Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 17/05/2024 | 21:15

Thứ sáu, 17/05/2024 | 21:15

Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Cập nhật lúc 04:09 ngày 24/03/2014

Những chiến sĩ Điện Biên tham gia bắt sống tướng Đờ Cát ngày ấy, bây giờ

Một số sĩ quan Pháp đang đốt tài liệu, một số thì ngồi trên ghế trước sơ đồ tác chiến, khuôn mặt rất hốt hoảng, căng thẳng. Tướng Đờ Cát rất dễ nhận ra bởi vóc dáng cao lớn nhất trong số người đó. Đồng chí Tạ Quốc Luật nói với chúng bằng tiếng Pháp, đại ý: "Các ông hàng đi. Các ông thua rồi. Các ông phải ra lệnh cho các ổ đề kháng bỏ súng, đầu hàng và điện về Hà Nội ngừng ngay máy bay ném bom xuống Điện Biên Phủ".

 

Hồi 17h ngày 7/5/1954, Đại đội trưởng Đại đội 360 Tạ Quốc Luật chỉ huy 4 chiến sĩ xông vào hầm chỉ huy, bắt sống tướng Đờ Cát Xtơri cùng toàn bộ các sĩ quan cao cấp của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phá tan "pháo đài không thể công phá".

Sau 55 năm, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật (quê ở xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình), chiến sĩ Bùi Văn Nhỏ (quê ở huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã mất, chiến sĩ Nguyễn Văn Lam đến nay vẫn chưa ai rõ đã mất hay đang sinh sống ở đâu. Chúng tôi về Bắc Ninh và Thanh Hóa tìm đến hai nhân chứng hiện còn sống là Hoàng Đăng Vinh và Đào Văn Hiếu, những chiến sĩ của thời khắc ấy... 

Tướng Đờ Cát cúi đầu

Chúng tôi đến căn nhà ngói nhỏ nằm sâu trong con ngõ ngoằn ngoèo của thôn 8 (xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), tìm gặp ông Đào Văn Hiếu (79 tuổi), nhân chứng sống của chiều ngày 7/5 lịch sử ấy. Người lính già có vóc dáng cao gầy, ăn mặc bình dị nhanh nhẹn bước qua chiếc sân gạch, niềm nở mở rộng cổng đón chúng tôi vào trong căn nhà ngói ba gian một chái sơ sài.

Cẩn thận mở chiếc hộp tự chế bằng ống nứa, ông Đào Văn Hiếu lấy ra những tấm huân chương, huy chương và bằng khen rồi mở chiếc tủ kính nhỏ lấy bức ảnh chân dung Đội trưởng Tạ Quốc Luật (chụp năm 1955) đã ố màu ra cho chúng tôi xem. Mấy bữa nay, ông Hiếu đang bị sưng mọng răng, nên tính kiệm lời của ông càng được phát huy tác dụng. Sau tuần trà mạn, mãi rồi ông mới chậm rãi kể về cuộc đời quân ngũ của mình.


Ông Hiếu (trái) và ông Vinh, Hai nhân chứng sống tham gia bắt sống tướng Đờ Cát.

Hồi ức về những tháng ngày gian khổ mà oai hùng ấy làm đôi mắt của người lính già sáng hẳn lên: "Đơn vị của tôi tham gia tấn công ở phía đông bắc lòng chảo, mạn Tuần Giáo. Chúng tôi tham gia các trận đánh cứ điểm, lần lượt là đồi Him Lam, E1, D2, 505, 505B, 506, 509..., lúc thì đào hào, lúc đánh lấn, lúc giữ trận địa với biết bao gian khổ hy sinh của bản thân và đồng đội. Trận đánh cứ điểm 505, tôi bị bom địch vùi lấp dưới công sự, may mà đồng đội kịp thời đào đất moi lên, nếu không thì làm sao được chứng kiến thời khắc thắng lợi cuối cùng của chiến dịch?" - ông Hiếu cười hiền lành, tâm sự."Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình cố nông ở xóm xã Nga Hưng này. Năm 17 tuổi, tôi tham gia Đội du kích Nga Hưng, đến tháng 8/1950 thì nhập ngũ vào Trung đoàn 44 đóng ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Sau một thời gian được huấn luyện, đến năm 1951 thì tôi được biên chế vào Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312, lần lượt được thử lửa qua nhiều trận đánh ở các chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào. Đến năm 1954, tôi được làm tiểu đội trưởng, được tham gia trọn vẹn 56 ngày đêm của trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp".

