Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 17/05/2024 | 17:14

Thứ sáu, 17/05/2024 | 17:14

Tin tức

Cập nhật lúc 02:08 ngày 01/06/2017

Luật Trẻ em có hiệu lực với nhiều điểm mới

Quy định cụ thể về các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em với 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm… là những điểm mới trong Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực ngày hôm nay 1/6-Ngày Quốc tế thiếu nhi.

Về kết cấu, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 1991) gồm 5 chương, 26 điều; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 2004) vẫn gồm 5 chương và được bổ sung thành 60 điều. Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương với 106 điều (tăng 46 điều).

Về tên gọi, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đổi thành Luật Trẻ em để phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật.

Về khái niệm, nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em và những hành vi bị nghiêm cấm, quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi” nghĩa là không giới hạn trẻ em là công dân Việt Nam, mà đối tượng áp dụng của Luật còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại việt Nam. Trong Luật Trẻ em có 11 khái niệm được giải thích rõ, trong đó có các khái niệm về phát triển toàn diện của trẻ em, chăm sóc thay thế, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em...

 Luật cũng quy định “Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương”, đồng thời cụ thể hóa thành trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.Luật Trẻ em quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có bổ sung các nhóm mới như: trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, bao gồm cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực cũng được quy định rõ. Tháng hành động vì trẻ em vào tháng 6 hằng năm và Quỹ Bảo trợ Trẻ em cũng được quy định trong Luật để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và vận động nguồn lực cho trẻ em.

Theo Luật mới, các hành vi bị nghiêm cấm như tước đoạt quyền sống của trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm,…

Luật Trẻ em quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

Các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp được quy định cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em.

Luật quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tại điều 53 của Luật Trẻ em quy định cụ thể trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

Quy định về chăm sóc thay thế nhằm đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ để vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em…

Bên cạnh đó, Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, luật quy định: Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng…

Nhật Thy

Theo: tiengchuong.vn

 

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 8
  • 1
  • 7
  • 3
  • 1
  • 3
lên đầu trang