Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:45

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:45

Tin ngành XD

Cập nhật lúc 09:28 ngày 02/12/2014

35 năm ngày khởi công Công trình Thuỷ điện Hoà Bình

Mang tầm vóc thế kỷ, một công trình xây dựng có quy mô cơ sở vật chất và kỹ  thuật vào loại lớn nhất Việt Nam trong thế kỷ 20. Thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà mãi mãi là niềm tự hào, sự ngưỡng mộ của cả dân tộc ta khi đặt những bước đi đầu tiên trên chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ba mươi nhăm năm đã trôi qua kể từ ngày khởi công công trình 6/11/1979, hôm nay thủy  điện Hòa Bình vẫn ngời sáng trên Sông Đà, một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam- Liên Xô, dòng điện từ đây vẫn tỏa sáng mọi miền đất nước.

Anh lên đây với quê Em / Đất Mường xây thành phố mới / Sông Đà, Sông Đà âm vang tiếng máy reo / Sông Đà, Sông Đà ta đi xây ước mơ… Giai điệu và ca từ của ca khúc “ Tiếng gọi Sông Đà” của nhạc sĩ Trần Chung vang lên vào những ngày thu này như đưa chúng ta trở về với Công trường xây dựng thủy điện Hòa Bình 35 năm về trước. Trời Hòa Bình vào thu thật đẹp nước Sông Đà sau những ngày đỏ đục đã bắt đầu trong trở lại, từng đàn cò trắng di trú về hạ lưu và lòng hồ thủy điện bay rợp trời, đất trời thanh bình và êm ả như đối ngược với không khí sôi nổi ầm vang tiếng máy, tiếng mìn phá đá của ngày ấy, ngày mà cả nước hướng về Sông Đà để chung vui và chứng kiến lễ khởi công Công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Ngay từ những năm 1958- 1963 của thế kỷ 20 khi đất nước vẫn còn chia cắt, Trung ương Đảng, Bộ chính trị đã có chủ trương, sách lược phát triển kinh tế và điện khí hóa sẽ đi trước một bước. Thực hiện chủ trương đó của Trung ương Đảng đoàn cán bộ thăm dò mở tuyến của Bộ Thủy lợi đã tiến hành lên Sông Đà thăm dò, khảo sát cùng các chuyên gia Liên Xô lập bản đồ, xác định và chọn vị trí cho nhà máy thủy điện tương lai. Qua bao vất vả gian chuân cuối cùng các cán bộ khảo sát của Việt Nam và chuyên gia đã quyết định chọn vị trí xây dựng nhà máy thủy điện tại khu vực Thị xã Hòa Bình làm địa điểm xây dựng công trình đầu mối thủy lực đầu tiên trong sơ đồ bậc thang sông Đà. Ngày 4 tháng 7 năm năm 1973 Chính phủ ủy quyền cho Ban kiến thiết cơ bản Nhà nước phê duyệt “ Luận chứng cơ sở kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình” do Viện thiết kế thủy công Liên Xô lập. Ngày 16 tháng 12 năm 1974 Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Ban quản lý xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện trên sông Đà. Năm 1976 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt “Thiết kế kỹ thuật” công trình, đầu năm 1978 Chính phủ chuyển giao nhiệm vụ xây dựng công trình cho Bộ Điện và Than. Sau gần 10 năm được sự chỉ đạo của Chính phủ và các Ban, Ngành chức năng, sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần của nhà nước Liên Xô, các chuyên gia và các nhà khoa học Việt Nam. Bản thiết kế công trình hoàn thành vào cuối năm 1979.  Để chuẩn bị các cơ sở vật chất, nhân lực cho công trình hàng vạn thanh niên của các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã được tuyển chọn đào tạo để trở thành những công nhân kỹ thuật phục vụ xây dựng công trình, gần một ngàn chuyên gia Liên Xô đã lên đường sang Việt Nam giúp ta xây dựng, Đoàn 565 Anh hùng Bộ đội Trường Sơn vừa rời chiến trường được điều động về công trường bước vào cuộc chiến đấu mới, hàng loạt các công trình phụ trợ như nhà ở cho CBCNV, trường học, bệnh viện và khu làng chuyên gia được gấp rút xây dựng phục vụ cho công trường. Sau khi hoàn thành luận chứng kinh tế, báo cáo Đảng, nhà nước, ngày khởi công được ấn định. Đúng 10h ngày 6 tháng 11 năm 1979 cả nước hướng về Hòa Bình mừng ngày khởi công xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Uỷ viên Bộ Chính trị- Phó thủ Tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị chính thức phát lệnh khởi công công trình. Sau lễ khởi công các hạng mục công việc của công trình được tiến hành thi công tổng lực từ năm 1980. Trong thời gian này các thiết bị, xe máy, vật tư phục vụ cho việc thi công được nhà nước Liên Xô giúp đỡ đã cập cảng Hải phòng, hàng loạt thiết bị máy móc lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đã xuất hiện tại công trường đó là những chiếc xe Ben-La 27 tấn, máy xúc EKG 4,6 khối máy khoan hiện đại, máy phun bê tông, cùng hàng ngàn xe ô tô trọng tải lớn v…v đã tập kết tại công trường để chuẩn bị cho những đợt thi công tổng lực sắp tới.  Công tác tái định cư và di dân lòng hồ cũng được tiến hành chuẩn bị cho bà con các dân tộc chỗ định cư mới nhường nơi ở cũ cho khu vực lòng hồ rộng lớn sau này. Với khí thế sôi động của công trường ngày 6 tháng 10 năm 1982 Nhà nước đã quyết định công nhận công trường là “ Công trường thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh”. Cả nước đều cổ vũ và giúp đỡ công trường bằng cả tinh thần và vật chất tất cả cho mục tiêu lấp sông  vào cuối năm 1982.

