Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ hai, 29/04/2024 | 22:13

Thứ hai, 29/04/2024 | 22:13

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc 09:16 ngày 27/12/2011

Lá cờ đỏ trong Lăng Bác và câu chuyện với GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm

GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng là một trong số những người được vinh  dự tham gia xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tới tận hôm nay ông vẫn xúc động khi thuật lại một khoảnh khắc trong những ngày tháng  đáng nhớ ấy:

 5477c26b4_image002.gif- Tôi không có may mắn gặp Bác khi Người còn sống. Nhưng tôi nghĩ mình đặc biệt may mắn khi được tham gia xây dựng công trình Lăng Bác. Thế hệ chúng tôi đã cống hiến hết sức mình cho công trình tôn kính này, dù rằng điều kiện kỹ thuật, máy móc thiết bị phục vụ thi công của ta lúc đó rất hạn chế, phần nhiều phải nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô...

* Phải chăng lúc tìm ra đá đỏ màu cờ cho Lăng Bác - với ông - là giây phút đặc biệt ấn tượng, bởi tác phẩm thơ “Tình nghề nghiệp” của ông đã ghi lại thời khắc  đó rất xúc động...

- Như đã nói, công trình Lăng Bác được triển khai với sự giúp đỡ chí tình của nước bạn. Thế nên ngày ấy, nhiều người cứ đùa: “Việc gì khó, có Liên Xô!”. Thực ra, thời điểm đó, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm các  giải pháp kỹ thuật cho công trình đặc biệt quan trọng này, chẳng hạn như việc tìm ra bài toán phối liệu clinker hợp lý sản xuất một xêri xi măng P600 như yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi trên chính công nghệ sẵn có của xi măng Hải Phòng chứ không nhất nhất trông chờ vào viện trợ của bạn, mặc dù lúc đó Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới chỉ sản xuất được xi măng P400... Việc tìm đá đỏ làm cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong Lăng Bác thì lại khác. Ngay từ đầu, Bộ Chính trị quyết tâm: Phải tìm bằng được đá đỏ trong nước để làm cờ, và kêu gọi không chỉ nhân dân miền Bắc, miền Trung mà cả đồng bào miền Nam cùng chung sức kiếm tìm. Kiên trì bám theo các chỉ dẫn trên bản đồ địa chất, ròng rã mấy tháng trời, mãi rồi tới một  ngày đầu thu 1973, tại vùng núi Bá Thước - Thanh Hoá, niềm ước muốn cháy bỏng ấy đã trở thành sự thật. Thời khắc đó, tôi chứng kiến những giọt nước mắt dâng trào trên gương mặt bừng vui của những người đồng chí anh em. Ngay lúc ấy, tôi hình dung tới ngày mai, khi: “Lăng Bác trang nghiêm tươi nếp đá màu cờ”...

À, mà có điều này, càng nghĩ tôi càng thấy lạ. Trong cuộc hành trình tìm đá đỏ, đoàn chúng tôi đã đến cả những vùng rừng núi hoang vu chưa có dấu chân người, tới cả những điểm được coi là mỏ đá quý... nhưng tất thảy không có nơi nào đá có màu sắc ưng ý, đúng chuẩn với màu cờ. Ấy vậy mà vùng núi Bá Thước, nơi cuộc tìm kiếm chính thức có kết quả, đá quý nằm thành từng khối, lại lộ thiên trên đỉnh núi, lưng chừng núi, và thậm chí rải rác dưới chân ruộng, rất dễ khai thác, vận chuyển. Nhưng lạ hơn nữa, tất thảy chỉ đủ cho việc “may” cờ. Cứ như của báu trời đất sinh ra chỉ để dành cho công việc trọng đại ấy.

* Nhưng thưa ông, hình như tìm được đá đỏ mới chỉ là màn mở đầu của quá trình “hoá giải” những khó khăn trong việc “may” cờ trong Lăng Bác?

- Đúng vậy. Kích cỡ đá không đều nhau nên giải pháp ghép các viên đá nhỏ thành tấm lớn đã không thể thực hiện được. Ý tưởng đúc tất cả số lượng đá trên thành khối lớn rồi xẻ thành các tấm mỏng được các chuyên gia Liên Xô tán thưởng. Nhưng dù cố gắng, kích cỡ các tấm vẫn không thật đều, phải tiếp tục chọn lựa những viên gần giống nhau để mài bóng, tạo độ phẳng. Vậy mà khi ghép chúng lại thành tấm lớn, màu sắc vẫn không đều. Lại phải tiếp tục xẻ thêm lần nữa để chọn những viên tuy rất nhỏ nhưng màu sắc đều nhau ghép thành tấm lớn. Công việc ghép đá, dính keo tỷ mẩn và cẩn thận đến độ khi cờ “may” xong, không chỉ bóng đẹp mà thậm chí, trên hai lá cờ, mỗi lá rộng tới 16m2 nhưng không hề phát hiện ra muôn vàn vết ghép... Việc tìm đá để làm Sao Vàng cho cờ Tổ quốc và hình Búa Liềm cho cờ Đảng cũng tỷ mẩn và cẩn thận tương tự.

Nhưng những điều ít biết về việc “may” cờ trong Lăng Bác không dừng lại ở đó. Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo: Dù màu sắc viên đá không đều nhau nhưng vẫn chọn lấy một viên đá màu đỏ do đồng bào miền Nam  gửi ra ghép lên cờ Tổ quốc và cờ Đảng, một viên đá màu vàng ghép vào “tim” của Ngôi Sao Vàng trên cờ Tổ quốc và một viên khác ghép vào điểm giao nhau giữa Búa và Liềm trên cờ Đảng. Tuy chỉ có ý nghĩa tượng trưng nhưng nói lên sự trân trọng, tôn kính vô hạn của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Mỗi người tham gia công trình xây dựng Lăng Bác đã được lựa chọn rất kỹ, nó như phần thưởng dành cho mỗi cá nhân đã có thành tích công tác. Nhưng quan trọng hơn, với những người được lựa chọn, đây thực sự là vinh dự lớn: Bằng trách nhiệm trước công trình, họ bày tỏ tình cảm đối với Bác.

* Và với những người Xây dựng, nỗ lực xây dựng công trình Lăng Bác còn vì ý nghĩa lớn lao hơn nữa, dường như điều đó được gói trọn trong những câu thơ mà phải nhiều năm sau, ông mới chắp bút viết trong bài “Nhớ khi xây Lăng Bác”, rằng: “Công trình đúng hẹn hoàn thành Niềm vui Đại Thắng có Lăng đón Người”...

- (Cười)... Đúng đấy! Đó là những giây phút không thể nào quên...

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

*Anh hùng Lao động ngành Xây dựng Vũ Tất Ban:

 Quãng thời gian xây dựng  Lăng Bác là những khoảng tiếp nối liên tục của nỗ lực và nỗ lực, và tận hôm nay những kỷ niệm ấy vẫn vẹn nguyên trong trí óc: Những lần căng bạt đổ bê tông trong mưa, người ướt, bê tông ướt; những khi chui vào từng dầm thép để đầm; và vô vàn công đoạn tỷ mỷ để bảo đảm kỹ, mỹ thuật ghép đá...



Thanh Nhàn (thực hiện)

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 4
  • 9
  • 1
  • 3
  • 5
lên đầu trang