Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 27/04/2024 | 02:38

Thứ bảy, 27/04/2024 | 02:38

Thời sự

Cập nhật lúc 04:30 ngày 18/09/2019

Tạo áp lực để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

GS TS Vũ Hoàng Ngân - Trưởng khoa, Khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - khẳng định: Trong nền kinh tế thị trường, khi năng suất lao động tăng, doanh nghiệp (DN) sẽ phải chủ động tăng lương hoặc giảm giờ làm cho người lao động (NLĐ), vì thị trường lao động cũng do cung cầu lao động quyết định.

Năng suất lao động nằm ở công nghệ

Có ý kiến của giới chủ sử dụng lao động cho rằng, do năng suất lao động của Việt Nam thấp nên cần phải giữ nguyên giờ làm việc, tăng giờ làm thêm; nếu giảm giờ làm việc sẽ làm giảm năng suất lao động. Về ý kiến này, ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - nói rằng, không nên trút hết gánh nặng về năng suất lao động trên đôi vai vốn đã gầy mòn của NLĐ mà pháp luật cần tạo áp lực để doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao, đổi mới quản trị DN, từ đó nâng cao được năng suất lao động.

Liên quan đến Bộ luật Lao động (sửa đổi), trao đổi với phóng viên về đề xuất của Tổng LĐLĐVN giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống còn 44 giờ/tuần, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, điều này nằm trong xu hướng chung của thế giới là giảm giờ làm, tăng thu nhập. Trong nỗ lực giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc, ngay từ năm 1935, Đại hội đồng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thông qua Công ước 47 về tuần làm việc 40 giờ. Theo đó, Công ước xác định cần thiết tiếp tục các nỗ lực giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc đến mức có thể và nguyên tắc tuần làm việc 40 giờ được áp dụng mà tiêu chuẩn sống không bị giảm bớt do việc thực hiện này.

Theo ILO, thời gian làm việc dài có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cả NLĐ và DN đến từ việc xáo trộn nhịp sinh học, cuộc sống gia đình và xã hội, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khỏe và hiệu suất trong công việc. Nghiên cứu “Thời gian làm việc và tương lai việc làm” của ILO nhận định, làm việc quá nhiều giờ mỗi tuần có thể dẫn đến những tác động mãn tính, các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, rối loạn tiêu hóa hay tỉ lệ tử vong cao hơn... Nhiều nghiên cứu và thực tế chỉ ra rằng, thời giờ làm việc nhiều sẽ khiến NLĐ mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe, tăng nguy cơ bị tai nạn lao động (TNLĐ), không có thời gian chăm sóc gia đình, không có thời gian tìm hiểu bạn đời...

Còn tại Việt Nam, Bộ Luật Lao động 2012 quy định giờ làm việc không quá 48 giờ/tuần, nhưng Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động (NSDLĐ) thực hiện tuần làm việc 40 giờ. “Sau 5 năm, đời sống của người dân đã được nâng cao, nhất là trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì việc giảm giờ làm cho NLĐ là chính đáng, hợp lý” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Trước ý kiến cho rằng, giảm giờ làm sẽ làm giảm năng suất lao động, ông Ngọ Duy Hiểu không đồng tình và cho biết, năng suất lao động không nằm ở giờ làm việc mà nằm ở khâu quan trọng là công nghệ. Việt Nam cũng đã qua thời lao động giá rẻ. “Phải có những quy định, trong đó có quy định về giảm giờ làm việc, để những DN có công nghệ cao, quản trị tốt phát triển được trong cơ chế hiện nay. Nếu pháp luật không thay đổi, vô tình tạo cơ hội cho một nền kinh tế với công nghệ lạc hậu” - ông Hiểu nói.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia về lao động đều thừa nhận, thời gian làm việc dài hơn thường dẫn tới năng suất lao động thấp hơn trong khi làm việc ít giờ sẽ giúp năng suất cao. Điều này là do NLĐ làm việc nhiều thì mệt mỏi nhiều hơn, giảm sự hài lòng, hứng thú với công việc cũng như giảm động lực.

Người lao động sẽ có nhiều thời gian hơn với gia đình

Trao đổi với PV, ông Nguyễn An Lương - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN, nguyên Viện trưởng Viện Bảo Hộ Lao động, Chủ tịch danh dự Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam - bày tỏ hoàn toàn ủng hộ với chủ trương giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần như hiện nay xuống 44 giờ/tuần cho NLĐ.

Ông Lương nêu ra lý do, việc giảm giờ làm là phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và của Việt Nam. Ông Lương cho biết, hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, NLĐ không còn phải làm việc 48 giờ/tuần nữa mà đã giảm xuống còn 44 giờ/tuần, thậm chí 40 giờ/tuần, đó là chưa nói đến thời giờ làm việc trong các ngành nghề độc hại.

Ông Lương cũng lưu ý, thời giờ làm việc phải xem xét cùng với ngày nghỉ của NLĐ. Trong khi nhiều nước làm việc 40 giờ/tuần nhưng NLĐ có 30 ngày nghỉ phép. Còn tại Việt Nam, NLĐ phải làm 48 giờ/tuần và chỉ có 10 ngày nghỉ lễ, Tết, 14 ngày nghỉ phép/năm. Ngày nghỉ phép cao, ngày nghỉ lễ cao thì giờ làm việc trong cả năm sẽ giảm đi. Do đó, ở nhiều nước, thời giờ làm việc trong năm thường dưới 2.000 giờ.

Trong khi đó, theo như tính toán của ông Lương, NLĐ làm việc 48 giờ/tuần, thì tính cả năm, nếu trừ đi các ngày chủ nhật, nghỉ phép, nghỉ lễ, NLĐ Việt Nam phải làm 2.312 giờ. Còn nếu giảm xuống 44 giờ/tuần, số giờ làm việc trong năm vẫn cao hơn so với nhiều nước, ở mức 2.104 giờ/năm. “Hơn nữa, việc NLĐ có thêm một nửa ngày nghỉ thứ 7 cùng với cả ngày chủ nhật sẽ là quãng thời gian quý giá sau 5,5 ngày làm việc vất vả để họ có điều kiện phục hồi sức khỏe, chăm sóc gia đình, con cái; giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giảm nguy cơ tai nạn lao động” - ông Lương phân tích.

Ngoài ra, ông Lương cho biết thêm, hiện nay, cán bộ công chức đã được làm việc 40 giờ/tuần, thì NLĐ được giảm xuống 44 giờ/tuần là hợp lý. Liên quan đến mối quan hệ giữa thời giờ làm việc và năng suất lao động, ông Lương cho rằng, lý luận của các chủ sử dụng lao động là nếu giảm giờ làm việc sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giảm năng suất lao động là không đúng.

Theo Báo LĐ

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 6
  • 8
  • 8
  • 6
lên đầu trang