Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 13:07

Thứ sáu, 19/04/2024 | 13:07

Kinh nghiệm hoạt động

Cập nhật lúc 03:03 ngày 03/09/2019

Ngành xi măng trước đòi hỏi tối ưu hóa sản xuất

Trong những năm gần đây, sản lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng, clanhke của nước ta không ngừng tăng. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ được tăng trưởng, ngành xi măng cần có những bước chuyển biến toàn diện, đặc biệt là ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu và sử dụng hiệu quả tài nguyên.


Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng tiêu thụ nội địa

Suốt một thời gian dài, ngành xi măng đứng trước áp lực chênh lệch cung cầu lớn khi sản lượng sản xuất vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ nội địa. Do vậy, nhiều đơn vị sản xuất xi măng tìm hướng xuất khẩu. Năm 2018, xuất khẩu xi măng đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 30 triệu tấn. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa khoảng 64 triệu tấn, nâng nguồn cung xi măng đạt khoảng 95 triệu tấn. Theo ông Lê Thành Long, Giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, thị trường xuất khẩu xi măng tăng mạnh do nhu cầu cao từ các nước, như Trung Quốc, Philippines. Giá xi măng, clanhke xuất khẩu cũng tăng đáng kể so với năm 2017; đặc biệt, giá clanhke tăng từ 31 lên 41USD/tấn vào thời điểm cuối năm 2018 càng kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều hơn.


Dây chuyền sản xuất xi măng tại Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch.

Để đạt được mức sản lượng 95 triệu tấn, nhiều đơn vị sản xuất xi măng đã đẩy mạnh công suất, tăng số ngày chạy lò. Năm 2018, các nhà máy của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã huy động 94 - 95% công suất thiết kế, đạt mức tiêu thụ 29,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017, lượng tồn kho chỉ còn khoảng 10 ngày sản xuất, tương đương 900.000 tấn. Bên cạnh đó, VICEM đã xuất khẩu được 18% tổng sản phẩm, trong đó xi măng chiếm 70%, còn lại là clinker, góp phần tăng tổng doanh thu lên 10%, đạt 37.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017, đạt gần 3.000 tỷ đồng.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng giúp giảm áp lực tiêu thụ nội địa. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhìn nhận, hiện nay, nếu tính cả lượng xuất khẩu, thị trường xi măng không còn dư cung, thậm chí một số nơi có hiện tượng thiếu xi măng cục bộ. Tuy nhiên, không quá lo ngại đến khả năng thiếu xi măng bởi sức sản xuất của ngành xi măng rất cao, nhiều doanh nghiệp vượt công suất thiết kế 20 - 30%, nếu có nhu cầu có thể tăng năng suất. Với việc tăng cường tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu và cân đối nguồn cung, thị trường xi măng đang hướng đến tính ổn định, kiểm soát tình trạng cung vượt cầu.

Đổi mới công nghệ để tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu

Yêu cầu tái cơ cấu đã đặt ra với ngành xi măng trong nhiều năm qua, trước hết về công tác thị trường. Mặc dù xuất khẩu đang có những kết quả khả quan nhưng nếu xem đây là hướng đi chủ đạo trong thời gian tới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Một số nước nhập khẩu xi măng có thể áp dụng biện pháp tự vệ, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tác động đến sản lượng và giá cả, gây áp lực trở lại cho thị trường trong nước", ông Nguyễn Quang Cung bày tỏ.

Theo ý kiến các chuyên gia, sản lượng xuất khẩu xi măng nên duy trì ở mức 14 - 15 triệu tấn/năm. Năm 2019, kế hoạch đặt ra là xuất khẩu khoảng 20 - 25 triệu tấn xi măng, clinker. Theo ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc VICEM, Tổng Công ty không xem xuất khẩu là mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, chỉ tham gia xuất khẩu để nâng năng lực cạnh tranh, áp lực để tối ưu hóa sản xuất, cân đối dư thừa theo mùa vụ, còn lại sẽ tập trung điều phối năng lực sản xuất giữa 3 miền của cả nước để gia tăng giá trị.

Câu chuyện về một số nước thay đổi chiến lược của ngành xi măng từ sản xuất sang nhập khẩu clinker đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ. Xi măng là một ngành tiêu tốn nhiều năng lượng và sử dụng tài nguyên không tái tạo. Năm 2018, than trong nước cung ứng cho xi măng không đủ và bắt đầu phải nhập khẩu. Giá than chiếm 55 - 60% giá thành của xi măng. Năm 2018, giá than tăng hai lần, trong khi vì cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa nên giá bán xi măng vẫn ở mức thấp. Các doanh nghiệp xi măng đứng trước áp lực phải đổi mới công nghệ để giảm chi phí. "Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất xi măng hiện nay vẫn là nút thắt cần giải quyết để nâng hiệu suất sử dụng của dây chuyền. Định hướng của chúng tôi là hình thành các nhà máy có đủ quy mô về năng lực sản xuất để tạo nên sức cạnh tranh", ông Bùi Hồng Minh cho biết.

Trong thực hiện tái cơ cấu, VICEM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Bên cạnh tiêu chuẩn chung, VICEM cũng đưa ra các tiêu chuẩn về môi trường của riêng mình, bảo đảm không gian sống trong lành hơn ở khu vực xung quanh nhà máy.

Bộ Xây dựng hiện đang tiếp tục thực hiện đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Đây là giải pháp vừa giải tỏa quá tải cho các bãi chứa tro, xỉ vừa giúp ngành xi măng có nguồn nguyên liệu dồi dào. Đồng thời, các đơn vị sản xuất xi măng tiếp tục chương trình sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất, đá, hiện đại hóa quy trình từ sản xuất, quản lý đến bán hàng để phát huy hiệu quả tối đa, giúp ngành công nghiệp này hướng đến phát triển bền vững.

Theo ximang.vn
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 2
  • 7
  • 5
  • 2
lên đầu trang