Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:59

Thứ bảy, 27/04/2024 | 18:59

Tin tức

Cập nhật lúc 02:34 ngày 01/04/2014

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4 - 30/4/1975)

Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị đã họp, nhận định: Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi như lúc này; do đó, cần "Nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay".

Bộ Chính trị quyết định "Quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa" (tháng 5 -1975). Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 241/NQ-TW thành lập Hội đồng chi viện miền Nam ở Trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Các đồng chí Lê Thanh Nghị, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng; Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm Phó Chủ tịch. Bộ Tổng Tham mưu cũng quyết định điều động các lực lượng từ nhiều phía chuẩn bị vào tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Sau khi những tấm lá chắn của địch ở phía bắc Sài Gòn đã bị quân ta phá toang. Con đường tiến về giải phóng Sài Gòn đã rất gần. Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương đã có cuộc họp quan trọng thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định và toàn miền Nam, với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”.


                                       

Cuộc họp Bộ Chính trị tại Nhà D67 quyết định chiến dịch tấn công giải phóng Sài Gòn (Ảnh: tư liệu BTLSQG).

Trong ảnh: đ/c Lê Duẩn- Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng, chủ trì hội nghị.

Từ tháng 4 năm 1975, các binh đoàn chủ lực trên đường hành quân tiến về Sài Gòn đã đánh địch trên đường hành tiến, phá toang các tuyến phòng ngự vòng ngoài, từ xa của địch nhất là cánh quân phía Đông do Trung tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy, giải phóng Phan Rang, Bình Thuận, Bình Tuy, Xuân Lộc, Bà Rịa. Ngày 7-4-1975, Trung ương Cục do đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục chủ trì đã duyệt kế hoạch tiến công Sài Gòn- Gia Định. Kế hoạch tác chiến của ta chia làm 2 bước. Bước 1, từ ngày 8-4 tiến công chia cắt chiến lược và bao vây; đánh trận“ rúng động”, đánh vùng ven và 8 mục tiêu trong nội thành, chuẩn bị cho tổng tiến công. Bước 2, từ ngày 15 đến 20-4 tấn công đột kích Sài Gòn theo 5 hướng (*). Cũng trong ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương đã ra mệnh lệnh cho các cánh quân tiến về Sài Gòn: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng…”(**)


 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy T.Ư truyền đạt Nghị quyết Bộ Chính trị mở chiến dịch Hồ Chí Minh 

Trước đó một ngày, ngày 6-4-1975, Bộ Chính trị đã ra Quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Sài Gòn –Gia Định do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tổng tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng là Chính ủy; các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh; đồng chí Lê Quang Hòa, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Lê Ngọc Hiền là quyền Tham mưu trưởng; đồng chí Lê Đức Thọ tham gia Trung ương Cục và Đảng ủy Mặt trận. Trung ương Cục cũng phân công đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung ương Cục đặc trách phong trào nổi dậy của quần chúng, nhất là ở Sài Gòn; đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục chỉ đạo việc tiếp quản thành phố sau khi được giải phóng. Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch khẩn trương triển khai kế hoạch và đề nghị với Bộ Chính trị được lấy tên Bác Hồ kính yêu cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Ngày 14-4-1975, tại bức điện số 37TK, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất đã thay mặt Bộ Chính trị viết điện “đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh” (***).


 

Bản đồ diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 đến 30/4/1975)         

Ngày 9 tháng 4 năm 1975, quân ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở Đông Bắc - Tây Nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Đông Nam Bộ, đồng thời huy động lực lượng gồm 4 Quân đoàn và một đơn vị tương đương Quân đoàn với đầy đủ binh khí, kỹ thuật, hình thành 5 cánh quân theo 5 hướng bao vây Sài Gòn, đợi lệnh đồng loạt tấn công. Kết hợp với đòn tấn công quân sự với một sức mạnh như thế chẻ tre, như thác đổ, sống gầm với khí thế “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim bay” của cha, ông ta, phong trào nổi dậy của quần chúng ven đô và nội đô cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng chờ dịp vùng lên. Ngày 22-4, Nguyễn Văn Thiệu trước sức ép của Mỹ đã phải tuyên bố từ chức Tổng thống ngụy, để Trần Văn Hương lên thay. Ngày 23-4, tại Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho tuyên bố: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ”. Thời cơ quân sự và chính trị để giải phóng Sài Gòn đã đến. 5 mục tiêu quan trọng nhất đã được Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh xác định là: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, dinh Tổng thống ngụy, Biệt Khu thủ đô và Tổng Nha cảnh sát. Phương châm chiến dịch là: hiệp đồng chặt chẽ, tiến công nhanh, hạn chế đến mức thấp nhất thương vong của bộ đội và tài sản, tính mạng của nhân dân. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã điểm.


