Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:39

Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:39

Tin ngành XD

Cập nhật lúc 04:44 ngày 06/05/2019

Bộ Xây dựng góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Bộ Xây dựng có ý kiến đối với 06 nội dung đề xuất tại Dự thảo Tờ trình như sau:

Về việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa: Bộ Xây dựng tán thành việc đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong một số trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm và tán thành việc Chính phủ sẽ quy định chi tiết thực hiện việc này trong một Nghị định. Tuy nhiên cần phải làm rõ, cụ thể hơn về: làm thêm trong thời gian dài liên tục, thời gian làm thêm giờ tối đa trong một ngày (chỉ nên khoảng 30% số giờ làm việc bình thường), thời gian nghỉ giải lao; lương và đãi ngộ hợp lý… đặc biệt cần làm rõ ngành nghề nào được làm thêm giờ để đảm bảo chất lượng nhân lực lâu dài và tuổi thọ.

Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu: Bộ Xây dựng tán thành Phương án 2: “Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”, tuy nhiên cần làm rõ khái niệm “điều kiện lao động bình thường”.

Về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở: Bộ Xây dựng thống nhất với Dự thảo quy định tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế, thực hiện các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, đồng thời đáp ứng các nhu cầu phát triển của thực tiễn quan hệ lao động Việt Nam theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên cần biên tập chặt chẽ hơn các Điều 172, 173, 174 theo hướng đề cao về nguyên tắc, tính pháp lý; các nội dung cụ thể để Chính phủ quy định chi tiết.

Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch: Bộ Xây dựng tán thành Phương án 1 (giữ nguyên hiện hành): “Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp”.

Việc hoán đổi các ngày làm việc trong thời gian nghỉ lễ, tết đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Về bổ sung 01 ngày nghỉ lễ: Bộ Xây dựng tán thành việc đề xuất bổ sung 01 ngày nghỉ lễ trong năm để tri ân người có công (vào ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 dương lịch).

Về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội: Bộ Xây dựng tán thành Phương án 2 (giữ nguyên như hiện hành): Thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định) để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo Báo LĐ

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 3
  • 0
  • 9
  • 2
lên đầu trang