Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:30

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:30

Tin ngành XD

Cập nhật lúc 04:11 ngày 24/04/2019

Tăng trưởng xanh nhìn từ những câu chuyện quốc tế

Mặc dù các đô thị đã và đang rất quan tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, nhưng cho đến nay phát triển đô thị tăng trưởng xanh là lĩnh vực còn rất mới mẻ đối với Việt Nam


Khoảng 50% đô thị lớn và vừa đạt tiêu chuẩn đô thị xanh vào năm 2030 là một trong những mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa nhiệm, mục tiêu được nêu tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Theo khái niệm do Tổ chức Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra, tăng trưởng xanh tại đô thị được xác định là sự phát triển đô thị đạt được tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm những ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường. 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh chia sẻ, mặc dù các đô thị đã và đang rất quan tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, nhưng có thể nói, cho đến nay phát triển đô thị tăng trưởng xanh là lĩnh vực còn rất mới mẻ đối với Việt Nam. Kết quả thực hiện của thực tiễn phát triển đô thị còn có khoảng cách so với mong muốn. 

Các lĩnh vực thuộc ngành xây dựng tiêu thụ nhiều tài nguyên khoáng sản, sử dụng nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính gây tác động đến môi trường. Vì vậy cần có các giải pháp ngắn hạn, dài hạn cũng như sự hợp tác quốc tế nhằm giảm thiểu các yếu tố gây tổn hại đến môi trường, đồng thời ứng phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường thiên nhiên, bảo đảm cuộc sống ổn định của người dân, sự phát triển bền vững của đất nước. 

Hợp tác quốc tế và hội nhập với thế giới là xu hướng tất yếu, không thể thiếu trong chặng đường hướng tới tăng trưởng xanh. Điển hình như sự kiện năm 2017, Chính phủ Việt Nam tổ chức “Đối thoại APEC 2017 về đô thị hóa bền vững” nhằm đề xuất các khuyến nghị chính sách hỗ trợ “Các thành phố trở nên an toàn, vững chắc và bền vững”. Đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong giai đoạn 2016 – 2030. 

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có nguy cơ chịu tổn hại nặng nề do biến đổi khí hậu. Để thích ứng với tình trạng này, thời gian qua, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai quy hoạch và phát triển đô thị xanh, tăng cường năng lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu, sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà, kiên cố hóa nhà ở ứng phó với thiên tai, bão lũ... 

Đây cũng chính là những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu lớn về hợp tác với các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu - ông Phạm Khánh Toàn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Xây dựng) cho hay. Việt Nam có nhu cầu về tăng cường năng lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu; cụ thể là các chương trình, dự án đầu tư cho cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, thu gom và xử lý rác thải đô thị, rác thải nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối cấp vùng… 

Hiện việc hợp tác giữa Bộ Xây dựng với các tổ chức quốc tế về tăng trưởng xanh sẽ được tiếp cận theo nhiều phương thức. Đối với các dự án đang triển khai, các bên sẽ tiếp tục phát triển xây dựng các ý tưởng dự án theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng khung chính sách đô thị hóa xanh và kế hoạch hành động, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái cho rằng, hiện có 5 lĩnh vực triển vọng hợp tác quốc tế gồm: xây dựng khung chiến lược và lộ trình phát triển đô thị tăng trưởng xanh; xác định các chỉ số giám sát và thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh; chuẩn bị hướng dẫn và các bài học kinh nghiệm thực tế thành công nhất về đô thị tăng trưởng xanh; đào tạo và nâng cao năng lực; ưu tiên đầu tư dự án phát triển đô thị sinh thái, bình đẳng… 

Còn theo ông Lương Đức Long – Nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, cần chú ý đến mục tiêu giảm nhẹ phát thải CO2 trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng với những con số cụ thể cần phấn đấu. Đơn cử như ngành sản xuất xi măng, vôi công nghiệp và gốm sứ… đến năm 2020, suất phát sinh CO2 cần phải giảm 5% so với năm 2015 và đến năm 2030 giảm 15% so với năm 2015. 

Điểm qua mỗi quan hệ hợp tác quốc tế hiệu quả thời gian qua có thể kể đến dự án “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng” (VCEP) thuộc Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam. Đối tác chính là Bộ Xây dựng và các sở xây dựng; nhà thầu tư vấn là Winrock International. Dự án được thực hiện trong các năm 2014 – 2017, tập trung tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. 

Trong chương trình hợp tác với Bộ Xây dựng, dự án hướng đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO2; xúc tiến các hoạt động tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ phát triển phát thải thấp. Những nỗ lực từ sự hợp tác này đã được ghi nhận bằng những kết quả thiết thực đạt được. 

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – một trong những tổ chức quốc tế có nhiều hợp tác với Việt Nam cũng ghi nhận, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc gắn phát triển kinh tế hàng năm với tăng trưởng xanh và đã đạt được những kết quả nhất định. 

Thời gian qua, ADB đã tập trung hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các công ty dịch vụ nước ở Việt Nam xây dựng 10 chỉ số để đánh giá chất lượng dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam xây dựng nghị định hợp tác công tư PPP; hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện chương trình môi trường đô thị từ năm 2012. 

Phía ADB nhìn nhận, Việt Nam có quá trình đô thị hóa nhanh. GDP Việt Nam một phần lớn được tạo ra từ đô thị. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam vẫn chưa đạt được như mong muốn. Hơn thế, Việt Nam còn là quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2016 – 2020, ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam từ 600 – 800 triệu USD cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển đô thị xanh; thực nghiệm công nghệ mới, đổi mới sáng tạo cho phát triển đô thị. 

Nguồn vốn tài trợ của ADB được xem là chất xúc tác để thúc đẩy thu hút hơn nữa các nguồn đầu tư khác, bao gồm của nguồn vốn tư nhân cho việc tìm kiếm các giải pháp thực thi, thực nghiệm công nghệ mới, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và các nước thành viên APEC./.

Theo TTXVN

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 0
  • 2
  • 6
  • 8
lên đầu trang