Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 17/05/2024 | 23:21

Thứ sáu, 17/05/2024 | 23:21

Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Cập nhật lúc 02:23 ngày 31/03/2014

Đồi A1, 30 ngày đêm sinh tử

Trong 3 phân khu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, riêng phân khu trung tâm (PKTT) chiếm tới 30/49 cứ điểm của cả thung lũng Mường Thanh. Nhiệm vụ chính của PKTT là bảo vệ hầm Chỉ huy sở nơi Đờ cát cùng Bộ tham mưu đóng quân. Tại đây, địch dành những ưu tiên cả về trang bị lẫn con người cho 5 cứ điểm đóng trên 5 quả đồi phía đông, đồi A1 nằm trong số đó...

 

Cách hầm Chỉ huy sở chừng nửa cây số đường chim bay, địch coi đồi A1 là “chiếc chìa khoá” của PKTT. Với độ cao hơn hẳn, hoả lực trên đồi A1 có thể khống chế toàn bộ lòng chảo Mường Thanh. A1 là cái tên quân ta đặt trên sa bàn tác chiến, còn Đờ cát đặt là Êlian2 (Eliane2) - tên một vũ nữ lừng danh thành Pari vào đầu thế kỷ XX. (Có một thông tin là khoảng năm 1942, Nhật từng đóng ở đây. Căn hầm cố thủ của Pháp nguyên là hầm của Nhật trước, Pháp chỉ gia cố cho chắc chắn hơn, mở thêm một số lỗ châu mai để thích hợp với vũ khí của Pháp cũng như kỹ thuật phòng thủ mặt đất vào thời điểm đó).

Đồi A1, cứ điểm quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham quan di tích Đồi A1. Ảnh: C.T.V

Do vị trí quan trọng của đồi A1, nên Pháp đã bố trí ở đây những hoả lực cực mạnh, dây thép gai nhiều tầng nhiều lớp, được trấn giữ bởi những tiểu đoàn Lê dương và Ma rốc thiện chiến nhất trong số lính Pháp hiện có mặt ở Đông Dương. Từ đồi A1, địch đào một giao thông hào sang đồi A3, nhằm để cơ động lực lượng và thực hiện các phương án ứng cứu khi cần thiết. Đợt tấn công thứ hai, quân ta đã đánh lên đồi A1 một lần và đó là lần tấn công thứ nhất, diễn ra từ đêm 30/3 đến đêm 2/4/1954. Mở đầu đợt tiến công thứ hai, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương tập trung tuyệt đối ưu thế binh hoả lực tiêu diệt toàn bộ khu đông Mường Thanh. Trung đoàn 174 thuộc đại đoàn 316, được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm A1, sau đó nếu có thể thì phát triển trận địa tiêu diệt cứ điểm A3 luôn.

Ngày 30/3, lợi dụng sương mù và trời mưa, các đơn vị hoả lực của trung đoàn đã chiếm lĩnh trận địa xong ngay trong buổi sáng. Sau những giờ ém quân chờ đợi, vào lúc 15 giờ 30 phút, từ vị trí tập kết các tiểu đoàn bộ binh tiến ra trận địa xuất phát, song không thể bí mật tiến ra chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong được vì trời còn sáng, trận địa ở dưới thấp công sự ngụy trang sơ sài, quân Pháp lại chiếm mỏm cao ở đồi Cháy nên quan sát rất rõ. Tại chỉ huy sở hậu phương, trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An được lệnh phải ở lại chờ thông báo giờ nổ súng thống nhất. Tuy nhiên, chờ đến 16 giờ 40 phút cũng không nhận được lệnh của đại đoàn vì điện thoại (hữu tuyến) bị pháo địch cắt đứt.

Tại hai mũi tiến công của các tiểu đoàn 251 và 249, phải mất hơn nửa giờ các đơn vị mới vượt qua khoảng 100 mét rào có cài mìn, để phát triển trận địa vào sâu hơn. Dưới sự chỉ huy của Nicôla, đám lính Ma rốc và Lê dương số 1 chống cự quyết liệt, giành giật với ta từng ụ súng, ngách hào. Quá nửa đêm, quân Pháp núng thế lui dần và cuộc chiến đấu tại A1 diễn ra giằng co, mỗi bên chiếm một nửa quả đồi. Giữa lúc ấy, đại bác 105 ly từ Hồng Cúm và súng cối 120 ly từ Mường Thanh, dồn dập bắn sang, khiến quân ta nhiều người thương vong. Tình thế khẩn cấp, trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An quyết định điều nốt tiểu đoàn dự bị 255 vào trận. Với mong muốn giữ được cao điểm cuối cùng, quân Pháp dồn tất cả sức mạnh của đại bác và súng cối nã vào A1. Vì vậy, các đợt xung phong của tiểu đoàn 255 không thể vượt qua “hàng rào lửa” của hỏa lực địch.

