Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 04:56

Thứ bảy, 20/04/2024 | 04:56

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Cập nhật lúc 04:52 ngày 06/04/2024

Kỳ 1: Từ kinh nghiệm chọn nhân tài của Bác Hồ kính yêu

Đại hội Đảng bộ các cấp trên địa bàn cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng đang chuẩn bị diễn ra để tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII trong năm 2020 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII dự kiến Quý I năm 2021. Một trong những khâu quan trọng nhất là làm thế nào lựa chọn được cán bộ đủ đức, đủ tài vào trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, đoàn thể để làm hạt nhân lãnh đạo... đưa đất nước và Thủ đô phát triển.

Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp diễn ra trong thời điểm cả nước Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ vĩ đại. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và lãnh đạo của Người, Bác luôn đề cao vai trò của công tác cán bộ, trong đó xem việc chọn lựa hiền tài là gốc rễ của mọi thành công.

ky 1 tu kinh nghiem chon nhan tai cua bac ho kinh yeu

Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng (phải) cùng đội ngũ nhân sĩ, tri thức (ảnh tư liệu)
Thấm nhuần tư tưởng sử dụng hiền tài của tiên tổ

Vào thời Lê, Thân Nhân Trung, trong bài văn bia khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) viết: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp".

Thấm nhuần tư tưởng của các bậc thánh nhân xưa trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, đến việc lựa chọn người có đức, có tài cho dân, cho nước. Bởi thế, Người luôn căn dặn “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", “bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công”.

Chính vì có tầm nhìn xa, trông rộng và thấm nhuần tư tưởng sử dụng hiền tài của các bậc tiên liệt, dựa vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Bác Hồ kính yêu luôn xác định rõ ràng, rành mạch giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác sử dụng cán bộ và lựa chọn hiền tài. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện ngay từ khi ra đời xác định rõ mục tiêu là lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành độc lập, tự do dân tộc; bảo vệ vững chắc Tổ quốc; xây dựng đất nước phồn vinh.

Thế nên, phương pháp của Đảng là lãnh đạo cách mạng Việt Nam bằng các sách lược, chiến lược; chủ trương, chính sách để cụ thể hóa bằng nghị quyết trong hành động cho từng giai đoạn lịch sự hay lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, Đảng còn có nhiệm vụ tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tập hợp sức mạnh của mọi tầng lớp trong nhân dân để đứng bên cạnh Đảng, cùng Đảng làm cách mạng là yếu tố then chốt.

Chính nhờ tư tưởng, lấy Đảng làm hạt nhân lãnh đạo, song phải có đủ mọi tầng lớp nhân dân theo Đảng, đặc biệt là đội ngũ tri thức những “tinh hoa” của dân tộc cùng Đảng làm cách mạng thì sự nghiệp mới thành công. Theo các chuyên gia, sau khi Cách mạng Tháng Tám, trong bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc, “thù trong, giặc ngoài”, ngày 14/11/1945, trong bài viết “Nhân tài và Kiến quốc”, Người đã khẳng định: “Kiến quốc cần có nhân tài”.

Đến cuối năm 1946, Người gửi bức thư “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu Quốc, kêu gọi đồng bào cả nước ở đâu thấy có người tài giỏi thì xin mách bảo với Chính phủ để Chính phủ sử dụng. Người viết: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.

Đặc biệt, trong công tác cán bộ, Người rất coi trọng việc tìm kiếm, bồi dưỡng và Không chỉ nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài. Khi dùng người tài, Người chú trọng tài năng ở trong công việc, lấy thước đo là tinh thần vì dân, vì nước chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Người vẫn sẵn sàng sử dụng lại các cán bộ, công chức, quan chức trong chính quyền cũ.

Chính nhờ những quan điểm, tư tưởng đúng đắn, sáng suốt đó nên khi đất nước mới giành được độc lập còn vô vàn khó khăn, cả thù trong giặc ngoài, Bác Hồ và Đảng ta đã rất thành công trong đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân qua công tác cán bộ. Bác Hồ đã mời một số nhân sĩ, trí thức, quan lại của chế độ phong kiến nhưng có kiến thức, kinh nghiệm ra giúp nước.

Trong số đó Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trí thức Hán học, từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp, một người ngoài Đảng nhưng nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước, Người vẫn tìm mọi cách để mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến khi Người đi Pháp năm 1946, nhiều cán bộ là đảng viên, Người không giao mà quyết định giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước.

Cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên là Thượng thư Bộ hình ra làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Cụ Phan Kế Toại nguyên là Khâm sai Đại thần ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ; GS Nguyễn Văn Huyên, dù là người ngoài Đảng nhưng vẫn được Người trọng dụng, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục tới 29 năm. Các Bộ trưởng trong Chính phủ sau Cách mạng hầu hết đều là người ngoài Đảng.

Bằng cách ứng xử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được tất cả những tinh hoa của dân tộc đến với cuộc kháng chiến cứu nước và kiến quốc. Nhiều trí thức ở nước ngoài có học vị, thu nhập cao nhưng đã tự nguyện về giúp nước như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, một chuyên gia cao cấp về vũ khí ở Đức, giáo sư toán học Lê Văn Thiêm, người Việt Nam đầu tiên được phong giáo sư ở Trường Đại học Zurich (Thụy Sỹ), nhà nông học Lương Định Của, tiến sỹ y khoa Đặng Văn Ngữ ở Nhật Bản, GS Phạm Huy Thông, bác sĩ Trần Hữu Tước, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện...

Đồng thời, nhiều trí thức tiêu biểu như GS Tạ Quang Bửu, GS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di, luật sư Phan Anh, GS Hoàng Minh Giám... đều được trọng dụng để phát huy tài năng phục vụ đất nước...

Đến tư tưởng chọn người tài vào bộ máy lãnh đạo của Bác

Các nhà nghiên cứu cho rằng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc lựa chọn cán bộ phải căn cứ vào từng thời kỳ cách mạng để thật sự phù hợp với nhiệm vụ chính trị mà cách mạng đặt ra. Theo Người, việc lựa chọn cán bộ phải dựa vào những tiêu chuẩn sau: Những người tỏ ra trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý tới lợi ích của dân chúng.

Như thế thì dân mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ; Những người có thể phụ trách và giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn; Những người luôn luôn giữ kỷ luật.

Đặc biệt, để chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, người làm công tác tổ chức cán bộ phải học tập, phấn đấu rèn luyện không ngừng, đồng thời phải đề phòng và hết sức tránh bốn vấn đề sau: Thứ nhất, ham dùng người bà con, anh em quen biết, bạn bè. Người phê phán: “Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ.

Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được’; Thứ hai, ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mà ghét những người chính trực. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những kẻ xu nịnh bao giờ cũng là kẻ cơ hội, có những kẻ cơ hội chính trị, nhưng cũng có những kẻ cơ hội về quyền lợi tầm thường.

Nếu không tỉnh táo đề phòng thì những kẻ này sẽ tìm cách chui vào nắm giữ những chức vụ trong Đảng, chính quyền và các đoàn thể, gây tác hại rất lớn. Thứ ba, ham dùng những người tính tình hợp với mình và không dùng những người không hợp với mình, bất kể người đó có năng lực ra sao.

Trong guồng máy cán bộ chỉ chú ý những điểm về tính cách mà không chú ý đến phẩm chất và năng lực, coi đó là điều kiện tiên quyết trong việc dùng cán bộ thì sẽ sa vào bè phái, dẫn đến phe nhóm, chia rẽ gây mất đoàn kết.

Theo LĐTD

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 0
  • 4
  • 6
  • 1
lên đầu trang