Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:19

Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:19

Kinh nghiệm hoạt động

Cập nhật lúc 04:22 ngày 08/07/2020

Vicem Bút Sơn: Lợi ích to lớn từ việc tận dụng nhiệt dư sản xuất xi măng để phát điện

Trong điều kiện giá các loại nguyên liệu như: điện, than và các nguyên liệu đầu vào khác không ngừng tăng lên, buộc các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải tính toán, tiết kiệm tối đa các chi phí, trong đó có chi phí về năng lượng điện. Do đó, tận dụng nhiệt thừa để phát điện đã và đang được các doanh nghiệp xi măng từng bước triển khai nhằm giảm tiêu hao điện năng và góp phần xử lý môi trường.

Tại Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn hiện đang tích cực triển khai xây dựng hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện ở các dây chuyền sản xuất xi măng. Theo đó, trạm phát điện nhiệt thải khi hoạt động có tổng công suất phát điện 10,5MW. Nguồn điện phát ra được hòa vào lưới điện của nhà máy. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 453,3 tỷ đồng cho các thiết bị lò hơi PH (PH1 và PH2), lò hơi AQC, hệ thống turbine, máy phát điện... với tổng công suất lắp đặt 12 MW, bao gồm 2 tổ máy turbine phát điện, mỗi tổ máy có công suất 6 MW. 

Bà Lê Thị Minh Lý, Phó Trưởng phòng Kế hoạch (Ban quản lý dự án xi măng Bút Sơn 2) cho biết: Việc đầu tư hệ thống phát điện sử dụng nhiệt khí thải của dây chuyền sản xuất nhằm triệt để tận dụng các nguồn năng lượng; sản xuất được một lượng điện bằng 20-30% nhu cầu cho sản xuất của toàn nhà máy với giá thành rẻ hơn giá điện hiện nay, góp phần làm giảm chi phí sản xuất xi măng và nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm của công ty trên thị trường.

Được biết, Vicem Bút Sơn là đơn vị đầu tiên được Vicem Việt Nam lựa chọn đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ tận dụng nhiệt dư để phát điện. Hệ thống sản xuất điện năng của Vicem Bút Sơn được nhập khẩu từ Nhật Bản, hằng năm sẽ cung cấp khoảng 76.608.000 kW. Dự án này nhằm thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường, giảm chi phí sản xuất, tận dụng nhiệt khí thải ra, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng giai đoạn 2011- 2020, định hướng đến năm 2030.

Quá trình sản xuất xi măng phải sử dụng một lượng điện rất lớn. Việc đầu tư các trạm phát điện tận dụng nhiệt dư trong quá trình sản xuất sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Bởi việc đầu tư không những giúp các cơ sở chủ động trong sản xuất, tối ưu hoá thiết bị, nhanh chóng thu hồi vốn sau một thời gian ngắn mà còn giúp giảm áp lực thiếu điện cho cả ngành điện và toàn xã hội. 

Theo VICEM Bút Sơn

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 3
  • 2
  • 2
  • 8
lên đầu trang