Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:43

Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:43

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 09:52 ngày 05/08/2020

(CĐXD Hà Nội) Những người thầm lặng làm đẹp môi trường Hà Nội: Làm nghề... chui cống - vẫn vui

Không chỉ chui cống “tắm” bùn, chèo thuyền vớt rác trên sông cũng là một trong những công việc hằng ngày của các công nhân thoát nước Hà Nội...

Trong những ngày nắng nóng gay gắt, không ít người dân Hà Nội tìm đến các bãi biển, khu nghỉ dưỡng để tránh nắng thì những công nhân thoát nước vẫn miệt mài làm việc trên các đường phố, cống ngầm, lòng sông... Họ âm thầm cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình ở những nơi hiểm nguy, ô nhiễm nhất để góp phần làm cho Thủ đô ngày càng sạch đẹp, văn minh.

9 giờ sáng, ánh nắng chói chang đã trải khắp đường phố Hà Nội. Trên phố Hào Nam, quận Đống Đa, những công nhân Tổ Cống ngầm cơ giới, Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (sau đây gọi tắt là Công ty Thoát nước Hà Nội) cùng 5 chiếc xe téc nối đuôi nhau tiến hành nạo vét, hút bùn ở cống ngầm. Từ miệng hố ga nhìn xuống sâu hun hút, dòng nước đen ngòm, anh Nguyễn Đức Kiên, một công nhân trong tổ từ dưới cống bước lên trong bộ quần áo lội cống sũng nước, đầu tóc đẫm mồ hôi.

Khi chúng tôi hỏi thế giới dưới lòng cống thế nào, anh Kiên cười: “Rất nóng, lại đủ các thứ mùi xú uế bốc lên, thật sự là rất khó khăn với những ai lần đầu lội xuống. Nhưng chúng tôi thì đã quen rồi bởi đây là công việc hằng ngày mà”...


Công việc thường ngày của cán bộ, nhân viên Tổ Cống ngầm cơ giới, Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.

Anh Bùi Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Cống ngầm cơ giới, người chỉ huy tại công trường, tiếp lời: “Mấy chục năm trước, thi công nạo vét bùn ở đoạn nào thì hàng chục công nhân phải xếp thành hàng dài dưới cống, múc từng xô bùn, rác thải chuyền tay nhau lên đổ vào xe bò rồi lại thay nhau kéo xe bò đi đến nơi tập kết rác. Nhưng nay có máy móc hỗ trợ việc nạo vét, hút bùn, có xe téc chuyên chở nên đỡ phải lội xuống cống nhiều như trước. Tuy nhiên, công nhân vẫn phải trực tiếp làm thủ công khá nhiều việc. Trong những tình huống khó, tổ trưởng cũng phải chui xuống cống để kiểm tra, giải tỏa ách tắc cho “thế giới ngầm”.

Anh Dũng đã có gần 40 năm trong nghề nên đã trải qua biết bao gian nan, vất vả của việc nạo vét bùn rác cho hệ thống thoát nước bằng phương pháp thủ công. Đã mấy chục năm rồi nhưng dường như người đàn ông có nước da bánh mật này vẫn còn ám ảnh về những ngày hút bùn cho hệ thống cống trên phố Khâm Thiên. Nơi đây thường bị tắc cống bởi chất thải dầu máy tàu hỏa từ Ga Hà Nội xả xuống rất nhiều. Công nhân chui dưới cống lên là mặt mũi đen nhẻm, hai hố mắt sâu hoắm, cả người lấm lem dầu. Mỗi lần như vậy đều phải dùng xăng để “tắm”, bỏng rát cả da mới bớt dầu rồi sau đó mới dùng đến xà phòng. Quần áo thì coi như bỏ đi. Có lần anh Dũng cùng 4 đồng nghiệp suýt chết ngạt dưới cống khi làm nhiệm vụ chống ngập ở phố Bích Câu, bởi có những người dân vô ý làm vỡ tấm chắn miệng hố nên nước ào ạt tràn xuống ngập cả cống. Cả 5 anh em bò mãi mới chui lên được miệng cống...

Ngày trước, công nhân chưa có quần áo bảo hộ, găng tay cao su, đồ chuyên dùng để lội bùn, lội cống như hiện nay thì việc giẫm vào mảnh sành, thủy tinh, vật sắc nhọn dưới cống, bị sứt tay, sứt chân chảy máu, nhiễm trùng, sưng tấy là chuyện thường. Nhiều công nhân bị rộp hết chân khi lội xuống cống ở khu vực nhà máy pin, có người thì bị trắng bệch da tay, da chân khi làm việc ở gần các nhà máy sản xuất rượu...