Gần sáng ngày 31/3, hướng tấn công của trung đoàn 98 đột phá sang cứ điểm C2 cũng bị pháo địch chặn lại. Các trận địa pháo của ta vẫn tiếp tục kiềm chế các trận địa pháo Pháp, nhưng kém hiệu quả vì ta ít đạn. Đại đoàn 312 đã ngừng tiến công, trung đoàn trưởng 98 - Vũ Lăng nhận thấy lực lượng của trung đoàn không còn khả năng giải quyết được A1 nữa nên quyết định dừng trận đánh. Tiểu đoàn 5 trụ lại với nhiệm vụ ngăn chặn nếu quân Pháp tổ chức phản kích; trong khi tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 1 mang hết thương binh, tử sĩ rút khỏi cứ điểm trước khi trời sáng rõ.

Gần trưa ngày 1/4/1954, địch cho máy bay oanh tạc trận địa của ta, mặt khác, một tiểu đoàn cơ động Pháp với 3 xe tăng yểm trợ, tiếp tục phản kích lên đồi A1. Xế chiều, khoảng 15 giờ cùng ngày, trên đồi A1 ta chỉ còn 17 chiến sỹ. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tổng cộng các chiến sỹ ta đã đánh lui gần 30 đợt phản công tái chiếm của giặc. Địch co cụm trên đỉnh đồi rồi rút vào cố thủ trong 3 chiếc hầm ngầm đại liên, quân ta bao vây dưới chân đồi trong thế giành giật từng tấc đất. Ngày 4/4/1954, liệu chưa thể giải quyết được A1 trong đợt tấn công này, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo tạm rút lui để củng cố trận địa, bổ sung quân số và vũ khí.

Thời gian này, Tây Bắc đã bước vào mùa mưa, những trận mưa sớm như trút nước xuống trận địa của cả ta và địch. Phạm vi chiến trường mà quân Pháp còn kiểm soát chỉ chừng 1km2. Với hệ thống thông hào chi chít, dài tới 200km, quân ta từng bước áp sát các mục tiêu. Quân Pháp rơi vào tình thế vô cùng khốn đốn, kể cả các sinh hoạt cá nhân cũng phải tiến hành ngay dưới hầm. Về cơ bản, lưới lửa phòng không của trung đoàn cao xạ pháo 367, đã khống chế được bầu trời Mường Thanh. Máy bay địch từ Hà Nội lên tiếp tế không dám xuống thấp, phải thả dù từ trên cao, quá nửa số hàng hoá, lương thực, quân trang rơi lạc sang trận địa Việt Minh. Đã hơn nửa tháng kể từ lúc đợt tấn công thứ 2 tạm dừng, chiến trường Điện Biên im ắng lạ thường - một sự im ắng như dấu hiệu báo trước có một cơn giông đang tích tụ, chuẩn bị cho trận bão lớn sắp xảy ra...

Ngày 20/4/1954, việc đào đường ngầm bộc phá bắt đầu được tiến hành bởi 3 chiến sỹ công binh: Lưu Viết Thoảng, Phạm Văn Bạch và Nguyễn Văn Phôi. Địch phát hiện được nên dùng đại liên bắn sang tới tấp, đất đá văng mù mịt. Sau loạt đại liên, đến lượt đại bác từ phía hầm Đờ cát bắn thâu đêm suốt sáng. Đêm thứ 2, một tiểu đội công binh do Lưu Viết Thoảng phụ trách, chia làm 4 tổ thay nhau đào đến gần sáng. Những ngày sau đó, trong điều kiện lao động đặc biệt dưới tầm pháo giặc, đường ngầm càng vào sâu càng thiếu ánh sáng và thiếu dưỡng khí trầm trọng... Đến ngày thứ 10 thì đường ngầm dài được 30m. Một số chiến sỹ được cử đi tháo bom để lấy thuốc nổ. Tổng cộng có 960kg thuốc nổ được chuyển đến cửa hầm, công việc này do một đại đội đảm nhiệm. Khối nổ chia thành 54 gói, một chùm 5 dây dẫn nối 4 trạm nổ phụ, trên mỗi dây lắp một chùm kíp số 8 cắm sâu vào trong khối thuốc. Như vậy, với 400 kíp nổ các loại, bình quân cứ 2,4kg thuốc nổ có một kíp nổ. Bên ngoài, các kíp nổ còn được bao bọc bởi lượng thuốc dẫn TNT cực nhạy.

Sau 30 ngày đêm sinh tử của đợt tấn công thứ hai, cứ điểm A1 nói riêng và Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói chung lại trở về những ngày căng thẳng, hãi hùng, trước khi đợt tấn công thứ ba diễn ra...

Nguồn: baodienbienphu.gov.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 8
  • 1
  • 9
  • 9
  • 4
  • 6
lên đầu trang