán bộ, CNVC toàn Ngành luôn phát huy tinh thần lao động dũng cảm, sáng tạo, vừa sản xuất vừa chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ xây lắp 5 năm (1966 - 1970). Giá trị kinh tế hoàn thành trong giai đoạn này là 1.583.300.000 đồng; trong đó có việc hoàn thành bàn giao công trình thuỷ điện Thác Bà với công suất 108.000 kW, tăng năng lực khai thác than 300.000 tấn, tăng năng lực tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp 108.100 ha, sản xuất ra 1.049.900 tấn xi măng, 4.259 triệu viên gạch, 889 triệu viên ngói, 20.900 tấn gạch chịu lửa, 9.227.800 m3 đá các loại, 2.583.600 tấn vôi...
 
Ngày 17/7/1966, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế khắp năm châu. Trong lời kêu gọi lịch sử ấy, có câu nói nổi tiếng và đã trở thành chân lý của mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chân lý đó là sự thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cán bộ công nhân Kiến trúc - Xây dựng vẫn bám trụ vừa sản xuất vừa chiến đấu trong tình thế giặc Mỹ bắn phá miền Bắc mỗi ngày càng gia tăng, ác liệt. Ngày 29/6/1966, đế quốc Mỹ mở cuộc ném bom qui mô vô cùng lớn xuống thành phố Hải Phòng. Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũng là trọng điểm đánh phá của địch vì lúc đó đây là khu công nghiệp sản xuất xi măng lớn nhất miền Bắc, khiến nhà máy bị phá hủy nặng nề. Nhiều công xưởng bị trúng bom, nhiều dây chuyền sản xuất bị tê liệt. CNVC, tự vệ nhà máy vừa sơ tán người, máy móc nhằm bảo vệ lực lượng, vừa bám trụ sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu kiên cường. Có những CNVC, tự vệ nhà máy đã anh dũng hy sinh ngay tại nơi sản xuất hoặc tại trận địa.
Trong những năm vừa sản xuất, vừa chiến đấu, 143 công nhân xi măng đã tham gia quân đội lấy tên là Đại đội xích vệ xi măng 2. Tiểu đoàn tự vệ của Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũng được thành lập. Trung đội tự vệ trực chiến ở mỏ đá Tràng Kênh đã bắn rơi chiếc A40 của giặc Mỹ. Cùng với lực lượng tự vệ, Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước của nhà máy cũng được thành lập làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản của nhà máy. Đây cũng là các lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến đấu chống lại đợt ném bom hòng huỷ diệt thành phố Hải Phòng bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, bắt đầu từ ngày 16/4/1972 trước khi thua cuộc hoàn toàn tại chiến trường Việt Nam, ngồi vào ký Hiệp định Paris năm 1973.
Với những thành tích đạt được trong sản xuất và chiến đấu, cán bộ, CNVC Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã được Bác Hồ gửi tặng bức chân dung và chữ ký của Người (19/5/1966).
CNVC trên một số công trình quan trọng như: công trường 209, công trường Nhà máy Điện Uông Bí, Cơ khí Cẩm Phả, Công ty Kiến trúc Hà Nội, Việt Trì vừa sản xuất, vừa chiến đấu, liên tục đạt được những thành tích to lớn. Ở công trường xây dựng Nhà máy Điện Cọc 5, Nhà máy Điện Uông Bí, nơi 1.900 quả bom Mỹ đã ném xuống, nơi máy bay Mỹ đã quần đảo tới 62 trận, bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn được cất lên hùng tráng. Chiếc máy bay Mỹ thứ 3.800 bị bắn rơi trên miền Bắc đã bị lưới lửa phòng không của tiểu đoàn tự vệ pháo cao xạ 85 ly của công trường xây dựng Nhà máy Điện Uông Bí bắn hạ. Với chiến công này, cán bộ, công nhân Công ty Kiến trúc Uông Bí đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng của CNVC ngành Xây dựng. Sự hy sinh anh dũng của 48 cán bộ, CNVC, trong đó có các