 

Bộ đội ta chiếm Bộ Tổng tham mưu quân ngụy trong chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh: tư liệu BTLSQG).

Ngày 26 tháng 4 năm 1975, cuộc Tổng tấn công quy mô lớn vào Sài Gòn bắt đầu. Quân ta đồng loạt nổ súng tiến công mãnh liệt trên toàn mặt trận. Năm cánh quân lớn của ta, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang địa phương và được sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân nổi dậy nhất loạt tiến công với sức mạnh vũ bão. Chỉ sau một thời gian ngắn, quân ta đã chiếm được một số căn cứ và mục tiêu quan trọng, phá vỡ các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, cắt đứt giao thông thuỷ bộ, chặn đường rút chạy ra biển, xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long của quân địch và bao vây cô lập Sài Gòn.

Chỉ trong vài ngày đầu tiên của Chiến dịch, quân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch trên tuyến phòng thủ vòng ngoài và siết chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn. Chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975, không quân ta dùng máy bay lấy được của địch ném bom sân bay Tân Sơn Nhất phá huỷ nhiều máy bay địch gây cho địch nhiều thiệt hại lớn nhưng quan trọng nhất là làm tê liệt căn cứ không quân quan trọng nhất chi viện hỏa lực cho quân đội và cắt đứt cầu hàng không duy nhất của địch, không cho chúng chạy ra nước ngoài. Trận ném bom này đã đẩy quân đội và chính quyền ngụy vào cơn hoảng loạn. Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng quân ngụy Cao Văn Viên đã chạy thoát khỏi Sài Gòn ngay trong ngày 28 tháng 4.


 

Bộ đội ta đánh chiếm Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia ngụy tháng 4-1975 (Ảnh: tư liệu BTLSQG).

Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 4 năm 1975, các Binh đoàn chủ lực của ta đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt công kích từ nhiều hướng, tiêu diệt các tập đoàn phòng ngự và các căn cứ phòng ngự cuối cùng của địch ở các căn cứ Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tân An. Diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng quân sự thuộc Quân đoàn 3 ngụy và các lực lượng cơ động còn lại của chúng.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, với sự hợp đồng chiến đấu của các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, của các lực lượng biệt động tự vệ ở vùng ven và nội đô cùng với sự nổi dậy của quần chúng trong và ngoài thành phố, các cánh quân hùng mạnh của ta đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn - Gia Định như: Bộ Tổng tham mưu, Biệt Khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Bộ Quốc phòng ngụy, khu Bộ Tư lệnh các binh chủng của địch và khu cảng Bạch Đằng.

10 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, trung đoàn 66 bộ binh, cùng với xe tăng của lữ đoàn 203 thuộc Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến công thọc sâu, đập tan toàn bộ lực lượng phòng ngự của quân ngụy vượt qua sông Sài Gòn. 10 giờ 45 phút cùng ngày, quân ta chiếm Dinh Độc Lập (Phủ Tổng thống ngụy) giữa lúc ngụy quyền Sài Gòn đang họp các Tổng trưởng để ra mắt “tân nội các”. Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy. Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.

 

Quân và dân ta tiến vào Dinh Độc lập được giải phóng lúc 10h45 phút ngày 30-4-1975. (Ảnh: tư liệu BTLSQG)

Trên đà chiến thắng, từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng bào và chiến sỹ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Long An, Hậu Nghĩa, Mỹ Tho, Trà Vinh, Bến tre, Kiến Tường, An Giang, Châu Đốc, Sa Đéc, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau đã đứng lên giành quyền làm chủ. Ngày 01 tháng 5 năm 1975, toàn bộ lãnh thổ trên đất liền miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng.

 

Xe bộ đội ta vào tiếp quản TX Sa Đéc ( Đồng Tháp) 30-4-1975 (Ảnh: tư liệu BTLSQG)

Cùng với các tỉnh ở đất liền, ngày 30 tháng 4 năm 1975, các chiến sỹ yêu nước bị địch giam giữ ở Côn Đảo đã nổi dậy, làm chủ hoàn toàn đảo này. Ngày 02 tháng 5 năm 1975, Quân giải phóng phối hợp với nhân dân tiến công và nổi dậy, giành quyền làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc. Trước đó, trong tháng 4 năm 1975, quân ta giải phóng các đảo dọc bờ biển Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Trong quần đảo Trường Sa, Quân ta tiến công và giải phóng các đảo do quân ngụy chiếm giữ như: đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa và đảo An Bang.

 

Nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng Sài Gòn giải phóng (Ảnh: tư liệu BTLSQG)

Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. 

(*),(**),(***):Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng - Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-NXB Chính trị quốc gia; Hà Nội; 2000; tr 281, 286

 Nguồn: baotanglichsu.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 3
  • 3
  • 1
  • 2
  • 4
lên đầu trang