Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:06

Thứ bảy, 20/04/2024 | 16:06

Kinh nghiệm hoạt động

Cập nhật lúc 08:49 ngày 27/05/2020

Việt Nam có đón được làn sóng chuyển dịch các nhà máy ra khỏi Trung Quốc ?

Với hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ logistic, chính sách thu hút đầu tư… như hiện nay thì khả năng Việt Nam nắm chắc được cơ hội này rất nhỏ. Bởi các nước trong khu vực Đông Nam Á đang có thế mạnh vượt trội hơn
Là một người làm lâu năm trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, ông Phan Văn Chính – Trưởng phòng Đầu tư Tổng Công ty IDICO đã có cuộc trao đổi về cơ hội và thách thức trước làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng của các công ty nước ngoài ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Ông Phan Văn Chính – Trưởng phòng Đầu tư Tổng Công ty IDICO
Ông nhận định gì về bức tranh toàn cảnh hiện nay?

Ông Phan Văn Chính: Đừng tưởng với phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa các nhà máy ra khỏi Trung Quốc mà mừng vội. Hãy nhìn thực tế của Việt Nam như thế nào? Chúng ta có gì cho cơ hội này?

Đối với một nhà sản xuất lợi nhuận đạt 10% đã là siêu lợi nhuận rồi. Nên họ sẽ cân nhắc khi di chuyển sang một quốc gia khác hiệu quả các nhà đầu tư có đạt 10% hay không ? Liệu hạ tầng chi phí, nhân công, năng suất Việt Nam có đáp ứng bù được 10% này hay không? Do đó theo tôi Mỹ, Nhật có thể đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc (TQ) khi và chỉ khi các thuế suất ưu đãi ở các nước khác vượt quá 10%.

Trước tình hình Nhật Bản cũng muốn di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi TQ nhưng các nhà làm luật của TQ sẽ đưa ra các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật… để giữ chân các nhà đầu tư Nhật nên việc rút ra ngay là khó. Và sẽ có độ trễ 1 -2 năm và lúc này tình hình đã khác rồi, các nhà đầu tư sẽ lại trì hoãn.

Thêm nữa thị trường TQ có nhiều yếu tố không dễ cạnh tranh: Dân số đông, các chi phí tại TQ thấp hơn VN. Chúng ta chưa cạnh tranh được với TQ về hạ tầng, logictics, năng suất lao động, Và quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào TQ

Xin ông cho biết chúng ta đang ở đâu trong khu vực Đông Nam Á?

Ông Phan Văn Chính: Cơ hội chia đều cho tất cả các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, theo các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu tại Việt Nam cho rằng:  VN chưa hẳn có lợi thế về gas, năng lượng so với Indonesia giá vẫn cao hơn. Chi phí hạ tầng chưa cạnh tranh được, chi phí sản xuất có thể giảm 2% nhưng so với chi phí marketing và chi phí logistics thì VN không cạnh tranh được với các nước kia. Chưa ai tính được bài toán từ VN đi Châu Âu lợi hơn các nước kia hay không? Nói một cách công bằng hiện nay chúng ta chỉ có nhân công rẻ nhưng năng suất lao động kém thì đó cũng không phải là lợi thế.

Hơn thế nữa các chi phí không chính thức cao, khiến cho chỉ số minh bạch thấp và đương nhiên chỉ số cạnh tranh không cao. Chúng ta chỉ hơn các nước khác ổn định chính trị và tôn giáo nhưng xét về chi phí không cạnh tranh thì các nhà đầu tư chắc chắn sẽ phải tính toán. Mặt khác chính sách lại không ổn định. Nhà đầu tư muốn minh bạch rõ ràng ngay từ khâu đầu tư.

Hạn chế lớn nhất khiến các nhà đầu tư dè dặt không chọn Việt Nam chính là tiền thuế đất phải đóng hàng năm trong khi chi phí thuê hạ tầng họ đóng luôn 50 năm nhưng tiền thuê đất phải đóng hàng năm mà mỗi năm lại điều chỉnh (dù chi phí này rất nhỏ so với chi phí thuê hạ tầng nhưng họ không tính toán được chi phí đầu vào cho tương lai vì độ rủi ro cao nếu có sự biến động về giá.

Cái họ cần là minh bạch về chi phí nên chính vì những điều này đã khiến họ quay lưng tìm thị trường khác do vậy lợi thế cuộc chơi của Việt Nam bị giảm đi.

 Theo ông có hay không việc tăng giá bất động sản công nghiệp và tăng giao dịch tại các khu công nghiệp?

Ông Phan Văn Chính: Thực tế là có một số khu công nghiệp tăng giá nhưng điều đó không nói lên bản chất rằng mảng bất động sản công nghiệp đang thực sự rất thu hút. Vì cũng giống như giao dịch cổ phiếu có thể có nhiều lệnh đặt nhưng không có giao dịch khớp lệnh. Giá bất động sản công nghiệp tăng là do giá đền bù đất tăng cao trong mấy năm gần đây kéo theo cơ cấu giá thành cao và các chủ đầu tư khu công nghiệp buộc phải tăng giá.

Bản thân Công ty IDICO của chúng tôi trước dịch Covid – 19 có khoảng 100 nhà đầu tư đủ ngành nghề từ kho bãi, thực phẩm, nông sản… đến tìm hiểu để lựa chọn đầu tư, mặc dù chưa hết dịch chúng tôi đã gọi lại nhưng họ đều từ chối chưa và nói là chưa có kế hoạch đầu tư và cần đợi kế hoạch của công ty mẹ.

Điều đó cho thấy bức tranh các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến VN như một làn sóng chuyển dịch là không có. Vì VN muốn hấp dẫn các nhà đầu tư thì cần phải thay đổi rất nhiều chứ không chỉ có hạ tầng xây sẵn là các khu công nghiệp là có thể chào đón được các doanh nghiệp.

Hy vọng với sự điều chỉnh chính sách nhanh và uyển chuyển từ Chính phủ sẽ giúp  chúng ta không lỡ nhịp cơ hội vàng lần nữa trong thế cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Theo IDICO

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 5
  • 9
  • 8
  • 8
lên đầu trang