Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:48

Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:48

Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Cập nhật lúc 03:17 ngày 10/04/2014

Bắt tên phi công địch đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ

7 giờ ngày 13/3/1954, pháo binh ta dội lửa xuống cụm cứ điểm Him Lam, cánh cửa “thép” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay từ loạt đạn đầu tiên, pháo ta đã phá hủy nhiều trận địa địch.

Trận địa pháo  ở Mường Thanh bị tê liệt, 5 trong gần chục máy bay đậu ở sân bay  trúng đạn, tên quan tư Pêgô chỉ huy cụm cứ điểm Him Lam, tên quan năm chỉ huy phân khu trung tâm Mường Thanh, cùng bộ chỉ huy trung tâm bị xóa sổ. Kho xăng trúng đạn bốc cháy. Các chiến sĩ đại đoàn 312 từ nơi tập kết tiến ra vị trí xuất phát xung phong.

Mấy chiếc máy bay còn lại không cất cánh được. Trời về chiều, thời tiết miền núi rất xấu, tướng Lôdanh chỉ huy không quân của quân đội viễn chinh Pháp buộc lòng phái hai phi đoàn khu trục từ Gia Lâm lên ứng cứu.

pic

Quyết liệt chống trả cuộc tấn công của địch trên đồi A1 và C1


Hoảng hốt, bất ngờ, chiếc máy bay chỉ huy quăng vội bom vọt lên cao. Những chiếc đi sau dạt sang hai bên tan tác như đám bèo gặp gió lớn. Đội hình phi đoàn máy bay 24 chiếc bị vỡ vụn. Chúng không ném được bom theo bài bản tính sẵn như những trận đánh trước. Từng chiếc vất bom lung tung, mạnh tên nào tên nấy chạy. Một chiếc Hencát bốc cháy để lại vệt lửa dài, trong khi quân ta rời vị trí xuất phát xung phong đánh chiếm cứ điểm. Bọn phi công bị bất ngờ, hoảng sợ trước sự xuất hiện lưới lửa pháo cao xạ của quân ta trên vùng trời Điện Biên Phủ.Sáu tốp Hencát và Henđivơ (24 chiếc) chuẩn bị bổ nhào đánh vào tuyến xuất phát xung phong của bộ binh và các trận địa pháo binh của ta thì trận địa Quan Tum, Nà Lời 12 khẩu pháo cao xạ của tiểu đoàn 383 do tiểu đoàn trưởng Vũ Thanh Giang chỉ huy đồng loạt nhả đạn. Trận địa Nà Ten, Nà Hi 12 khẩu cao xạ của tiểu đoàn 394 do tiểu đoàn trưởng Trịnh Duy Hậu chỉ huy cũng tung lửa xoắn lấy đội hình máy bay địch.

Lần đầu tiên quân ta làm chủ vùng trời chiến sự. Bộ đội Phòng không yểm trợ có hiệu quả, để bộ pháo hiệp đồng mở cánh cửa “thép” tiêu diệt cứ điểm Him Lam sau 6 giờ chiến đấu.

pic

Chiến thắng Điện Biên Phủ


Để cắt đường bay này, hai đại đội pháo cao xạ 815, 816, tiểu đoàn 383 được lệnh cơ động từ Mường Thanh xuống phía nam sông Nậm Rốm xây dựng trận địa đón lõng đánh địch.Những ngày cuối tháng 4/1954 chuẩn bị bước vào đợt quyết định của chiến dịch, không quân của địch bị pháo cao xạ bít hết các ngả, chỉ còn đường bay tương đối an toàn từ phía nam sông Nậm Rốm vọt  lên thả dù tiếp tế cho phân khu trung tâm.

Ngày 26/4/1954, một chiếc Hencát bổ nhào đánh phá trận địa bộ binh ở đồi E thì bị đại đội pháo cao xạ 815 bắn lên. Tên phi công làm động tác xoáy ốc thoát khỏi bó lửa pháo cao xạ đại đội 815. Các pháo thủ đại đội pháo cao xạ 816 đón sẵn.

Đại đội trưởng Lại Văn Đạm ra lệnh khai hỏa. Ngọn cờ đỏ trong tay đại đội phó Nguyễn Cần như ngọn lửa vừa lóe lên thì những viên đạn đỏ rực xoắn lấy chiếc Hencát. Tiếng reo của bộ đội, dân công toàn mặt trận bùng lên như sấm nổ:

- Trúng rồi! Trúng rồi! …

Tiếng đại đội trưởng Lại Văn Đạm ra lệnh bắn loạt đạn thứ hai chưa dứt, chiếc máy bay như bị lưỡi kiếm sắc phạt cụt đuôi, đâm rầm xuống dải núi gần đó. Chiếc dù đỏ bung, cách trận địa 816 khoảng 500 mét.

Trao ngọn cờ cho đại đội trưởng, đại đội phó Nguyễn Cần chộp khẩu AK cùng bốn chiến sĩ băng rừng, lội suối tới điểm dù rơi. 500 mét đường rừng quả thật vất vả. Lần được tới nơi thì phân đội bộ binh tại chỗ đã tóm gọn tên phi công.

Nguyễn Cần nói với các anh em:

- Tôi là đại đội phó đại đội pháo cao xạ 816, đơn vị vừa bắn rơi chiếc máy bay. Đề nghị các đồng chí trao tên phi công cho chúng tôi khai thác tài liệu.