Sau 4 năm khẩn trương xây dựng các công trình đầu mối ngày 12 tháng 1 năm 1983 lễ ngăn Sông Đà đợt 1 được tiến hành, đây là một mốc lịch sử quan trọng của công trình thủy điện Hòa Bình và cũng là niềm hân hoan chung của toàn công trường, là niềm vui của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã đại diện cho nhân dân và CBCNV cả nước trịnh trọng ném khối bê tông tượng trưng để thực hiện sự kiện lấp sông vĩ đại này, từ đây dòng Sông Đà chính thức bị ngăn lại chảy theo thiết kế của con người. Ba năm sau ngày 9 tháng 1 năm 1986 tiến hành ngăn Sông Đà đợt 2. Thời khắc ngăn sông đợt 2 cũng là một thời điểm vô cùng trọng đại mà những người thợ sông Đà còn nhớ mãi, khi hợp long ngăn sông, từ hai bên bờ sông hàng ngàn kỹ sư, công nhân, bộ đội và chuyên gia Liên Xô vui sướng gặp nhau những nụ cười, có cả những dòng nước mắt mừng vui xúc động.

Sau lễ lấp sông lần thứ hai toàn công trường lại tiếp tục gấp rút thi công để chuẩn bị cho khởi động tổ máy số 1 vào năm 1987. Đây là thời điểm thi công phức tạp nhất của các công trình ngầm những khẩu hiệu bằng cả hai thứ tiếng Việt Nga xuất hiện trên khắp công trường như: “ Vinh quang thay những người xây dựng thủy điện; Tất cả cho mục tiêu phát điện tổ máy 1 đúng tiến độ; “Hỡi sông Đà chúng ta chinh phục ngươi” ; và đặc biệt trong chiến dịch đắp đập vượt lũ năm 1988 một mất một còn có một khẩu hiệu : CAO ĐỘ 81 HAY LÀ CHẾT- Làm sôi động khắp cả công trường. Việc chống lũ cho công trường hết sức khẩn trương, nước thượng lưu đang lên cao, mức nước cho phép lên đến cao độ 82 trong khi nơi sâu nhất của gian máy là âm 23,3 mét, cả công trường thi công liên tục dồn sức cho chống lũ thắng lợi, toàn công trường coi mỗi vị trí thi công là một mặt trận, nên dù khó khăn gian khổ và cả hy sinh nhưng tất cả CBCNV, các chuyên gia đều không ai rời vị trí mỗi khi xảy ra sự cố, trên công trường Thanh niên Cộng sản liên tục phát động những cuộc thi đua rất nhiều tấm gương lao động sáng tạo đã được phát huy nhiều cá nhân xuất sắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngay tại công trường như: Anh hùng lao động Lê Thị Ngừng nữ lái máy xúc EKG duy nhất của công trường, Anh hùng Trần Thọ Chữ, Anh hùng Nguyễn Huyền Chiệc, Anh hùng Đào Công Chững, Anh hùng Nguyễn Hữu Tươi- Đó là các gương mặt Anh hùng tiêu biểu đã góp phần làm nên nguồn sáng sông Đà. Và cuối cùng bằng tinh thần lao động quên mình bằng khoa học kỹ thuật những chàng Sơn Tinh của thế kỷ 20 đã chiến thắng để :

Ngày 24 tháng 12 năm 1988 vào lúc 14h10 phút một sự kiện trọng đại của công trường cũng là một dấu ấn lịch sử, tua bin tổ máy số 1 bắt đầu quay vòng quay đầu tiên, đánh dấu kết quả của 9 năm lao động quên mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc của gần 4 vạn cán bộ công nhân viên và Chuyên gia trên công trường, của những người thợ hầm, thợ lắp máy Việt Nam lần đầu tiên thi công và xây dựng một công trình vĩ đại và họ đã thành công. Thành công nối tiếp thành công liên tục các năm tiếp theo các tổ máy từ số 2 đến tổ máy số 8 lần lượt khởi động và chính thức phát điện.

