Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:56

Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:56

Kinh nghiệm hoạt động

Cập nhật lúc 04:49 ngày 03/06/2019

Tai nạn lao động: Còn xem thường là còn trả giá

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất đóng vai trò then chốt nhưng yếu tố tiên quyết vẫn là ý thức chấp hành của người lao động và người sử dụng lao động

Trong gần 8.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra năm 2018, số người chết vì TNLĐ là 1.038. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn nhất là xây dựng; dệt may, da giày; khai thác mỏ, khai thác khoáng sản... Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động (NSDLĐ) không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đặc biệt là ý thức chấp hành nội quy lao động của người lao động (NLĐ) còn kém.

Làm qua loa, chiếu lệ

Góp ý tại hội thảo góp ý thực trạng và giải pháp nâng cao an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) do Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP và LĐLĐ quận 7, TP HCM tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đánh giá dù Luật AT-VSLĐ quy định rất rõ trách nhiệm của NSDLĐ và NLĐ trong công tác bảo hộ lao động (BHLĐ), song ở nhiều doanh nghiệp (DN), việc thực hiện chưa được nghiêm túc.

Một trong những trở ngại lớn nhất trong công tác AT-VSLĐ hiện nay chính là ý thức chấp hành kỷ luật lao động của NLĐ còn hạn chế. Phần lớn NLĐ từ các miền quê xa đến làm việc, chưa quen với nền nếp kỷ luật. Điển hình là khi được DN cấp phát trang phục BHLĐ (quần áo, găng tay, khẩu trang), NLĐ thường ít khi sử dụng với lý do vướng víu, khó thao tác cho dù đang làm việc trong môi trường độc hại, có nguy cơ cao về TNLĐ. Bà Nguyễn Thị Phát, Chủ tịch CĐ Công ty Nikkiso Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cho biết rất nhiều DN sớm hình thành mạng lưới an toàn, vệ sinh viên nhưng do không thường xuyên tổ chức huấn luyện định kỳ nên cũng không phát huy tác dụng. "Hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên chưa đi vào thực chất, thêm vào đó là DN thiếu kiểm tra, đôn đốc thì cho dù NLĐ được huấn luyện kỹ càng đến mấy thì TNLĐ vẫn có thể xảy ra" - bà Phát phân tích.

Ông Nguyễn Văn Lai, Chủ tịch CĐ Công ty Mtex Việt Nam (KCX Tân Thuận), thẳng thắn chỉ ra thực trạng vẫn còn nhiều DN thực hiện công tác AT-VSLĐ rất qua loa, chiếu lệ và đây chính là nguyên nhân TNLĐ vẫn xảy ra. "Trang bị đầy đủ BHLĐ nhưng không huấn luyện kỹ cho NLĐ cách thức vận hành máy móc an toàn, như vậy DN đã tự mình vô hiệu hóa công tác an toàn. Trong quá trình thao tác, vận hành máy móc, thiết bị, có nhiều thứ rất bất thường nhưng CN nhìn mãi theo thời gian thành bình thường, Do vậy, chỉ cần bất cẩn là NLĐ sẽ đối diện rủi ro" - ông Lai bày tỏ.

Chấn chỉnh từ sai sót nhỏ

Dẫn chứng trường hợp của đơn vị mình, ông Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch CĐ Công ty CX Technology Việt Nam (KCX Tân Thuận), nhìn nhận khó khăn lớn nhất trong việc bảo đảm an toàn lại chính là cách ứng xử cảm tính thường gặp. "Người Việt sống thiên về tình cảm nên thường dễ dãi, bỏ qua sai sót nhỏ. Những sai sót này nếu không được chấn chỉnh dần sẽ trở thành thói quen của NLĐ và khi xảy ra chuyện thì không kịp trở tay" - ông Toàn cho biết.

Cách đây không lâu, công ty nơi ông Toàn làm việc xảy ra một vụ TNLĐ. Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, ban giám đốc và CĐ cơ sở đã yêu cầu tất cả bộ phận, đặc biệt là NLĐ phải tự viết kế hoạch bảo đảm an toàn cho riêng mình. Bộ phận nào không thực hiện thì trưởng bộ phận sẽ bị phạt. Lập xong kế hoạch, nhân viên ở các bộ phận phải tuân thủ đến nơi đến chốn; nếu ai vi phạm thì trưởng đơn vị chịu phạt trước tiên. Hằng tháng, CĐ và ban giám đốc đều kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở từng bộ phận để góp ý chấn chỉnh. "Làm BHLĐ phải kiên quyết. Những gì còn bất cập thì phải khắc phục ngay, tránh nể nang, tình cảm, có như vậy mới bảo đảm an toàn cho NLĐ" - ông Toàn nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Phát, để bảo đảm ATLĐ, DN và tổ chức CĐ phải chung tay phối hợp hành động. Tại Công ty Nikkiso Việt Nam, các đội kiểm tra ATLĐ thường xuyên ghi nhận sai phạm trong ATLĐ của từng bộ phận để báo cáo, đề xuất ban giám đốc xử lý. Việc lắp camera ở các vị trí làm việc cũng giúp DN phát hiện những thiếu sót, từ đó nhắc nhở NLĐ thực hiện đúng quy trình ATLĐ. Chẳng hạn như khi phát hiện một CN vận hành xe nâng đội nón bảo hộ nhưng không cài quai, người quản lý lập tức mời CN đó lên nhắc nhở. "Về phía CĐ cơ sở cần thường xuyên giám sát môi trường và điều kiện làm việc của NLĐ để từ đó đề xuất DN khắc phục các rủi ro có thể xảy ra. Các cuộc họp giao ban cũng là dịp để CĐ cơ sở đưa ra các lưu ý các bộ phận nhắc nhở NLĐ nâng cao ý thức chấp hành quy định AT-VSLĐ" - bà Phát góp ý.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khăn về vấn đề xã hội hóa công tác kiểm định, huấn luyện và cấp chứng chỉ ATLĐ hiện nay. Việc cho phép nhiều đơn vị tư nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực này với đủ mức giá khiến chất lượng kiểm định bị thả nổi. Ông Trần Hảo Trí, Phó trưởng Phòng Quản lý lao động các KCX - KCN TP, đánh giá nhiều đơn vị chỉ thuần túy hoạt động vì lợi nhuận, cạnh tranh dẫn đến giảm thời gian huấn luyện, giảm chất lượng kiểm định, thậm chí cấp giấy khống. "Nếu ham rẻ mà để TNLĐ xảy ra thì chi phí DN bỏ ra để giải quyết hậu quả còn cao hơn rất nhiều" - ông Trí phân tích. 

Theo Báo NLĐ

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 2
  • 6
  • 3
  • 2
lên đầu trang