Mặc dù cực nhọc và nguy hiểm luôn rình rập như vậy nhưng anh Dũng cũng như nhiều công nhân khác vẫn một lòng gắn bó với công ty, với nghề “móc cống” trong suốt tuổi thanh xuân của mình. Anh bảo: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”... 

Người đẹp bên xe téc thông cống 

11 giờ 20 phút, khi cái nắng đã gần đỉnh điểm, các công nhân Tổ Nạo vét cống ngang, ga thu nước, Xí nghiệp Thoát nước số 1 vẫn miệt mài mở hết nắp cống này đến nắp cống khác và lắp vòi, điều khiển thiết bị hút bùn thông cống trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Trong bộ quần áo, mũ bảo hộ, găng tay, khẩu trang kín mặt, chúng tôi thật khó nhận ra những công nhân nào thuộc phái “chân yếu tay mềm” bên chiếc xe téc chở chất bẩn hút từ cống lên. Ai nấy đều nhanh thoăn thoắt, khẩn trương thực thi nhiệm vụ được giao.

Chờ họ xong việc, chúng tôi lại gần hỏi chuyện chị Bùi Thị Hiền, một trong những công nhân trong đội hình ấy. Bỏ hai lớp khẩu trang và khăn che mặt, chúng tôi thật bất ngờ khi được gặp một nữ công nhân có làn da trắng hồng với nụ cười duyên như vậy. Mấy anh đồng nghiệp của chị Hiền còn đùa vui khi giới thiệu với chúng tôi: “Hoa hậu quý bà” của ngành thoát nước đấy!

Chị Bùi Thị Hiền sinh năm 1971 tại làng Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội. Tốt nghiệp phổ thông, chị từng đi đào đường, đặt cống cho một xí nghiệp giao thông, sau đó chuyển sang Xí nghiệp Thoát nước số 1 và gắn bó từ đó đến nay đã hơn 26 năm. Làm việc dãi nắng dầm mưa quanh năm suốt tháng trên đường phố như vậy nhưng dường như làn da của chị không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết khắc nghiệt và công việc vất vả. Chị bảo hầu như ngày nào cũng “diện” bộ quần áo bảo hộ cùng găng tay, khẩu trang thôi, không có thời gian để bôi kem chống nắng bảo vệ da như những chị em khác.

Đi làm công nhân từ ngày mới 18 tuổi, chị Hiền không nhớ nổi đã bao lần theo các đồng nghiệp nam lội cống, bùn bẩn bắn bê bết cả mặt mũi tay chân, có lần còn bị nước cống ăn chân, dị ứng mẩn ngứa. Thậm chí trong thời gian mang bầu, dù được ưu tiên làm những công việc nhẹ nhàng hơn như trông xe nhưng nhiều hôm với tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, chị vẫn theo các đồng nghiệp nam xử lý ngập úng cục bộ trên các tuyến phố nội thành. Bụng vượt mặt nhưng chị vẫn cố gắng đi làm đến tận ngày sinh mới nghỉ.

Chị Bùi Thị Hiền.

Chúng tôi thực sự cảm phục khi tìm hiểu về công việc mà chị Hiền cũng như rất nhiều đồng nghiệp nữ ở Công ty Thoát nước Hà Nội đã và đang trải qua hằng ngày. Đây là công việc thuộc loại nặng nhọc, độc hại hàng đầu trong muôn nghề. Ấy vậy mà chị Hiền, một người phụ nữ Hà thành đã có mấy chục năm miệt mài trên khắp đường phố, cầu cống, dầm mình tại các điểm bùn lầy nước đọng, trong khi chị có thể kiếm được nhiều việc khác nhẹ nhàng hơn, có thể ít ảnh hưởng đến sức khỏe và sắc đẹp hơn.

“Có khi nào chị thấy mệt mỏi, chán công việc của mình và nghĩ đến chuyện đổi nghề không?”, tôi hỏi. “Hai con trai tôi cũng đã có lần hỏi, “sao nghề của mẹ nặng nhọc và bẩn thế?”, nhưng thú thực, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đổi việc đâu!”, chị Hiền chia sẻ.

