Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 27/04/2024 | 10:52

Thứ bảy, 27/04/2024 | 10:52

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 04:02 ngày 29/11/2019

Làm thế nào để công đoàn tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động có hiệu quả?

Đó là ý kiến của đại biểu tại Hội thảo Công đoàn tham gia đào tạo và chuyển đổi nghề cho đoàn viên và người lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hôm 28/11.

Dự Hội thảo có các đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và các đại biểu đến từ các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, một số Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Công đoàn ngành, Công đoàn khu công nghiệp, các cơ sở giáo dục trong hệ thống công đoàn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu cho biết, trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có những người lao động phải thay đổi nghề do không còn khả năng thích ứng nghề cũ. Họ có thể phải tìm việc làm ở doanh nghiệp khác hoặc vẫn làm ở lại doanh nghiệp cũ nhưng phải làm công việc mới, với yêu cầu mới. Trước bối cảnh này, tổ chức Công đoàn phải hỗ trợ người lao động có việc làm bền vững, có việc làm mới bằng cách tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề cho họ.

Theo Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, qua tìm hiểu ở một số nước, khi có những biến đổi trong kinh tế xã hội, nhất là biến đổi về nghề nghiệp thì tổ chức công đoàn thường có chương trình chuyển đổi nghề cho người lao động.

Phó Chủ tịch mong muốn các đại biểu đánh giá thực trạng hiện nay; nêu bật những giải pháp mà tổ chức Công đoàn cần làm để giúp người lao động trong chuyển đổi nghề nghiệp. Đây cũng chính là những việc làm cụ thể mà tổ chức Công đoàn Việt Nam giúp người lao động - góp phần để đoàn viên, người lao động gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đóng góp các ý kiến về thực trạng công đoàn tham gia đào tạo và chuyển đổi nghề cho đoàn viên và người lao động hiện nay; đề xuất các giải pháp; đóng góp vào dự thảo đề án Công đoàn tham gia đào tạo và chuyển đổi nghề cho đoàn viên và người lao động giai đoạn 2019-2023 và định hướng đến năm 2030.

Theo ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng cho người lao động không chỉ là vấn đề của giáo dục mà còn là vấn đề của kinh tế, chính trị. Việc tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động cần phải đánh giá đúng cung – cầu, đó là số lượng người lao động, lĩnh vực cần được đào tạo, chuyển đổi.

Lấy ví dụ về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động vừa được kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV vừa bỏ phiếu thông qua và tình trạng một số doanh nghiệp sa thải, không tuyển dụng lao động sau 35 tuổi, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN - KCX Hà Nội Nguyễn Đình Thắng đánh giá, xây dựng đề án đào tạo, chuyển đổi nghề là một bước công đoàn chủ động giúp đoàn viên, người lao động thích ứng với những thay đổi của chính sách. Ông Thắng cho biết thêm, hầu hết công nhân lao động khi được tuyển dụng đều được doanh nghiệp đào tạo nhưng chỉ ở một công đoạn. Vì vậy, rất khó tìm việc mới hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.

Cùng ý kiến với ông Nguyễn Đình Thắng, đại diện của Công đoàn KCN Bắc Ninh bổ sung, hiện nay việc đào tạo nghề chưa được công nhân quan tâm, tự nguyện học tập, nâng cao trình độ. Công đoàn phải thương lượng với người sử dụng lao động đưa vào thỏa ước lao động tập thể thì công nhân mới tham gia.

 “Đào tạo, chuyển đổi nghề như thế nào, tập trung ở đâu, thuộc lĩnh vực gì… giúp công nhân khi mất việc có thể tìm việc làm mới để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống” – đó là trăn trở chung của nhiều đại biểu tham gia Hội thảo và là vấn đề đặt ra trong xây dựng Đề án Công đoàn tham gia đào tạo và chuyển đổi nghề cho đoàn viên và người lao động giai đoạn 2019-2023 và định hướng đến năm 2030.

Theo TLĐLĐVN

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 3
  • 0
  • 3
  • 6
  • 5
lên đầu trang