đồng chí Lương Bá Mại, Phùng Thị Hải, Nguyễn Trọng Vĩnh… đã góp phần giữ vững dòng điện cho Tổ quốc. Ngoài việc bám trụ ở hai nhà máy điện, Công ty Kiến trúc Uông Bí còn đảm nhận thi công và đưa vào sử dụng nhiều công trình công nghiệp, dân dụng, quốc phòng, giao thông khác trong điều kiện chiến tranh ác liệt như: cơ khí trung tâm Cẩm Phả, nhà sàng Cửa Ông, gạch Giếng Đáy; cơ điện Uông Bí, xi măng 19-5 Cẩm Phả, đập tràn Yên Lập, gạch Đông Triều và các công trình quốc phòng 172, ĐTĐ, 172 QL, 172 CL, 109 L, 48 Đ, A135... Để tăng cường cho tuyến đường giao thông quan trọng Lạng Sơn - Hà Nội, tuyến đường vận chuyển các hàng hóa viện trợ của các nước XHCN anh em cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Công ty đã huy động 1.000 CNVC cùng công nhân đường sắt bám trụ ngày đêm. Ngoài ra, Công ty còn huy động một lực lượng lớn lao động khác làm nhiệm vụ sửa chữa cầu Sông Hoá, tham gia giải toả, bốc dỡ 140.000 tấn hàng, trong đó có những chuyến vận chuyển hàng vào tuyến lửa Quảng Bình. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, 4 công nhân đã hy sinh anh dũng. Dù gặp những mất mát đau thương, nhưng Công ty vẫn bám sát trận địa. Trong các đợt chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, lực lượng tự vệ công ty đã tháo gỡ được 515 quả bom, đào 13 quả khác trên mặt bằng xây dựng, huy động 5.000 ngày công đi giải quyết hậu quả các trận bom, xây dựng các trận địa pháo cao xạ cho bộ đội phòng không. Trong những năm tháng ác liệt này, một số công ty còn tham gia sửa chữa các sân bay chiến đấu Kép (Hà Bắc), Sao Vàng (Thanh Hoá), Hoà Lạc (Hà Tây), Yên Bái (Hoàng Liên Sơn), Đa Phúc (Vĩnh Phú)... và tham gia xây dựng các công trình đặc biệt phục vụ quốc phòng, an toàn khu của Trung ương.
Ngoài nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu ở hậu phương, ngành Xây dựng còn có 3 vạn cán bộ, CNVC tình nguyện lên đường đi chiến đấu, giải phóng miền Nam; hàng vạn CNVC thuộc các địa phương, các Sở, Ty Kiến trúc như Thanh 
Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh..., các Công ty Kiến trúc Hà Nội, Uông Bí, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định... đã tình nguyện xung phong đi chi viện, tiếp sức cho ngành Giao thông vận tải. Mặc dù phải trực tiếp đối đầu với các cuộc oanh kích dữ dội của kẻ thù, Công ty Vận tải vật liệu Kiến trúc đã đưa hàng trăm xe phục vụ vận tải đạn dược, xăng dầu và các phương tiện chiến đấu khác cho quốc phòng, cho chiến trường miền Nam và chiến trường nước bạn Lào. 
Trong hoàn cảnh thời chiến, mặc dù lực lượng phải phân tán, chia nhỏ nhưng phong trào thi đua của CNVC ngành Xây dựng không những vẫn được giữ vững mà còn xuất hiện ngày càng nhiều các tổ, đội lao động XHCN, các Anh hùng Lao động. Năm 1966, số tổ, đội lao động XHCN của ngành lên tới 151 đơn vị. Nhiều cá nhân đạt được thành tích xuất sắc trở thành các điển hình tiên tiến của phong trào. Đặc biệt, có 3 đồng chí được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Bên cạnh những tổ lao động XHCN, những Anh hùng Lao động, cán bộ, CNVC ngành Xây dựng còn được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. Chỉ tính trong phong trào thi đua lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu những năm 1965-1967, Ngành đã được tặng thưởng 45 Huân chương Lao động cho các đơn vị, cá nhân, 4 Huân chương Chiến công cho các đơn vị bắn rơi máy bay địch, 131 Bằng khen của Chính phủ cho các cá nhân, đơn vị có thành tích lao động giỏi, chiến đấu giỏi.
Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, phân tán, hầu hết các công đoàn công trường, xí nghiệp đã mở được đại hội CNVC, 48 công đoàn công ty, công đoàn ngành Kiến trúc địa phương đã tổ chức được Hội nghị liên tịch giữa công đoàn và giám đốc để giải quyết những vấn đề mà Ngành đặt ra, những kiến nghị do cơ sở đưa lên.
Không những hoàn thành nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, trong những năm tháng chiến tranh, Công đoàn ngành Kiến trúc còn luôn chăm lo đến việc phát triển đội ngũ cán bộ lâu dài. Bởi vậy, khi cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ vừa bùng nổ, Công đoàn các cấp từ ngành xuống cơ sở đều chủ động phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức đưa cán bộ, CNVC, học sinh của các trường đại học, trung học, dạy nghề đi sơ tán với phương châm “nhà dân là lớp học, đình chùa là giảng đường”, vừa duy trì việc học tập, vừa đào tạo cán bộ, thực hiện thắng lợi “những năm học chống Mỹ”, góp phần bổ sung kịp thời lực lượng cho những năm xây dựng lại đất nước sau chiến tranh...
 
Sự kiện đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào đàm phán với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris làm cho cách mạng nước ta chuyển sang thế và lực mới. Nhiệm vụ quan trọng của ngành Kiến trúc - Xây dựng lúc này là nhanh chóng khôi phục lại các tuyến đường giao thông huyết mạch, mở rộng các đường ống dẫn dầu qua núi rừng Trường Sơn và nước bạn Lào, khôi phục lại các hầm mỏ, xí nghiệp, kho tàng, nhà máy… bị địch ném bom tàn phá trong suốt 4 năm chiến tranh leo thang.
 
Để đáp ứng được các nhiệm vụ trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Công đoàn Việt Nam, Đại hội Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ III đã được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 4/12/1971 tại Hà Nội. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm 21 ủy viên. Đồng chí Vũ Ngọc Quỳnh, ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, được bầu lại làm Thư ký, đồng chí Trần Hải và đồng chí Nguyễn Vạn được bầu làm Phó Thư ký.
Chuyển hướng các nhiệm vụ chiến lược của Công đoàn trong tình hình mới
Đại hội Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ III đã nhất trí thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ của Công đoàn Ngành trong nhiệm kỳ mới, tập trung vào các nhiệm vụ chính sau:
Tiến hành thường xuyên công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền giáo dục cho CNVC về đường lối của Đảng trong thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, qua đó nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp, tinh thần yêu nước, yêu CNXH, gắn liền công tác giáo dục với phong trào thi đua.
Tiếp tục phát huy truyền thống thi đua “Năng suất cao”, với các nội dung cụ thể: phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu kinh tế - kỹ thuật bằng hợp lý hoá sản xuất, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, xây dựng các tổ đội lao động XHCN, điển hình tiên tiến, mở các Đại hội năng suất cao lần thứ 6, 7, 8 ở cấp Ngành.
Phát động CNVC tham gia phong trào chống buông lỏng quản lý, thực hiện tốt các hình thức quản lý dân chủ ở cơ sở, trước hết tập trung chỉ đạo các hội nghị CNVC ở cơ sở tham gia xây dựng kế hoạch và chấn chỉnh quản lý. 
Tổ chức tốt ATVSLĐ, chăm lo tích cực hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần CNVC trong Ngành.
Tiếp tục cuộc vận động xây dựng CĐCS 4 tốt, đảm bảo có 70% CĐCS đạt khá, không có CĐCS yếu kém, coi trọng việc nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn và đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn thật sự là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, là tổ ấm của CNVC.
