Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Chủ nhật, 08/09/2024 | 06:28

Chủ nhật, 08/09/2024 | 06:28

Tư vấn pháp luật

Cập nhật lúc 06:52 ngày 16/07/2024

Các chế độ, quyền lợi của người lao động ngành Xây dựng khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Phần 2)

6. Chế độ hưu trí
6.1. Về điều kiện hưởng lương hưu
Theo quy định hiện hành tại Điều 54, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Luật BHXH); Điều 169, Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ.
Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm  có thể nghỉ hưu thấp hơn không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu nếu có đủ 20 năm đóng BHXH và thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
- Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm (NNĐHNH) hoặc đặc biệt NNĐHNH thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
- Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021) từ đủ 15 năm trở lên.
- Người lao động không bị quy định giới hạn về tuổi đời khi đã có đủ 20 năm đóng BHXH và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt NNĐHNH thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
Lưu ý: Căn cứ Điều 5 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ đối với người lao động làm nghề, công việc NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH được thực hiện theo bảng dưới đây:
Lao động nam
Lao động nữ
Năm nghỉ hưu
Tuổi nghỉ hưu thấp nhất
Năm nghỉ hưu
Tuổi nghỉ hưu thấp nhất
2024
56 tuổi
2024
51 tuổi 4 tháng
2025
56 tuổi 3 tháng
2025
51 tuổi 8 tháng
2026
56 tuổi 6 tháng
2026
52 tuổi
2027
56 tuổi 9 tháng
2027
52 tuổi 4 tháng
Từ năm 2028 trở đi
57 tuổi
2028
52 tuổi 8 tháng


2029
53 tuổi


2030
53 tuổi 4 tháng


2031
53 tuổi 8 tháng


2032
54 tuổi


2033
54 tuổi 4 tháng


2034
54 tuổi 8 tháng


Từ năm 2035 trở đi
55 tuổi

 6.2. Về hồ sơ hưởng lương hưu
Khoản 1 Điều 108 Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng lương hưu bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động (nếu có).
6.3. Thời gian xác định làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc
hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2021.
Thời gian người lao động làm các nghề, công việc ban hành kèm theo các Quyết định, Thông tư ban hành trước Thông tư số 11/2020/TTBLĐTBXH vẫn được tính là thời gian làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho đến ngày Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực.
6.4. Về quy định hưởng chế độ hưu trí
Chức danh nghề trên sổ BHXH phải đảm bảo đúng theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
Việc xác định điều kiện nghỉ hưu theo nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi đời (ngày, tháng, năm sinh), giới tính, thời gian đóng BHXH, chức danh nghề, công việc được thể hiện trên sổ BHXH; tình trạng sức khỏe…
7. Chế độ ốm đau
7.1. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, NLĐ được hưởng chế độ ốm đau nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động (TNLĐ) hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
- NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc phải nghỉ việc để chăm sóc cho con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
- NLĐ nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp vừa nêu trên.
Lưu ý: Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp
- NLĐ bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP
- NLĐ nghỉ việc điều trị lần đầu do TNLĐ, BNN
- NLĐ bị ốm đau, tai nạn mà không phải là TNLĐ trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.
7.2. Thời gian hưởng và mức hưởng chế độ ốm đau
a. Bản thân ốm
Thời gian hưởng:
Theo điểm b, Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động làm việc trong ngành nghề nặng nhọc, độc hại thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được thêm 10 ngày/năm so với điều kiện bình thường. Cụ thể:
+ Tối đa 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
+ Tối đa 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
+Tối đa 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Trong đó: Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Mức hưởng:
Mức hưởng chế độ ốm đau
=
Tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày
x    75 (%)
x
  số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau

b. Bản thân người lao động ốm dài ngày
Thời gian hưởng:
- Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
- Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau nêu trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
(Khoản 2 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
Mức hưởng:
Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày
=
Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc
x
Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%)
x
Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Trong đó:
- “Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau” là:
+ 75% đối với thời gian hưởng chế độ ốm đau của NLĐ trong 180 ngày đầu.
Sau khi hưởng hết thời gian 180 ngày mà NLĐ vẫn tiếp tục điều trị thì tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau cho thời gian tiếp theo được tính như sau:
+ Bằng 65% nếu NLĐ đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên;
+ Bằng 55% nếu NLĐ đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
+ Bằng 50% nếu NLĐ đã đóng BHXH < 15 năm.
- “Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau” được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề.
Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì cách tính mức hưởng chế độ ốm đau cho những ngày này như sau:
Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày
=
Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày
x
Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%)
x
Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

+ “Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau” được tính như quy định như trên.
+ “Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau” tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
c. Con ốm
Thời gian hưởng:
Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong 1 năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con:
- Tối đa 20 ngày làm việc/năm nếu con < 3 tuổi
- Tối đa 15 ngày làm việc/năm nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi
Mức hưởng:
Mức hưởng chế độ khi con ốm đau
=
Tiền lương đóng BHXH/24 ngày
x
75 (%)
x
Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau
8. Chế độ bệnh nghề nghiệp
8.1. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Căc cứ Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Khoản 1 Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
 Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
Các bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại được xác định theo Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 09/2/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh bệnh nghề nghiệp.
8.2.  Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
a. Trợ cấp một lần
Căn cứ Điều 48 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về Trợ cấp một lần thì:
Đối tượng được hưởng trợ cấp một lần: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần:
- Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
- Ngoài mức trợ cấp quy định như trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
(Mức trợ cấp một lần được hướng dẫn chi tiết tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH)
b. Trợ cấp hằng tháng
Căn cứ Điều 49 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về Trợ cấp hằng tháng thì:
Đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng: Người lao động bị bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.
Mức trợ cấp hằng tháng:
- Người lao động bị suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
- Ngoài mức trợ cấp như trên, hằng tháng người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
(Mức trợ cấp hàng tháng được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH)
8.3. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 58 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015, bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
                                                                                              Lương Ưng - Ban CSPL&QHLĐ
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 8
  • 8
  • 7
  • 7
  • 6
  • 9
  • 6
lên đầu trang