Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 27/04/2024 | 11:10

Thứ bảy, 27/04/2024 | 11:10

Tuyên truyền

Cập nhật lúc 09:12 ngày 07/12/2020

ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ VÀ NHÂN CÁCH VĨ ĐẠI CỦA LÃNH TỤ PH.ĂNGGHEN

Phriđrich Ăngghen (Fridric Engels), sinh ngày 28/11/1820 tại Bácmen nước Đức, mất ngày 5/8/1895 tại Luân Đôn nước Anh. Ph.Ăngghen sinh ra trong một gia đình chủ xưởng dệt. Thời niên thiếu, theo sự sắp đặt của bố, Ph.Ăngghen không được học hết năm cuối cùng trung học và phải rời ghế nhà trường để đi làm nhân viên văn phòng trong một công ty của gia đình. Với sự thông minh và bản tính ham học hỏi, Ph.Ăngghen đã tự học và nghiên cứu. Đến năm 17 tuổi đã đọc và viết được 15 ngoại ngữ, thường xuyên tham gia nghe các giáo sư triết học giảng bài và chăm chỉ học toán cũng như các khoa học khác. Ngay từ khi học trung học, Ph.Ăngghen đã căm ghét sự chuyên chế, độc đoán của quan lại nhà nước phong kiến Phổ. 

Ban đầu, Ph.Ăngghen chịu ảnh hưởng của triết học Hêghen và Phoiơbắc. Những khi đến Anh làm việc, tiếp xúc với đời sống giai cấp công nhân, trực tiếp chứng kiến và tham gia phong trào Hiến chương đã giúp Ph.Ăngghen nhận ra tính chất thần bí của phái Hêghen trẻ mà Sêlinh và anh em nhà Bauơ là đại biểu tiêu biểu, cũng như mâu thuẫn giữa tinh thần biện chứng với quan điểm bảo thủ trong triết học Hêghen. Chính những trải nghiệm đời sống thực tiễn ở Anh đã giúp Ph.Ăngghen hiểu và cảm thông với cuộc sống vất vả của người công nhân. Cũng từ đây, tinh thần dân chủ cách mạng, vô thần, tình yêu thương người công nhân, sự đồng cảm với cuộc sống của họ ở Ph.Ăngghen được củng cố và phát triển.

Trong tác phẩm Tình cảnh giai cấp những người lao động ở Anh (1844), Ph.Ăngghen quan niệm giai cấp vô sản là con đẻ của nền công nghiệp lớn, không phải chỉ là giai cấp nghèo khổ, mà do địa vị kinh tế - xã hội của mình. Từ đó, Ph.Ăngghen xác định, đối với giai cấp ấy không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng.

Sau khi gặp lại C.Mác ở Pari, Ph.Ăngghen trở thành người đồng chí thân tín nhất của C.Mác trên cả hai mặt trận tư tưởng và thực tiễn. Kể từ đó sự nghiệp suốt đời của hai người bạn trở thành sự nghiệp chung của họ.

Cuối năm 1844, hai ông viết chung tác phẩm Gia đình thần thánh, trong đó có nội dung luận giải về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, về vai trò của quần chúng và cá nhân trong lịch sử và đã tiến gần đến chỗ làm sáng tỏ bản chất sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Đến tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (1845), hai ông xác định lực lượng sản xuất là yếu tố cơ bản nhất của mọi phương thức sản xuất và việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản về thực chất là mang tính chất kinh tế, là phải tạo ra được những điều kiện vật chất cần thiết cho sự hình thành một phương thức lao động liên hiệp.