Các mục tiêu phấn đấu do Đại hội III Công đoàn Kiến trúc Việt Nam thực hiện được gần 2 năm thì tháng 4/1972, đế quốc Mỹ bội ước, ném bom trở lại miền Bắc. Do được chuẩn bị từ trước nên khi giặc Mỹ leo thang trở lại, Công đoàn đã kịp thời sơ tán các cơ sở sản xuất cũng như người già và trẻ em khỏi những trọng điểm oanh kích của địch.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, tuyệt đại đa số công trình công nghiệp và dân dụng tạo nên trong 8 năm từ 1957-1965 đã bị đế quốc Mỹ dùng bom đạn san phẳng. Đặc biệt, từ ngày 18/12/1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn “pháo đài bay” B52 từ các căn cứ quân sự của các nước đồng minh ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng với dã tâm đưa Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá”, buộc Việt Nam phải ký hiệp định trong thế thua. Nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sau 12 ngày đêm, Hà Nội đã làm nên trận Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu. Không còn cách nào khác, đế quốc Mỹ đã phải trở lại bàn Hội nghị Paris cùng chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ký kết Hiệp định với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chấm dứt chiến tranh, công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1973, năm hoà bình đầu tiên trở lại trên miền Bắc XHCN sau 9 năm đế quốc Mỹ thực hiện leo thang chiến tranh, cũng là năm ngành Xây dựng Việt Nam có những thay đổi quan trọng. Nhà nước đã quyết định sáp nhập Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước với Bộ Kiến trúc và đổi tên Bộ Kiến trúc thành Bộ Xây dựng. Đồng chí Đỗ Mười (nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) lúc bấy giờ là Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương được cử làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Cùng với việc đổi tên Bộ Kiến trúc thành Bộ Xây dựng, ngày 12/11/1973, Công đoàn Kiến trúc Việt Nam được Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam ra quyết nghị đổi tên thành Công đoàn Xây dựng Việt Nam.
Từ đây, cùng với ngành Xây dựng, CĐXDVN bước vào một thời kỳ mới, với tên gọi mới và nhiệm vụ mới.
Từ sau năm 1973, ngoài nhiệm vụ tiếp tục tập trung sức người, sức của cho công cuộc giải phóng đất nước, CNVC ngành Xây dựng hăng hái bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hưởng ứng chủ trương của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ban Thường vụ CĐXDVN phát động, 15 vạn CNVC của Ngành đang làm việc ở các đơn vị xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý đô thị, cơ quan, trường học… phấn khởi bước vào cuộc thi đua mới với khẩu hiệu truyền thống “Năng suất cao”. Ngay trong những năm 1973-1974, ngành Xây dựng đã cùng các ngành bạn nhanh chóng khôi phục sửa chữa cầu Long Biên, cầu Lai Vu, cầu Phú Lương, sửa chữa các Nhà máy Điện Uông Bí, đường, hoá chất, điện Việt Trì, Nhiệt điện Ninh Bình, Cơ khí Cẩm Phả... Bên cạnh việc khôi phục, sửa chữa các công trình bị bom Mỹ tàn phá, Ngành còn khẩn trương xây dựng Nhà máy Dệt Minh Phương, trại bò sữa Ba Vì, Mộc Châu; xây dựng cột cờ Ái Tử ở Cửa Việt và trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ (Quảng Trị)… Trong số hàng ngàn công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng lớn được hoàn thành đúng tiến độ trong giai đoạn này, có một công trình đặc sắc nhất, được nhiều người nhắc đến là công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau nhiều đợt phát động phong trào thi đua, trên 2.000 CNVC của Ngành đã đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 567 tổ đội lao động được công nhận là tổ, đội lao động XHCN.
Nổi bật trong những tấm gương lao động trong giai đoạn này là đồng chí Đỗ Trọng Tiên, đội trưởng đội hàn cao áp, công trường lắp máy Quảng Ninh. Nhờ có những thành tích vẻ vang, đồng chí đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1973).
Bên cạnh những tổ lao động XHCN, những Anh hùng Lao động, trong những năm chiến tranh, cán bộ, CNVC ngành Xây dựng còn được Đảng, Nhà nước ta tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Đi đôi với việc vận động CNVC tham gia sản xuất, công đoàn tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu. Kết quả của những đợt vận động thực hiện phong trào này đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm (1971-1975) của Ngành với giá trị sản lượng xây lắp 2.668.100.000 đồng, sản xuất ra 1.445.000 tấn xi măng, 3.500.000 m² tấm lợp amiăng, 7.734.900 ngàn viên gạch, 32.300 tấn gạch chịu lửa, 2 triệu viên gạch men sứ, 19.738.100 m3 đá các loại, 4.122.800 tấn vôi...
CĐXDVN




Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 8
  • 3
  • 0
  • 4
  • 7
  • 3
lên đầu trang