Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:17

Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:17

Kinh nghiệm hoạt động

Cập nhật lúc 02:15 ngày 15/05/2020

VICEM Bỉm Sơn – Phát huy truyền thống, vững tiến tương lai

Ngày 4-3-1980, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 334-BXD-TCLĐ thành lập Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, tiền thân của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn ngày nay. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, cùng với truyền thống hào hùng 120 năm ngày ra đời ngành xi măng Việt Nam, Vicem Bỉm Sơn ngày càng phát triển lớn mạnh, trở thành trụ cột của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp Thanh Hóa.
Niềm tự hào của nền công nghiệp Việt Nam

Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta còn rất ác liệt, với tầm nhìn xa, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xây dựng một số nhà máy xi măng hiện đại, công suất lớn để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh.

Năm 1968, Đoàn Địa chất 306 được giao nhiệm vụ khảo sát địa chất để nghiên cứu thiết kế nhà máy. Từ định hướng và quyết tâm cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng sự giúp đỡ của Liên Xô, ngày 3-2-1976, đúng vào dịp kỷ niệm 46 năm Ngày thành lập Đảng, công trình xây dựng Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn chính thức được khởi công. Đây là công trình do Liên Xô giúp đỡ với 2 dây chuyền sản xuất theo phương pháp ướt, công suất mỗi dây chuyền 600.000 tấn sản phẩm/năm. Trước tình hình đất nước còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, tại khu vực phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa, một công trường lớn với hàng chục nghìn lao động từ khắp mọi vùng quê tỉnh Thanh và nhiều địa phương khác đã hội tụ về đây sát cánh cùng gần 300 chuyên gia Liên Xô không quản ngày đêm và bao khó khăn gian khổ, chung một mục tiêu, chung một ý chí “Bắt hang động phải cúi đầu cho nhà máy mọc lên”. Một khối lượng công việc khổng lồ với gần nửa triệu m3 đất đá được đào đắp, trên 330.000 m3 bê tông được đổ, gần 200.000 tấn thiết bị, kết cấu kim loại được vận chuyển lắp đặt nhanh chóng được triển khai. Sau hơn 5 năm thi công, ngày 22-12-1981, dây chuyền lò nung số 1 đã đi vào hoạt động, cho ra mẻ clanh-ke đầu tiên. Ngày 28-12-1981 những bao xi măng PC400 mang nhãn hiệu con voi được xuất xưởng trong niềm vui nức lòng của cán bộ, công nhân nhà máy và nhân dân địa phương. Với tinh thần cách mạng tiến công, ngày 6-1-1983, trong giai đoạn hết sức khẩn trương, vừa sản xuất, vừa thi công, dây chuyền số 2 được hoàn thành và đi vào sản xuất, kết thúc quá trình thi công xây dựng nhà máy.

Những lớp cán bộ, công nhân lao động đầu tiên với tinh thần vừa học vừa làm đã nhanh chóng tiếp cận, từng bước làm chủ kỹ thuật, vận hành nhà máy ổn định.

Bước vào những năm đầu thập kỷ 90, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, tại Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, các cơ chế quản lý mới được đưa vào áp dụng như hạch toán phân xưởng, khoán sản phẩm, trả lương theo đơn giá, xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật... nhờ vậy đã tạo động lực thúc đẩy tăng năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Năm 1990 lần đầu tiên nhà máy đã sản xuất được trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm, năm 1993 đã sản xuất được 1.219.000 tấn sản phẩm/năm và từ đó liên tục vượt công suất thiết kế, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, tiền lương của người lao động nhờ đó cũng tăng nhanh. Sản phẩm xi măng nhãn hiệu con voi do Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn sản xuất đã tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm của quốc gia như: Thủy điện Hòa Bình, cầu Thăng Long, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cung văn hóa hữu nghị Việt-Xô, Nhiệt điện Phả Lại... góp phần vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước.

Với tầm nhìn và ý nghĩa lịch sử, Công trình Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn cho đến nay vẫn là biểu tượng cho ý chí quyết tâm và tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô. Là niềm tự hào của nền công nghiệp Việt Nam, là cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp Thanh Hóa.

Tăng cường đầu tư, hiện đại hóa sản xuất

Ngày 1-9-1993, Bộ Xây dựng quyết định sáp nhập Công ty Kinh doanh vật tư số 4 vào Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn và đổi tên thành Công ty Xi măng Bỉm Sơn – đơn vị thành viên của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Từ đây công ty thực hiện đầy đủ chức năng của một doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xi măng.


Những năm đầu thế kỷ 21, tình hình kinh tế nước ta tiếp tục khởi sắc với nhịp độ tăng trưởng cao, nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng nhanh là điều kiện thuận lợi để ngành xi măng tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, dây chuyền công nghệ của nhà máy đã trở nên lạc hậu, năng suất thấp, chi phí cao... gây bất lợi cho công ty trong quá trình cạnh tranh và hội nhập.

Đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa nhà máy đã trở thành “Mệnh lệnh và nhiệm vụ sống còn” của công ty. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa và sự giúp đỡ của các cấp, ngành cùng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động đã giúp Công ty Xi măng Bỉm Sơn từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.

Tháng 3-1994, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương “Cải tạo, chuyển đổi công nghệ từ ướt sang khô, nâng công suất lò nung số 2 từ 1.750 tấn Clinker/ngày lên 3.500 tấn Clinker/ngày, nâng công suất từ 1,2 triệu tấn lên 1,8 triệu tấn sản phẩm/năm”. Từ thành công của dự án, ngày 4-4-2004, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư “Dự án dây chuyền mới 2 triệu tấn/năm Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn”. Hãng công nghiệp nặng IHI (Nhật Bản) tiếp tục được lựa chọn là nhà “cung cấp thiết kế, vật tư thiết bị và dịch vụ kỹ thuật”. Ngày 1-3-2010, lò nung dây chuyền mới 2 triệu tấn/năm đã sản xuất ra tấn clinker đầu tiên. Kể từ đây, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn với 2 dây chuyền sản xuất hiện đại, có công suất thiết kế 3,2 triệu tấn sản phẩm/năm. Đây là cơ sở để đến tháng 10-2010 nhà máy chính thức dừng sản xuất dây chuyền lò nung số 1 theo phương pháp ướt kém hiệu quả. Nhằm đồng bộ hóa sản xuất, ngày 29-10-2016, dự án chuyển đổi công nghệ nghiền xi măng đến đóng bao mới được khởi công. Nhà thầu Looscher (Đức) được lựa chọn là nhà “Cung cấp thiết kế, thiết bị và dịch vụ kỹ thuật”. Ngày 20-9-2019, máy nghiền xi măng đã chính thức đi vào hoạt động với năng suất, chất lượng sản phẩm đến nay đã đạt chỉ tiêu bảo hành.

Không dừng lại ở đó, hiện tại, công ty đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án quan trọng như: Dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện; chuẩn bị các điều kiện sử dụng nguyên liệu thay thế hóa thạch trong việc góp phần xử lý môi trường, giảm tiêu hao nguyên liệu hóa thạch, cải tạo nâng cấp hệ thống lọc bụi... phấn đấu trong một tương lai không xa, nhà máy thực sự là một cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường.

Phát huy truyền thống, vững tiến tương lai

Song song với hai công tác trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư mở rộng hiện đại hóa nhà máy, công tác đổi mới doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng được khẩn trương thực hiện. Công ty Xi măng Bỉm Sơn được lựa chọn là đơn vị đầu tiên của tổng công ty tiến hành cổ phần hóa. Ngày 1-5-2006, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn chính thức đi vào hoạt động, đến ngày 24-11-2006, cổ phiếu của công ty mang mã chứng khoán BCC đã chính thức giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, công ty không những phát huy tốt thành quả truyền thống của doanh nghiệp mà còn đổi mới trên nhiều mặt, dân chủ, đoàn kết nội bộ được tăng cường; vai trò lãnh đạo của đảng ủy ngày càng được khẳng định; các tổ chức chính trị xã hội hoạt động hiệu quả; sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng trưởng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt trong năm 2019, thực hiện đề án tái cơ cấu của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, thương hiệu Xi măng Tam Điệp đã được sáp nhập vào Xi măng Bỉm Sơn, hợp nhất thành thương hiệu “Vicem Bỉm Sơn”. Việc sáp nhập này mang đến một sức mạnh mới đối với Xi măng Bỉm Sơn với năng lực sản xuất hàng năm gần 7 triệu tấn sản phẩm, đưa thương hiệu Vicem Bỉm Sơn lên tốp đầu trong cả nước.

VICEM Bỉm Sơn – cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp Thanh Hóa

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, với gần 100 triệu tấn xi măng cung cấp cho nhu cầu xây dựng đất nước; đóng góp ngân sách Nhà nước trên 3.400 tỷ đồng; tạo ra gần 2.700 tỷ đồng lợi nhuận; đóng góp cho công tác an sinh xã hội hàng trăm tỷ đồng... cùng lịch sử rất đỗi tự hào đã khắc họa lên tầm vóc và sự phát triển của Vicem Bỉm Sơn.

Phát huy truyền thống, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên và người lao động Vicem Bỉm Sơn tiếp tục xây dựng và củng cố khối đoàn kết, chung sức, chung lòng, tăng cường đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020, tạo đà vững chắc thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, xứng đáng là trụ cột của ngành xi măng Việt Nam, là niềm tự hào của ngành công nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Công ty CP Xi măng Bỉm sơn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:

- Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2002).

- Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba.

- Hai Huân chương Lao động hạng Nhất, bốn Huân chương Lao động hạng Nhì, sáu Huân chương Lao động hạng Ba.

- Bốn lần được tặng cờ thi đua xuất sắc và bốn lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 12 lần được tặng cờ và 16 lần được tặng Bằng khen của các bộ, ngành.


Theo VICEM Bỉm Sơn
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 5
  • 5
  • 5
  • 1
lên đầu trang