Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 16/05/2024 | 07:24

Thứ năm, 16/05/2024 | 07:24

Tin CĐXDVN

Cập nhật lúc 11:10 ngày 11/12/2023

Tăng cường thực hiện các giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Ngày 06/12/2023, Công đoàn Xây dựng Việt Nam ban hành Văn bản số 638/CĐXD-CSPL&QHLĐ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động thời gian cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, các công đoàn trực thuộc cần triển khai thiết thực, hiệu quả các hoạt động theo Kế hoạch số 630/KH-CĐXD ngày 23/11/2023 của Công đoàn Xây dựng Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhằm đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội chăm lo kịp thời đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động, đảm bảo mọi đoàn viên, người lao động đều có Tết.
Tập trung thực hiện rà soát, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm theo Hướng dẫn số 498/HD – CĐXD ngày 22/9/2023 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng đảm bảo đúng thời gian, đúng quy định, không để sót đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ.
Triển khai hiệu quả, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách với người lao động của các doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết khi nảy sinh các vấn đề phức tạp, vi phạm pháp luật; quan tâm đặc biệt tới các công đoàn cơ sở doanh nghiệp có quan hệ lao động không ổn định, hay xảy ra tranh chấp lao động tập thể, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế có đông lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN, không có thưởng Tết, có nguy cơ mất an toàn lao động…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn để duy trì, ổn định và phát triển doanh nghiệp là cơ sở quan tâm, chăm lo tốt hơn đối với người lao động, mục tiêu hàng đầu là đảm bảo việc làm, đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc an toàn, hạn chế xảy ra mâu thuẫn, xung đột dẫn tới tranh chấp lao động.
Tăng cường phối hợp, đối thoại với chuyên môn đồng cấp để kịp thời phản ánh, thảo luận, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, những nguyện vọng, mong muốn hợp pháp, chính đáng của đông đảo người lao động; chủ động, phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn tại đơn vị. Phối hợp với các cấp chính quyền, chuyên môn đồng cấp rà soát, nắm tình hình đối với các doanh nghiệp dừng hoạt động, có nguy cơ phá sản, giải thể, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tự phát xảy ra; hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, không để kéo dài, lây lan.
Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở: chủ động nắm thông tin, phản ánh kịp thời tới công đoàn cấp trên về tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện chế độ, các vấn đề bức xúc, khó khăn chung của người lao động tại doanh nghiệp để công đoàn cấp trên nắm bắt và hỗ trợ khi cần thiết. Báo cáo kịp thời với công đoàn cấp trên nếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp dừng hoạt động, chưa trả hoặc không trả được tiền lương, tiền thưởng cho đoàn viên, người lao động, nhất là dịp trước Tết Nguyên đán 2024. Phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động phát động các phong trào thi đua hướng tới nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo vụ việc tại nơi làm việc; tổ chức hội nghị người lao động; thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp. Đồng thời tham gia, đề xuất với người sử dụng lao động xây dựng, công khai phương án, kế hoạch trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán ít nhất 20 ngày; giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết; tuyên truyền, động viên đoàn viên, người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết để tiếp tục lao động sản xuất tại, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác tổ chức các hoạt động chăm lo vào dịp Tết tại doanh nghiệp.
 Ban CSPL&QHLĐ

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 8
  • 0
  • 6
  • 7
  • 8
  • 7
lên đầu trang