Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:59

Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:59

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 04:46 ngày 11/06/2020

Không để người lao động bị bơ vơ khi ra nước ngoài

Tham gia thảo luận tổ về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần phải bổ sung việc giảm chi phí cho người lao động (NLĐ); đồng thời, cần phải tránh được tình trạng NLĐ bị lừa đảo, bơ vơ khi ra nước ngoài.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Đại biểu QH Đoàn Hà Nội). Ảnh Vương Nguyên.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Đại biểu QH Đoàn Hà Nội). Ảnh Vương Nguyên.

Thảo luận tại tổ ngày 10.6 về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ĐB Quốc hội Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, cần phải thiết lập các quy định chặt chẽ để giảm chi phí cho NLĐ và tránh tình trạng lừa đảo trong xuất khẩu lao động, vấn đề đang khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng.

“Hầu hết những người mong muốn đi lao động theo hợp đồng ở nước ngoài đều là nông dân, kinh tế khó khăn. Nếu chúng ta không quy định chặt chẽ trong luật, nhiều người dân vốn đã khốn khó lại khốn khó hơn do chi phí bỏ ra lớn hoặc bị lừa đảo khi đi xuất khẩu lao động” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.   

Cũng theo đại biểu QH Ngọ Duy Hiểu, cần có sự hài hoà, hợp lý trong chính sách xuất khẩu lao động và chính sách đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang bước vào thời kỳ già hoá dân số, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ, làn sóng đầu tư mới sau COVID-19 sẽ thu hút lực lượng lao động lớn.

Về quyền tham gia tổ chức đại diện NLĐ của NLĐ theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị: Phải quy định cụ thể trong Luật Quyền tham gia tổ chức đại diện NLĐ để NLĐ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn. Ngoài ra, sự tham gia của tổ chức Công đoàn trong việc tư vấn, hỗ trợ cho NLĐ, giám sát và tham gia kiểm tra hoạt động xuất khẩu lao động thể hiện trong Luật là cần thiết.

Nêu một số vấn đề cụ thể, đại biểu QH Ngọ Duy Hiểu đề nghị tại Điều 6, cần bổ sung thêm quyền được các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội mà người lao động là thành viên tư vấn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện thủ tục đi lao động ở nước ngoài và giải quyết các tranh chấp phát sinh nếu có.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trên thực tế, hiện nay tại các địa phương đã có các hoạt động tư vấn, hỗ trợ NLĐ nhưng chưa được ghi nhận quyền này trong Luật. cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng rất muốn các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia vào việc tư vấn, hỗ trợ, động viên NLĐ và giám sát hoạt động xuất khẩu lao động, tránh để NLĐ bị lừa đảo.

Cũng tại Điều 6, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị bổ sung quyền được tham gia tổ chức đại diện NLĐ tại Việt Nam hoặc nước sở tại. Đây là quyền quan trọng của lao động di cư theo tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, cần được đảm bảo và luật hóa. Quy định cụ thể trong Luật giúp NLĐ nhận thức được quyền của mình để họ tham gia tổ chức của NLĐ, để được bảo vệ quyền lợi tốt hơn.

Còn về Điều 9, vị đại biểu này đề nghị bổ sung thêm nội dung hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ NLĐ khi về nước. Ông Ngọ Duy Hiểu phân tích thêm, bên cạnh các DN đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài chấp hành pháp luật nghiêm túc, làm việc quy củ thì vẫn còn nhiều DN vi phạm pháp luật hoặc bỏ mặc số phận NLĐ sau khi thu tiền xong, đưa sang nước bạn. Do vậy cần tăng cường sự hỗ trợ của doanh nghiệp, của Nhà nước, sự hỗ trợ của xã hội với NLĐ khi họ về.

Trong khi đó, bàn về vấn đề này, đại biểu Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói, vừa qua, chúng ta phòng, chống dịch COVID-19 rất thành công, trong đó, vấn đề liên quan đến NLĐ Việt Nam (VN) ở nước ngoài rất được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm nên đã đưa được rất nhiều NLĐ ở nước ngoài về nước an toàn. NLĐ của nước ta rất vui vì việc này.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, chúng ta phải có các biện pháp quản lý, đặc biệt là khâu quản lý việc đưa người ra nước ngoài. Ngay từ trong nước các tổ chức của Chính phủ, doanh nghiệp… đưa người ra nước ngoài phải quản lý chặt chẽ, để không có chuyện người Việt Nam đi ra nước ngoài bất hợp pháp hay đi ra nước ngoài hợp pháp tuy nhiên ở nước sở tại lại sống không theo tổ chức đưa mình đi.

“Với người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, các cơ quan nhận hợp đồng làm rất tốt. Nhưng cũng có những người nhẹ dạ, bị lừa, sang nước ngoài bị bơ vơ, không được sự bảo hộ chặt chẽ. Luật tránh tính trạng người Việt Nam ra ngoài phải trốn chui, chốn lủi” - đại biểu Thích Bảo Nghiêm nói.

Theo TLĐ

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 4
  • 4
  • 8
  • 2
lên đầu trang