Đúng 8h sáng ngày 7/5/1954, sau khi tập trung để nghe phổ biến phương án tác chiến đánh chiếm Mường Thanh, các chiến sĩ Điện Biên bước vào trận chiến đấu quyết định trước sào huyệt cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ. Vô cùng ác liệt. Bom đạn bời bời. Ta với địch giành nhau từng tấc đất. Hỏa lực của pháo binh kịp thời yểm trợ đoàn quân "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" ào lên vượt qua cầu Mường Thanh làm chủ chiến trường, kết liễu số phận đội quân viễn chinh xâm lược. Đào Văn Hiếu nằm trong tốp xung kích 5 người do Đại đội trưởng Đại đội 360 Tạ Quốc Luật chỉ huy nhanh chóng vượt lên khỏi hào tiến về hướng tây tiêu diệt các ổ đề kháng.

"Lúc ấy khoảng 17h, trời đã xế chiều nhưng oi bức, ngột ngạt lắm. Khi chúng tôi còn chưa xác định được hầm chỉ huy của địch ở đâu giữa chiến trường mù mịt khói lửa này, run rủi thế nào lại bắt được một tên lính ngụy, là chuyện rất hiếm ở Điện Biên Phủ, bởi nơi đây đại đa số là lính viễn chinh Âu - Phi. Hắn khai hầm Đờ Cát là nơi ụ đất lùm lùm nằm giữa dày đặc dây thép gai đến con chuột cũng không chui lọt, xung quanh có các ổ đề kháng chống trả ác liệt kia.

Đại đội trưởng Luật liền phân công tôi và Nguyễn Văn Lam đánh bịt cửa hầm phía bắc, rồi dẫn Hoàng Đăng Vinh và Bùi Văn Nhỏ đánh vào cửa hầm phía nam. Sau khi dùng thủ pháo tiêu diệt tổ bảo vệ của địch ở phòng ngoài sát cửa ra vào, chúng tôi tiến thẳng vào gian hầm giữa, nơi tướng Đờ Cát và các sĩ quan Pháp trú ẩn.

Một số sĩ quan Pháp đang đốt tài liệu, một số thì ngồi trên ghế trước sơ đồ tác chiến, khuôn mặt rất hốt hoảng, căng thẳng. Tướng Đờ Cát rất dễ nhận ra bởi vóc dáng cao lớn nhất trong số người đó. Đồng chí Tạ Quốc Luật nói với chúng bằng tiếng Pháp, đại ý: "Các ông hàng đi. Các ông thua rồi. Các ông phải ra lệnh cho các ổ đề kháng bỏ súng, đầu hàng và điện về Hà Nội ngừng ngay máy bay ném bom xuống Điện Biên Phủ". Đám sĩ quan răm rắp tuân theo hiệu lệnh, lục tục bỏ súng xuống bàn. Tướng Đờ Cát cố tỏ ra bình tĩnh, nói: "Tôi đã làm việc đó từ 5 phút trước rồi".

Sau đó, chúng tôi áp giải đám hàng binh đi lên khỏi hầm, bàn giao cho tiểu đoàn rồi tiếp tục quay sang tiêu diệt trận địa pháo cách hầm Đờ Cát chừng 30m về phía tây nam. Khi nhìn thấy lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của quân đội ta tung bay ngạo nghễ, chúng tôi đã bị lớp lớp những đoàn quân hừng hực khí thế chiến thắng cuốn đi trong niềm vui khôn tả".

Ngừng một chút, ông Hiếu chậm rãi nói thêm: "Sau đại hội liên hoan mừng chiến thắng ở Mường Phăng ít ngày, chúng tôi có gặp lại tướng Đờ Cát và đám sĩ quan cao cấp ấy một lần nữa. Khi ấy, nhóm chúng tôi đi theo thứ tự anh Luật, cậu Vinh và tôi xuống suối rửa mặt thì thấy đám hàng binh đang lố nhố đứng ngồi. Tướng Đờ Cát và đám sĩ quan nhìn thấy chúng tôi thì đứng thẳng dậy, khoanh tay cúi đầu. Lúc ấy chúng tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng sau này anh em trong đơn vị bảo: Đờ Cát thể hiện sự  tôn trọng người đã trực tiếp bắt sống chúng đấy".--PageBreak--

Trong căn phòng nhỏ ấm cúng ở phường Vũ Ninh (TP Bắc Ninh), Đại tá Hoàng Đăng Vinh, không kể thêm với chúng tôi về câu chuyện đó. Câu chuyện của người chiến sĩ trẻ măng, 19 tuổi, thúc khẩu súng Tôm-xơn vào bụng tướng Đờ Cát, mắt nảy lửa thét "Hô lê manh" (giơ tay lên) đã rất quen thuộc với mọi người. Rất vui vẻ, dễ gần, vị đại tá 75 tuổi lật giở cho chúng tôi xem hồi ức cũ mà mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ông đều có dịp ôn lại.