Năm 1848, sự ra đời của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, được trình bày có hệ thống những nguyên lý cơ bản về chiến lược, sách lược của cách mạng vô sản. Đánh dấu sự chính muồi của chủ nghĩa Mác trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Từ đó về sau, Ph.Ăngghen cùng với C.Mác có rất nhiều tác phẩm viết chung. Trong số đó, tác phẩm Chống Đuyrinh (1876 - 1878) được coi là tập sách đầu giường của mỗi công nhân giác ngộ. Mặc dù tác phẩm chỉ mang tên Ph.Ăngghen, song thực ra, đó là công trình của cả hai người. Trong bài Lời tựa viết cho ba lần xuất bản năm 1894, Ph.Ăngghen cho biết: “vì thế giới quan trình bày trong cuốn sách này một phần hết sức lớn là do Mác đặt cơ sở và phát triển, còn tôi chỉ tham dự vào đó một phần hết sức nhỏ, cho nên đối với chúng tôi một điều rất dĩ nhiên là bản trình bày của tôi không thể ra đời mà Mác lại không biết đến. Tôi đã đọc cho Mác nghe toàn bộ bản thảo trước khi đưa in, và chính Mác đã viết chương thứ mười trong phần kinh tế chính trị học”. Ngoài ra, khi viết phần chủ nghĩa xã hội, Ph.Ăngghen còn nhận được nhiều tài liệu của Mác sưu tầm về Rôbớc Ôoen gửi cho ông.

Ph.Ăngghen cho rằng, nhờ hai phát kiến quan trọng của Mác, là quan điểm duy vật về lịch sử và lý luận về giá trị thặng dư, chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đã trở thành khoa học. Có thể nói, do có sự hình thành chủ nghĩa xã hội khoa học - bộ phận hợp thành thứ ba của chủ nghĩa Mác, mà học thuyết hoàn chỉnh này chẳng những chỉ có giá trị là nhằm giải thích một cách khoa học tiến trình lịch sử và đời sống xã hội, mà chủ yếu là nhằm góp phần tích cực vào quá trình cải tạo xã hội. Với tác phẩm Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen thông qua việc phê phán hệ thống lý luận của Đuyrinh, đã trình bày một cách có hệ thống ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác.

Công trình chiếm một thời gian cộng sự dài hơn cả giữa C.Mác và Ph.Ăngghen là bộ Tư bản. Trong tác phẩm này, các ông đã chứng minh sự xuất hiện, tồn tại, phát triển và mất đi của chủ nghĩa tư bản là tất yếu. Bản chất quan hệ giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản chủ yếu là quan hệ bóc lột và bị bóc lột về giá trị thặng dư, mâu thuẫn đối kháng và cuộc đấu tranh lâu dài giữa hai lực lượng xã hội đó là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Với sự ra đời của bộ Tư bản quan niệm duy vật về lịch sử không còn là một giả thuyết nữa, mà là một nguyên lý đã được chứng minh một cách khoa học.

Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên (1873 - 1883), trên cơ sở khái quát những thành tựu của khoa học tự nhiên, Ph.Ăngghen đã bổ sung, phát triển phép biện chứng duy vật. Đã làm rõ cơ sở khoa học tự nhiên của triết học Mác; đánh giá ý nghĩa triết học của những phát minh lớn của khoa học tự nhiên. Nhờ đó, đã tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển của khoa học tự nhiên, giải phóng các nhà khoa học tự nhiên khỏi tư duy siêu hình, trang bị cho họ tư duy của phép biện chứng duy vật, đấu tranh chống lại chủ nghĩa duy tâm đủ mọi màu sắc trong khoa học tự nhiên. Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước (1884)Ph.Ăngghen đã phát triển quan điểm biện chứng về lịch sử xã hội có giai cấp, chỉ ra quá trình tiến hóa của gia đình, sự hình thành giai cấp và nhà nước. Trong tác phẩm Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1886), Ph.Ăngghen đã trình bày có hệ thống quá trình hình thành, phát triển của thế giới quan duy vật biện chứng, những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, chỉ rõ ý nghĩa lịch sử cũng như thiết sót của triết học Hêghen và Phoiơbắc.

Cùng với hoạt động lý luận, cả C.Mác và Ph.Ăngghen hòa mình vào thực tiễn phong trào cách mạng. Hai ông là những người sáng lập các tổ chức quan trọng của phong trào công nhân quốc tế như: Liên đoàn những người cộng sản (1847); Hội liên hiệp công nhân quốc tế (1864). Khi Mác qua đời, Ph.Ăngghen sáng lập tổ chức Quốc tế xã hội chủ nghĩa (1889).