Thật may mắn và hạnh phúc đối với chị khi tình yêu nghề của mình luôn được chắp cánh bởi những người thân yêu trong gia đình. Mẹ chị từng là cán bộ của công ty, hầu hết anh chị em ruột, dâu, rể của chị đã và đang làm việc trong môi trường này. Đặc biệt, chồng chị Hiền-anh Hoàng Văn Nam cũng là công nhân đồng hành với chị trong công ty. Hằng ngày, sau giờ làm việc, câu chuyện bên mâm cơm gia đình chị thường là làm sao để nơi này, nơi kia bớt ngập cho phố xá sạch đẹp, người dân đi lại an toàn... Nhiều hôm vừa đi làm về chưa kịp cơm nước, thấy trời mưa to, cả hai vợ chồng lại vội vàng khoác đồ bảo hộ lên đường làm nhiệm vụ, để lại hai con tự chăm sóc nhau. Có lẽ chính tình yêu công việc, sự thấu hiểu, thông cảm, san sẻ cùng nhau những vất vả, cực nhọc trong công việc hằng ngày đã vun đắp thêm hạnh phúc gia đình của cặp vợ chồng công nhân thoát nước này.

Vớt rác... cứu người

Không chỉ chui cống “tắm” bùn, chèo thuyền vớt rác trên sông cũng là một trong những công việc hằng ngày của các công nhân thoát nước Hà Nội. Gạt những giọt mồ hôi đang tuôn trên trán, anh Nguyễn Đình Vinh, Tổ trưởng Tổ Duy trì vớt rác 12, Xí nghiệp Thoát nước số 3 nở nụ cười tươi chào chúng tôi-những vị khách hiếm hoi đến thăm công nhân vớt rác làm việc tại khu vực cuối nguồn sông Sét, quận Hoàng Mai.

Anh Vinh kể, hầu như 365 ngày, kể cả những ngày lễ, tết, anh chị em công nhân đều phải thay nhau đi vớt rác bảo đảm tiêu thoát nước và trong lành môi trường cho thành phố. Vào hôm trời nắng to, 7 giờ 30 phút các anh bắt đầu làm việc từ đầu đến cuối dòng sông với độ dài 3.110m. Những hôm trời mưa to càng phải đội mưa đi làm. Vì thế, theo dõi diễn biến thời tiết, cảnh báo lượng mưa... được coi là yêu cầu hàng đầu đối với công nhân thoát nước. Làm việc lâu năm trong nghề nên anh Vinh thường có thói quen dự đoán thời tiết hôm nay sẽ có mưa lớn hay nhỏ để điều chỉnh thời gian đi làm. Các anh luôn có phương án sẵn sàng ở nhà, thậm chí có hôm phải đi trước khi cơn mưa ập xuống để bảo đảm an toàn cho bản thân trên đường và kịp thời xử lý khi xảy ra úng ngập cục bộ.

Anh Đinh Tiến Hoàng, Phó giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 3 cho biết, anh Nguyễn Đình Vinh là người có nhiều kinh nghiệm, được lãnh đạo xí nghiệp tin tưởng, anh em quý mến. Vào mùa mưa, anh còn được giao nhiệm vụ thực hành vận hành mở cửa cống quay sông Kim Ngưu, ứng trực 24/24 giờ để hạ mực nước đệm, thoát nước cho thành phố. Nhiều năm qua, anh Vinh liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua 5 năm liền (2015-2020) của ngành. Đặc biệt, năm 2019, trong một ngày đi làm về qua hồ Linh Đàm, nghe các cháu học sinh kêu cứu, anh Vinh liền lao xuống hồ nước sâu, sau 8 lần lặn xuống, dù sức đã gần kiệt, anh vẫn cố gắng tìm kiếm và đưa được hai cháu lên bờ trong tình trạng ngưng thở. Nhờ có kinh nghiệm sơ cứu người đuối nước nên anh cùng một người dân đã hô hấp nhân tạo cứu sống thành công các cháu. Với hành động dũng cảm cứu hai học sinh đuối nước, anh Nguyễn Đình Vinh đã được Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tặng giấy khen.

Có thể nói, mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng anh Bùi Tiến Dũng, chị Bùi Thị Hiền, anh Nguyễn Đình Vinh đều là những con người cần mẫn, trách nhiệm, luôn xông pha trong công việc nhiều vất vả, hiểm nguy để đem lại môi trường trong lành cho Thủ đô. Họ cùng hàng nghìn cán bộ, công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội thực sự là những bông hoa ngày đêm thầm lặng tỏa hương, cống hiến.

Bài và ảnh: HÀ THANH MINH

Theo: ct.qdnd.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 9
  • 3
  • 0
  • 8
lên đầu trang