Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:43

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:43

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 07:59 ngày 27/02/2023

Người “bác sỹ” đặc biệt tại Xưởng cơ khí sửa chữa Ngọc Hồi

Những tia lửa hàn bắn ra sáng rực khiến mặt tổ trưởng Lê Hà Bắc lấm tấm mồ hôi. Trong suốt hơn 20 năm gắn bó với nghề đặc biệt này, tổ trưởng Lê Hà Bắc, đã rất nhiều lần “đại phẫu” cho các thiết bị, máy móc của Công ty CP Vimeco, góp phần không nhỏ trong việc tiết kiệm chi phí, nâng cao tuổi thọ phương tiện, đảm bảo tiến độ các công trình trên mọi miền đất nước.
Từ “bác sỹ” tận tâm chuyên xử trí những ca hóc búa…

Sinh năm 1967, nhưng anh Lê Hà Bắc nhìn trẻ hơn khá nhiều so với tuổi thật. Năm 1995, khi đang là tổ trưởng tổ phun hoàn thiện của một Công ty đầu ngành, anh được tuyển đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc. Do nhu cầu từ phía nước bạn, anh bắt đầu vừa học, vừa thực hành nghề hàn. Sau 3 năm, Lê Hà Bắc trở về nước, mang theo vốn kinh nghiệm tích lũy trong suốt những ngày làm việc ở xứ Kim Chi.
Không chỉ giỏi chuyên môn, anh Lê Hà Bắc còn là công đoàn viên xuất sắc tại Vimeco

“Đúng lúc này, Công ty CP Vimeco tuyển thợ hàn nên tôi ứng tuyển vào công ty và gắn bó từ đó cho tới bây giờ”, vừa quẹt mồ hôi trên mặt, tổ trưởng Tổ hàn thuộc Xưởng Cơ khí sửa chữa Ngọc Hồi vừa kể.
Những ngày đầu, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với công việc, anh không nề hà bất cứ công việc nào khi được giao.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức, thử thách đầu tiên đến với Lê Hà Bắc không lâu sau đó
Tháng 6 năm 1998, Công ty CP Vimeco nhận được gói thầu tại  Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2. Cùng với đội ngũ xây dựng, tổ hàn của Bắc cũng nhận nhiệm vụ lên đường về Hải Dương. Mang theo một chiếc hòm tôn đựng đồ nghề, khoác balo lên vai, người thợ bậc 3/7 tạm xa gia đình để thử sức với công trình lớn đầu tiên trong đời.
Vào thời điểm này, nhà thầu đưa ra yêu cầu riêng là các thợ hàn phải đạt được chứng chỉ do Huyndai cấp. Một cuộc thi dành riêng cho những người “vá kim loại” nhanh chóng được tổ chức với hơn 100 “thí sinh” tham gia. Và năm đó, trong 2 người duy nhất “đạt chuẩn” có Lê Hà Bắc.
“Vất vả thực sự vì cọc phải hàn có đường kính lên tới 600, to như thùng phi cỡ lớn. Trong khi giai đoạn đó chưa có nhiều máy móc nên chúng tôi chỉ có thể hàn bằng que. Mọi ‘đường hàn’ đều có giám sát tới từ Philippines kiểm soát vô cùng chặt chẽ”, anh Bắc hồi tưởng.
Càng làm, anh càng tự tin và chứng tỏ được năng lực của mình. Kết thúc “thử thách Phả Lại 2”, Lê Hà Bắc được nâng bậc thợ lên 5/7.
Ngồi ngay cạnh, thợ hàn Mai Đình Huynh góp chuyện. Huynh bảo, suốt gần hàng chục năm làm cùng nhau, anh em trong xưởng đều gọi anh Bắc là “bác sỹ” chuyên xử trí những ca khó nhằn. Một trong những trường hợp như thế là việc xử lý hàn mặt lốc máy xúc lật Kawasaki gần 10 năm về trước.
Ông Phạm Tuấn Phong, quản đốc xưởng cơ khí sửa chữa Ngọc Hồi nhớ lại: Một sáng năm 2003, ông nhận được yêu cầu rất khó từ phía Công ty: Tìm mọi cách để hàn, khắc phục mặt lốc máy xúc nặng hơn 20 tấn bị rỗ và hở hơi.
“Đây là máy xúc lật được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài nên mọi chi tiết máy đều có yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật và rất khó để sửa chữa do nếu tác động nhiệt theo cách hàn thông thường sẽ  dễ bị cong vênh. Vào thời điểm đó, chưa có bất kỳ ai có thể hàn và khắc phục được lỗi này. Chúng tôi đã liên hệ với nhiều đơn vị nhưng tất cả đều… lắc đầu bó tay. Họ đưa ra giải pháp là nhập khẩu linh kiện về thay thế nhưng nếu làm thế thì sẽ rất tốn kém và mất thời gian đợi chờ”, ông Phong nhăn trán nhớ lại.