Đại tá Hoàng Đăng Vinh vốn cũng xuất thân trong một gia đình bần nông ở huyện Phù Tiên (Hưng Yên), nên việc ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia bộ đội từ năm 17 tuổi là rất bình thường. Bên cạnh kỷ niệm về lần tham gia bắt sống tướng Đờ Cát, kỷ niệm lớn nhất và có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông có lẽ chính là niềm vinh dự cùng 5 chiến sĩ có thành tích xuất sắc khác đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 64 của Bác Hồ ngay tại chiến khu Định Hóa vào ngày 19/5/1954.


Chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh được Bác Hồ gắn huy hiệu trong ngày 19/5/1954.


Khoảng 7h tối ngày 18/5, chúng tôi đến chiến khu, được các anh bên Tổng cục Chính trị ra đón, mừng rỡ, thân mật ôm chầm lấy nhau mà thăm hỏi, nên cũng có đỡ run phần nào.
"Thực sự tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện được gặp Bác, nên khi nghe Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật thông báo, tôi mừng và lo, hồi hộp lắm. Hôm sau, tôi lại được ngồi trên xe chiến lợi phẩm cùng Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Hoàng Cầm để gặp Bác, lại càng hồi hộp.

Sáng 19/5, chúng tôi theo anh Lê Liêm, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy Mặt trận Điện Biên đến nơi Bác ở. Đó là một khu rừng vầu rất mát, đẹp và sạch sẽ. Từ xa chúng tôi đã thấy Bác và các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp...  đứng dưới tán một cây cổ thụ, nhưng cánh báo chí cứ quay phim và chụp ảnh nhoang nhoáng nên càng hồi hộp, chân cẳng run lẩy bẩy.

Chỉ đến khi Bác giơ tay vẫy, rồi vòng hai tay, ôn tồn bảo: "Các chú ngồi xuống đây với Bác" thì sự thân tình ấm áp khiến chúng tôi không còn e ngại nữa, cố chen lại thật gần, sà ngay vào lòng Bác. Trò chuyện hồi lâu, Bác thưởng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên và huy hiệu của Người cho chúng tôi".

Cũng như ông Đào Văn Hiếu, sau chiến thắng Điện Biên, chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh được đứng vào hàng ngũ của Đảng, lễ kết nạp diễn ra ngay trên chiến trường.

Chiến sĩ Điện Biên hôm nay

Khoảng năm 1957, chiến sĩ Vinh về quê ở huyện Phù Tiên (Hưng Yên), rồi cưới vợ là cô gái Nghiêm Thị Hiền, người liền thôn, khác xã, sinh được 5 người con. Sau đó, ông tiếp tục phục vụ kháng chiến chống Mỹ với cương vị người lính công binh, ở bên này sông tuyến. Về hưu năm 1991, với quân hàm đại tá. Sau 3 tháng là làm Bí thư chi bộ Khu 6 thị cầu, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, rồi Chủ tịch Cựu chiến binh tỉnh đến năm 2007.

Từ năm 17 tuổi đến năm 73 tuổi, ông liên tục phụng sự đất nước với nhiều thành tích được ngợi khen: Bằng khen của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ. Luôn được nhận xét là đảng viên xuất sắc trong công tác.

Người Đại tá già tâm sự: "Tất cả đều nhờ vào lần được gặp và dự bữa cơm cùng Bác Hồ. Tôi nhớ như in lời Bác dạy: Chú có thành tích tốt, nhưng phải hết sức khiêm tốn, không được chủ quan, không ngủ quên dưới ngọn cờ chiến thắng. Phía trước còn rất nhiều nhiệm vụ nặng nề, cần tiếp tục rèn luyện". Rồi Bác hỏi tôi: "Chú Vinh học văn hóa đến lớp mấy?". "Dạ, cháu mới chỉ biết đọc biết viết thôi ạ". "Cháu nên chú ý, bất cứ lúc nào có điều kiện đều cần phải học. Phải có tri thức mới phục vụ đất nước tốt được".