Không chỉ hợp tác với nhau trên lĩnh vực lý luận và hoạt động thực tiễn, mà Ph.Ăngghen còn giúp đỡ C.Mác rất nhiều về điều kiện kinh tế trong những thời điểm khó khăn của Mác và gia đình, để Mác có đủ điều kiện và thời gian nghiên cứu khoa học và hoạt động cách mạng. Chính vì vậy, khi nói về tình bạn giữa Mác và Ăngghen, Lênin viết: “Những chuyện cổ tích thường kể lại những tấm gương cảm động về tình bạn. Giai cấp vô sản châu Âu có thể nói rằng khoa học của mình là tác phẩm sáng tạo của hai nhà bác học kiêm chiến sĩ mà tình bạn đã vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong những truyền thuyết của  đời xưa kể về tình bạn của con người. Ăngghen vẫn luôn luôn - mà nói chung như thế là hoàn toàn đúng - tự đặt mình sau Mác. Ông đã viết cho một người bạn lâu năm của ông như sau: “Tôi luôn luôn là một cây vĩ cầm thứ hai, bên cạnh Mác”. Mối tình thân yêu của ông đối với Mác lúc còn sống và lòng kính mến của ông đối với Mác lúc đã mất, thật là vô hạn. Người chiến sĩ khắc khổ và nhà tư tưởng nghiêm nghị ấy có một tấm lòng yêu thương thật là sâu sắc".

Mặc dù Ph.Ăngghen rất khiêm nhường khi nói về công lao của mình. Nhưng thực tế cho thấy, nếu không có Ph.Ăngghen thì không còn ai có khả năng và điều kiện chuẩn bị cho quyển II và quyển III bộ Tư bản được ra đời. Vì lẽ, ngoài Gienni - vợ Mác - đã từ trần và ngoài Ph.Ăngghen không còn ai đọc và hiểu nổi những chữ viết tắt, những câu hành văn và những ý tứ được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau của Mác. Vì vậy, với “Hai quyển này đòi hỏi ông phải bỏ ra rất nhiều công sức. Átlơ, một đảng viên dân chủ - xã hội Áo đã nhận xét rất đúng rằng khi xuất bản quyển II và III của bộ  “Tư  bản”,  Ăngghen  đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm trên đó Ăngghen cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được. Thật vậy, hai quyển đó của bộ “Tư bản” là tác phẩm chung của cả hai người: Mác và Ăngghen”. Cũng chính vì vậy, khi nói đến chủ nghĩa Mác là người ta đã hiểu rằng đó là học thuyết do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập và phát triển.

Ở Việt Nam, những thắng lợi to lớn của cách mạng trong suốt hơn 90 năm qua bắt nguồn từ sự kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với thực tiễn đất nước.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải qua những thời kỳ khác nhau với những đặc điểm tình hình lịch sử cụ thể khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn nắm vững “linh hồn sống” của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng ta bao giờ cũng coi trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn cách mạng của nước ta để vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo. Điều này đã đem lại thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong thời kỳ đổi mới với quan điểm nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI của Đảng đã mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước với những thành tựu to lớn đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an  xã hội, đối ngoại.

Trong quá trình đổi mới cho thấy, Đảng ta đã nhận thức đúng hơn và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện mới, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được làm sáng tỏ. Một trong những bài học quan trọng hàng đầu mà Đảng ta đã rút ra qua 30 năm đổi mới là “trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiện định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm thực tế phù hợp với Việt Nam”.

Thực tiễn thời đại và quá trình đổi mới ở nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu tổng kết lý luận, thực tiễn, điều này đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn, nắm vững tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của Việt Nam để thực hiện mục tiêu mà Đảng ta xác định là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

                           ST


Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 3
  • 0
  • 4
  • 7
  • 2
lên đầu trang