Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ ba, 23/04/2024 | 21:28

Thứ ba, 23/04/2024 | 21:28

Kinh nghiệm hoạt động

Cập nhật lúc 04:33 ngày 29/05/2019

TIẾP “LỬA” CHO NGÀNH CƠ KHÍ

Những năm gần đây, ngành cơ khí trong nước liên tục gia tăng số lượng doanh nghiệp (DN) và đạt được những thành tựu bước đầu. Để ngành cơ khí đủ sức cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài nỗ lực tự thân của DN, cũng cần sự tiếp sức thêm từ chính sách, đặc biệt hỗ trợ vốn đầu tư…

 

       Thành tựu chưa tương xứng

Cơ khí được xem là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các DN cơ khí trong nước. Tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD. Nhiều sản phẩm cơ khí trước đây phải nhập khẩu, đến nay từng bước đã được thay thế; dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã đồng bộ, các DN cơ khí làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể, một số đơn vị đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình trị giá hàng tỷ USD; sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, như hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW hay ở lĩnh vực cơ khí thủy công; đến nay, đã thực hiện trên 20 dự án thủy điện công suất lớn. Đối với chuyên ngành cơ khí giao thông, đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất các linh kiện, chi tiết thiết bị hỗ trợ, lắp ráp được các loại xe buýt đến 80 chỗ ngồi chất lượng cao với tỷ lệ nội địa hóa đến 40%; mở rộng chế tạo ô tô tải nặng và xe chuyên dụng đáp ứng yêu cầu sản xuất, phương tiện có chất lượng tương đương với các nước trong khu vực ASEAN. Trong chuyên ngành cơ khí nông nghiệp, đã tạo được nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất chế biến phục vụ nông nghiệp, như dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến tinh bột sắn, thiết kế chế tạo bơm chìm với công nghệ cao, bơm có công suất lớn đến 36.000m3/giờ, thay thế nhập khẩu. “Trước đây, tất cả dạng kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn của các nhà máy công nghiệp, dàn khoan dầu khí, công trình thủy điện, thủy lợi, nhà máy xi măng, hóa chất đều phải mua của nước ngoài. Nhưng nay, Việt Nam đã chủ động được với tỷ lệ nội địa hóa cao. Việt Nam cũng có thể đóng tàu 70.000 - 105.000 tấn”, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí (Vami) Việt Nam Đào Phan Long phấn khởi thông tin.

Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng cũng phải nhìn nhận một cách thực tế, ngành cơ khí trong nước còn rất nhiều hạn chế. Cụ thể, năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng DN quá ít so với tổng số DN cả nước, nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn, chưa chủ động được về nguyên vật liệu, liên kết giữa các DN trong ngành còn kém, khả năng hấp thụ công nghệ các DN trong nước còn yếu… Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những nhân tố mới xuất hiện đã đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí, cần những giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các DN cơ khí.

Chính sách đi trước đón đầu

Nhằm hiến kế để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí trong nước, trong nhiều hội nghị, hội thảo gần đây, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TPHCM (Hamee) Đỗ Phước Tống đề nghị, cần có các chính sách hỗ trợ DN vay vốn đầu tư vào thiết bị, máy móc, nhà xưởng sản xuất; xây dựng các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ; quy hoạch. Tạo điều kiện và có chế độ ưu đãi cho DN cơ khí được vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với chi phí hợp lý. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển nhân lực công nghiệp cơ khí; hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao trình độ kỹ thuật của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên ở các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ chế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ thuật từ DN FDI sang DN Việt Nam. Mặt khác, các DN cơ khí cần chủ động cơ cấu lại sản xuất, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị DN, tìm mọi cách giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; kết nối và liên kết các DN cùng ngành nghề.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Vami, cho rằng Việt Nam đi sau thế giới vài thế kỷ; do đó để sản phẩm cơ khí  trong nước hòa nhập, thay thế được hàng nhập khẩu, thì cần phải tạo động lực để thực hiện thành công. Trước mắt ngành cơ khí phải có vốn đầu tư, bởi đây là điều kiện tiên quyết để có thể có được nguồn vốn đầu tư trang thiết bị tiên tiến, nếu muốn làm ra những sản phẩm chất lượng cao. Kế đến, muốn đạt được các tiêu chí cạnh tranh của sản phẩm thì sản phẩm cơ khí  phải được những cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề tạo ra. Như vậy mới có năng suất cao để cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Đây là 2 yếu tố rất quan trọng của ngành công nghiệp cơ khí. Bên cạnh đó, Chính phủ phải tạo đầu ra để các sản phẩm cơ khí có cơ hội đưa ra thị trường. Mặt khác, đi đôi với những yếu tố về tài chính, yếu tố đào tạo con người, yếu tố đầu ra của sản phẩm, còn là những chính sách về khoa học và công nghệ đầu tư cho cơ khí phải tập trung và hết sức linh hoạt. “Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, rất cần có những chính sách đi trước đón đầu. Có như vậy, chất lượng và năng lực chế tạo cơ khí mới có thể theo kịp với nhu cầu của thị trường thế giới”, nguyên Chủ tịch Vami Nguyễn Văn Thụ nói.

Nguồn: vami.com.vn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 8
  • 2
  • 8
  • 3
  • 6
lên đầu trang