Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:07

Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:07

Tư vấn pháp luật

Cập nhật lúc 04:36 ngày 02/12/2019

Không muốn chuyển việc, bị kỷ luật lao động có đúng?

Hỏi: Tôi ký HĐLĐ không xác định thời hạn với công ty. Năm 2019, công ty có kế hoạch điều động NLĐ sang làm việc khác so với HĐLĐ với lý do thay đổi phương án sản xuất – kinh doanh. Tôi không đồng ý nhưng công ty vẫn ra quyết định điều chuyển tôi và sau đó ra quyết định kỷ luật tôi với hành vi vi phạm ở năm 2017 để hợp thức hóa việc điều chuyển. 

Đồng thời công ty đã không chi trả phần tiền lương cuối kỳ của tôi vào tháng 9,10 với lý do tôi không ký phụ lục HĐLĐ và và không áp dụng HĐLĐ đã ký với tôi. Công ty làm vậy đúng không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 31, Bộ luật Lao động 2012, thì khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, NSDLĐ được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của NLĐ.

Điều 124 Bộ luật Lao động 2012 quy định về thời hiệu  xử lý kỷ luật lao động như:

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng.

2. Khi hết thời gian quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 123, nếu còn thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động thì NSDLĐ tiến hành xử lý kỷ luật lao động ngay, nếu hết thời hiệu thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

Khi hết thời gian quy định tại điểm d khoản 4 Điều 123, mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

3. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Như vậy, nếu công ty bạn vì nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thì có quyền tạm thời chuyển bạn đi làm công việc khác so với HĐLĐ, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của bạn.

Về xử lý kỷ luật, nguyên tắc là NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ và phải thực hiện trong thời hiệu như đã nêu. Nếu quá thời hiệu trên thì NSDLĐ không còn được quyền xử lý kỷ luật NLĐ nữa và việc xử lý kỷ luật không có giá trị. Ngoài ra, hành vi bị xét kỷ luật còn phải được quy định trong Nội quy lao động.

Việc công ty giữ lương của bạn vì lý do không ký phụ lục HĐLĐ là sai, vì việc ký phục lục hay không phụ thuộc ý chí hai bên trên nguyên tắc tự do, bình đẳng khi thỏa thuận và tiền lương phải được trả trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn, trường hợp vì lý do đặc biệt khó khăn cũng không được trả chậm quá 30 ngày.

Văn phòng TVPL

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 2
  • 7
  • 0
  • 2
  • 6
lên đầu trang