Yêu cầu từ công trình ngoài thực địa ngày càng gấp gáp. Lúc này, tổ hàn của Lê Hà Bắc được giao trọng trách: Bằng mọi giá phải khắc phục được sự cố hy hữu kể trên. Cả tổ cùng xúm vào nghiên cứu, riêng tổ trưởng Bắc thì gần như thức trắng đêm đầu nhận nhiệm vụ.
“Sau những lần hàn thử nghiệm trên các linh kiện cũ của cùng loại máy, tôi phát hiện ra nếu dùng nhiệt độ như thông thường thì mặt lốc sẽ bị cong vênh, biến dạng. Duy nhất chỉ có biện pháp sử dụng các mặt lốc cũ kèm theo phương án ‘chêm nhiệt’ – gia tăng nhiệt từ từ thì mới khả thi”, tổ trưởng tổ hàn nhớ lại.
5 ngày sau khi nhận bài toán hóc búa từ Vimeco, mặt lốc máy xúc lật cuối cùng đã được sửa chữa, trả lại nguyên trạng. Giây phút thấy chiếc máy hàng chục tấn ầm ì chạy, tay gầu cất cao, Bắc cùng cả tổ vỡ òa trong niềm vui khôn xiết. Họ đã làm được điều tưởng như bất khả thi trong điều kiện ngặt nghèo nhất.

… đến sáng kiến bằng vàng và danh hiệu người thợ giỏi toàn ngành xây dựng

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh Bắc chính là lần thi công cầu Quý Cao nối giữa Hải Dương-Hải Phòng. Đây cũng là công trình cầu đầu tiên mà Vimeco nhận thầu nên kinh nghiệm còn rất ít. Để có thể hàn cừ, phải thuê xà lan vận chuyển máy móc, thiết bị ra giữa sông. Giữa mênh mông trời nước, những tia hàn cũng bập bềnh rung theo nhịp sóng dồn.
Tổ trưởng Lê Hà Bắc từng đoạt giải thợ giỏi ngành Xây dựng do Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức năm 2020
Sau một thời gian thi công, tới ngày hoàn thiện, khi chỉ huy công trường lệnh cho anh em thợ kéo khung tời lên thì sự cố lại bất ngờ xuất hiện. Khi những khung đầu tiên được nhấc lên, cả dàn cọc cừ rung bần bật và kêu như… còi báo động. Do mất khung chịu lực, trong khi ở giữa lại lại trống nên nước từ 4 phía tạo nên một áp lực khổng lồ lên hệ thống cọc cừ, nguy cơ bục vỡ rất lớn.
Lúc này, mặc dù là một thợ hàn, nhưng với kinh nghiệm các công trình đã tham gia tại Hàn Quốc, anh Bắc mạnh dạn đề xuất tháo nước để ngập khoảng không gian phía trong các cọc nhằm cân bằng áp lực trong và ngoài.
“Ngay sau đó, chỉ huy công trường đã tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia về xây dựng rồi đồng ý với phương án tôi đưa ra. Dự án được thông suốt từ đó và về đích đúng thời hạn.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề phục hồi, đại tu máy móc cơ khí tại Công ty CP Vimeco, bằng nỗ lực không mệt mòi, tổ trưởng Lê Hà Bắc đã trở thành nhân tố có tay nghề cao nhất, đóng góp và tạo nền móng phát triển của công ty. Anh đã vinh dự đạt thành tích Lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua cơ sở 12 lần; đồng thời nhận nhiều giấy khen của tổng công ty bởi những thành tích, đóng góp quan trọng.
Đặc biệt hơn, anh Bắc đã được lựa chọn tham gia cuộc thi Thợ giỏi ngành Xây dựng do Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức năm 2020 và vinh dự đoạt giải nhất.  Anh khiêm tốn: “Thành tích của tôi không chỉ đến từ sự cố gắng của bản thân. Quan trọng hơn, nó được xây dựng và bồi đắp bởi những người đồng nghiệp ngày đêm miệt mài trong các nhà xưởng, công trường. Sau 20 năm, điều tôi nhận được lớn nhất chính là tình cảm và sự đoàn kết trong mái nhà Vimeco”.
Không chỉ giỏi chuyên môn, Lê Hà Bắc còn là một chủ tịch công đoàn mẫu mực, hết lòng quan tâm, chăm lo tới đời sống anh em. Ngoài việc thường xuyên thăm hỏi, động viên các thành viên trong xưởng khi đau ốm, anh Bắc cũng chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh riêng của từng người để đề xuất những giải pháp phù hợp tới ban lãnh đạo công ty Vimeco.
Nhận xét về anh Bắc, ông Phạm Tuấn Phong, Quản đốc xưởng cho hay: Là một Đảng viên với hơn 20 năm gắn bó với Vimeco, anh Lê Hà Bắc không chỉ giỏi nghề mà còn vô cùng tâm huyết với hoạt động Công đoàn nói riêng, hoạt động tập thể nói chung. “Anh Bắc đã cũng thường xuyên bảo ban, kèm cặp để nâng cao tay nghề cho tổ hàn nói riêng và công nhân của công ty nói chung. Những đóng góp của anh Bắc đã giúp làm lợi cho Công ty và là một tấm gương sáng cho các anh chị em khác noi theo”, ông Phong nhấn mạnh.
Hướng tới Đại hội đại biểu công đoàn Công ty Cổ phần Vimeco lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028, đoàn viên Công đoàn Xưởng sửa chữa cơ khí Ngọc Hồi nói riêng và  đoàn viên công đoàn Công ty CP Vimeco nói chung quyết tâm phấn đấu luôn đồng hành vì sự phát triển ổn định, bền vững, vươn tầm của VIMECO. Chủ động đi đầu trong công tác đổi mới, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực thi nhiệm vụ, tích cực hoạt động vì quyền lợi, lợi ích của đoàn viên, người lao động. Quyết tâm giữ vững vị thế là Công đoàn cơ sở vững mạnh trong hệ thống Công đoàn Tổng công ty VINACONEX.
Theo VIMECO
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 0
  • 3
  • 3
  • 9
lên đầu trang