      Ngày 4 tháng 11 năm 1989 khởi động tổ máy số 2

      Ngày 27 tháng 3 năm 1991 khởi động tổ máy số 3

      Ngày 19 tháng 12 năm 1991 khởi động tổ máy số 4

      Ngày 15 tháng 1 năm 1993 khởi động tổ máy số 5

      Ngày 29 tháng 6 năm 1993 khởi động tổ máy số 6

      Ngày 7 tháng 12 năm 1993 khởi động tổ máy số 7

      Ngày 4 tháng 4 năm 1994 khởi động tổ máy số 8.

Chiến thắng nào cũng có sự hy sinh, để có dòng điện sông Đà tỏa sáng ngày hôm nay 168 người con đất Việt và những chuyên gia của Liên bang Xô Viết đã ngã xuống, những cái tên của họ còn mãi mãi ỏ lại với sông Đà. Tại Đài tưởng niệm những người đã hy sinh cho công trình thế kỷ còn ghi dòng chữ của những người cùng thời “ Tổ quốc ghi công các bạn”. Sự hy sinh của họ đã tạc vào lịch sử xây dựng đất nước, trí tuệ và lòng quả cảm đó sẽ mãi mãi tỏa sáng cùng dòng điện sông Đà soi dọi tới tương lai.

Việc xây dựng thành công công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà còn gắn liền với các thương hiệu nổi tiếng sau này như Li La Ma; Tổng công ty Sông Đà; Tổng công ty xây dựng 565, từ sông Đà họ đã có mặt trên hầu khắp các công trình trọng điểm của đất nước và cũng từ đây một thế hệ công nhân kỹ thuật, các cán bộ quan trọng của đất nước được rèn luyện thử thách và trưởng thành. Đúng như Bộ chính trị với tầm nhìn chiến lược ngay từ những ngày đầu chuẩn bị xây dựng công trình đã khẳng định : “ Vì nước ta còn phải xây dựng tiếp theo nhiều công trình thủy điện và thủy lợi lớn khác cho nên Bộ thủy lợi có nhiệm vụ xây dựng một lực lượng chuyên, mạnh và giỏi, thống nhất chỉ đạo các khâu quy hoạch, khảo sát thiết kế và thi công, lấy công trường Hòa Bình làm trung tâm đào tạo và rèn luyện đội ngũ, tiến tới sau này tự mình xây dựng lấy các công trình”.

Năm 1994 kết thúc 15 năm chính thức xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, đưa lại nguồn năng lượng lớn cho nền kinh tế quốc dân, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới đất nước. Hôm nay đây công trình thế kỷ vẫn ngời sáng trên sông Đà, kể từ khi tổ máy số 1 chính thức phát điện lên lưới quốc gia đến nay thủy điện Hòa Bình đã cung cấp gần 185 tỷ kw giờ điện phục vụ đất nước, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước.

Thấm thoát đã 35 năm trôi qua, thời gian đủ trưởng thành cho một thế hệ, dòng sông Đà mãi mãi chảy, trong hùng tráng của sóng nước Đà giang bỗng thấy bâng khuâng xúc động nhớ về một thời hào hùng khi tiếng mìn đầu tiên vang lên báo hiệu khởi công Công trình. Một bản hùng ca của những người thợ Việt Nam khi đặt nền móng cho Công trình Thế kỷ, hôm nay đây Công trình nhà máy Thủy điện Hòa Bình vẫn trang nghiêm tọa lạc và ngời sáng trên sông Đà, mãi mãi là niềm tự hào của một thế hệ đã tham gia làm nên một kỳ tích của thế kỷ 20. Trong thời gian thi công công trình được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và nhân dân Liên Xô với sự giúp đỡ và tình hữu nghị thủy chung đã xây đắp nên một biểu tượng vô cùng cao đẹp của tình hữu nghị. Trong khuôn viên của Bảo tàng xây dựng thủy điện có một khối bê tông mà ngày trước công trường dùng để lấp sông, trong khối bê tông được đặt một bức thư gửi cho thế hệ mai sau, sẽ được mở vào năm 2100, nhưng ngay từ bây giờ thế hệ trẻ lên với công trình thế kỷ đều vô cùng ngưỡng mộ và khâm phục những gì mà Cha Anh họ đã xây dựng nên 35 năm về trước. Xin được dẫn những lời tổng kết khi hoàn thành công trình thế kỷ của các Đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để kết thúc cho bài viết này: “ Dù cho mai sau chúng ta có đủ sức mạnh và trí tuệ xây dựng những công trình lớn hơn rất nhiều nhưng với công trình thuỷ điện Hòa Bình thì nét đặc thù, sự độc đáo và tính lịch sử của nó khó có công trình nào sánh nổi”.

Quách Đức Toàn
Theo: thuydienhoabinh.vn
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 0
  • 2
  • 6
  • 8
lên đầu trang