Buổi tối hôm ấy, Bác ngồi ăn cơm cùng mâm với các đại biểu của Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, quay sang mâm bên gọi tôi: "Chú Vinh đâu rồi, lại ngồi ăn cơm với Bác". Tôi đến ngồi bên, ban đầu còn ăn uống dè dặt. Nhưng sau, Bác tiếp thức ăn, trò chuyện, nên tôi ăn uống rất tự nhiên. Khi hết đĩa cơm, thấy vẫn còn nhiều hạt cơm sót lại trong đĩa, Bác bảo: “Bác phê bình chú Vinh. Chú phải biết tiết kiệm, biết quý trọng hạt gạo". Những lời dạy ấy tôi còn ghi nhớ và làm theo đến tận ngày nay".

Còn chiến sĩ Đào Văn Hiếu mãi đến năm 1959 mới trở về làng, trong nước mắt giàn giụa của người mẹ già vì chờ mãi mà con không về, mẹ tưởng Hiếu đã chết. Năm 1960, ông Hiếu cưới vợ là cô dân quân 20 tuổi Trịnh Thị Cống, người cùng xã, sinh được 5 người con. Ông vẫn tiếp tục tham gia chống Mỹ ở chiến trường B đến tận năm 1972 mới ra quân, về làng với quân hàm trung úy, mang trong mình thương tật hạng 2/4 khi đánh cứ điểm 505 thời Điện Biên.

Sau khi về địa phương, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, lúc thì làm Bí thư chi bộ thôn, lúc làm Trưởng thôn, Hội cựu chiến binh... Nhiệm vụ nào được giao ông cũng vui vẻ làm một cách tận tụy, chu đáo đến khi chính thức được nghỉ hưu vào năm 2003.

Vốn tính kiệm lời, khiêm tốn, nên chẳng mấy ai biết ông có chiến công đặc biệt, là người từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát. Những người biết chuyện ở Nga Sơn vẫn luôn nhắc đến ông Hiếu với một sự trân trọng về câu chuyện giữa ông và người con trai Đào Văn Hạnh, hai người lính của hai thế hệ.

Anh Đào Văn Hạnh từng tham gia bộ đội ở Đại đội 17, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, là sư đoàn cũ của bố. Dạo chiến tranh biên giới đang hồi khốc liệt, ông Hiếu ôm balô lên tận đơn vị động viên con giữ vững ý chí chiến đấu, không được nản lòng trước khó khăn, gian khổ.

Có lần anh Hạnh vào Phòng truyền thống của sư đoàn, nhìn thấy ảnh bố và những kỷ vật oai hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hỏi chuyện đó, người cha già thừa nhận chiến công của mình, nhưng nghiêm khắc dặn con hãy coi đó là truyền thống tốt đẹp mà nhiệt tình chiến đấu, luôn phải phấn đấu, tự rèn luyện.

Chưa bao giờ ông Hiếu tự mình kể chuyện bắt sống tướng Đờ Cát, chỉ đến khi trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin tìm người chiến sĩ Đào Văn Hiếu, những cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Nga Sơn đến hỏi thăm, thì ông chỉ cười, gật đầu xác nhận. "Tôi chỉ coi đó là nghĩa vụ của người lính, tấn công địch tới cùng mà thôi. Hơn nữa, với khí thế chiến đấu và sự gian khổ, hy sinh của cả dân tộc, kiểu gì Đờ Cát chẳng bị quân đội ta bắt sống" - Ông Hiếu cười hiền, tâm sự.

 

Hai người lính Bộ đội Cụ Hồ ngày ấy, bây giờ đều đang dưỡng già tại hai vùng quê yên ả bên đàn cháu con. Thỉnh thoảng họ có liên lạc với nhau qua điện thoại. "Năm 1999, tôi có mời anh Hiếu ra nhà tôi chơi. Anh Hiếu đem ra cho "chú Vinh" một đôi chiếu cói Nga Sơn loại tốt nhất, mà tôi còn dùng mãi. Chúng tôi vẫn mong có dịp cùng trở lại chiến trường xưa, để cùng nhau sống lại ký ức Điện Biên năm xưa. Không biết bây giờ anh Hiếu còn khỏe và cuộc sống đã đỡ khó khăn hơn chưa?" - ông Hoàng Đăng Vinh bùi ngùi...

Nguồn: cand.com.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 8
  • 1
  • 9
  • 1
  • 3
  • 5
lên đầu trang