Các chiến sĩ bộ binh ào tới bắt tay chia vui cùng Nguyễn Cần và các anh em đi theo. Mấy hộp cát cút, bích quy bắt được của địch bật mở. Anh em chưa ăn hết thì có lệnh của Bộ Tư lệnh đại đoàn 312 giải ngay tên phi công về sở chỉ huy.

Theo hào giao thông Nguyễn Cần dẫn tên phi công về sở chỉ huy đại đoàn. Trưởng phòng Chính trị Văn Phác đã chờ sẵn ở cửa hầm. Gặp thủ trưởng cũ, Nguyễn Cần rất vui. Trưởng phòng Chính trị ôm lấy người cán bộ cũ.

- Đơn vị cậu bắn rơi hả? Giỏi lắm!

Ông pha cốc cà phê đẩy tới trước mặt Nguyễn Cần, cười vui:

- Uống đi!  Của Tây chi viện đấy! Mình làm gì có!

Hồi Văn Phác làm phó phòng Chính trị Liên khu 3, Nguyễn Cần làn trợ lý tuyên huấn dưới quyền ông. Hai người sống với nhau một thời gian khá dài. Ông nheo mắt ngắm người trợ lý của mình khen:

- Cậu trưởng thành đó! Làm ăn được đấy chứ! Uống đi rồi ta hỏi cung tên tù binh sau.

Cốc cà phê chưa uống xong, đại đội trưởng pháo cao xạ Lại Văn Đạm lao vào sở chỉ huy như một cơn lốc:

- Tù binh đâu ? Khai thác được gì chưa?

Thấy Chủ nhiệm Chính trị đại đoàn ngồi đó, Đạm gãi tai:

- Xin lỗi Chủ nhiệm! Không biết…

- Không sao, ngày vui mà. Đồng chí trực tiếp hỏi. Bọn mình ngồi nghe.

Là một học sinh Hà Nội giỏi tiếng Pháp, Lại Văn Đạm trỏ chiếc ghế đóng bằng tre, ra hiệu cho tên phi công đang đứng run rẩy ở góc hầm được phép ngồi đối diện.

Hỏi được một lúc, Đạm đứng dậy nhún vai:

- Báo cáo Chủ nhiệm, thằng phi công gà mờ này chẳng biết cái quái gì cả. Hỏi tính năng chiến kỹ thuật, đội hình, góc bổ nhào, tốc độ… nó ú a ú ớ. Thằng này chỉ là một tên tài xế đơn thuần, thao tác theo những phần tử quy định. Không giúp gì cho mình cả. Tên nó là Rôbe Đanien.

Cùng lúc đó, lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận giải tên phi công về trung tâm giam giữ tù binh.

Tên giặc lái vừa trèo lên chiếc xe díp của mặt trận gửi tới, thì súng cao xạ đại đội 815, 817 nổ dòn tan. Chùm đạn pháo cao xạ từ hai hướng chéo cánh sẻ như hai mũi lao lửa xuyên thủng bụng chiếc B26. Chiếc máy bay bốc cháy ngùn ngụt để lại vệt khói đen xì, đâm đầu xuống cánh đồng Mường Thanh. Tên phi công lắc đầu ngao ngán:

- Tombơ ê tombơ! (Tombe et tombe - Rơi và rơi!)

Nguyễn Cần dang rộng hai cánh  tay:

- Xà com xà! (Ça come ça - Như thế đấy!)

Chiếc B26 rơi, lại thêm hai tên giặc lái nữa bị bắt sống. Một trong hai tên phi công rơi xuống đơn vị chốt giữ Hồng Cúm. Anh em giải nó về trại tập trung.

Tên phi công vừa đi vừa run rẩy, bước chậm như sên bò, luôn luôn chỉ xuống đất đòi nghỉ. Anh em đang không biết làm cách nào để tên tù binh đi nhanh hơn thì một đàn trâu đi tới. Chiến sĩ ta ra lệnh cho hắn leo lên lưng trâu đi cho nhanh. Hắn vừa khóc vừa trố mắt ngạc nhiên. Vất vả lắm, hắn mới leo được lên lưng trâu. Con vật vừa đi vừa lúc lắc cặp sừng cong vút, nghênh cái mặt như nhạo cười tên giặc lái. Tên phi công tái mặt, run rẩy ôm lấy lưng con trâu, nước mắt ròng ròng.

pic

Di tích hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ


Đại đội phó đại đội 816 Nguyễn Cần trong giai đoạn đánh Mỹ chỉ huy trung đoàn pháo cao xạ 234, 230. Cả hai trung đoàn đều được Chính phủ tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm phòng không mặt trận Tây Nguyên. Thống nhất tổ quốc, ông được điều về làm giảng viên Học viện Quân sự cấp cao (Học viện Quốc phòng). Ông đã nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, sống khiêm tốn trong căn nhà nhỏ, với quán nước con con giữa phố cửa Bắc - Hà Nội.Hơn chục năm sau (1965), anh em bộ đội pháo cao xạ lại được thấy tên phi công Mỹ và chiếc xe trâu trên tấm ảnh báo Quân Đội Nhân Dân. Tên Giđơn Uylốc, “siêu thủ” không lực Hoa Kỳ, được chở trên chiếc xe trâu về khách sạn Hintơn Hà Nội. Một sự trùng lặp vui và kỳ thú.

Mỗi năm tới ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, anh em lại tới thăm ông. Nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ, ông cười vui:

- Bắt tên phi công đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những kỷ niệm khá sâu sắc trong cuộc đời chiến đấu của tôi.

Nguồn: honvietquochoc.com.vn

 
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 9
  • 3
  • 5
  • 9
lên đầu trang